Cao Gia An, S.J.
Để khám phá chiều kích hành hương trong cuộc đời của thánh Inhaxio, trước tiên mời quý vị và các bạn xem cùng qua vài bức hình, ghi lại vài cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của vị thánh đặc biệt này.
Thứ nhất là bức tượng Inhaxio bị thương trong trận chiến ở Pamplona, vào năm 1521, cách đây vừa đúng 500 năm. Biến cố này đánh dấu bước ngoặc trong cuộc đời của chàng trai trẻ. Một viên đại pháo làm gãy một chân của Inhaxiô, đồng thời cũng làm vỡ nát mọi kế hoạch và mộng tưởng của chàng trai. Inhaxiô bị khiêng đi trên cáng như một kẻ chiến bại. Gương mặt của chàng trai này hằn lên một nỗi khủng hoảng sâu xa, là gương mặt của một người đang phải đối diện với một tương lai đã vỡ nát và bất định. Bàn tay trống trơn của Inhaxiô là bàn tay của một kẻ đã mất tất cả, không còn biết phải bám víu vào đâu.
Thứ hai là bức tượng Inhaxio dưỡng thương tại căn phòng riêng trong lâu đài của gia đình mình ở Loyola. Chúng ta bắt gặp hình ảnh một Inhaxio đang ngẩng mặt lên trời, nét mặt của một người vừa ngỡ ngàng vừa háo hức như đang khao khát tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ kỳ diệu. Đôi bàn tay của chàng trai ấy lúc này vẫn mở ra, bàn tay của một người khát mong được đổ đầy, được dìu dắt.
Thứ ba là một bức tranh không có dung mạo, chỉ khắc hoạ nên dáng đi của một Inhaxiô đang nhoài người lao mình về phía trước, bỏ lại mọi thứ phía sau. Bức tượng này nằm ở trung tâm Linh Đạo Inhaxio ở Ontario, thuộc Tỉnh Dòng Tên Canada.
Đây chỉ là một trong số ít những tác phẩm nghệ thuật về thánh Inhaxiô, Đấng sáng lập Dòng Tên. Các tác phẩm này có một nét chung đặc biệt, đó là phác hoạ rất tốt về hình ảnh của thánh Inhaxiô như một người hành hương.
Người hành hương là người luôn ở trong tư thế chuyển động. Rất khó để tìm thấy một hình ảnh nào của Inhaxio như một người thụ động hay một kẻ chấp nhận buông xuôi bỏ cuộc. Cả trong lúc bị thương sắp chết, cả trong thời gian dưỡng thương, Inhaxiô vẫn được khắc hoạ như một người ở trong tư thế đang tìm cách gượng dậy, để tìm cho mình một con đường mới, một khởi đầu mới, một chân trời mới.
Biến cố hoán cải năm 1521 đánh dấu một cuộc bắt đầu lại, làm lại, khởi hành lại, để từ đó Inhaxiô sống cuộc đời của mình như một người hành hương.
Hành hương có nghĩa là gì?
Chúng ta biết rằng trong tiếng La-tinh cổ từ hành hương, pelegrīnus, được tạo nên bởi hai thành tố: là giới từ “per” và danh từ “ager”. “Per” nghĩa là “ngang qua”, “băng qua”, và “ager” nghĩa là “cánh đồng”. Pelegrīnus, theo nghĩa đen của từ, là người đi băng ngang qua những cánh đồng của cuộc đời, người luôn có khả năng lên đường để tìm đến và chạm được vào chân trời mà lòng mình khát mong tìm kiếm.
Trong truyền thống đạo đức của Ki-tô giáo, niềm xác tín từ lâu đời của chúng ta đó là: mỗi Ki-tô hữu là một khách hành hương trong cuộc thế này, như thánh Phaolo khẳng định: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20). Người đi hành hương là người có khả năng cầu nguyện bằng đôi chân của mình. Mỗi cuộc hành hương là một hình ảnh ẩn dụ cho cả cuộc đời, một chuyến hành trình dài tiến về cùng đích là Thiên Chúa.
Với biến cố hoán cải, Inhaxio đặt chân vào một cuộc hành hương, và liên tục lên đường. Mục đích của những cuộc lên đường này chỉ có một thôi: đó là tìm kiếm Thiên Chúa, bước theo Thánh Ý Người.
Trong video này, tôi xin gợi ra ba điểm nhỏ để giúp chúng ta hiểu hơn về chiều kích hành hương trong cuộc đời của thánh Inhaxio. Đồng thời, tôi muốn từ đó mời chúng ta nhìn lại và yêu mến hơn chiều kích hành hương trong cuộc đời của chính mình, mời chúng ta sống cuộc đời mình như một người hành hương theo phong cách của Inhaxio.
Điểm thứ nhất: người hành hương là người có một mục đích sống cao đẹp cho cuộc đời của mình, một người luôn lao mình về phía trước trong hành trình tìm kiếm và phục vụ Thiên Chúa. Từ sau biến cố hoán cải, mục đích sống của cuộc đời chàng trai Inhaxio là làm Vinh Danh Thiên Chúa. Vì mục đích này, Inhaxio quyết tâm bước vào một cuộc đời mới, một cuộc đổi đời, khởi đi bằng việc tổ chức và sắp xếp lại cuộc đời mình cả bên trong lẫn bên ngoài.
Sắp xếp từ bên trong, nghĩa là Inhaxio bắt đầu làm việc nghiêm túc với những rung động trong lòng mình để nghe được tiếng Chúa, để học biết Chúa muốn mình đi đâu, Chúa muốn mình làm gì. Việc đụng chạm vào chính những khao khát thẳm sâu mà Thiên Chúa khuấy động trong lòng mình chính là động lực quan trọng nhất của một người hành hương, đặt cuộc đời của người ấy luôn ở tư thế lên đường bước theo Chúa.
Sắp xếp từ bên ngoài, nghĩa là Inhaxio bắt đầu có cho cuộc đời mình những kế hoạch cụ thể, sẵn sàng khởi động những con đường mới. Inhaxio rời bỏ quê nhà, sống như một người ẩn dật tại vùng quê Manresa, rồi cất bước lên đường đi hành hương miền Đất Thánh để được chạm vào những dấu chân của Chúa Giêsu, vị Thầy mà Inhaxio yêu mến. Rồi sau đó, để có thể trở nên một người phục vụ hữu ích ho Giáo Hội, Inhaxio sẵn sàng bước vào hành trình học hành ở tuổi 32, học chung với các trẻ em, khởi đầu bằng lớp vỡ lòng tiếng Latinh, như một sự chuẩn bị cần thiết để bước vào hành trình học hành với những điều cao siêu khác.
Như thế, chúng ta thấy làm một người hành hương theo phong cách của Inhaxio là người luôn sẵn sàng lên đường, lao mình về phía trước, hướng đến mục đích phục vụ Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội của Chúa.
Điểm thứ hai: Người hành hương là người biết cách bỏ lại sau lưng những gì cần phải bỏ lại, để có thể đến được nơi mà mình muốn đến, hay đúng hơn là nơi mà Chúa muốn mình đến. Như một người hành hương, Inhaxiô phải bỏ lại sau lưng mình rất nhiều thứ: bỏ lại cả con người cũ, bỏ lại tất cả những kế hoạch còn dang dở của mình, bỏ lại cả những ước vọng phù phiếm của mình.
Với Inhaxio, chúng ta biết, đây là cả một cuộc chiến đấu dài và vất vả. Xuất thân là một hiệp sĩ, và từ nhỏ đã hướng đời mình theo binh nghiệp, con người cũ của Inhaxio là con người với nhiều điều đáng quên. Vì thế mà khoảng thời gian đầu sau biến cố hoán cải, chàng trai Inhaxio của chúng ta phải chiến đấu với rất nhiều điều từ sức ghì của con người cũ. Bóng dáng của quá khứ và những lầm lỗi vẫn còn đó, vẫn đè nặng trên đôi vai của vị khách hành hương. Inhaxio phải đối mặt với sự cám dỗ và nghi nan về chính tương lai của mình, một tương lai được vẽ ra với đầy những quyết tâm nhưng lại không có gì chắc chắn. Nhiều lần Inhaxio bị dằn vặt với câu hỏi: liệu mình sẽ đi được bao xa, sẽ sống được bao lâu cái nhịp sống mới và cuộc đời mới này?
Chỉ có nhờ ơn Chúa, đặc biệt là nhờ sự giúp sức của Đức Mẹ, Inhaxio mới được hoàn toàn giải phóng khỏi bóng dáng và sức ì của người cũ của mình, để bước vào một cuộc sống mới. Giống như kinh nghiệm của thánh Phaolo, Inhaxio phải học cách “quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước”.
Như thế, chúng ta thấy làm một người hành hương theo phong cách của Inhaxio là người dám làm một cuộc dứt bỏ dứt khoát với quá khứ để hướng đến tương lai, để sống trọn vẹn cho hiện tại.
Đây là điểm thứ ba mà tôi muốn nói tới: người hành hương là người có khả năng sống trọn vẹn với giây phút hiện tại. Sống chiều kích hành hương theo phong cách của thánh Inhaxio không có nghĩa là chúng ta chỉ băng ngang qua cuộc đời này như những vị khách, xa và lạ. Linh đạo của Inhaxio là một linh đạo dấn thân và hoạt động. Hoạt động không ngừng nghỉ. Đồng thời với việc hoạt động là một ánh mắt nhìn ngắm, biết chiêm niệm, để luôn có thể thấy Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi người, nơi mọi sự. Thánh Inhaxio xác tín rằng làm hết sức mình có thể để phục vụ con người, để xây dựng cuộc sống này, là cách thiết thực nhất để làm Vinh Danh Thiên Chúa. Như thế, chiều kích hành hương theo phong cách của Inhaxio được thể hiện trong cung cách phục vụ của một người luôn muốn tìm kiếm một cái gì đó hơn nữa, luôn hướng đến những điều hơn nữa, luôn vượt lên trên được những giới hạn của chính mình, để sống với phiên bản tốt nhất của mình, đồng thời cũng có cách giúp người khác sống với phiên bản tốt nhất của chính họ. Ấy là cách sống trọn vẹn hiện tại của đời mình như một người hành hương theo phong cách Inhaxio.
Tôi muốn kết thúc bằng lời của Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, một người bạn đường và người môn đệ thân tín nhất của thánh I-nha-xi-ô: “Để sống tốt ở đời này, mỗi người phải là một khách hành hương, để có thể đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cho Vinh Danh Thiên Chúa”.
Với chúng ta hôm nay, đặc biệt là với người trẻ, hành hương theo cách nói nôm na đó là dám xách giỏ lên đường và đi. Sẽ rất tuyệt với nếu cuộc sống của chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút là một cuộc hành hương.
Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn có thể sống tuổi trẻ của mình như một cuộc hành hương:
Khi bạn biết buông bỏ lại phía sau tất cả những gì cần phải buông bỏ;
khi bạn có một lý tưởng cao cả và đẹp đẽ ở phía trước để không ngừng theo đuổi và dấn thân;
đặc biệt, khi bạn luôn có thể cố gắng mỗi ngày, trong mỗi giây phút trong hiện tại này, để có thể trở nên phiên bản tốt nhất mà Thiên Chúa muốn bạn trở nên.
Ấy là những nét đẹp đẽ và quý giá trong chiều kích hành hương của một người theo Chúa, theo phong cách của thánh Inhaxio, Đấng Sáng Lập Dòng Tên.