Làng Phong Qui Hòa, tỉnh Bình Định… Khi đến thăm nơi đây, sẽ thật là ý nghĩa nếu bạn dành thời gian để bộ hành tham quan và cảm nghiệm về khung cảnh nơi đây. Có lẽ sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu bạn không dừng chân ở đây như một điểm du lịch: Ghé thăm thật nhanh, chụp đôi ba tấm hình lưu niệm và ra về, mà nên dừng chân lâu hơn để hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về nơi đây.
Làng Phong Qui Hòa nằm cách thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tầm 5 km, ngày nay trở thành một điểm du lịch rất nhiều người muốn ghé thăm khi đến tỉnh Bình Định. Đây cũng là nơi rất nhiều đôi bạn trẻ chọn để chụp ảnh cưới, các cô cậu học trò cuối cấp chụp ảnh kỷ yếu ra trường. Bởi nơi đây có bờ biển Qui Hòa tuyệt đẹp và thơ mộng, cũng là nơi gắn bó một phần cuộc đời của nhà thơ Hàn Mạc Tử… tất cả đã góp phần làm nên một Qui Hòa giản dị và dễ thương!
NHƯNG…
Mấy ai biết được, nhất là các bạn trẻ sau này như tôi, cách đây hơn 80 năm về trước, nơi đây là vùng đất rất hoang vu, ngoài bờ biển lạnh lẽo và rừng cây âm u. Tôi chỉ được nghe loáng thoáng về nơi này khi học về tiểu sử hay nghe các bài hát nói về nhà thơ Hàn Mạc Tử. Mãi cho đến khi được đặt chân đến và sống 1 tuần ở nơi đây, tôi mới biết phần nào và cảm nhận được nhiều điều hơn.
Làng Phong Qui Hòa đã chớm hình thành cách đây hơn 80 năm về trước, với ơn Chúa quang phòng, hay người ta vẫn hay nói đó là duyên: “Năm 1929, cha Paul André Maheu và bác sĩ Le Moine của cơ quan Y Tế Cộng đồng Qui Nhơn, họ tìm thấy một thung lũng cách thành phố Qui Nhơn khoản 5 km về hướng nam, để xây dựng bệnh viện cho những người mắc bệnh phong. Ngày nay là Bệnh Viện Phong Da Liễu Trung Ương Quy Hòa”. Sau đó, quý sơ thuộc Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ từ Pháp đã sang cộng tác và góp phần xây dựng nên Làng Phong Qui Hòa ngày nay.
Sau hơn 80 năm, rất nhiều thế hệ đã qua đi, và Làng Phong Qui Hòa cũng được “thay da đổi thịt” theo năm tháng. Nhưng có lẽ không cần phải nói nhiều, ai cũng có thể hình dung ra sự khó khăn và thách đố thuở ban đầu ấy. Khi những người dân sống và khai hoang phần đông lại là những người mang trên mình căn bệnh “thế kỷ” thời bấy giờ – bệnh Phong, khi mỗi ngày trôi qua, từng bộ phận trên người lần lượt ‘ra đi’. Trong bối cảnh không chỉ thiếu thốn về kinh tế, mà còn cả về nhân lực, mới phần nào cảm nhận được tình yêu và sự dấn thân tuyệt vời của các vị tiền bối ngày xưa, cùng với tất cả mọi người nơi đây.
Khi đến thăm nơi đây, mỗi người sẽ có một cách khác nhau, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, điểm dừng chân và khởi đầu cho hành trình chính là nhà thờ Qui Hòa – ngôi thánh đường đơn sơ với hơn 80 năm tuổi sẽ cho bạn nhiều cảm nhận. Sau đó, từ nhà thờ đi ra rẽ trái, chính là nhà lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử, nơi có tượng và các kỷ vật của Ông – các tập thơ và hình ảnh quý giá còn lưu lại được cho đến hôm nay. Tiếp tục đi thẳng bạn sẽ gặp chợ Qui Hòa và trường tiểu học đậm chất thôn quê và dễ thương. Hướng ra bờ biển là nhà xứ Qui Hòa và cộng đoàn của Quí sơ Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ rất đơn sơ và dễ thương, nơi may mắn còn lưu lại được một số tấm hình rất cảm động về thuở ban sơ khi nơi đây bắt đầu được khai hoang. Sau đó, tiếp tục đi dọc bờ biển đến công viên Nhân Ái – nơi có tượng và tiểu sử của các danh Y trong và ngoài nước, đã cống hiến trọn cả công sức và tài năng để mang đến hạnh phúc cho những người bệnh. Điểm cuối dọc bờ biển là Đài Đức Mẹ Vô Nhiễm – Đấng chuyển cầu ân sủng cho mọi người nơi đây. Sau đó rẽ trái gần 1km là nơi an nghỉ đầu tiên của nhà thơ Hàn Mạc Tử – hiện nay hài cốt của Ông đã được dời ra bên ngoài khu du lịch Ghềnh Ráng. Từ mộ nhà thơ đi ngược lại, bạn sẽ bắt gặp Bệnh Viện Phong Da Liễu Trung Ương Quy Hòa, nơi tiếp nhận và điều trị cho những người không may mắn mắc phải căn bệnh này – tin vui là bệnh Phong ngày nay được chữa khỏi hoàn toàn và miễn phí điều trị. Sau đó, nếu bạn là người Công Giáo, có thể dành ít phút để cầu nguyện tại ngôi thánh đường Qui Hòa nằm ngay sát bệnh viện để kết thúc hành trình. Và nếu có thể, một điều thú vị không kém là dành chút thời gian để tắm biển Qui Hòa đẹp và thơ mộng, trò chuyện với người dân để hiểu được cuộc sống giản dị và yên bình nơi đây.
Xin được cảm ơn những người dân dễ thương nơi đây đã cho tôi được sống và có những giây phút trải nghiệm thật ý nghĩa. Cảm ơn bài học về tình yêu, lòng quảng đại và dấn thân của các bậc cha ông đi trước với biết bao hi sinh và tình yêu. Nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành và gìn giữ mọi người luôn được hồn an xác mạnh, và có cuộc sống ngày càng ấm no hơn. Amen!
Hi vọng mọi người sẽ có dịp ghé thăm nơi đây và tìm thấy một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của chính mình.
HV. Paul Khuê,S.J.