Thiên Chúa không vắng bóng!

  1. Sơ thấy lần đại dịch này như thế nào?

Trong những ngày tháng qua, nhân loại chúng ta đang sống trong sự hoang mang, lo sợ vì sự lây lan kinh hoàng bởi virút Corona. Thật bàng hoàng trước những con số thống kê mỗi ngày liên quan dịch bệnh. Nhiều nơi trên thế giới bị cách ly, bị phong tỏa, số người chết, số người bị nhiễm bệnh mỗi ngày một tăng lên và không biết đến khi nào thì dừng lại. Cho đến hôm nay số người mắc vi rút trên toàn thế giới đã vượt mức 20 triệu ca, số người chết cũng gần đến 1 triệu người, Việt nam cũng có những ca lây nhiễm trong cộng đồng không rõ F1, số người chết cũng tăng lên mỗi ngày. Nhân loại đang phải trải qua những khoảnh khắc bi ai nhất mà mọi dân tộc, mọi quốc gia, và tất cả các lãnh thổ đều chung một lo âu, một hiểm họa mang tính chất toàn cầu. Sự tấn công của con virút này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà nó còn tác động đến mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tương quan con người…

  1. Chắc hẳn sơ tiếp xúc với nhiều người, nhất là những người nghèo. Sơ biết câu chuyện nào của người nghèo khi phòng chống dịch?

Khi dịch bệnh bùng phát, điều người nghèo lo lắng lúc này là: thất nghiệp – không có việc làm do cách ly, giãn cách xã hội… Họ vốn là những người thiệt thòi trong xã hội, khi những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống (như: chỗ ở, việc làm, ăn uống…) chưa được bảo đảm thì họ cũng chưa quan tâm lắm đến việc bảo vệ sức khỏe của mình. Một thực tế cho thấy, khi vi rút Corona chưa xuất hiện, cuộc sống mưu sinh hằng ngày của người nghèo tại các thành phố lớn luôn phải đối diện với những tai nạn của nghề nghiệp (họ làm việc trên độ cao, dưới lòng đất, làm việc trong những nơi ô nhiễm khí độc, dưới trời mưa nắng ở nhiệt độ cao…). Thật xót xa khi họ chia sẻ: Cuộc sống mưu sinh hằng ngày đối diện giữa sống – chết thật mong manh. Có lẽ quen rồi với những rủi ro cận kề nên không quá hoang mang khi con vi rút xuất hiện, mà chỉ âu lo khi dịch bệnh đến mưu sinh cuộc sống gia đình lại trở nên chật vật hơn trước. Khi nhắc đến các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ trong những ngày đại dịch, họ cảm thấy được nâng đỡ phần nào dù chỉ vài ký gạo, ít gia vị nấu bếp, chút khẩu trang, chai dung dịch sát khuẩn…

  1. Thiên Chúa đang vắng bóng, hoặc đang thử thách con người, (nhiều người nói thế). Với sơ, điều ấy có đúng không?

Có lẽ, nhiều người có niềm tin Tôn giáo khác nhau họ đang sống trong tâm tình phó thác, khẩn cầu… vào Đấng mà họ cậy tin. Hai chữ “Bình An” trong lúc này thật ý nghĩa và quan trọng. Với niềm tin của người Công giáo chúng ta, trong những lúc bão tố của cuộc đời thì Thiên Chúa luôn là Đấng họ vững lòng tín thác. Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa! Vì Ngài đã nói: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28) 

Thế nhưng, trước những đau khổ, chết chóc quá kinh hoàng, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu trong đau khổ của nhân loại?” Đức Giêsu là Thiên Chúa, vậy mà trong giây phút đau thương chịu khổ hình thập giá, Ngài cũng đã thốt lên “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46). Dịch bệnh, chết chóc, nghèo đói, đau khổ trong cuộc sống… không phải là thập giá mà Thiên Chúa dành cho con người. Có người cho rằng “Thiên Chúa đang trừng phạt tội lỗi của con người…” Xin khẳng định: Thiên Chúa không tạo ra Thập Giá, nhưng chính con người đã đặt lên vai của Người thập giá nặng nề ngay sau khi Người đã bị tra tấn bởi roi vọt, sỉ nhục và nhạo báng… Người đã vác lấy thập tự của con người làm ra, rồi lê bước trên con đường sỏi đá đến nơi mà con người định tâm dành cho Người một cái chết nhục nhã.   

Một nhà Thần học đã trả lời trước câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu trước đau khổ của nhân loại?”  Ông nói: “Thiên Chúa ở đây trên những khuôn mặt đau khổ của con người. Người nâng đỡ họ, lau khô những giọt lệ trên khuôn mặt họ. Thiên Chúa bên cạnh chúng ta và trở nên nạn nhân với chúng ta…” Thiên Chúa không bỏ mặc con người, Người cùng song hành trong niềm vui, nỗi đau của nhân loại. Trước khi được Thăng thiên Đức Giêsu hứa với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20)  Lời hứa của Đấng Cứu Thế – lẽ nào là lời hứa suông? Sách Sáng Thế thuật lại rằng: ngay sau khi tạo dựng vũ trụ vạn vật thì “Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa…” (St 1) đó là một đặc ân mà Thiên Chúa dành riêng cho con người: con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Bạn, tôi và tất cả chúng ta đều mang hình ảnh của Thiên Chúa – một Thiên Chúa sống động. Thiên Chúa ở cùng chúng ta ngang qua những khuôn mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Người đang dùng chính hình ảnh là con người để biểu lộ sống động lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không vắng bóng. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

  1. Đâu là những điều quan trọng với sơ khi phòng chống dịch?

Khi đối diện với dịch bệnh chúng ta không nên quá lo lắng và cũng không chủ quan. Mỗi người dân cần tuân thủ những chỉ dẫn phòng tránh dịch bệnh do ngành y tế đề nghị. Như khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn trong giao tiếp… Tôi cho rằng mình không bao giờ được nghi ngờ người đối diện đang nhiễm vi rút. Sự nghi ngờ dễ làm chúng ta rơi vào tình trạng tránh né, ghê sợ người chung quanh. Tôi có trách nhiệm nghĩ môi trường sống xung quanh mình (đặc biệt những nơi công cộng) tiền ẩn những nguy cơ mang mần bệnh, để từ đó ta có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, sức khỏe của người khác. Khoảng cách giữa bạn và tôi là một khoảng cách an toàn giúp chúng ta có thể sống khỏe, sống bình an. Tôi ví von khoảng cách này là khoảng cách yêu thương.

  1. Nhiều người đang hy vọng “cuộc sống sẽ trở lại như ngày xưa”. Điều ấy nói lên điều gì, thưa sơ ?

Hy vọng luôn là động lực giúp chúng ta vững vàng sống trước những khó khăn thử thách. Với người Công giáo niềm tin vào Thiên Chúa sẽ giúp ta vượt qua giông bão của cuộc đời. Mơ ước về một cuộc sống trở lại như ngày xưa – đồng nghĩa chúng ta nhìn nhận những giá trị cuộc sống tốt đẹp trước đây chúng ta đã có, nhưng rất tiếc hôm nay đã bị Covid 19, hay một điều gì đó khống chế. Chúng ta có quyền khao khát xây dựng lại những gì tốt đẹp đã và đang mất đi. Đồng thời cũng biết trân quý và góp phần phát triển những giá trị tốt đẹp của hiện tại để mỗi người không phải hối tiếc điều gì khi đã qua đi.

  1. Như thế, vai trò của Giáo Hội Công Giáo để đồng hành với người tín hữu như thế nào trong thời gian sau đại dịch?

Tôi nghĩ chúng ta hãy cùng bắt tay hành động xây dựng lại một thế giới xanh – sạch – đẹp như thông điệu Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, xây dựng lại môi trường sinh thái toàn diện (con người, xã hội, môi trường, văn hóa, kinh tế,…)  hãy trả lại cho vạn vật như thửa ban đầu Thiên Chúa tạo dựng. Sự phát triển của công nghệ (sinh học, điện tử, viễn thông..) mang lại cho con người những tiện ích và sự thoải mái trong cuộc sống ở mức độ cao. Nhưng đồng thời cũng tạo cho con người những rủi ro đáng sợ và làm ta xa cách Thiên Chúa, xa cách nhau… Thiết nghĩ, Giáo Hội Công giáo trong đó có mỗi chúng ta là bàn tay nối dài của Thiên Chúa cùng nhau thiết lập lại trời mới đất mới như thửa ban đầu. Nếu chúng ta cùng nhau hành động cho tương lai của Ngôi nhà chung thì tôi tin  một trời mới, đất mới sẽ thành hình sau đại dịch.

Thực hiện: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nữ tu Anna Nguyễn Thị Thúy Phượng  (Bút danh Thiên Di), Dòng Đức Bà – Nữ Kinh Sỹ Thánh Âu Tinh (CND – CSA)

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *