Qua việc tự nguyện cam kết tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, các tu sĩ để mình được thuộc trọn về Chúa cả tâm hồn lẫn thể xác. Thế nhưng, đâu phải đơn giản hứa là giữ được, bởi “tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối”[1],vì thế Chúa Giêsu dạy chúng ta:“Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”[2]
Trong bối cảnh văn hóa-xã hội hiện nay, người tu sĩ phải đối diện với nhiều thách đố, không chỉ với những thách đố bên ngoài mà còn trong chính nội tại của người tu sĩ.
Nhiều người nghĩ rằng, người tu sĩ thì không được phép yêu. Liệu điều đó có đúng không?
Yêu và được yêu là một nhu cầu cơ bản của con người, vì cũng là những con người bình thường như bao người khác nên người tu sĩ cũng khao khát yêu và được yêu. Việc người tu sĩ cam kết giữ đức khiết tịnh không phải là “dẹp bỏ tình yêu; trái lại đó là sự trải rộng viên mãn của tình yêu, hệ như tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria đấng đã hiến mình cho Thiên Chúa”[3]
Thế nhưng, việc giữ tình yêu trung tín trọn vẹn cho Thiên Chúa nơi người tu sĩ luôn có thể gặp nguy hiểm. Không ai có thể dám tự phụ cho rằng mình có đủ mạnh mẽ để thắng vượt cơn cám dỗ trong vấn đề tình cảm vì cái gì đến từ bản năng thì không thể mất cho đến khi người đó nhắm mắt xuôi tay.
Vậy làm thế nào người tu sĩ có thể vượt qua được cơn cám dỗ và đương đầu cách khôn ngoan với một thách đố không hề đơn giản như thế?
Để có thể đưa ra một giải pháp khách quan và chính xác, có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ việc đi tìm nguyên nhân của vấn đề.
“Kinh nghiệm cho thấy những người bỏ đời sống cầu nguyện, thiếu tình huynh đệ cộng đoàn và bỏ bê bổn phận sớm muộn gì cũng sẽ sa ngã”[4]
Phẩm tính đời dâng hiến tự bản chất là một đời sống cầu nguyện để chiêm ngắm, phung sự và tôn vinh Thiên Chúa. Đời thánh hiến của người tu sĩ không thể đứng vững nếu không có đời sống cầu nguyện sâu xa, liên lỉ với Thiên Chúa. Có yêu mến Thiên Chúa, mới yêu mến phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.
Cũng vậy,“tình yêu của người tu sĩ bao giờ cũng đưa tới hiệp thông cách tự nhiên. Nếu tình yêu ấy không lớn lên trong sự hiện thông với Thiên Chúa, thì đó sẽ không phải là tình yêu thật. Ai ở trong sự hiệp thông với Thiên Chúa đều tham dự vào tình yêu Ngài dành cho nhân loại”[5].
Như thế, giải pháp đưa người tu sĩ mang trong mình một tình yêu trung tín với Thiên Chúa không gì khác hơn là thực hiện lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”[6]
Vậy làm thế nào để có thể ở lại thật trong tình yêu Thiên Chúa?
Vâng, chỉ khi nào người tu sĩ cảm nhận và xác tín rằng: “Tôi được Thiên Chúa yêu thương và tôi có khả năng yêu thương”
Hai xác tín đó là những “điều kiện để xây dựng sự tự do trong đời sống tình cảm và dự phóng dâng hiến cho Thiên Chúa là Tình Yêu”[7]
“Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu thương chúng ta”[8]
Người tu sĩ ý thức rằng họ đã lãnh nhận tình yêu và quả quyết là mình có khả năng và có nhiệm vụ dâng hiến tình yêu.
“Họ cảm thấy tự do khi dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của Tình Yêu và tận hiến cho anh chị em mình, luôn luôn lấy lòng khiêm tốn và giản dị mà trao đổi Tình Yêu cho nhau.
Người tu sĩ dấn thân vào đời sống trinh khiết, bằng cách khước từ sự thân mật với một thụ tạo sẽ mãi là của mình, bất kể sự thân mật đáng ước ao đến thế nào đi nữa. Dẫu biết rằng đó là một từ bỏ không phải dễ dàng, nhưng họ có thể thực hiện được khi họ tự do xác tín rằng họ luôn luôn được yêu thương, có khả năng và nhiệm vụ phải yêu thương cho đến cùng và nhiều hơn nữa. Họ tự nguyện từ bỏ để cảm nếm một tình yêu cao cả hơn”[9]
Tình Yêu Thiên Chúa sẽ lấp đầy mọi khoảng trống, mọi đam mê và lôi cuốn của tình yêu nam nữ nơi người tu sĩ. Khi họ cảm nhận Tình Yêu Thiên Chúa là tất cả trên mọi sự thì họ không còn tìm kiếm hay dừng lại ở một thụ tạo nào, ngay cả lúc lòng họ rạo rực, trái tim họ rung động trước một bóng hình nào đó, vì Tình Yêu Thiên Chúa là tất cả trên mọi sự đối với họ.
Họ ý thức Tình Yêu Thiên Chúa là tuyệt đối và “mọi tương quan yêu thương khác đều là kết quả của Tình Yêu này; vì thế mọi mối tương quan ấy sẽ tinh tuyền thánh thiện và sẽ phù hợp với bản chất và phẩm chất của người sống đời thánh hiến”[10]. Bên cạnh đó, những tương quan ấy luôn phải giữ ở mức độ trưởng thành tình cảm nơi tu sĩ, không loại trừ, không tránh né, không gây tổn thương, nhưng đối diện với một tình yêu quảng đại, luôn mong điều tốt cho người khác, không ích kỉ nhưng yêu thương hết mọi người.
Chỉ khi người tu sĩ ở lại trong tình yêu Thiên Chúa, cảm nhận và xác tín tình yêu ấy trên cuộc đời mình, từ đó khao khát dâng hiến tình yêu cho Thiên Chúa qua tha nhân, người tu sĩ sẽ có một cuộc đời tự do và hạnh phúc đích thực.
Tình yêu người tu sĩ là thế, một tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, một tình yêu tinh tuyền và thánh thiện khi trao ban tình yêu ấy cho tha nhân.
Sương Mai, SJP
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
[1] Mc 14,38
[2] Ibid.
[3] George Kaitholil, dg: Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR, Đời sống thánh hiến những cơ hội và thách đố, NXB Tôn giáo,2018
[4] Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS, Nhà đào tạo tâm huyết và sứ vụ đào tạo hôm nay, NXB Tôn giáo, 2018
[5] George Kaitholil, op.cit.
[6] Ga 15,9
[7] Amedeo Cencini, dg: Nguyễn Ngọc Kính, OFM và Nguyễn Văn Khoan, OFM, Tâm tình Chúa Con, NXB Tôn giáo, 2012
[8] 1Ga 4,10
[9] Amedeo Cencini, op.cit.
[10] George Kaitholil, op.cit.