Thánh lễ Tạ ơn tân linh mục Tôma Aquinô Tạ Trung Hải, S.J. tại gx. Nghi Lập, gp. Ban Mê Thuột

SJVN – Sáng ngày 1-9-2013, vào lúc 9 giờ, trong tiết trời mát mẻ của vùng cao nguyên, tại nhà thờ Giáo xứ Nghi Lập, Giáo hạt Gia Nghĩa, Giáo phận Ban Mê Thuột, tân linh mục Dòng Tên Tôma Aquinô Tạ Trung Hải, S.J. đã dâng Thánh Lễ Tạ ơn cùng với cha Antôn Hồ Quang Hải (quản xứ Hòa An kiêm quản nhiệm giáo xứ Nghi Lập, cha Vinh Sơn Phạm Văn Mầm, S.J. – đại diện Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân, bạn hữu xa gần và cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Nghi Lập.

DSC_0107

Tân linh mục Tôma Aquinô Tạ Trung Hải, S.J. sinh ngày 06.12.1975 tại Cần Thơ. Đáp lại lời mời gọi sống đời dâng hiến của Thiên Chúa, cậu gia nhập Tập Viện Dòng Tên ngày 31.05.2002. Sau 2 năm nhà tập, thầy tuyên khấn lần đầu và học triết tại Học viện Thánh Giuse Dòng Tên. Sau 3 năm triết, thầy được bề trên gửi đi thực tập tông đồ tại cộng đoàn Thánh Gia tại Ngũ Phúc, Đồng Nai. Sau thời gian thực tập tông đồ, thầy trở về Học viện Thánh Giuse để tiếp tục theo học 4 năm Thần học. Ngày 3.12.2012, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn đã phong chức phó tế cho thầy tại nhà thờ Hiển Linh, Thủ Đức. Ngày 22.8.2013, thầy phó tế Tôma Aquinô Tạ Trung Hải đã được Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kon Tum truyền chức Linh mục tại Học viện Thánh Giuse Dòng Tên Việt Nam.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, Ban Thường vụ Giáo xứ Nghi lập đại diện cộng đoàn gửi lời chúc mừng đến tân linh mục, một người con và là hoa trái đầu mùa của giáo xứ được Thiên Chúa thương mời gọi cộng tác với Ngài trong thánh chức linh mục.

Mở đầu Thánh lễ, với lòng khiêm tốn ý thức thân phận nhỏ bé, yếu đuối của kiếp người nói chung và bản thân cách riêng, tân linh mục Tôma Aquinô mời gọi cộng đoàn cùng ngài dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho ngài được ơn nên giống Chúa Giêsu hơn mỗi ngày. Đồng thời, Thánh lễ này tân linh mục dâng còn với ý chỉ cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn thân quyến của ngài đã lìa cõi thế, trong đó có ông cố Tôma Aquinô.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Vinh Sơn Phạm Văn Mầm, S.J., Viện trưởng Học viện Thánh Giuse Dòng Tên, mời gọi mọi người nhìn đến đức khiêm nhường như một điều kiện để được dự tiệc Nước Trời. Qua đó, cha cũng nói về tầm quan trọng của đức khiêm nhường của người mục tử trong việc phục vụ dân Chúa dựa theo khuôn mẫu của vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu. Dưới đây là nguyên văn bài giảng của cha Vinh Sơn:

—————–

CHIỀU SÂU CỦA KHIÊM HẠ: CHIỀU CAO CỦA NƯỚC TRỜI

Hc 3: 17-18.20.28-29; Dt 12: 18-19.22-24a; Lc 14: 1.7-14

Vinc. Phạm Văn Mầm, S.J.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta vui mừng quy tụ nơi đây tham dự thánh lễ tạ ơn của tân linh mục Tôma Tạ Trung Hải vì cha vừa được Chúa trao ban thánh chức linh mục. Niềm vui này được diễn tả ra bề ngoài qua nhiều hoạt động khác nhau của giáo xứ: mời khách, đón tiếp, tổ chức thánh lễ tạ ơn, và tiệc mừng… Đó là dấu chỉ cho thấy ơn huệ được trao ban cho tân linh mục cũng là ơn chung của cả cộng đoàn!

Trong bầu khí hân hoan như thế, Lời Chúa hôm nay có thể gây sốc cho chúng ta khi nghe Đức Giêsu tuyên bố giữa đám khách dự tiệc đang tranh nhau chỗ ngồi danh dự: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14:11). Chúng ta bị sốc là vì chúng ta cũng đang dọn tiệc, sắp xếp chỗ danh dự cho những khách danh dự dự tiệc… Tuy nhiên, khi tuyên bố như thế trong khung cảnh một bữa tiệc, Đức Giêsu không nhắm dạy một bài học nhân bản và khôn ngoan về phép ứng xử ở đời, nhưng Ngài gởi một sứ điệp siêu nhiên đến khách dự tiệc: để có thể tham dự hội tiệc vui Nước Trời (Dt 12:22-23), người ta phải biết sống khiêm hạ.

Khiêm hạ: đường dẫn đến sự cao trọng Nước Trời

Trước hết, chúng ta thấy lời tuyên bố của Chúa Giêsu là câu nói không có chủ từ: “sẽ bị hạ xuống”“sẽ được tôn lên.”  Người nghe những lời như thế có thể tự hỏi: ai sẽ hạ xuống những người tự tôn mình lên và ai sẽ tôn vinh người biết hạ mình xuống?  Người hiểu biết chút ít về Kinh thánh đều biết rằng khi dùng kiểu nói này Kinh Thánh luôn ám chỉ rằng Thiên Chúa là chủ của hành động ấy và theo đó, Ngài là Đấng nắm quyền thẩm định chung cuộc vinh dự và sự cao trọng của mỗi người, chứ không tùy thuộc vào sự đánh giá của một cá nhân hay tập thể con người. Vì người Pharisiêu coi trọng một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp nên đã tìm kiếm hư danh nơi phố thị và bị Chúa trách; còn điều cao trọng mà Thiên Chúa muốn con người kiếm tìm là giá trị bền vững được tìm thấy qua con đường khiêm hạ.

Đức Giêsu là mẫu mực cho chúng ta khi chọn con đường khiêm hạ kể từ khi Ngài nhập thể đến khi ngài được tôn vinh. Để hiểu chiều kích sâu xa của lời khẳng định trên, chúng ta đừng quên lúc đó Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem (Lc 13:22); và chính tại nơi đó Ngài sẽ “bị hạ xuống” đến tận cùng của phận người bằng cái chết đau thương thập giá. Thư Philiphê cho biết Ngài tự hạ như thế nào: Đức Giêsu, phận là phận của một vì Thiên Chúa … đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, trở nên giống phàm nhân; giữa phàm nhân, Ngài mặc lấy thân nô lệ; giữa hàng nô lệ, Ngài chết như một tội nhân… Đó là chiều sâu của tinh thần khiêm hạ: không hời hợt, bề ngoài và dễ dãi, nhưng là một chọn lựa triệt để và đòi phải trả giá.

Đức Giêsu đã không mời chúng ta học với Ngài vì Ngài thông thái và quyền năng, nhưng mời gọi chúng ta hãy học với Ngài vì Ngài có tâm hồn khiêm hạ. Khiêm hạ vì thế là một nhân đức hoàn thiện mà mỗi người Kito hữu và người lãnh đạo dân Chúa phải ra sức học tập nơi Ngài.

Phục vụ: hoa trái của thực hành khiêm hạ

Thứ đến, Lời Chúa hôm nay còn nhấn mạnh đến những phẩm tính của người lãnh đạo cần phải có.  Sách Huấn ca khẳng định rằng khi chúng ta hạ mình xuống để phục vụ thì sẽ đẹp lòng Thiên Chúa: “càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, và điều đó đẹp lòng Chúa” (Hc 3: 18) và nhờ đó được mọi người yêu mến.  Đức Giêsu cũng xác nhận phục vụ là hoa trái của thực hành khiêm hạ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em” (Lc 22:11). Khiêm hạ là nhân đức nền tảng đem lại sự bình an và hóa giải mọi oán thù và bạo lực, ngược lại kiêu căng và tự mãn luôn làm gia tăng sự bất hòa, hiềm khích, chia rẽ và bạo lực. Bà mẹ hai ông Giacôbê và Gioan khi xin hai chỗ cao trọng trong Nước Thiên Chúa cho hai con đã gây ra sự bất hòa giữa các tông đồ. Còn Đức Giêsu cho thấy cung cách sống của Ngài giữa các môn đệ thì khác với điều họ tìm kiếm: “Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:17).

Đức Giêsu rất thường quở trách những người Pharisiêu là đạo đức giả. Vì yêu mình nên họ đã coi thường và bỏ qua những điều răn của Thiên Chúa (Mc 7: 8a), lãng quên thực thi công lý, lòng nhân, và thành tín (Mt 23:23). Người Pharisiêu đã lợi dụng vị trí và chức vụ của họ trong Giáo hội Do thái để trục lợi (chiếm đoạt tài sản các bà góa). Vì không có chiều sâu đạo đức nên họ phải dựa vào những hình thức bề ngoài (áo quần) để tìm sự kính trọng. Mỗi chúng ta và cách riêng các linh mục của chúng ta cũng có thể rơi vào lối sống đó.

Anh chị em thân mến,

Chẳng ai trong chúng ta để cho các mục tử của chúng ta phải đói khát và ăn mặc rách rưới, nhưng những đói khát về của cải, danh vọng và chức quyền thế gian vẫn là thèm muốn khôn nguôi đe dọa sự thánh thiện mà Chúa chờ đợi nơi các ngài, bởi các ngài cũng là những con người như bao người khác. Vì thế, chúng ta đừng góp phần vào việc làm “hư” các linh mục, trong đó có cha mới của chúng ta, bằng sự dễ dãi, chiều chuộng, tâng bốc khiến các vị xa lìa phẩm chất của người mục tử khiêm hạ, khiến họ lãng quên sứ mạng thiêng liêng cao cả là loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa (Lc 4: 18). Đó là sứ mạng cao cả mà mỗi chúng ta có bổn phận phải vun vén vào.

Nếu Đức Giêsu đã không ngừng lên tiếng chỉ trích các lãnh đạo người Do thái là đạo đức giả thì chúng ta có bổn phận giúp cho các linh mục của Chúa “đạo đức thật,” nghĩa là ngày càng trở nên giống Đức Giêsu khiêm hạ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục biết ý thức về thân phận mỏng dòn dễ sa ngã của mình, để các ngài biết nương tựa vào Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục biết chuyên chăm cầu nguyện như Đức Giêsu để các ngài biết phân định phải trái để sống theo sự thật Tin mừng, không tránh né sứ mạng được ủy thác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục biết noi gương Đức Giêsu sống giản dị và siêu thoát khỏi ham muốn của cải và địa vị thế trần để chỉ biết đặt mọi hy vọng nơi Chúa, ngay cả lúc đen tối nhất của cuộc đời. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục biết noi gương Đức Giêsu quỳ xuống “rửa chân” cho những người nghèo và khổ đau, những người chẳng có gì đáp lễ cho các ngài ở đời này, ngoài phúc lành trong ngày kẻ chết sống lại ở đời sau (Lc 14:14).  Đó cũng là những phẩm chất cao quý của người mục tử tốt lành mà Chúa mong chờ nơi cha mới của chúng ta.

Người ta nói rằng khi trời mưa, nước mưa rơi trên những đỉnh cao trước, nhưng nước lại không đọng lại trên những vùng cao. Nước luôn tìm cách tuôn đổ về chỗ trũng. Chính vì thế mà người ta nói rằng biển cả là mẹ của sông ngòi vì biển hạ mình thấp hơn mọi con sông và là nơi tràn đầy sự sống. Ai sống khiêm hạ hay biết hạ mình xuống thì người ấy như lũng sâu, như biển cả đón nhận mọi nguồn phúc ân cao trọng từ Thiên Chúa. Vì lý do đó mới có câu “chiều sâu của khiêm nhường lại là chiều cao của Nước Trời.” Thử có mấy ai trong chúng ta dám đánh liều đi vào con đường khiêm hạ dẫn đến sự cao trọng này? Nhưng đó lại là sứ điệp của Lời Chúa thách đố chúng ta khi chúng ta cùng với tân linh mục tạ ơn Thiên Chúa vì ân huệ thánh chức linh mục vừa được trao ban cho cha xét như người mục tử.

————-

Sau khi cộng đoàn đọc kinh cầu nguyện cho tân linh mục cuối phần hiệp lễ, cha mới Tôma Aquinô đã có đôi lời tri ân giáo xứ quê nhà, nơi ngài được đào tạo và hướng dẫn trong đời sống đức tin. Ngài cũng cám ơn cha chính xứ, quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ, quý ban ngành đoàn thể và cộng đoàn đã chia sẻ niềm vui và cầu nguyện cho ngài.

Đặc biệt, cha Tôma Aquinô đã nói lên tấm lòng con thảo của mình với thân mẫu. Vì thân phụ mất sớm, thân mẫu ngài đã phải tần tảo để nuôi dưỡng con cái. Cha cũng xin lỗi vì sứ vụ linh mục không cho phép ngài thường xuyên về thăm nhà và phụng dưỡng mẹ. Vì thế, cha đã xin anh chị em trong gia đình thay ngài phụng dưỡng mẹ. Có một chi tiết làm cả cộng đoàn hết sức xúc động là khi cha trao cho bà cố một vòng hoa và một cái ôm hôn thắm tình con thảo.

Cuối Thánh lễ, cha chính xứ Antôn Hồ Quang Hải đã long trọng công bố Sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phaolô VI về việc ban phép lành Toà Thánh với ơn Toàn xá kèm theo từ vị tân linh mục.

Thánh Lễ Tạ ơn khép lại sau phép lành Toà Thánh của tân linh mục trong bầu khí yêu thương, nhiều xúc động vì những hồng ân lớn lao mà Chúa đã thương ban.

MỜI BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM HÌNH ẢNH

Chí Thành, S.J.

Hình ảnh: Bạch Thuấn, S.J.

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *