Thư luân lưu về việc cha Đắc Lộ qua đời

vatica22n-inri

Thưa cha đáng kính.

Tôi xin báo tin cha hay việc cha Đắc Lộ qua đời tại đây vào ngày 5 tháng 11, sau một cơn bệnh lâu dài và lên xuống thất thường. Bởi vì bệnh sưng bụng làm cha yếu mệt hầu như trọn tháng 9, tiếp đến là bệnh nhức buốt tai hại làm cha đôi khi không dâng Thánh Lễ được (điều này còn gây đau đớn cho cha hơn là cơn bệnh). Tình trạng trên kéo dài đến giữa tháng 10, mà chẳng có phương thuốc nào giúp cha dễ chịu hơn. Từ đó cha phải nằm liệt giường, không còn dâng Thánh Lễ được, vì cha còn bị rơi vào một thứ bệnh rỉ máu mà như người ta xét đoán do ung nhọt trong ruột. Chứng rỉ máu đã chẳng cho cha nghỉ yên chút nào ngày cũng như đêm. Những cơn khó chịu ấy kèm theo sự chán ngấy, đúng hơn là ăn chẳng biết ngon, rồi đến đau lá lách. Người ta đã chữa cha bằng mọi thứ thuốc mà người ta đoán phải có lợi cho cha, nhưng những thứ bệnh ấy chẳng chịu một thứ thuốc nào. Rõ ràng là sức khoẻ của cha rất tàn tạ, suy nhược. Tuy nhiên, nhờ tim cha còn rất tốt, nên ngay những ngày cuối cùng của cơn bệnh, chúng tôi thấy ít khi lên cơn sốt. Hy vọng rằng những thứ bệnh đang tấn công cha, sẽ không thể làm cha chết vào chiều thứ sáu 5 giờ trước khi cha tắt thở. Vì lúc đó dường như sức khoẻ tốt hơn, nên cha dùng bữa theo thường lệ. Đến 4 hoặc 5 giờ sau, nhờ ơn Chúa, cha chịu hết các phép Bí tích rồi linh hồn về với Chúa một cách nhẹ nhàng và thánh thiện. Tôi muốn nói mà không thêm bớt chút nào, đó là cha đã kết thúc cuộc đời như ngọn nến tàn dần.

Theo tôi, đã từ lâu chẳng những cha ước ao, mà còn dự đoán và biết trước định mệnh đó. Vì từ khi tu huynh George Berthe và tôi trở về đây, đến nay được một năm, thì cha đã nói với chúng tôi, là cha tin tưởng rằng Chúa đã cho phép chúng tôi trở về để giúp cha chết, kẻ giúp về phần thiêng liêng, người giúp về phần thân xác. Từ đó cha chuẩn bị chết bằng cuộc linh thao thường niên với một tâm hồn sốt sắng mới mẻ, cách riêng cha xưng tội chung về cả đời sống cũng vì ý ấy. Do đó, cha dọn mình kỹ lưỡng và lâu dài; cha xét mình và viết ra cả những chi tiết và hoàn cảnh lầm lỗi dù nhỏ nhất. Bởi đấy cha có thể hoàn thành trong nhiều ngày, luôn luôn với sự xúc động bề trong cũng như bề ngoài khi ăn năn tội, một sự xúc động lâu dài như cuộc đời của cha; mỗi lần xưng tội là mỗi lần cha xúc động. Cha xưng tội hàng ngày theo thói quen bao nhiêu có thể ít nhất từ khi cha có mặt ở đây 1655. Trong việc xưng tội, cha tìm ra chất liệu tội để xưng với một lương tâm kính sợ Chúa tới mức bối rối, coi là tội những thứ không phải là tội và cha dọn mình rất kỹ lưỡng như tôi được biết, vì trong 5 năm 4 ngày tôi được hân hạnh làm người giải tội cho cha (trừ khoảng 11 tháng tôi vắng mặt).

Hầu hết và có thể nói là tất cả thư từ cha viết trong năm nay 1660  chứng tỏ khá rõ cha đã dự đoán cái chết gần kề; những ai đã nhận được thư cha viết trước khi phát cơn bệnh, đều có thể nhận ra điều đó.

Cha đã xin tôi cho cha biết khi cơn bệnh trở nên nguy kịch, nếu người ta đoán được thực là nguy; nhưng trước khi chúng tôi biết được thì chẳng còn thuốc nào chữa nổi. Vào lúc hai giờ trưa, cha ngủ thiếp đi mà chúng tôi nghĩ là sốt, vì xem ra giấc ngủ khá êm đềm, và mạch của cha lại không giống với người chữa trị đã nhận định là mạch của người sắp chết. Tuy thế tình trạng này kéo dài tới khi cha tắt thở tức là khoảng tám giờ sau.

Cha dâng Thánh Lễ cuối cùng ngày 28 tháng 10, sau đó phải liệt giường hoàn toàn và xưng tội cùng rước Mình Thánh Chúa nhiều lần, chính cha ước ao được năng rước Mình Thánh, nhưng vì lòng cung kính lại không dám, vì nghĩ rằng không xứng đáng.

Bệnh rỉ máu hành hạ cha hầu như đêm ngày bất kể giờ giấc. Trạng thái yếu liệt này cuối cùng này gây bất lợi cho chúng tôi, và làm cho chúng tôi mất an ủi, vì chúng tôi hy vọng qua lời chúng tôi hứa với nhau, rằng cha sẽ được đóng ấn cuộc đời bằng việc chịu phép xức dầu bệnh nhân; nhưng cơn yếu liệt ấy đã cất khỏi cha không còn dịp bày tỏ lòng sốt sắng bằng việc lãnh nhận phép xức dầu, điều mà cha đã xin từ trước.

Đó, cái chết đã xảy ra với cha vào tuổi ngoài lục tuần, bắt đầu kể từ ngày . . . tháng. . .năm . . . là lúc cha sinh tại Avignon; như thế người ta có thể nói cha là người của thế kỷ ***, do đời sống của cha gầnvới đời sống các Tông đồ hơn tuổi đời của cha.

Cha qua đời để lại cho chúng tôi nhiều nuối tiếc và an ủi : nuối tiếc vì mất cha, không những đối với chúng tôi, mà còn đối với biết bao vị thừa sai rải rác trong khắp các xứ Đông phương là những nơi cha đã lay chuyển họ cách hữu hiệu và cha còn làm nhiều việc để chỉ đường dẫn lối cho họ, cha đã tỏ ra săn sóc họ bằng tâm tình một người cha, khi cho họ lời khuyên và khuyến khích họ bằng lòng nhiệt tình của người cha; an ủi, vì người ta sẽ còn tưởng nhớ đến cha lâu dài, chẳng những nhờ một số thư từ rất xây dựng mà cha đã viết và soạn thảo do kiến thức của cha, mà còn nhờ các bản tường thuật và các tác phẩm cha đã biên soạn để xây dựng cho mọi người. Cho nên chẳng cần tôi phải viết lại cuộc đời của cha, vì chính cha đã làm khá nhiều cho người ta biết công trình của cha.

Nước Ý và nước Pháp là những nơi cha đã từ đó đến đây, tỏ ra tôn kính cũng như ngưỡng mộ cha và nhiều vị cao cấp ủng hộ cha. Danh giá mà tất cả mọi người dành cho cha nói chung cũng là vì người ta cho rằng cha có một đời sống thánh thiện. Quả thật, tôi chưa thấy một ai rất đúng mực như cha trong tất cả mọi việc cha làm. Nếu viết về các nhân đức của cha, không biết phải bắt đầu từ nhân đức nào.

Xem ra nhân đức thứ nhất phải kể ra đây là cha luôn hãm mình, phạt xác. Vì mọi ngày cha đều đánh tội, trừ ngày Chúa nhật và Lễ trọng; đó là thói quen cha hằng giữ cho đến cơn bệnh cuối cùng này. Trong tuần lễ, có mấy ngày cha cũng mang một dây ngang thắt lưng, bện bằng sợi có nhiều mũi nhọn, mà khi người ta rửa xác cha đã nhận ra nhiều dấu trên mình. Cha kiêng thịt mọi ngày, thường chỉ ăn rau hay thứ gì giống vậy thay cho bữa tối.

Cùng với những hãm mình phạt xác, cha còn hãm mình nhiều về tinh thần. Vì khi còn khoẻ mạnh, ngày nào cha cũng thức dậy một giờ trước những người khác, để cầu nguyện (ngoài thói quen cầu nguyện theo luật của Dòng Tên)
Việc cha liên tục học hỏi đường thiêng liêng vẫn không ngăn trở cha học tiếng Ba Tư. Để tiếp tục học được ngôn ngữ này, cha vận dụng nhiều công sức như một người trai trẻ khoẻ mạnh phải làm hết mình cho công việc đó. Để được tiến bộ, cha tập viết không biết mệt mỏi.

Lòng nhiệt tình của cha không chỉ đóng khung trong nước Ba Tư bao lâu cha còn có mặt tại đó mà còn mở rộng ra khắp phương Đông. Vì vậy, dù cha chẳng đi tới vùng rộng lớn Tortaire, nơi Dòng Tên chưa mở cuộc truyền giáo, cha lại cổ võ tôi đi tới đó rồi gửi tôi đi cùng với một tu huynh, mà không giữ chúng tôi ở lại với cha. Việc truyền giáo ở đó không thành công (cũng do những bất toàn của tôi). Cha còn muốn mở cuộc truyền giáo đến với người Géorgie, nhưng đâu có người để gửi đi.

Tính dịu dàng của cha đã làm cha luôn ứng xử như con chiên giữa bầy sói, chịu đựng vui vẻ những lời lăng nhục, khinh bỉ và cả gạch đá, mà bây giờ tại đây người ta quen tiếp đón chúng tôi như thế. Đáp lại phần thưởng đó là những lời tốt lành ngọt ngào cùng lời chúc lành***.

Để tỏ lòng nhiệt thành, cha đi khắp các làng chung quanh để tìm kiếm trẻ bệnh hoạn, hy vọng rửa các em bằng nước thanh tẩy khi các em gần sinh thì. Cha kiên trì dù thấy mình bị người Lương dân chế nhạo, cũng chẳng nản lòng bỏ cuộc kể cả đôi khi cảm thấy bị dội vì đã không thể diễn tả cho đúng trong tiếng Ba Tư, cha cũng chẳng bao giờ nản chí trong những dịp ích lợi cho phần rỗi người Lương dân, không sợ sệt, không e ngại chút nào, hơn nữa còn được thúc đẩy ước ao được chết bằng con đường đó. Đôi lúc xem ra cha nhiệt tình quá mức (nếu cha có thể vượt qua khỏi) đến nỗi cha nghĩ là mình đã chẳng may lại kết quả ở đây như cha đã làm được ở các nước khác. Thật ra không hẳn là không có kết quả, cũng chẳng phải là cha nhụt nhuệ khí, nhưng chỉ do thiếu thốn mầm mống vì không được chuẩn bị và kém sâu, lắng đọng.

Tất cả các Kitô hữu và nhiều Lương dân tỏ lòng rất kính trọng cha; ngay cả những người không biết cha cũng thế, dù chỉ thấy cha khi đi ngang qua. Nhiều người coi cha như một vị Giám chức vì con người nghiêm trang, đĩnh đạc mà khiêm tốn của cha. Những người khác lại gọi cha là nouroni, nghĩa là sáng rực hay đầy ánh sáng; có những kẻ gọi cha là Thánh, vì ngưỡng mộ cha có tư cách thánh.

Tôi không muốn nói đến đức vâng phục và khiêm tốn của cha, vì nếu có nói tôi chỉ nói cách mập mờ. Tuy nhiên nếu ai muốn biết cảm nghĩ của tôi và anh em chúng tôi về điều đó thì chúng tôi đều đồng tâm nhất trí về điều này, để nói rằng cha thật tuyệt vời. Ai đã biết cha nhờ sống với cha thì chẳng hồ nghi về điều này.

Lòng bác ái của cha đối với người nghèo, người bệnh, dù là người trong nhà hay người ngoài cũng được cha đối xử như nhau. Đối với kẻ này cha như là người cha, đối với kẻ khác cha như là người mẹ. Bằng chứng là, trong khi cha bị bệnh, cũng có một người phục vụ trong nhà cùng nằm bệnh với cha, đã được cha săn sóc còn hơn là săn sóc cho chính cha; vì cha không thể chịu để cho anh ta thiếu thốn gì. Cha hạ mình làm những công việc thấp hèn nhất, những việc khó thì cha càng tin tưởng vào Chúa, cha theo ý Chúa coi như ý mình, dù bất cứ sự gì xảy đến. Tính dịu dàng của cha trong khi chuyện trò và sự hiện diện của Chúa, là hai yếu tố làm nên đức tính trên.

Đức trong sạch của cha lại không thể nào không bằng các đức tính khác; tôi không thấy người nào cẩn trọng hơn cha trong việc gìn giữ giác quan nhất là sự nhìn xem; khi phụ nữ đến thăm cha, cha tiếp đãi chỉ vì lòng bác ái.

Trong khi trò chuyện với người Hồi giáo, cha tìm cách cho họ biết bao nhiêu có thể về hai mầu nhiệm chính của Đức tin chúng ta, đó là Thiên Chúa ba ngôi và Ngôi lời nhập thể. Trong các cuộc chào hỏi của người Hồi giáo, họ thường nói Khoda nigah darad (Thiên Chúa gìn giữ anh chị), nhưng cha lại chào họ Hhazaret eissé hay Christtus nigah darad (Đức Giêsu Kito gìn giữ anh chị) để họ hiểu rằng Đức Kitô là Thiên Chúa.

Để ghi khắc vào lòng hơn và dù đã viết vắn tắt, tôi cũng không được phép không nói gì về lòng sùng kính của cha đối với phép Thánh Thể, với Đức Thánh Trinh nữ, với các Thánh Thiên Thần và một số vị Thánh, cách riêng các Thánh trong Dòng chúng tôi, nhất là các đấng tử đạo mà cha biết mặt và cha còn ghi nhớ như mới tinh. Khi nhớ tới các vị tử đạo trên đây, trong lòng cha pha lẫn một nỗi ưu phiền thánh thiện; vì đã không được giống như các ngài, đổ máu mình ra hay phải uống nước (đắm tàu) hoặc bị treo trên hố ở Nhật Bản như nhiều bạn bè của cha; mà cha còn mang di tích thánh của các ngài trên mình cách rất tôn kính, và ước mong được kết cục đời sống bằng cuộc tử đạo nếu Chúa ban ơn này cho cha mà cha hằng khẩn thiết cầu xin. Vì tôn kính các đấng tử đạo, cha còn lưu ý rất nhiều đến việc hàng ngày trong bữa ăn trong truyện vài vị tử đạo, hoặc anh em trong Dòng qua đời nhờ tin tức do các anh em gửi đến.

Lòng sùng kính của cha đối với Mẹ Thiên Chúa được nhận thấy mỗi khi cha nói với người tín hữu hay người Lương dân. Để tỏ lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, hàng ngày, cha hầu hạ ……………ngoài các việc sùng kính khác.

Đàng khác, ngay từ khi còn nhỏ tuổi, cha đã khấn hứa cách riêng giữ đức khiết tịnh, cho nên cha không thể chịu đựng được khi người đời nói chuyện với cha hay trước mặt cha mà thề thốt ***. Những khi ấy cha cảnh cáo họ cách nhẹ nhàng để họ đừng làm như thế nữa, và thường là có hiệu quả. Cha cũng hành xử như vậy đối với những ai vì bất cẩn hay vì lý do nào khác mà buông lời gièm pha hay làm hại danh giá người thân cận.

Tôi chắc chắn rằng những ai trong anh em chúng tôi đã được cha cùng sống và cùng làm việc lâu dài, có thể còn nói nhiều chi tiết đặc biệt hơn về điều sau đây trong bản tường thuật này; điều đó lại chính là điểm cuối cùng cuộc đời cha, tỏ ra đâu là mấu chốt của mọi thứ dệt nên đời cha. Chưa bao giờ người ta thấy giống như một cây gậy của ông già như thấy cha trong cơn bệnh. Cha nhẫn nhục, nhạy cảm hơn cả cây gậy, vì cha sẵn sàng ở tư thế như người ta muốn, đến mức như cha còn có ý chí hơn cả cây gậy, chẳng tỏ ra một dấu hiệu nào là đau đớn, cũng chẳng tỏ ra khó chịu khi phải dùng thuốc hay đồ ăn người ta trao cho. Về điều này chúng tôi phải ngưỡng mộ cha trong bữa ăn tối cuối cùng, khoảng 3 hoặc 4 giờ trước khi cha trút linh hồn; vì cha tỏ ra vâng phục y tá của cha cách lạ lùng. Tuy rằng khi đó dù giác quan của cha bị suy nhược, song cha chẳng quên chút nào việc làm phép và tạ ơn, hơn nữa còn làm dấu Thánh giá theo thói quen của cha trên ly thuốc người ta trao cho cha uống.

Liền sau đó là cơn hấp hối nhẹ nhàng, rồi cha tắt thở; đó là cái chết mà trước mặt Chúa còn cao quý hơn việc chúng tôi xúc động vì mất cha. Nếu chúng tôi thường coi sự ra đi của cha là mất mát, thì công phúc của cha làm cho chúng tôi, đúng hơn phải coi đó là lợi ích, Chúng tôi hy vọng phải nói như thế mới đúng, dù cha không còn hiện diện để gây dựng xứ truyền giáo này; mà chúng tôi vẫn tin một cách đạo đức như là cha còn ở đây nơi chúng tôi đang ở, dù cha chẳng làm được gì, nhưng rút cục còn cần hơn nữa.

Vì nhiều lý do, chúng tôi không chôn táng cha trong nhà chúng tôi, nhưng trong nghĩa trang chung cho các Kitô hữu, nơi dành cho những người Công giáo. Thứ nhất, vì chúng tôi chỉ có một nhà nguyện ở tầng hai nên chẳng thể an táng cha, ngoài ra cũng chẳng còn nơi nào trong nhà ở chúng tôi dành cho việc này được. Thứ hai, chúng ta cũng chẳng dám chắc mình ở nơi này lâu, vì có điều khá chắc, như tôi phỏng đoán theo lời Thủ Tướng Eaemad đã có lần nói với tôi, là người ta sẽ đưa tất cả các Tu sĩ ra ngoại thành; đó cũng là nơi người ta sẽ đưa mọi Kitô hữu xứ này ra ở đó, kể cả các giáo dân người Pháp. Thứ ba, chính cha cũng tỏ ra thích nếu được an táng nơi đó hay hơn là nhà chúng ta (Dòng Tên).

Có lẽ vì lý do thứ hai trên đây mà chúng tôi cử hành tang lễ cha vào ngày hôm sau. Tất cả những Tu sĩ các dòng có thể tham dự lễ an táng được đều có mặt, gồm các Tu sĩ Augutinh, Cát Minh, Capucinô, và giáo dân Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan và mấy người Acméniens. Chưa bao giờ thấy lại tại đây người dự lễ an táng như thế; họ tiễn biệt cha tới nghĩa trang xa nhà chúng tôi khoảng 2 dặm rưỡi. Tại đây, cha Tu viện trưởng Dòng Augutinh, đại diện Tông toà cử hành nghi lễ an táng; rồi 7 này sau cha còn cử hành lễ trong thể trong nhà nguyện chúng tôi, cũng có mặt các Tu sĩ các Dòng trên đây.

Phần đông người Acméniens đều cảm thấy vui mừng và vinh dự vì đã chôn ngài gần với các mộ của thân nhân họ, bởi họ nghĩ rằng cha là đấng thánh và có lẽ (họ nói thế) còn là thánh duy nhất nằm tại đó. Đàng khác, cũng là ngôi mộ duy nhất của các Tu sĩ Pháp, vì Tu sĩ các Dòng khác qua đời tại đây, đã được an táng trong nhà thờ của họ. Từ ngày an táng cha, nhiều Kitô hữu của chính xứ này, các linh mục và Giám mục đã đến cầu nguyện bên phần mộ cha, xin cha bầu cử cùng Chúa cho họ. Họ cũng đã nói với tôi và khuyên tôi sau một năm thử mở mộ cha xem thế nào, vì nghĩ rằng xác cha sẽ còn nguyên vẹn không bị hư nát. Sinh thời ít khi ra ngoài mà cha không mang trong mình cuốn Tin Mừng bằng tiếng Ba Tư để sử dụng khi có dịp; đến lúc chết cha lại mang cách vẻ vang từ nội thành ra ngoại thành, điều mà chưa ai làm bao giờ.

Quan tài cha được phủ bằng tấm nhung đen trên đó có hình Thánh giá bằng nhung trắng nhìn thấy khá rõ; làm như thế rất xứng đáng với đời sống của cha. Vậy là ngay cả khi đã chết, cha còn rao giảng Thánh giá như thế cho mọi người Lương dân.

Nếu tiếng dân là tiếng Chúa, người ta không còn hồ nghi cha không phải là một vĩ nhân (nếu không nói là ông thánh). Cảm nghĩ và công trạng của cha là cảm nghĩ chung của cả nước Ý và Pháp, khi cha đi qua đấy để tới đây; ngay những người láng giềng với chúng tôi, dù là Hồi giáo cũng tỏ ra có cùng cảm nghĩ này. Về phần chúng tôi còn ở lại đây, chúng tôi có thể nói chắc rằng : chiếc cột nâng đỡ nhà chúng tôi đã đổ, ngọn đuốc soi sáng cho chúng tôi đã tắt, người bắt đầu và phát triển công việc truyền giáo xứ này được an táng như vậy, sẽ là viên đá tảng cho chúng tôi, người trung gian của chúng tôi đã rời bỏ chức vụ ở đời này để thi hành việc đó trên trời bằng cách bầu cử cho biết bao xứ truyền giáo đã coi ngài như người cha, cách riêng xứ truyền giáo này tự coi như con út của ngài, nên đã làm bổn phận bình thường đối với ngài.

Xin cha đáng kính hãy dâng niệm kỳ kinh (suffrage) theo thói quen, hy vọng nhờ ngài giúp đỡ một ngày kia chúng ta sẽ được thấy phần vinh quang của ngài, dầu chúng ta chẳng có công trạng như ngài và còn thuộc hạng bậc rất thấp. Cũng vì mục đích ấy, chúng tôi và riêng tôi còn khẩn nài cha và tất cả anh em chúng ta ở bên ấy cầu nguyện cho ngài trong các Thánh Lễ . . .

Tại Ispahan ngày 11 tháng 11 năm 1660

Người tôi tớ hèn mọn của cha đáng kính và người con vâng phục và…. Chúa chúng ta.

Amé Chéaud   S.J
    

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Cùng Loan Báo Tin Mừng với Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản

  Dẫn Nhập Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *