Tin Mừng cho người nhiễm HIV
MMsj
Số người nhiễm Hat mỗi ngày một gia tăng, cần rất nhiều bàn tay nâng đỡ của cộng đồng, giúp xóa đi mặc cảm và đặc biệt phụ giúp để anh chị em đi vào đời sống tâm linh, từ đó thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà không buông xuôi, thế nhưng con số những người tình nguyện dấn thân cho mảng sứ vụ này chưa nhiều lắm. Thực ra, không ai có thể đến với những người nhiễm Hat dễ dàng và hiệu quả cho bằng chính những người nhiễm Hat, chuyện cứ như đùa, vì người què không lê nổi tấm thân, làm sao có thể kéo theo bạn què.
Cách đây gần 1 năm, tôi có dịp làm quen với một nhóm TG của một giáo phận, giữa nhóm có 2 chị bị nhiễm Hat mà không ai hay biết ngoại trừ LM phụ trách. Sau khóa học thì một trong hai chị được mời đứng ra chia sẻ, và mọi người ngỡ ngàng lắng nghe trong tiếng reo vui của một con tim đang kể về số phận mà như đang cất lên lời kinh tạ ơn và hiến tế. Sau lần gặp gỡ này, chị được khích lệ tìm đến với các anh chị nhiễm Hat nhiều hơn, và chị cũng đã nhận rõ điều này khi thấy mình được Chúa đặt giữa những người có chung mầm bệnh.
Chị bắt đầu làm quen với các nhóm đang sinh hoạt trong tỉnh, và sẵn tính vui tươi hồn nhiên, chị trưởng nhóm Vì Ngày Mai Tươi Sáng đã xin chị tham gia bộ ba Ban Điều hành.
Một người công giáo làm việc chung với 2 người lương dân, chuyện bình thường thôi mà, có gì lạ đâu. Nhưng vì chị thuộc nhóm Loan Báo Tin Mừng, vì thế lúc nào chị cũng muốn tạo cơ hội để bầy tỏ Tin Mừng cho mọi người.
Thực ra, chị trưởng nhóm là con người đầy ước mơ, không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả các bạn khác nữa. Chị đã tới chùa để tham quan tìm kiếm cho mình con đường dẫn vào đời sống tâm linh, và nay có bạn mới, chị theo đến nhà thờ, cũng với con tim đang lần mò tìm kiếm, và cuối cùng chị đã muốn có được một Linh Mục để nâng đỡ và tư vấn cho các anh chị em nhiễm Hat, dẫn anh chị em bước vào cõi sống đích thật. Tuy nhiên để tìm kiếm được một LM có thể gần gũi và thông cảm, chia sẻ với anh chị em thì không dễ chút nào, vì thế giới của những người nhiễm Hat thường khép kín, và ngược lại mọi người, tuy không nói ra, nhưng luôn có chút e ngại.
Có những người nhiễm Hat vì ma túy, vì ham vui, nhưng có nhiều người chỉ là nạn nhân. Không như những chàng trai say rượu đi nghiêng ngả ngoài đường mà vẫn cứ nói mình không say, một người khi biết mình bị nhiễm Hat thường dấu biệt, và tìm mọi cách để đừng ai phát hiện, chính vì lẽ đó mà nhiều người khác phải vạ lây, và những người đầu tiên mang vạ là vợ con.
Nếu phải viết kịch bản về một gia đình nhiễm Hat, nhân vật nổi bật sẽ là bà mẹ chồng và các bà cô bên chồng, nhân vật thứ hai là người vợ bị vạ lây mà không được thương xót, con cái chịu thiệt thòi nhất vì chẳng được mấy ai trong nhà nội muốn cưu mang, chăm sóc, anh chồng chỉ có mặt như một bóng mờ. Nếu chị vợ lỡ mang thai tiếp thì cả chồng lẫn vợ đều sẵn sàng phá bỏ. Còn nếu chị vợ không muốn phá bỏ thì giai điệu tiếp theo sẽ là bi kịch, bà mẹ chồng lúc này không chỉ lên tiếng nặng nhẹ mà có khi còn có những lời khó nghe làm con dâu thêm đau lòng. Cứ theo lẽ thường tình thì việc phá bỏ thai nhi xem ra hợp lý, nhất là khi CD4 của người mẹ xuống thấp chỉ hơn 100…và vì thế thai nhi trong dạ mẹ, cách này hay cách khác, luôn bị đe dọa.
Màn tiếp theo, giai điệu chuyển qua cung thương : sân khấu chỉ còn mấy mẹ con lang thang lếch thếch trên đường.
Tuy nhiên, giai điệu trở nên vui tươi khi sân khấu tràn ngập ánh sáng Tin Mừng, ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa xót thương nhân loại tội tình đến nỗi đã ban Con Một, để từ trong bóng tối cuộc đời, con người gặp được Đấng trao ban nước hằng sống, làm trào lên, từ lòng người, mạch nước đem lại sự sống đời đời. Trong Tin Mừng Ga chương 5, người ta ngỡ ngàng khi nhìn thấy anh bất toại không chỉ đứng dậy đi được mà còn vác theo cả cái chõng của số phận ; và trong Ga chương 9, người ta càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy anh mù lao mình về hồ nước “Thiên sai” : Tất cả đều nhờ vào quyền năng của Đấng có Lời ban sự sống,
“điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga.1.4).
Không lý luận theo lẽ thường tình, nhưng dựa vào Lời Chúa và quyền năng của Lời, người bị nhiễm Hat đã biết nhìn lên chứ không chỉ nhìn xuống, để từ sâu thẳm cõi lòng, người mẹ đang mang thai nhi cất tiếng gọi ABBA, Cha ơi, Cha của chúng con là Đấng ngự trên trời, và thai nhi trong khi hòa theo tiếng gọi Abba của mẹ, “máy lên vui sướng” vì được mẹ hứa cho chào đời làm người.
Màn kết thúc của vở kịch là một mái ấm hạnh phúc, hai đứa con mới đó khóc lóc van xin mẹ đừng giết bỏ em giờ tươi cười, người chồng cúi xuống trên người vợ an ủi vỗ về, cặp mắt bối rối như muốn nói lời xin lỗi vợ và các con. Thế còn một nhân vật nãy giờ vẫn đứng trong hậu trường, đó là anh mù trở về từ hồ nước “Thiên sai”, đã dùng mọi lời lẽ để bênh vực thai nhi, đang quì gối tạ ơn Thiên Chúa, và một lần nữa, lời kinh tạ ơn được cất lên với trọn niềm xác tín vào Lời của Thầy đã nói về mình : “không phải tại anh ta, cũng chẳng phải tại cha mẹ anh ta…nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9, 3).
Hình ảnh cuối cùng như dấu ấn của một gia đình hạnh phúc là anh què vác cái chõng của số phận, bước đi trong khúc hoan ca vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Kịch bản trên đây vừa được viết trên sân khấu cuộc đời, một khung cảnh đang diễn ra, với những nhân vật là người thật việc thật, có thể có một chút hư cấu vì người biên kịch không có mặt ngay tại hiện trường.
Vâng, “hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”, đó là Tin Mừng trọng đại đã được công bố cho những người nghèo hèn bé nhỏ, và cũng là Tin Mừng cho toàn dân,(x.Lc 2,10-11)
Và cũng là Tin Mừng cho những người bị nhiễm HIV.
Tháng 06.2011