“Thầy là cây nho, anh em là cành”
(Ga 15, 1-8)
1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.
3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.
8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
***
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giê-su nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha, ngôi vị của Người và các môn đệ, ngang qua hình ảnh “cây nho”, trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nghĩa là bầu khí của “tình yêu đến cùng”, được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua bí tích Thánh Thể.
Vì thế, chúng ta được mời gọi lắng nghe những lời này của Đức Giê-su, và nhất là chiêm ngắm hình ảnh cây nho, dưới ánh sáng của tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta, được thể hiện nơi Đức Giê-su Chịu Đóng Đinh, “đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”.
1 – Hình ảnh Cây nho
Khi suy niệm lời của Đức Giêu trong bài Tin Mừng này, chúng ta đừng vội áp dụng hình ảnh cây nho vào tương quan giữa Đức Giê-su và chúng ta, nhưng hãy dành nhiều thời giờ để hình dung và chiêm ngắm khu vườn với đất đai, khí hậu, người chăm sóc, cây nho, thân nho, cành nho…. Tất cả để hướng tới hoa trái, và càng nhiều hoa trái càng tốt. Thật vậy, lời của Đức Giê-su trong phần này nói về hoa trái và hướng về hoa trái từ đầu đến cuối (c. 2. 4. 5 và 8).
Chúng ta hãy tự hỏi trái nho dùng để làm gì? Đương nhiên là để ăn và chúng ta đã từng ăn nho rồi. Nhưng nho còn được dùng vào việc gì nữa? Chúng hãy chú ý đặc biệt đến rượu nho. Dường như hoa trái tận cùng của vườn nho và cây nho chính là “rượu nho”, hay ít nhất, rượu nho là sản phẩm tiêu biểu nhất của vườn nho và cây nho. Chúng ta hãy nhớ tới rượu nho trong tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-12) và nhất là rượu nho trong bữa Tiệc Ly. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su sẽ dùng chính rượu nho để nói lên tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những ai thuộc về Ngài, trong đó có chúng ta hôm nay:
Cũng đang bữa ăn… Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.
(Mc 14, 23-24)
Như thế, nếu chúng ta tự mình bất lực không thể sinh hoa trái, và từ hoa trái phát sinh rượu ngon, thì chính Chúa đã tự nguyện trở thành rượu ngon trao ban cho chúng ta để tái sinh chúng ta rồi, và chính tình yêu đến cùng của Chúa sẽ làm cho chúng ta sinh hoa trái.
Hình ảnh cây nho thật là đẹp và giàu ý nghĩa, nhưng hình ảnh này cũng chất vấn chúng ta nữa:
- Tất cả chúng là “cành” chứ không phải là “thân”, dù chúng ta là ai.
- Và đã là cành, thì phải gắn liền với thân để sinh hoa kết quả.
Chúng ta nên đọc từng câu và dừng lại ở những lời đánh động, soi sáng, chất vấn chúng ta nhiều nhất, trong hoàn cảnh hiện tại. Xin Chúa khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao ở lại trong Chúa, và xin Lời Ngài thanh tẩy, tái tạo và làm phát sinh hoa trái dồi dào nơi chúng ta.
2 – Ở lại trong nhau
Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, như cành nho gắn liền với thân nho. Đức Giê-su ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Thực vậy, Đức Giê-su sẽ nói tới tình yêu trong phần tiếp theo: “Chúa Cha yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Lời mời gọi ở lại, được Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, qua hình ảnh thân nho, cành nho và trái nho, và theo những cách thức khác nhau.
- Khi thì xác định: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”.
- Khi thì phủ định: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo”.
Với bí tích Thánh Thể, được hoàn tất trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, mà chúng ta cử hành mỗi ngày và là trung tâm của đời sống dâng hiến của chúng ta, Đức Giê-su sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta, để cho chúng ta có thể mãi mãi ở lại trong Ngài. Nhưng Đức Giê-su còn ở lại với chúng ta ngang qua Lời của Người nữa, bởi vì Người là Ngôi-Lời, nghĩa là Lời và Ngôi Vị của Người là một. Vì thế, ngay sau đó, Đức Giê-su nói về lời của mình: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (c. 3) ; « Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý » (c. 7). Như thế, Đức Giê-su còn ở lại trong chúng ta qua Lời của Ngài, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, bằng cách “ăn” Lời của Người như là lương thực, nghĩa là để cho Lời của Ngài ở lại và thấm vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
Chính vì thế, các việc thiêng liêng của chúng ta đều khởi đi từ Lời Chúa: cầu nguyện, Thánh Lễ, chia sẻ, các Giờ Kinh Phụng Vụ, tĩnh tâm… Lời của Đức Giê-su không chỉ là nhựa sống, nuôi sống chúng ta, kết nối chúng ta với Đức Giê-su và làm cho chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn có chức năng cắt tỉa, làm chúng được nên thanh sạch.
3 – Tôn vinh Thiên Chúa Cha
Nhưng lời của Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta chiêm ngắm người trồng nho, là chính Chúa Cha. Thật vậy, Người nói : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (c. 1) ; và Người nói tiếp : « Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” » (c. 8). Điều Chúa Cha ước ao, và qua đó Ngài được tôn vinh, là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Chúng ta có thể tự hỏi, đâu là hoa trái mà Chúa Cha ước ao chúng ta làm phát sinh ? và chúng ta phải làm sao để làm phát sinh nhiều hoa trái ? Và Chúa Cha không chỉ ước ao chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn “chăm sóc” chúng ta, vì Ngài là người trồng nho.
Chúng ta có quan tâm đến ước ao của Chúa Cha không? Đến vinh quang của Ngài không, khi mà chúng ta vẫn tung hô: “Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa tự muôn đời và chính hiện nay và luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen”?
* * *
Tất cả (người trồng, đất, cây nho, sự chăm sóc công phu….) đều hướng về “hoa trái”. Thực vậy, đoạn văn TM của chúng ta mở đầu và kết thúc với hình ảnh “hoa trái”: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (c. 2); và “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (c. 8).
Vậy, để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giê-su; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Trong những lời này, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta xin. Nhưng chúng ta xin gì, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ sinh nhiều hoa trái cho Vinh Danh Thiên Chúa Cha.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc