Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Á: Bản tin 2 – Luôn đủ chỗ trong căn lều

Nhằm ngày Lễ Chúa Thánh Thần, Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi SVD, Tổng Giám Mục Tokyo kiêm Tổng Thư Ký FABC đã chủ tế thánh lễ Khai Mạc; đồng tế với ngài gồm có Đức Hồng Y Virgílio do Carmo da Silva SDB, Tổng Giáo Phận Díli và Đức Hồng Y Louis Marie Ling Mangkhanekhoun, Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn, Lào.

Trong bài chia sẻ của mình, Đức Tổng Giám mục Kikuchi đã rút từ kinh nghiệm truyền giáo của ngài ở Châu Phi để nêu bật những hoàn cảnh tuyệt vọng và thờ ơ đang hủy hoại nhân tính, và những cảnh huống mang lại hy vọng và tình yêu – điều kỳ diệu ở Ghana đem đến sự sống và niềm vui. Tất cả đã được tổ chức trong tinh thần liên đới.

Thánh Lễ kết thúc với nghi thức làm phép Nến. Những cây nến này được trao cho những người điều hành nhóm để họ đặt trên bàn, và được thắp sáng trong các cuộc thảo luận nhằm tượng trưng cho Ánh sáng của Chúa Kitô, ánh sáng truyền cảm hứng và thúc đẩy cuộc thảo luận phản chiếu tiến trình hiệp hành.

Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký của Ban thư ký Thượng Hội đồng, trong bài diễn văn khai mạc đã nhắc các tham dự viên rằng: “Tất cả chúng ta đều là những người học hỏi trong tiến trình hiệp hành”, và khuyến khích chúng ta chú ý hơn đến những tiếng nói trong Giáo hội, đặc biệt là những tiếng nói kích động và cả những người ‘không nói’. Đức Hồng Y Grech nhấn mạnh: “Một Giáo hội Hiệp hành là một Giáo hội biết lắng nghe” và nhấn mạnh thành công của tiến trình phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của cộng đoàn dân Chúa và các mục tử (cũng là thành viên của cộng đoàn dân Chúa). Hơn nữa, ngài giải thích rằng việc thực thi đúng đắn tính hiệp hành không bao giờ đặt người dân và các mục tử vào thế cạnh tranh nhưng giữ họ trong mối tương quan liên lỉ, cho phép cả hai hoàn thành vai trò và trách nhiệm của mình. Đức Hồng Y Grech thêm rằng:“Việc tham khảo ý kiến trong Giáo hội đã giúp dân Chúa thực hiện tốt hơn vai trò Ngôn sứ của Chúa Kitô”. Trong phần kết luận, Đức Hồng Y Grech nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe, lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng nói với Giáo hội và cụm từ ‘một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội biết lắng nghe’ không được giản lược thành một cụm từ, nhưng phải mô tả đúng sự thật của nó. Đức Hồng Y Grech đã cầu xin Thần Khí của Chúa Phục Sinh hướng dẫn tâm trí của các tham dự viên và ban cho họ ơn can đảm để bước đi trên con đường hiệp hành, là con đường mà Chúa đang mở ra cho Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

Bà Christina Kheng, Ủy ban Phương pháp của Thượng Hội đồng đã đưa ra những hiểu biết của mình về tiến trình của Thượng Hội đồng cho đến nay. Bà nhấn mạnh rằng mỗi người hiện diện tại Thượng Hội đồng này với tư cách là một người tham gia chứ không phải là người đứng ngoài cuộc. Dựa trên Tài liệu chuẩn bị số 32, bà Christina nhấn mạnh: “Mục đích của Thượng Hội đồng và của cuộc tham vấn này không phải là để đưa ra các tài liệu mà là ‘gieo những giấc mơ, đưa ra những dự báo và tầm nhìn, vun trồng hy vọng, truyền cảm hứng cho niềm tin, hàn gắn những vết thương, nối kết các mối quan hệ, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra sự linh hoạt tươi mới sẽ khai sáng tâm trí, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay của chúng ta”. Bà cũng nói rõ rằng các tham dự viên không đơn thuần chỉ là cùng nhau đưa ra một tài liệu mà thay vào đó cần gặp gỡ nhau, đối thoại, xây dựng các mối quan hệ, phát triển như một cộng đoàn phân định và trải nghiệm tính hiệp hành trong Thần Khí với tư cách là dân Chúa ở Á Châu.

Thượng Hội đồng là một tiến trình phản tỉnh, các đại biểu đã được giới thiệu về linh đạo phân định. Điều này đã được cha Anthony James Corcoran SJ, Giám Quản Tông Tòa Kyrgyzstan trình bày. Cha Anthony đã giúp các tham dự viên hiểu phân định là một hành trình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chết đi để được hồi sinh và từ bỏ những kế hoạch riêng của mình, những điều chắc chắn và sự sắp đặt của chính mình, và để bản thân được dẫn đưa vào cuộc sống mới từ sự dẫn dắt đầy bất ngờ của Chúa Thánh Thần. Trích dẫn số 51 từ tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Cha Anthony xác định tâm thế cho buổi thảo luận hôm nay là: “Thật là thích hợp để làm sáng tỏ [phân định] điều gì là hoa trái của Nước Trời và điều gì làm tổn hại đến kế hoạch của Thiên Chúa”.

Cha Clarence Devadas nhấn mạnh đến quá trình và tiến trình được thực hiện bởi Ban Thư ký Thượng Hội đồng của Liên Hội đồng Giám mục Á châu để soạn thảo ra Tài liệu làm việc. Trong phần trình bày của mình, Cha Clarence đã nhấn mạnh rằng Tài liệu làm việc là một tài liệu có kết thúc mở, được soạn thảo để giúp các đại biểu bước đi cùng nhau qua lời cầu nguyện để phân định, thảo luận và cân nhắc. Cha Clarence đã nêu bật 5 mối quan tâm của Tài liệu làm việc gồm: Sự giao thoa của người châu Á, sự căng thẳng của người châu Á, sự tách biệt và thực tại của người Á châu, những hố ngăn cách xác định được trong sự đáp trả của người châu Á và những ưu tiên từ các đáp trả của người Á châu. Cha Clarence nhấn mạnh rằng Tài liệu làm việc nhằm khơi dậy quá trình phân định, để kết quả cuối cùng sẽ thực sự đại diện cho giấc mơ, hy vọng, khát vọng và nỗi đau đang vang vọng tại Châu Á.

Những người điều phối trong ngày là Đức Giám mục Stephen Chow SJ, Giám mục Hồng Kông, Bà Susan Pascoe, Thành viên của Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giai đoạn Châu lục và Joy Candelario, Tham dự viên tại Đại hội Lục địa Châu Á về tính hiệp hành từ Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines.

Các đại biểu được mời gọi phản tỉnh, trong cầu nguyện riêng, về ba câu hỏi: Họ đã có kinh nghiệm gì về Tiến trình Thượng Hội đồng? Nhiệm vụ của họ tại Đại hội này là gì? Họ nghĩ gì về quá trình ‘Đối thoại thiêng liêng?’

Sau bữa trưa, các tham dự viên họp nhóm, thảo luận và báo cáo về những quan sát của họ đối về phần đầu tiên của Tài liệu làm việc.

 

Nguồn: https://bangkok.synod2023.org/2023/02/24/news-release-no-2-there-is-always-room-in-the-tent/?fbclid=IwAR0ZftkACC6C-bChPo-GV8bPEGdnBsoeDKt4BieDjm0WlQ1V3w6T9Wvo_Fo

Chuyển ngữ: Phê-rô Đại Yên
Hiệu đính: Trung Thu, DHM.

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …