Trên đường LOAN BÁO TIN MỪNG

seedtop

                                                                                                                        MM Tân, S.J.

Trên đường LBTM trong viễn tượng tông đồ của Hội Thánh “đi ra”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng đã nhắn nhủ như sau:

Hội Thánh “đi ra” là một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng. [. ] và vì thế chúng ta có thể dấn bước, mạnh dạn, có sáng kiến, đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề, với một ước muốn khôn nguôi là tỏ lòng thương xót, kết quả của kinh nghiệm bản thân của cộng đoàn về sức mạnh lòng thương vô biên của Thiên Chúa. Sẵn sàng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; vượt qua các khoảng cách, hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác : nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu… Cũng phải luôn luôn để tâm tới kết quả, vì Chúa muốn anh em chúng ta sinh hoa kết quả (Ga 15,8). (x,EG 24)

I – Tất cả bắt đầu từ cảm thức về sứ vụ :

             Một số anh em chúng tôi đang có mặt trên những vùng đất khác nhau, chung sức chung lòng, tiếp bước và tiếp sức với mọi người trên các cánh đồng, và vẫn chưa bao giờ biết mệt mỏi là gì, tất cả vì sứ vụ và niềm vui của Tin Mừng thúc đẩy chúng tôi lao mình đi tới, phía trước quá nhiều những cánh tay vẫy gọi. từ những nẻo đường của vùng Nam Tây Nguyên cái thuở còn hoang sơ cho đến Tây Nguyên hôm nay hết hoang sơ nhưng lại lắm hoang tàn, từ những vùng sông nước mon men tới những bờ biển của miền trung và tiếp tục làm quen với đồng bằng cũng như núi rừng tây bắc, những con đường tràn đầy ân sủng.

II – Những nẻo đường đầy ngạc nhiên :

  • Ngạc nhiên khi dìm mình giữa bà con lương dân, cảm nhận đầu tiên là thấy Thiên Chúa dựng đạo cho con người từ xa xưa nào đó, và vui thích ở với con người, đặc biệt những con ngừoi nghèo hèn khốn khổ.
  • Ngạc nhiên khi thấy bàn tay Chúa nâng đỡ che chở người môn đệ trên đường thi hành sứ vụ, ngạc nhiên trước quyền năng và ý muốn của Thiên Chúa đã định trước và đã dự liệu tất cả.
  • Ngạc nhiên trước những đôi chân của anh chị em hăng hái trên đường và cũng bàng hoàng trước những đôi chân mãi rụt rè e ngại. Tháng 6 vừa qua ở Bắc Ninh chúng tôi gặp một chị người Hmông với đôi chân miệt mài trên cánh đồng : chị cứ đi 2,3 tuần mới về, công việc vườn rẫy heo gà và chăm sóc con cái để chồng ở nhà lo, và cả vợ cả chồng đều vui mừng vì việc nhà cũng xong và sứ vụ cũng hoàn thành.
  • Ngạc nhiên trước ân sủng là Thánh Thần để người được sai đi loan báo Tin Mừng có thể chạm vào Lời Hằng Sống.
  • Ngạc nhiên khi thầy trò quây quần bên nhau với những cặp mắt sáng ngời, tay ôm hoa trái đầu mùa của những vùng đát mới, và cũng ngạc nhiên trước những con người bắt đầu biết mở miệng nói lời Thiên Chúa.

III – Cộng tác :

khi chúng tôi đặt chân  tới Bù Đăng và Đăk Nông thì tại những vùng này chưa có linh mục hay tu sĩ, chúng tôi đã gặp gỡ và cộng tác với các anh chị em đã có mặt trên đường, đồng thời tìm kiếm các giáo lý viên sắc tộc trong các buôn làng… và sau gần 3 năm, cánh đồng truyền giáo vào mùa gặt mới với hơn 5 ngàn người trở lại sau 7 tháng. Công việc nghe đơn giản nhưng ngay bước khởi đầu đã cần rất nhiều người góp sức và  nhất là phải có được những điểm gặp gỡ giao lưu, cũng như có những người đứng ra cáng đáng công việc đào tạo :

  • Một mái nhà : Nhà các Sr Phaolô ở Lai Thiêu, vào những năm 1994-1997, nếu không có ngôi nhà này thì công việc Loan Báo TM bước đầu sẽ rất chậm và ít hoa trái : nơi đây vừa có các khóa đào tạo các tác viên lên đường, vừa đào tạo các giáo lý viên mới cho cánh đồng non trẻ, ngoài ra còn tiếp đón các bệnh nhân và các em trên làng về học nội trú. Khi được hỏi làm sao có thể nuôi sống ngần ấy con ngừoi, Sr Nhất vui vẻ trả lời : |”thì cứ tin tưởng và lo gói ghém ngày nào biết ngày ấy”. Qua một ngày rồi một năm, mười năm, những năm tháng cho các Sr hiểu rằng, tất cả không ngoài quyền năng và ý muốn của Thiên Chúa đã định trước.
  • Đây cũng là mẫu của các cộng đoàn tu sĩ được sai vào cánh đồng : một mái nhà mở ra những mái nhà, một mái nhà được qui tụ và để được sai đi : nếu được thì cũng có thể coi như một giáo điểm. Vào những năm 1995-2003, cộng đoàn các nữ tu MTG Tân Việt và Đức Bà Truyền Giáo tại Bù Đăng thể hiện rất rõ vai trò này, có thể tại vì các nữ tu đến  đây vào giai đoạn cánh đồng đang mùa gặt lớn, đòi những bước đi dứt khoát theo như những gì lời Chúa đòi hỏi, nhờ đó có được cảm thức và kinh nghiệm Thiên Chúa trong sứ vụ : mạnh dạn, tin tưởng, một cặp mắt ngắm nhìn và một con tim lắng nghe để nhận biết  sáng kiến đến từ Thiên Chúa, vì thế có thể sinh hoa trái và tràn đầy niềm vui.

Từ sau những năm 2005, thêm cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình, thế nhưng các công đoàn lúc này hầu như chỉ tập trung vào công việc mục vụ giáo xứ, ít chú ý đến những vùng biên cương mới ở phía xa kia hoặc cũng có thể ngay bên.

  • Một linh mục hoặc tu sĩ quán xuyến trên đường – trên địa bàn rộng lớn thì có thể là cha trưởng ban LBTM giáo phận – trên một vùng miền thì có thể là một tu sĩ – vừa tháp tùng anh chị em trên đường, vừa phụ giúp và phác thảo hướng tới cho các nhóm hoặc cộng đoàn dòng tu, giải quyết mọi trục trặc hoặc nếu cần phải chuyển giao cho các nhóm có điều kiện thuận lợi hơn.

Vì sứ vụ LBTM đòi phải đươc Hội Thánh sai đi, tất cả ra đi từ giữa lòng Hội Thánh, do đó, người nắm giữ trọng trách này cũng phải là người có lửa và giữ lửa để tất cả biết dựa cậy vào sức mạnh của ân sủng và hiệp nhất trong Thánh Thần.

Thánh Phaolô qua kinh nghiệm của mình đã phác thảo nên những đường nét sau : “…vì Thiên Chúa đã thử luyện và trao phó Tin Mừng cho chúng tôi thì…chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng… thánh thiện, công minh, không chê trách được… chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài…(x.1Tx 2…),

  • Các nhóm trên đường : loan báo TM không thể thiếu những bước chân lên đường, thiếu những người được sai đi. Thế nhưng có những người được sai đi lại không biết phải nói gì, làm gì vì lời Chúa không có trong lòng, càng không có trên môi miệng thì sao?. Mới đây khi ra giúp một nhóm tác viên Tin Mừng , chúng tôi mới ngỡ ngàng nhận ra điều này là anh chị em vẫn chưa quen lắng nghe lời Chúa, và vì thế cũng khó nói về Chúa cho người khác, mặc dù anh chị em đã được học về truyền giáo, được nghe chia sẻ về truyền giáo. Với các chú giáo phu dân tộc thì lại có phần vượt trội, đó là quen đọc lời Chúa hơn, các chú với tâm hồn đơn sơ vui vẻ, nghe Chúa nói sao thì làm vậy, nhờ đó lời Chúa dễ thấm nhập tâm hồn hơn.

IV – Đào tạo thợ gặt cho cánh đồng :

Từ chuyện xưa tới chuyện nay,  kể từ 2.000 năm trước, loan báo Tin Mừng là để lời Chúa được lan tràn, CVTĐ còn để lại cho HT hôm nay hình ảnh của HT sơ khai : ngay khi đuợc qui tụ nhân danh Đức Giêsu Kitô, các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng, đến khi phải tản mác thì đi khắp nơi loan báo lời Chúa (Cv 8,4 ; 11,19-21).

Các tông đồ miệt mài rao giảng,

Các tìn hữu chuyên cần lắng nghe.

Đặt chân vào các cánh đồng hôm nay, anh em chúng tôi cũng muốn làm sống động hình ảnh này : làm sao  để cho lời Chúa trong tin Mừng làm sáng lên khuôn  mặt Giêsu Kitô ngay trong trái tim mọi người

Để kết :

Khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa đã chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10,5-7)

Lời kinh đã được cất lên khi Ngôi Con cất tiếng khóc đầu đời phận người, lời kinh trên đường vào sứ mạng của Ngôi Con chính là thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha. 

Thánh tổ phụ I-Nhã, trước bước ngoặt cuộc đời, đã nhận biết và đã dấn bước trên những nẻo đường mới. Chàng hiệp sĩ  sau khi đã đánh đổi thanh gươm  thế tục để tìm kiếm Thiên  Chúa và lối bước của Người…thì  đã có thêm những người bạn mới cùng chí hướng, thế nhưng phía trước vẫn còn mịt mờ. Theo chân Con Thiên  Chúa  vào hoang địa, các bạn cũng tìm vào nơi vắng vẻ, chuyện được kể lại như sau :

“Tại đó, họ tìm được một căn nhà ở ngoài thành phố, không có cửa ra vào cũng không có cửa sổ.  Họ ở đó và ngủ trên ít rơm họ đem vào.  Mỗi ngày hai người vào trong thành phố xin ăn hai lần, nhưng đựơc rất ít, nên chỉ sống cầm hơi.  Thường thi họ ăn một chút bánh mì nướng, khi có; ai ở nhà thì lo nướng bánh.  Họ sống 40 ngày như vậy, chẳng làm gì khác ngoài cầu nguyện” [TT 94].

Suốt 40 ngày, chẵng làm gì khác ngoài cầu nguyện, chẳng làm gì khác ngoài việc dìm mình trong Thiên Chúa, để chiêm ngắm và lắng nghe và, căn nhà hoang không có cửa ra vào cũng không có cửa số lại tràn ngập ân sủng Thiên Chúa, mở ra những chân trời của cái đẹp chứa  đầy lời mời gọi….

Anh em chúng tôi trước tiếng gọi lên đường loan báo TM cũng chung nhịp bước này : cùng với các anh  chị em trên đường cũng như các anh chị em đang săn sàng lên  đường, tất cả phải  dìm mình trong Thiên Chúa để chiêm ngắm và lắng nghe, để con tim của mình được hòa nhập với con tim Giêsu, con tim của lòng thương xót

Đường sứ vụ, đường của tình Cha dành cho nhân thế đến nỗi đã trao ban Con Một; đường của con Thiên Chúa làm người với con tim hiếu thảo vâng phục đến cùng; đường của người môn đệ mở rộng con tim đón nhận nước và máu, dòng máu xót thương đang tuôn trào từ con tim của Đấng chịu đóng đinh, và một khi người  môn đệ dấn bước với con tim đã trở thành con tim của lòng xót thương, sẽ có sức lôi cuốn nhân thế tội lỗi vào dòng xoáy của lòng thương xót Thiên Chúa .

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *