26/05/2011
Thứ năm, sau CN V PS
« Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy »
Ga 15, 9-11
Giuse Nguyễn Văn Lộc
1. Thầy là cây nho, anh em là cành (c. 1-8)
– Để hiểu những gì ĐGS nói trong bài TM này, chúng ta nên trở lại hình ảnh cây nho. Hãy chiêm ngắm cây nho bao lâu chúng ta thích (hình dung, quan sát, và nếu có thể lắng nghe nữa): vườn, đất, cây, thân cây, cành cây, sự chăm sóc (của trời đất và của những người làm vườn), hoa trái. Chúng ta tự hỏi: trái nho dùng cho những việc gì? Dừng lại ở tương quan giữa thân nho và cành nho. Qua hình ảnh cây nho-cành nho, hãy cố gắng hiểu và cảm nếm tương quan mà Đức Giêsu ước ao có với các môn đệ, với từng người trong chúng ta.
– “Bộ ba” “người trồng nho, cây nho và cành nho”, hướng tới một điều duy nhất là hoa trái. Nơi cây nho, cành mà không sinh hoa trái thì không có lí do để hiện hữu. Trái để ăn, nhưng nhất là để làm rượu (dụ ngôn những tá điền): rượu làm nên bầu khí vui tươi trong bữa ăn, nhất là những bữa tiệc; nơi bí tích Thánh Thể, rượu trở nên máu Đức Kitô, để tha thứ, trao ban và nối kết chúng ta, nối kết muôn người nên một.
– Để sinh hoa trái, cành nho cần phải gắn liền với thân nho và cần được cắt tỉa để sinh hoa trái nhiều hơn. Mỗi người chúng ta là một cành nho, được mời gọi ở lại trong Thầy Giêsu, là thân nho; và để cho Lời của Ngài cắt tỉa chúng ta nhằm sinh nhiều hoa trái. Chúa Cha cắt tỉa cành nho bằng lời của Đức Giêsu. Trong những câu 5-9, Đức Giêsu nhắc lại những gì vừa nói, nhưng nhấn mạnh và mở rộng thêm một số khía cạnh:
- Không có Thầy anh em không làm gì được. Thực ra, chúng ta cũng được cái gì đó, nhưng đó không phải là hoa trái mà người trồng nho và thân nho mong ước; có thể nói, đó là những trái nho dại, chẳng có ích lợi gì.
- Cành không gắn liền với cây thì sẽ héo, khô, rụng và bị nắng thiêu đốt. Đó là qui luật tự nhiên. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này rồi.
2. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy (c. 9-11)
– Từ phần này Đức Giêsu không nhắc đến cây nho nữa, đơn giản là vì những gì Ngài bày tỏ ra đây, vượt qua vô hạn hình ảnh “người trồng nho, cây nho và cành nho”. Thật vậy, ĐGS nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Tình thương được thông truyền và thông truyền cách trọn vẹn: “thế nào… như vậy”, vì đó là bản chất của tình thương, từ Cha sang Con và từ Con sang anh em của Con.
– Chúng ta được mời gọi lưu lại trong tình thương thần linh, điều này có nghĩa là chúng ta có tự do, tự do lưu lại và tự do bỏ đi. Lưu lại bằng cách giữ các điều răn của Thầy. Lề luật (nomos) là một nguyên tắc (nhiều khi vô hồn, trong mức độ đó là chữ, chứ không phải lời), dành cho nhiều người, và trong mọi tình huống không gian và thời gian. Trong khi điều răn (entolê) là lời dặn dò sống động của một người dành cho một người trong một mối tương quan đặc thù và có chiều dày lịch sử (x. St 2, 25). Đó là trường hợp của “điều răn” mà Đức Giêsu dặn dò các môn đệ trong bối cảnh bữa tiệc li và sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài.
– Chúng ta sống đời tu, với nhất là 3 lời khấn, hay đời sống gia đình, với giao ước hôn nhân, như là lề luật hay như điều răn, nghĩa là như lời dặn dò của một người dành cho một người trên nền tảng giao ước tình yêu nhưng không, tình yêu TC và tình yêu con người, hay như những qui tắc vô hồn buộc phải tuân giữ? Khuôn mẫu của chúng ta là cách Đức Giêsu giữ các điều răn của Chúa Cha. Thật là lạ, vì Đức Giêsu cũng phải giữ các điều răn của Thiên Chúa như chúng ta!
– Lý do tận cùng là Đức Giêsu muốn cho các môn để hưởng niềm vui, niềm vui trọn vẹn (trái nho, rượu và niềm vui). Điều Ngài muốn chỉ có thể là niềm vui mà thôi, bởi vì là tình thương. Tình thương đem lại niềm vui, niềm vui ngay trong hành vi cho đi tất cả, hy sinh tất cả, dâng hiến tất cả.