“Trên máy bay có 3 người cùng với 1 phi công có khẩu súng ngắn. Máy bay rơi xuống sa mạc. Anh phi công chết, nhưng 3 người chỉ bị thương nhẹ. Họ còn đồ dự trữ, quan trọng nhất là nước uống. Chỉ có đủ nước cho 3 người để sống hơn 1 tuần. Có thể có máy bay cứu hộ bay qua nơi bị nạn trong khoảng 2 tuần nữa. Một người đã thấy khẩu súng trên xác của người phi công, và lấy súng. Anh dùng súng giết 2 người kia và hy vọng vào điều kì diệu là anh được cứu. Anh chôn cất 2 người kia. 10 ngày sau, máy bay cứu hộ tìm thấy anh và cứu anh.“
Anh ta quá ích kỷ? Chủ nghĩa vị kỷ đạo đức và đạo đức học của Kant nói gì về các hành vi của anh? Từ đó, tôi quyết định xem, tôi sẽ làm gì trong tình huống của anh.
Một mặt, chủ nghĩa vị kỷ đạo đức (ethical egoism) cho thấy, anh hành xử một cách thuyết phục. Thứ nhất, không chỉ có xu hướng ích kỷ như mọi người, theo như ‘chủ nghĩa vị kỷ tâm lý’ (psychological egoism); anh còn để cho xu hướng này trở thành động lực duy nhất cho hành động. Đó là, bằng mọi giá anh phải tồn tại, mặc kệ người khác. Nước uống không đủ, nếu hai người kia còn sống, nước uống không thể thuộc về một mình anh. Do đó, anh quyết định giết họ. Vì có súng, nên anh thực hiện cách dễ dàng. Anh đạt được kết quả như mong muốn là thoát chết. Một lần nữa, anh cho thấy sức mạnh chiến thắng của chủ nghĩa vị kỷ đạo đức. Sự dứt khoát của anh cách nào đó thuyết phục người khác rằng, nếu bạn là tôi, bạn cũng sẽ làm như thế thôi. Thứ hai, chủ nghĩa vị kỷ đạo đức có thể cho rằng, anh làm như thế là tốt cho cộng đồng. Bởi lẽ, nếu anh không tự lo liệu cho mình như thế, thì kết quả là cả ba người đều chết khát. Đàng này, anh sống, và giúp hai người kia thoát cảnh chết thê thảm; đàng nào họ cũng chết, anh giúp họ chết sớm hơn, gọn nhẹ hơn; anh cũng chôn cất họ tử tế. Như thế, những điều tốt đẹp này là do động lực vị kỷ của anh mà có.
Mặt khác, đạo đức học của Kant sẽ đặt câu hỏi lớn cho cách hành xử của anh. Thứ nhất, nếu động lực duy nhất của anh là phải tồn tại bằng mọi giá, thì tại sao động lực này lại không được áp dụng cho hai người kia? Trong khi anh coi hai mạng sống không cần tính đếm, thì anh lại mong đợi người khác tới cứu anh? Phải chăng anh là người duy nhất quan trọng, là luật duy nhất để mọi người phải tuân theo và hy sinh. Một loạt mâu thuẫn… Nếu thế, Kant nói rằng, luật đạo đức mà anh sử dụng là vô đạo đức, vì không có tính phổ quát, không nhất quán, và chỉ thuộc về kẻ mạnh: anh có súng và dùng súng để giết người. Thứ hai, luật của anh còn bất nhân nữa. Đạo đức học của Kant cho thấy, con người có giá trị tuyệt đối tự chính nó, nó không thể trở thành phương tiện. Anh giết họ đơn giản chỉ vì mục đích nước uống, để kéo dài sự sống cho bản thân. Sự sống của họ không thuộc quyền của anh. Hai con người đó cần được anh tôn trọng như là những con người. Thực sự, anh đã giết họ chỉ vì họ có quyền uống phần nước của họ. Hơn nữa, nếu chủ nghĩa vị kỷ đạo đức có ủng hộ anh ở khía cạnh, cộng đồng sẽ tốt hơn từ sự ích kỷ của anh, thì lập luận ấy chỉ là ngụy biện.
Về mặt tâm lý, tôi cảm thông với anh vì tôi thừa nhận mình cũng rất ích kỷ; nhưng về mặt đạo đức, tôi không thể chấp nhận hành vi của anh. Nếu thế, tôi phải làm gì trong hoàn cảnh của anh? Tôi sẽ để khẩu súng vĩnh viễn trên thi thể người phi công. Tôi sẽ áp dụng mệnh lệnh tuyệt đối như Kant nói, cho tôi và cho hai người bạn kia. Tôi sẽ tôn trọng họ, cố gắng tôn trọng họ. Chúng tôi sẽ chia sẻ phần nước uống còn lại, và tìm cách… Chúng tôi có thể chết khát hết, nhưng có thể sống đủ cả ba, vì tình bạn đôi khi có thể giúp người ta chịu đựng vượt giới hạn tự nhiên. Anh có thể nghi ngờ rằng, tôi nghĩ như thế là quá ngây ngô, chẳng lẽ hai người kia cũng chịu như thế, chẳng lẽ họ không ích kỷ mà giở trò. Họ có thể giành giật nước với tôi, đánh tôi, giết tôi… Thưa anh, có thể lắm chứ, vì anh là người đã làm như thế, vì tôi cũng đang cảm nhận sự ích kỷ trong thâm tâm mình, nhưng sâu hơn, tôi vẫn có thể nhận ra một thiện ý vô điều kiện. Cầu chúc anh đừng tiếp tục ích kỷ nữa!
Tôi thừa nhận rằng, có nhiều người lựa chọn tương tự anh. Có người cho rằng, hoàn cảnh của anh là họa hiếm, nhưng tôi cho rằng, nó xảy ra thường ngày, ở những nơi có người bị chết đói, nơi các cuộc đấu đá gắt gao của thương trường, của chính trường, của chiến trường… Thiện ý vô vị lợi vốn nhỏ bé, le lói trong thế giới, nhưng nó vẫn có đó, và tôi lựa chọn theo tia sáng này.
Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết, S.J.