Thầy hiền lành và khiêm nhường trong tim

Ngày 1 tháng 7 năm 2011
Thánh Tâm Chúa Giê-su

Thầy hiền lành và khiêm nhường trong tim

Mt 11, 25-30

1. « Lạy Cha là Chúa Tể trời đất… » (c. 25-26)

– Lời của Đức Giêsu ngỏ với Cha ở đây thật ngắn gọn và quá quen thuộc với chúng ta. Nhưng nếu chúng ta chịu lắng nghe với cả con người của mình, chúng ta sẽ nghiệm ra được rằng lời này diễn tả cả một mầu nhiệm : « Thưa Cha, là Đức Chúa của trời và đất… ». Trước hết, chúng ta hãy đi vào trong tâm tình ca tụng của Đức Giêsu : nhận ra cách hành động của Cha với sự cảm phục, và dâng lời ca tụng. Nhưng để ca tụng phải có lòng yêu mến, vì chúng ta không thể ca tụng một người, nếu không mến người đó.

– Ai là những người khôn ngoan và những người thông thái ? Ai là những người bé mọn ? Theo tiêu chuẩn nào ? Dưới mắt ai, hay bình diện nào ? Đức Giêsu phải là người bé nhỏ, thì mới nhận ra và ca ngợi cách hành động của Thiên Chúa Cha. Vậy đâu là tâm tình ca tụng của riêng tôi ? Tôi có nghiệm ra được điều gì về Chúa Cha, để ca tụng Ngài không ?

 

2. Hiệp thông và chia sẻ (c. 27)

– Sau đó, Đức Giêsu nói về mình trong tương quan với Cha và với con nguời : « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha ; cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con. » Ở đây, chúng ta được mời gọi ra khỏi mình, ra khỏi những vấn đề hay những bận tâm của mình để chiêm ngắm và ca ngợi sự hiệp thông trọn vẹn, cả ở bình diện sở hữu lẫn bình diện hiểu biết, nghĩa là hiệp thông sự sống, giữa Chúa Cha và Người Con là Đức Giêsu. Tuy nhiên, và đây là niềm an ủi lớn nhất cho chúng ta, sự hiệp thông trọn vẹn giữa Chúa Cha và Đức Giêsu không phải là một sự hiệp thông kín. Hiệp thông kín là hiệp thông chỉ có hai người với nhau thôi, không mở ra cho những người khác, như chúng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống. Nhưng, hiệp thông chỉ đích thực, khi đó là một hiệp thông mở rộng, hiệp thông chia sẻ. Và đây, Đức Giêsu muốn chia sẻ sự hiểu hiểu biết của Ngài về Cha cho con người chúng ta. Đó chính là sứ mạng của Ngài và đó cũng chính là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.

– Nhưng ai là những người mà Người Con muốn mặc khải Chúa Cha ? Phải chăng là những người bé mọn ? Bởi vì Cha nào Con nấy mà ! Sứ điệp thật rõ và mạnh : để đón nhận, theo cách nói của K. Rahner, « sự tự thông truyền » (auto-communication) của Chúa Cha và Đức Giêsu, chúng ta phải là người « bé mọn », phải là bé mọn ngay vào lúc chúng ta chuẩn bị « làm lớn » hay đang “làm lớn” ở một bình diện nào đó ! Đức Giêsu đã là “người bé mọn”, vì thế Ngài là khuôn mẫu để chúng ta trở nên bé mọn; hay đúng hơn, chúng ta được mời gọi mặc lấy, mang lấy tâm tình trong Thánh Tâm của Ngài, Tin Mừng của Ngài, và chính bản thân Ngài để trở nên bé mọn với Cha, với nhau và với người khác.

3. “Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong tim” (c. 28-30)

Trong phần này, Đức Giêsu ngỏ với tất cả những ai đang vất vả và đang mang gánh nặng nề. Phải chăng đó chính là những người Ngài muốn mặc khải Chúa Cha. Những người đang vất vả. Chúng ta vẫn thường nói số người này vất vả, số người kia nhàn hạ. Nhưng đó chỉ là vất vả hay nhàn hạ bề ngoài mà thôi. Thân phận con người, tự nó là “vất vả”. Kinh nghiệm nhân sinh nói rất đúng về mình, khi gọi đó là: “kiếp người”. Kinh nghiệm Nhà Phật cũng nhìn nhận: đời là bể khổ. Và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bài hát Một Cõi Đi Về, đã chất vấn mình và cũng là chất vấn đời người: “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Vất vả ở đây còn có thể hiểu theo nghĩa hiện sinh; các triết gia hiện sinh nói: con người bị buộc phải tự do (l’homme est condamné à être libre). Và để tự do, thì rất “vất vả”. Cuối cùng, vất vả còn theo nghĩa ơn gọi, ơn gọi làm người. Để trở thành “nhân linh”, “con người” phải vất vả biết bao!

– Những người đang mang gánh nặng nề: khi đến tuổi trưởng thành, lập gia đình hay đi tu, ai cũng có trách nhiệm, cũng có phận vụ, mà trách nhiệm và phận phận vụ là một gánh nặng; rồi cả những gánh nặng chúng ta mang vác cho nhau; không kể những gánh nặng chúng ta tự chất cho mình hay chất cho nhau; sau này (bình thường, từ 40 tuổi trở lên), chúng ta còn phải mang gánh nặng của tuổi tác, bệnh tật và chính cái chết.

– Như thế, Đức Giêsu nhìn thấy không phải một số người, nhưng là tất cả mọi người với thân phận con người, trong đó có mỗi người chúng ta, là những người đang vất vả và đang mang gánh nặng nề. Ngài nhìn mỗi người chúng ta với lòng thương cảm, và vì thế Ngài mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài và Ngài sẽ ban cho sự nghỉ ngơi. Lời mời gọi thật nhưng không, chúng ta chỉ đến và lãnh nhận.

– Điều lạ lùng là nghỉ ngơi cũng chính là cùng đích của loài người. Con người được dựng nên cho Thiên Chúa, và chỉ tìm thấy an nghỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thánh Augustinô nói như thế. Cùng đích này được biểu lộ trong:

  • Trình thuật sáng tạo 7 ngày. Ngày thứ bảy, điểm tới của công trình tạo dựng, là ngày Thiên Chúa ngưng mọi việc. Là ngày duy nhất, Thiên Chúa vừa chúc phúc và vừa thánh hóa.
  • Ngày Sabát hay ngày Chúa Nhật, là ngày con người được mời gọi tự do với gánh nặng của cuộc sống, cảm nếm một chút sự nghỉ ngơi và nhất là hướng về sự nghỉ ngơi mãi mãi trong Chúa.
  • Khao khát thẳm sâu của con người. Con người ước ao nghỉ ngơi, nhất là lúc “nhắm mắt suôi tay”; và chúng ta cầu chúc cho người quá cố: requiescat in pace (RIP).

– Nhưng với Đức Giêsu, sự nghỉ ngơi được ban cho chúng ta ngay hôm nay, khi chúng ta mang lấy ách và gánh của Ngài. Nhưng điều này sao mà nghịch lí quá: làm sao mà có được sự nghỉ ngơi khi vẫn phải mang phải vác, cho dù có dễ và nhẹ đi chăng nữa. Và kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta đâu được nghỉ ngơi gì nhiều khi mang ách và chịu gánh của Chúa. Có khi chúng ta còn cảm thấy ngược lại!

– Lí do là vì chúng ta chưa thực sự đến và ở lại để học với Ngài. Đến với Đức Giêsu, chúng ta không thể không yêu mến Ngài, vì Ngài hiền lành dịu dàng (đối lại với bạo lực) và khiêm nhường trong tim. Vì thế, khi chúng ta chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta còn được mời gọi nhận ra sự hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Chắc chắn chúng ta có kinh nghiệm này rồi. Và chúng ta luôn cảm thấy được an nghỉ khi đến với Người mình hằng mến yêu. Nếu có ách và có gánh, thì ách và gánh này đã được yêu mến rồi.

Không ở đâu Đức Giêsu bày tỏ Thánh Tâm của mình, nghĩa là sự hiền lành và khiêm nhường rõ hơn là trên Thánh Giá. Hơn nữa, với Thánh Giá, Ngài mang lấy hết mọi ách, mọi gánh của chúng ta rồi. Dù chúng ta có “mang gánh nặng nề” như thế nào, chúng ta vẫn được mời gọi kinh nghiệm sự nghỉ ngơi ở trong Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Vì như ngôn sứ Isaia nói:

Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

(Is 53, 4; x. Mt 8, 17)

 

Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Kiểm tra tương tự

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Tội phạm Mafia và bài học tha thứ

  Liệu chúng ta có thể học cách tha thứ ngang qua Mafia?   Trích …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *