Tin giả và vấn nạn dùng truyền thông lèo lái dư luận

Tin giả và vấn nạn dùng truyền thông lèo lái dư luận 

– Đọc ‘Sứ điệp Ngày Truyền Thông thứ 52’ từ bối cảnh Truyền thông xã hội ở Việt Nam

Giáo hội chọn ngày Lễ Thăng Thiên hằng năm là Ngày Quốc Tế Truyền Thông. Theo thông lệ, Đức Thánh Cha ra một sứ điệp hướng dẫn Giáo hội hoàn vũ sống tinh thần của ngày này.[1] Sứ điệp của năm nay có chủ đề: “Sự thật sẽ giải thoát anh em. Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình”. Nội dung chính của sứ điệp này là lời kêu gọi phòng ngừa và vạch trần những ‘tin giả’, song song với cổ võ tìm kiếm sự thật, và thực thi một phương thức truyền thông xây dựng hoà bình.[2]

Hưởng ứng tinh thần Ngày Truyền Thông, chúng ta có thể cùng nhau đọc lại những khía cạnh chính yếu của sứ điệp này trong bối cảnh của truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể, bài viết này hướng trực tiếp đến một số phân tích và áp dụng mang tính thực hành trong việc phân định và tìm giải pháp trước hai vấn nạn mà Sứ điệp gợi ý, vốn rất thời sự ở Việt Nam: tin giả và việc dùng truyền thông để lèo lái dư luận.[3]

Tin giả và vấn nạn dùng truyền thông để lài léo dư luận trong bối cảnh Việt Nam

Có lẽ không cần phải nói nhiều về thực trạng của hai vấn nạn này ở Việt Nam, vì dường như nó đã quen thuộc đến mức đa số người sử dụng truyền thông đều cảm nhận được. Có rất nhiều hình thức làm tin giả, trong đó có một số hình thức phổ biến: (1) dựng lên một tin tức hoặc câu chuyện hoàn toàn không có thật; (2) chèn thêm một số thông tin giả vào một sự kiện có thật; (3) dùng một phần sự kiện này để chắp nối vào một phần sự kiện khác, hoặc lấy hình ảnh không đúng để minh hoạ bài viết, theo kiểu ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’ nhằm ‘lập lờ đánh lận con đen’; (4) sử dụng một số ‘nhân chứng giả’, hoặc nhân chứng có thành kiến, để bình luận về một sự kiện có thật; (5) đưa câu chuyện, hoặc một câu nói – thậm chí là nửa câu nói – ra khỏi bối cảnh toàn thể của nó.

Trong số những hình thức trên, thì các hình thức mang tính ‘bắt chước các tin thật’ là nguy hiểm nhất, vì nó có vẻ rất đáng tin cậy, khiến người ta khó phân định, thậm chí không để tâm đến những chi tiết giả được chèn vào. Ví dụ, có những bài báo có đến khoảng 98% thông tin chân thật, chỉ chèn thêm chừng 2% thông tin giả. Nhưng chính 2% đó lại là thứ thông tin có khả năng để lại hậu quả tiêu cực nặng nề cho người đọc.

Về việc lèo lái dư luận, người ta hay sử dụng một số phương cách: (1) sử dụng một số tin tức hoặc câu chuyện nào đó mang tính ‘giật gân’ hầu chuyển hướng chú ý của dư luận trước một vấn đề quan trọng nào đó; (2) nhấn mạnh, lặp đi lặp lại một điểm để che lấp tính toàn thể của vấn đề hay của câu chuyện; (3) thổi bùng nhiều luồng thông tin trái chiều, khó hiểu, nhằm làm phân tán sự tập trung vào chủ đề chính; (4) viết các bài mang tính ‘dương đông kích tây’, nghĩa là lợi dụng câu chuyện này để kích động cộng đồng theo một mục đích riêng; (5) mượn danh (nguỵ tạo) một tổ chức hoặc nhân vật nổi tiếng nào đó. Ví dụ, có một số trang web hoặc trang mạng xã hội dùng các danh xưng của Giáo hội Công giáo, nhưng các bài viết lại không có tinh thần Tin Mừng, mà nhắm mục đích lèo lái nào đó; (6) viết bài công kích hoặc khen ngợi không thích hợp một nhân vật nào đó, nhằm chia bè phái, tạo ra sự đấu đá lẫn nhau, gây chia rẽ và chống đối.

Như Đức Thánh Cha đã chỉ rõ trong Sứ điệp, hiệu quả của những cách lèo lái dư luận này nằm ở việc nó “khơi gợi ấn tượng và những định kiến xã hội, và khai thác những cảm xúc bộc phát như lo lắng, khinh miệt, tức giận và thất vọng […] Những câu chuyện thất thiệt có thể lan truyền nhanh đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.”

Ảnh hưởng của tin giả và kiểu truyền thông lèo lái dư luận:

Như Đức Thánh Cha nói trong Sứ Điệp, “chẳng hề có thông tin sai lạc nào mà vô hại.” Trong bối cảnh ở Việt Nam, nơi phần lớn dân chúng chưa có nền tảng ‘tâm-trí’ đủ vững để có thể phân định thích hợp trước sự bùng nổ của truyền thông, tác hại của nạn tin giả và vấn nạn lèo lái truyền thông là rất lớn. Ví dụ, có những người bị lừa đảo tiền bạc, hoặc thậm chí bị mang bệnh tật, vì tin theo những ‘Bác sỹ Internet’ tràn lan ở trên mạng mà không có sự tìm hiểu và kiểm chứng. Cũng có nhiều gia đình bị tan nát, chia lìa, hay bao nhiêu người rơi vào cảnh lụn bại, hoặc trầm cảm vì bị trở thành tâm điểm chỉ trích, chỉ vì tin giả hoặc tin ‘thật nửa vời’. Như lời của Sứ Điệp, hai vấn nạn trên cũng có thể biến ta “trở thành đồng loã trong việc truyền bá những ý tưởng sai lạc và vô căn cứ.” Ví dụ, có nhiều người chỉ mới đọc xong một tin giật gân, chưa cần suy nghĩ kiểm chứng gì, nhưng đã vội vã bấm nút ‘share’. Họ không ý thức rằng hành động thiếu cẩn trọng của mình có thể gây thêm sự lan truyền nếu tin đó là giả dối, độc hại.

Nhưng nghiêm trọng hơn, đó là thứ tác hại đi vào chiều sâu tâm hồn, như lời của Sứ Điệp: “đó là sức mạnh lừa đảo của cái ác, đi từ dối trá này qua dối trá khác, sẽ cướp mất tự do nội tâm của chúng ta.” Những thông tin giả không những khiến chúng ta bị mất phương hướng và mất niềm tin vào sự thiện, vào cuộc sống, mà còn khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy của chính nó, nghĩa là dần dà tâm hồn chúng ta cũng bị chai cứng, tự xem giả dối là điều bình thường của cuộc sống, và không tìm thấy một định hướng chân chính cho cuộc sống. Thậm chí đến lượt chúng ta cũng sử dụng thông tin giả để mưu lợi cá nhân bất chính.

Ở tầm mức cộng đoàn hay tập thể, không ít lần chúng ta đã trở thành nạn nhân, vô tình phục vụ cho ý đồ của những kẻ tìm cách giật dây bằng cách sử dụng truyền thông để lèo lái dư luận. Ví dụ, ngay khi tôi đang viết những dòng này, thì trên mạng xã hội đang lan truyền chóng mặt những thông tin về vụ ca sỹ Sơn Tùng M-TP sử dụng phối cảnh bị cho là báng bổ Ki-tô giáo trong MV mới nhất của mình. Dù không thể khẳng định được rằng liệu có một ý đồ lèo lái dư luận hay không, nhưng việc lan truyền sự việc này sẽ có nhiều nguy cơ, trong đó dễ thấy nhất là việc kích động hiềm khích và tức giận đối với cộng đồng Ki-tô hữu, và nguy cơ làm loãng những vấn đề của các vụ việc nghiêm trọng gần đây, như vụ Thủ Thiêm và Dòng Phao-lô Hà Nội.

Giải pháp đối với thách đố do vấn nạn tin giả và lèo lái truyền thông

Trước hết, ta phải thừa nhận rằng thật không dễ để đối phó với hai vấn nạn này; và cũng khó có hy vọng triệt tiêu hoàn toàn được chúng. Vì thế, ở mức độ nào đó, ta phải chấp nhận tình trạng ‘sống chung với lũ’ lâu dài. Nhưng Ki-tô hữu chúng ta có quyền và có trách nhiệm chọn cách hành động của mình theo tinh thần Tin Mừng, nỗ lực tối đa để có thể từng bước cải thiện môi trường truyền thông và giúp bản thân cũng như tha nhân được khôn ngoan hơn trong việc sử dụng nó. Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã gợi ra những hướng dẫn cho nỗ lực đó.

Trong Sứ Điệp Ngày Truyền Thông này, Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng, nỗ lực để có một nền truyền thông xây dựng hoà bình phải đến từ cả hai phía – phía cung cấp thông tin và phía nhận thông tin – trong đó, “trách nhiệm đó đặt nặng trên vai những người làm công việc cung cấp thông tin, cụ thể đó là các nhà báo, những người bảo vệ tin tức.” Họ cần hiểu rằng “công việc của họ không chỉ là một nghề mà là một sứ mạng. Giữa những cạnh tranh ác liệt và chạy đua ráo riết, họ phải nhớ rằng trái tim của thông tin không phải là tốc độ đưa tin hay sức ảnh hưởng đối với độc giả, nhưng là con người. Thông tin cho người khác có nghĩa là đào tạo người khác; nó có nghĩa là động chạm đến đời sống của con người.”

Vì vậy, các nhà báo Ki-tô giáo, và những người đưa tin nói chung, cần góp phần của mình vào việc làm sạch hơn môi trường truyền thông, bằng việc thi hành lời hướng dẫn của vị cha chung: bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin, tránh các ý muốn lạm dụng truyền thông. Họ phải tránh những tham lam, đồng thời biết sẵn sáng lắng nghe, chân thành đối thoại để sự thật có thể nổi lên. Họ cần đào luyện con tim để được cuốn hút bởi sự thiện, và chịu trách nhiệm về cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Hơn nữa, những người đưa tin phải có sự nhận định thận trọng, suy xét xem đưa tin gì là thích hợp, dành cho ai, trong bối cảnh nào, vì trong nhiều trường hợp, một tin chính xác lại có thể bị hiểu lệch lạc, hoặc gây hậu quả tai hại, nếu người nhận ở trong một hoàn cảnh không phù hợp. Do đó, như lời Đức Thánh Cha nhắc trong thông điệp, người đưa tin phải ghi nhớ rằng truyền thông là “phương tiện thực sự để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.”

Về phía người nhận tin, chúng ta cần học hỏi và tập luyện để có sự khôn ngoan, tỉnh táo, hầu biết phân định thông tin cách phù hợp theo tinh thần Ki-tô giáo. Có một vấn nạn lớn đối với người trẻ trong thời đại này, đó là ‘nhịp sống nhanh’: vì mọi thứ thay đổi quá nhanh, và cuộc sống có quá nhiều thông tin ập đến, khiến con người trở nên bận rộn. Chúng ta dàn trải thời gian cho quá nhiều thứ. Vì thế, trong việc tiếp nhận thông tin, ta không dành đủ giờ để suy xét hay phản tỉnh, mà chỉ lướt qua. Điều này khiến nhiều người đánh mất khả năng phê bình[4] khi đọc tin. Vì thế, trước những thông tin có tầm quan trọng, chúng ta cần tập thói quen dành thêm giờ suy nghĩ thay vì vội vàng đưa ra kết luận theo cảm xúc. Cần phải tìm hiểu thông tin đó trong bối cảnh tổng thể của nó; đặc biệt, cần suy xét xem liệu nó có thể rơi vào những hình thức tin giả hay theo ý đồ lèo lái truyền thông như đã đề cập phía trên hay không.

Hơn nữa, trong mô hình tương tác của truyền thông hiện đại, người nhận cũng thường trở thành người truyền tin. Vì thế, chúng ta cần chú ý trách nhiệm của mình trong việc làm lan truyền các thông tin, nhất là trên mạng xa hội, như việc share hay comment trên facebook. Do đó, những hướng dẫn dành cho các nhà báo, như nói ở trên, cũng được áp dụng cho người đọc.

Ngoài ra, thiết tưởng cần đặc biệt nhấn mạnh rằng: người đọc hãy tập luyện tinh thần bình tâm, biết ‘bỏ rơi’ những thông tin không đem lại ích lợi cho con người, như xưa Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ biết ‘phủi bụi chân’ (tức đoạn tuyệt) đối với những điều không thích hợp (Lc 9,5). Có lẽ ‘thần dữ’ luôn muốn chúng ta bị ám ảnh bởi những thông tin lệch lạc, sai trái. Vì thế, biết cách bỏ rơi thông tin không thích hợp là một trong những cách hữu hiệu nhất trong việc chống lại sự dữ của truyền thông. Chúng ta có thể lấy ngay ví dụ kể trên về MV của chàng ca sỹ Sơn Tùng. Chắc hẳn nhiều người đang hả hê thấy sự thổi bùng các cảm xúc bộc phát như lo lắng, khinh miệt, tức giận của người Ki-tô giáo và sự lan truyền của nó qua mạng xã hội. Thiết tưởng, phản ứng thích hợp với Ki-tô hữu bây giờ là đối với việc này: đừng quan tâm, đừng xem, đừng bình luận, đặc biệt là đừng share. Nếu MV này vẫn được lan truyền và gây tổn hại tâm lý cộng đồng, chúng ta có thể sử dụng công cụ ‘report’ theo mục ‘nội dung không phù hợp’, vì gây tổn hại đến cảm thức tôn giáo. Việc làm này cũng là cách giúp cho những ‘e-kip’ sản xuất âm nhạc hay văn hoá nói chung biết ý thức và có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Tóm lại, Sứ Điệp cho Ngày Truyền Thông của Đức Thánh Cha đã nhắc ta rằng, trước hai vấn nạn tin giả và dùng truyền thông để lèo lái công chúng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam, người đưa và người nhận thông tin cần tập biết phân định và có trách nhiệm với thông tin. Sứ Điệp cũng chỉ rõ tiêu chuẩn của phân định: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32), sự thật ở đây chính là sự thật bắt nguồn từ Đức Giê-su, Đấng Sự Thật. Vì thế, nền tảng để phân định chính là việc sống kết hợp mật thiết với Đức Giê-su hầu cho tâm được lớn và trí được sáng để biết thông tin gì mang lại thiện ích và hoà bình cho bản thân, cho tha nhân, và cho toàn xã hội.

Chúng ta cùng hiệp thông trong lời kinh của Đức Thánh Cha, được gợi hứng từ tinh thần của Thánh Phan-xi-cô Assisi, để cầu nguyện cho nỗ lực cổ võ tìm kiếm sự thật, và thực thi một phương thức truyền thông xây dựng hoà bình:

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.
Giúp chúng con nhận ra sự ác tiềm ẩn trong thứ truyền thông không kiến tạo hiệp thông.
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.
Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
Nơi đâu có kêu la, xin cho chúng con biết lắng nghe;
nơi đâu có bấn loạn, xin cho chúng con tạo được niềm hứng khởi hòa hợp;
nơi đâu có những mơ hồ, xin cho chúng con biết mang đến sự minh bạch;
nơi đâu có loại trừ, xin cho chúng con mang đến tình liên đới;
nơi đâu có kích động, xin giúp chúng mang lại sự điềm tĩnh;
nơi đâu hời hợt, xin cho chúng con nêu lên được những thắc mắc đích thực;
nơi đâu có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức được niềm tin;
nơi đâu có hận thù, xin cho chúng con biết mang đến niềm tôn trọng;
nơi đâu có giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật. Amen.

Khắc Bá, S.J.

[1] Nhưng các thông điệp thường được công bố trước vài tháng để Ki-tô hữu trao đổi, học hỏi. Cụ thể, thông điệp của năm nay được công bố vào ngày 24/01/2018.

[2] Xin xem toàn văn Thông điệp (theo bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam) tại:
https://dongten.net/2018/01/08/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018/.

[3] Những suy tư mang tính lý thuyết về bản chất và nền tảng của truyền thông đã được đề cập ở bài “Thử tìm một định hướng cho truyền thông xã hội ở Việt Nam từ gương mẫu truyền thông của Đức Maria”. Xem tại: https://dongten.net/2018/05/11/thu-tim-mot-dinh-huong-cho-truyen-thong-xa-hoi-viet-nam-tu-guong-mau-truyen-thong-cua-duc-maria/.

[4] Chú ý: ‘phê bình’ khác ‘phê phán’. Phê bình là sử dụng trí năng để suy xét vấn đề cách thấu đáo và đưa ra cái nhìn của bản thân mình. Còn phê phán là ‘tấn công’ vào một vấn đề nào đó, hay một ý kiến của ai đó mà không nhất thiết đã có sự phê bình.

Kiểm tra tương tự

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Các tham dự viên Thượng Hội đồng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ gì?

  Trong khi Chúa Thánh Thần nói trực tiếp vào tâm hồn mà không cần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *