Tình thương trong đại dịch

Nếu như cây sống mà không có nước để hấp thụ muối khoáng và trao đổi chất thì nó sẽ dần khô héo và chết đi theo dòng thời gian. Nếu như đất mà thiếu đi những cơn mưa hay nguồn nước tưới thì nó sẽ trở nên khô cằn, nứt nẻ và mất đi sự sống của các loài thực vật. Cũng vậy, nếu con người sống mà không có dòng nước của tình thương liệu rằng con người có còn tồn tại được nơi quả đất này không?  Tình yêu đó là chất liệu thêu dệt nên cuộc sống. Nó giúp con người dung hòa các mối tương quan với cá nhân, tha nhân và thiên nhiên một cách mật thiết. Hơn thế nữa, tình thương chính là liều thuốc giúp con người chữa lành mọi thương tích nơi thể xác và tâm hồn một cách hữu hiệu nhất. Nhà kịch gia Hy Lạp cổ đại Sophocles đã từng nói: “Một từ giải phóng chúng ta khỏi tất cả những sức nặng và đau đớn của đời: Đó là yêu thương”. Nơi yêu thương chúng ta tái khám phá được nguồn sức mạnh tiềm ẩn được giấu kín nơi con tim sâu thẳm, nó giúp con người xích lại gần nhau hơn để chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ nhau trong cuộc sống lữ hành nơi trần gian.

 Hơn một năm, kể từ ngày đại dịch in hằn vào dòng lịch sử của nhân loại, điều này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người, nền kinh tế đi xuống cách nghiêm trọng và đời sống con người rơi vào cảnh lo sợ bất an. Những con số không ngừng tăng vọt minh chứng cho sức phá hủy và lây lan của Covid thật đáng sợ và lo ngại. Đứng trước những thực trạng đau thương vậy con người đã và đang làm gì?

Đại dịch Covid 19 đã để lại những hậu quả đau thương cho con người và xã hội. Nó còn làm cho con người thu mình trong vỏ bọc an toàn của bản thân, khi chúng ta bị ngăn cách nhau về mặt không gian và thời gian. Tuy nhiên, thực tế cho chúng ta thấy được đại dịch Covid 19 đó là đại dịch của tình thương. Khi từ những đứa trẻ đến những cụ già, từ những người nghèo đến người giàu, từ người trong nước cũng như ngoài nước, hay từ những tu sĩ đến những y bác sĩ…tất cả tuy khác về quan điểm, tôn giáo hay địa lý, nhưng lại chung một tấm lòng đó là yêu thương, là sẻ chia, là đồng cảm và là sự hy sinh quảng đại khi không ngần ngại nguy hiểm tiến vào tâm dịch để góp sức trong việc phòng và chống lại đại dịch.

Trong những ngày qua chúng ta dường như được sống lại trong đạo lý mà cha ông ta để lại: “Thương người như thể thương thân” hay “Lá lành đùm lá rách”. Khi người người, nhà nhà luôn hướng mình và đồng lòng giúp đỡ những nơi bị đại dịch Covid hoành hành. Từng túi gạo, túi bánh đến những xuất cơm 0 đồng hay những cử chỉ thân thương nhất đã và đang diễn ra trên dải đất hình chữ S. Từng hội đoàn, các tu viện và những người dân đã tự nguyện dấn thân vào tâm dịch để chăm sóc và phục vụ các bệnh nhân nơi mọi môi trường khác nhau. Cũng vậy, nhiều nơi trên dải đất hình chữ S đã góp sức, góp của khi trao ban những lương thực, nhu yếu phẩm cho các vùng tâm dịch. Không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo hay khoảng cách địa lý những chung một nhịp đập của tình thương phát xuất từ trong cõi lòng sâu thẳm của từng người. Họ đến hiện diện, trao ban và băng bó những thương tích mà người anh, người chị họ đang vất vưởng vật lộn với đại dịch Covid. Như vậy, tình thương đó là liều vacxin thiết thực nhất mà chúng ta cần phải trao ban trong bối cảnh hiện tại. Bởi, nó làm cho con người phần nào vơi đi niềm đau, sự mất mát, tổn thương nơi tâm hồn và thể xác, nhờ đó chúng ta cùng nhau xích lại gần nhau để đẩy lùi đại dịch Covid. Vậy đại dịch Covid 19 cho chúng ta bài học gì?

Đại dịch Covid 19 đó là cơ hội để chúng ta biết nhìn nhận thân phận yếu đuối mỏng dòn của con người và cái chết không phân biệt một ai. Chính nhờ đó mà chúng ta biết sống với, sống cho và sống vì thay vì sống ích kỉ, đố kị và loại trừ nhau. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã viết rằng: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để yêu thương”. Đại dịch cũng là cơ hội để chúng ta bình tâm suy nghĩ về cung cách sống của mình đối với bản thân, tha nhân và thiên nhiên. Nhờ đó mà cân bằng hài hòa các mối tương quan với nhau và cùng giúp nhau thăng tiến trên bước đường trần gian.

Con người là một hữu thể có tương quan. Nhờ tương quan với nhau mà con người có thể duy trì sự sống và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn. Cho nên, chúng ta không thể phớt lờ đi sự hiện diện của những người chung quanh mà phải có trách nhiệm bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn thử thách. Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã thốt lên rằng: “Đố ai sống được mà không yêu. Không thương, không nhớ ai bao giờ”. Như thế, tình yêu đó là bản năng mà tạo hóa đặt sẵn nơi con người. Chính nhờ tình yêu mà con người biết cho đi để lớn lên, trao ban để nhận lại và sẻ chia để được hạnh phúc. Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đang hoành hành khiến cho đời sống con người nơn nớp và lo sợ. Thiết nghĩ, tình thương sẽ có sức chữa lành và an ủi các nạn nhân, gia đình đang phải đương đầu với đại dịch.

Ước mong rằng, trong cơn đại dịch Covid 19 đang hoành hành nơi nhân loại, mỗi người trong bậc sống của mình biết phần nào góp sức, góp của để cùng nhau chữa trị và khắc phục những hậu quả đau thương mà Covid 19 mang đến. Chúng ta phải luôn là con người nhạy bén trước những nhu cầu của tha nhân và xã hội, nhờ đó mà mỗi người ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc chăm sóc, bảo vệ và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.

Mọn Hèn

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

Mễ Du: Tòa Thánh sẽ cần phải phê duyệt những cái được cho là thông điệp trong tương lai

I.Media – xuất bản ngày 19/09/24   Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Giáo …

Một bình luận

  1. The servant of Jesus

    Cảm ơn tác giả của bài viết.
    Bài viết mang đến nhiều ý nghĩa và thiết thực!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *