Chúng ta mừng lễ Chúa nhật các Thánh Tử Đạo Việt Nam với đoạn Tin Mừng: Lc 9,23-26
Tính kỷ luật của các thánh nhân xưa
Hôm nay Giáo Hội Việt Nam Mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các Ngài không chỉ là những con cái ngoan hiền của Chúa, nhưng còn là những chứng nhân kiên cường, vì đã luôn trung thành trong ba bước căn bản của người môn đệ Chúa Kitô:
- Từ bỏ mình
- Vác thập giá
- Và bước theo Chúa (Lc 9,23)
Ba bước đi căn bản này tạo nên tính kỷ luật nơi người môn đệ của Chúa.
- Khi từ bỏ mình, họ không còn coi mình là trung tâm nữa, nhưng là Chúa. Từ đó, họ ý thức không tự đề cao mình hay toan tính mưu cầu tư lợi, nhưng tập trung trọn vẹn vào Chúa và những điều Người muốn trong cuộc sống mình.
- Khi vác thập giá mỗi ngày, người môn đệ thi hành Thánh Ý Chúa trong giây phút hiện tại. Thập giá đời thường nhiều lắm! Những trái ý, những lo lắng hoang mang, những sợ hãi và mất mát…luôn làm xáo trộn và đè nặng lên tâm trí con người… Nhưng tất cả những điều đó sẽ trở nên có ý nghĩa khi người môn đệ luôn đặt cho mình câu hỏi: Chúa đang muốn gì trên cuộc đời tôi? Câu hỏi này sẽ giúp họ có thêm sức mạnh, sự ủi an trước những đau thương khốn khó, và họ đón nhận mọi việc xảy đến như cách để làm mới mình trong ơn Chúa trợ giúp.
- Và khi bước theo Chúa, người môn đệ sẵn sàng liều mất mạng sống mình vì danh Thầy Giêsu, vì họ tin rằng: Chúa là Đấng đã hiến mạng sống mình trên thập giá vì yêu thương con người, và sự hiến dâng đó đã nên nguồn cứu độ cho muôn người. Bước theo Chúa là bước vào con đường thập giá, con đường của tự hiến và trao ban. Người môn đệ khi quyết định theo Chúa, thì không chỉ theo trong ước muốn, trong ý hướng, nhưng đôi chân phải bước và con tim phải luôn hướng về lối bước của Thầy, để Thầy ở đâu thì những kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó”. (Ga 12,26).
Chính tính kỷ luật này nhắc nhớ họ về số phận và mục đích ơn gọi làm môn đệ Chúa: cùng thông phần với Thầy trong đau khổ và trong vinh quang mai này.
Tính kỷ luật trong đời sống người Kitô hữu hôm nay
Mỗi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh trong tình trạng và hoàn cảnh sống riêng mình. Dù là người nông dân trồng lúa trồng khoai, hay anh kỹ sư xây dựng các công trình, người thợ làm ra những chiếc bánh thơm ngon phục vụ anh chị em mình, những linh mục và tu sĩ…tất cả đều phải tuân theo những quy tắc, kỷ luật riêng nhằm giúp họ đạt hiệu quả cao và bền vững trong công việc, ơn gọi của mình. Vậy thử hỏi, trong đời sống đức tin của mỗi người, các bạn và tôi đang thực hành theo những tiêu chuẩn hay quy tắc nào để sống đúng tinh thần người môn đệ Chúa? Những câu hỏi được đặt ra như sau:
Hằng ngày, tôi từ bỏ mình như thế nào?
Trong tương quan ông/bà,cha/ mẹ, vợ/ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, anh/chị em trong cộng đoàn tu trì… tôi là người biết để tâm quan sát và sẵn sàng dùng thời gian, sức khỏe, tài năng để giúp đỡ những ai cần? Hay tôi luôn đặt mình là trung tâm của mọi vấn đề, và bắt người khác phải phục vụ cho ý riêng mình? Nhìn về những tương quan trong cuộc sống, tôi có cảm nhận được niềm vui của trao ban và sẻ chia? Tôi có đang trong những mối tương giao đích thực khi biết chuyển từ quy ngã đến tập chú vào tha nhân? Tôi có đang nhận ra: từ bỏ mình trong ý hướng lan tỏa tình yêu và kinh nghiệm được Chúa yêu đến với những người sống chung quanh mình là điều thật tuyệt vời mà người môn đệ luôn được mời gọi?
Hằng ngày tôi có vác thập giá mình?
Tâm lý con người thường yêu chuộng những gì tiện lợi, thoải mái, và tránh những gì “khó làm” hay “làm khó mình”. Và thập giá đời thường cũng vì đó mà có nhiều kiểu, kích cỡ khác nhau, vì làm sao chúng ta có thể chọn mãi cho mình sự tiện nghi, hay hưởng mãi sự quân bình trong cuộc sống. Nhìn về thập giá trong tương quan giữa con người với nhau, chúng ta sẽ thấy: có những tương quan vợ chồng, đồng nghiệp, bạn bè… đổ vỡ là do mỗi người thay vì “chịu khó” gặp gỡ để hàn gắn và vun đắp, lại “khó chịu, và không chịu” đối mặt, đối thoại để rồi rời xa nhau. Thay vì đón nhận và chấp nhận những khuyếm khuyết của nhau, thì lại chỉ mong chờ đối phương trở nên hoàn hảo. Thay vì làm nhẹ gánh nặng, vác đỡ thập giá cho nhau bằng những chung chia, san sẻ, lại thường dễ xét đoán và kết án lẫn nhau. Và quả thật, để phán xét hay kết tội một ai đó dễ lắm, nhưng để lắng nghe, để hiểu, và để cảm thông thì khó vô cùng. Mà khó quá, chúng ta thường bỏ qua. Chẳng những vậy, thập giá mình, mình không vác, lại chất lên vai người thân, bè bạn, anh chị em mình. Chính lối sống thiếu kỷ luật và ích kỷ đó làm chúng ta bị khựng lại trên hành trình đi theo Chúa, và khoảng cách cứ càng lúc càng xa trong tương quan với người khác.
Và hằng ngày, tôi có đang bước theo Chúa?
Có quá nhiều lối rẽ, ngã ba ngã tư trên con đường theo Chúa. Người Kitô hữu cần phải luôn cảnh tỉnh để không lạc bước Thầy Giêsu. Vậy làm sao để biết mình đang đi đúng đường? Đâu là những dấu hiệu nhận biết chúng ta vẫn đang chuyển động trong quỹ đạo Giêsu? Thật không khó để liệt kê ra những dấu hiệu cho biết chúng ta đang đi đúng đường, đó là “từ bỏ bình, vác thập giá mình hằng ngày…”. Thế nhưng, để có thể kiên trì và trung thành trong những bước đi này, đòi hỏi mỗi người Kitô hữu phải biết đưa “văn hóa Nước Trời, văn hóa Tám Mối Phúc” vào trong “văn hóa địa phương” nơi mình đang sống, vì đó là hai nền văn hóa cùng tồn tại trong thực tế đời sống mỗi người, như lời trong lời nguyện số 32 dành cho các bạn trẻ Việt Nam có viết:
Giữa một thế giới, đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em…
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, nhờ tính kỷ luật mà các thánh Tử Đạo Việt Nam xưa đã không ngại hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Chúa, và để bảo vệ đức tin Chúa ban. Qua đó, chúng con được thừa hưởng gia tài đức tin cao quý do các ngài truyền lại.
Xin cho chúng con đang khi bước theo Chúa, biết can đảm để Chúa cắt tỉa và loại bỏ những gì không phù hợp với tư cách người môn đệ Chúa.
Xin cho chúng con biết hăng hái vác lấy thập giá đời mình mà không trách đời trách người, nhưng luôn tin tưởng và hy vọng vào kế hoạch Chúa làm trên cuộc đời chúng con.
Và sau cùng, xin cho những giá trị của văn hóa Nước Trời được thẩm thấu trong từng lời nói, hành vi, và cung cách sống của mỗi người chúng con, để từ đó, chúng con trở nên men muối, và ánh sáng hầu lan tỏa tình Chúa cho mọi người, mọi nơi. Amen.
Sr Quỳnh Thoại