Trí sáng – Tâm ngay

 

‘Mắt là đèn soi thân thể; mắt lành lặn thì toàn thân được sáng sủa; nhưng nếu mắt vạy vò thì thân sẽ tối tăm’ (Lc 11, 34).

Thật sai lầm khi cho rằng chỉ cần có nhiều thiện chí và độ lượng hơn nữa là thế giới sẽ được cứu.

Thế giới được cứu không phải nhờ có thiện chí và độ lượng, mà là nhờ suy nghĩ sáng suốt. Bao dung với người khác có ích gì, nếu bạn cứ đinh ninh rằng mình đúng, còn người nào bất đồng với mình đều sai? Đó không phải là bao dung, mà là hạ cố. Thái độ ấy không giúp người ta ý hợp tâm đầu, mà chỉ làm người ta thêm chia rẽ, vì bạn đã tự ý xếp mình đứng trên và những người khác đứng dưới. Sự sắp xếp ấy sẽ chỉ đưa ta tới chỗ cảm thấy mình hơn người và người khác cảm thấy bất mãn, dần dần đi tới chỗ uất ức không chấp nhận được.

Chỉ có bao dung thật sự khi người ta nhận thức rõ càng tìm kiếm sự thật ta càng mù tịt. Sự thật tự nó vốn là một mầu nhiệm.

Trí khôn có thể cảm thấy chứ không thể nào nắm bắt mầu nhiệm, càng không thể diễn đạt mầu nhiệm. Niềm tin của chúng ta có thể chỉ cho chúng ta thấy mầu nhiệm, chứ không thể nào diễn đạt thành lời. Dù vậy, người ta vẫn cứ thao thao bất tuyệt về giá trị của sự đối thoại: tệ nhất thì đó chẳng qua chỉ là một cố gắng lén lút nhằm thuyết phục người khác tin rằng lập trường của mình đúng, còn khá hơn thì đối thoại sẽ giúp ta khỏi trở thành một con cóc ngồi dưới đáy giếng tưởng rằng cái giếng của mình là toàn thể thế giới.

Điều gì sẽ xảy ra, nếu các chú cóc ấy tập trung lại trao đổi những xác tín và kinh nghiệm của mình? Có thể chân trời của nó sẽ mở rộng ra, để bao gồm cả những cái giếng khác nữa chứ không chỉ cái giếng của mình. Nhưng chúng vẫn không biết đại dương sự thật không thể nhốt kín trong mấy bức tường của những chiếc giếng khái niệm đó. Thế nên, mấy con cóc ấy lại tiếp tục chia bè chia cánh nói theo ngôn ngữ của anh của tôi, nói theo kinh nghiệm, xác tín, ý thức hệ của anh của tôi. Chia sẻ những phát biểu như thế chẳng làm giàu thêm cho ai vì các lời phát biểu ấy chẳng khác gì những bức tường giếng chỉ làm người ta chia rẽ nhau: chỉ có đại dương mênh mông không giới hạn mới hợp nhất người ta được.

Nhưng muốn đến với đại dương chân lí không bị các lời phát biểu bó gọn, cần phải được ơn suy nghĩ sáng suốt.

Thế nào là suy nghĩ sáng suốt và làm sao suy nghĩ được như thế?

1. Điều đầu tiên bạn cần biết là muốn suy nghĩ sáng suốt, chúng ta không buộc phải học hành thông thái. Suy nghĩ sáng suốt là một việc đơn giản đến nỗi một đứa trẻ mười tuổi cũng làm được. Nó đòi chúng ta không học hành mà hiểu biết, không tài năng mà can đảm.

Bạn có thể hiểu ra điều này nếu nghĩ đến một đứa nhỏ nằm trong tay một người giúp việc già nua, xấu xí. Đứa trẻ còn nhỏ quá nên không thể nào biết những thành kiến của người lớn. Vì thế khi rúc vào vòng tay người đàn bà ấy, nó không làm theo một thành kiến nào trong đầu, như phân biệt phụ nữ da trắng với phụ nữ da đen, phụ nữ đẹp với phụ nữ xấu, trẻ hay già, là mẹ hay là người giúp việc, mà chỉ làm theo thực tế. Người phụ nữ ấy đã thoả mãn nhu cầu của đứa trẻ muốn được yêu thương.  Đứa trẻ làm là làm theo thực tế, chứ không căn cứ vào tên tuổi, mặt mũi, tôn giáo, chủng tộc hay giáo phái của người phụ nữ. Tất cả những yếu tố này hoàn toàn không có chỗ ở đây.

Cho tới lúc ấy, đứa trẻ chẳng có xác tín hay thành kiến nào. Và đây chính là môi trường cho người ta có thể suy nghĩ sáng suốt. Như thế, muốn suy nghĩ sáng suốt, người ta phải quẳng đi mọi điều mình đã học, và lấy lại trí khôn của một đứa trẻ – không hề vương vấn những kinh nghiệm quá khứ cũng chẳng bị cài đặt theo một chương trình nào từng che lấp con mắt chúng ta khi nhìn vào thực tại.

2. Rồi hãy nhìn vào mình rồi kiểm tra xem mình phản ứng thế nào với mọi người và mọi tình huống, và bạn sẽ phát hiện thấy đằng sau các phản ứng ấy luôn có một ý nghĩ đã bị thiên lệch. Phản ứng của mình hầu như chẳng bao giờ căn cứ theo sự thật cụ thể của người này việc kia, mà chỉ dựa vào những nguyên tắc, những ý thức hệ, những hệ thống tín ngưỡng, những hệ thống kinh tế, chính trị, tôn giáo, tâm lí, những ý kiến có sẵn và những thành kiến, tích cực hay tiêu cực.

3. Thong thả nhìn xem từng người, từng vật và từng tình huống, rồi tìm cho ra những thành kiến, bằng cách tách biệt thực tế hiện ra trước mắt mình bây giờ với những nhận thức và hình dung đã bị cài đặt nơi mình, Bài tập này sẽ giúp bạn có được những mặc khải thần thánh không kém gì mặc khải mà Sách Thánh đã cung cấp cho bạn.

Thành kiến và những tin tưởng không phải là kẻ thù duy nhất làm chúng ta không suy nghĩ sáng suốt được.

Còn một cặp thù địch nữa, là những ước muốn và những lo sợ. Muốn suy nghĩ mà không hề bị những cảm xúc, như ước muốn và lo sợ, những bận tâm riêng ảnh hưởng, cần phải có một sự khổ hạnh kinh khủng.

Người ta thường lầm tưởng rằng suy nghĩ là do đầu óc, đang khi kì thực người ta suy tư bằng con tim – con tim đưa ra kết luận, rồi bắt đầu óc lí luận thế nào để bênh vực cho kết luận ấy. Và đây cũng là một mặc khải nữa hết sức linh thiêng. Hãy xem lại một số kết luận mình đã có và thử coi chúng đã bị những tư lợi của mình tác động thế nào. Đây là điều đúng cho hết mọi kết luận, trừ khi bạn chỉ giữ kết luận ấy tạm thời thôi. Hãy xem bạn từng bám chặt vào những kết luận của mình, liên quan đến con       người chẳng hạn. Những phán đoán ấy có hoàn toàn thoát khỏi mọi cảm xúc không? Nếu bạn cho là   vậy thì rất có  thể bạn chưa xem xét kĩ lưỡng các kết luận ấy.

Đây chính là nguyên nhân quan trọng đưa tới bất hoà và chia rẽ giữa các quốc gia và giữa các cá nhân. Bận tâm của anh không trùng hợp với bận tâm của tôi, vì thế suy nghĩ và kết luận của anh không phải là của tôi.

Có bao nhiêu người bạn biết là thường suy nghĩ – nếu không luôn luôn thì thỉnh thoảng – ngược với tư lợi của mình? Bạn còn nhớ mình đã bao nhiêu lần có cách suy nghĩ ấy? Bạn đã mấy lần làm được việc này: đặt một hàng rào không thể vượt qua giữa những gì mình đang suy nghĩ trong đầu với những nỗi lo sợ và ước ao đang rạo rực trong tâm hồn mình? Cứ mỗi lần bạn làm được việc này, bạn lại thấy muốn suy nghĩ sáng suốt không cứ là phải thông minh. Mà là phải can đảm để có thể đương đầu thành công với những lo sợ và ước ao, vì chưng cứ mỗi khi bạn ước ao điều gì hay lo sợ điều gì là con tim bạn sẽ can thiệp vào suy nghĩ của bạn, dù bạn có biết hay không.

Đó là các bài học mà các vĩ nhân tinh thần đã rút ra: muốn tìm ra sự thật, họ không cần những công thức giáo thuyết mà cần phải có:

a. một tâm hồn đã thoát khỏi chương trình cài đặt cho mình và những bận tâm riêng của mình mỗi khi  phải suy tư;

b. một tâm hồn không có gì cần bảo vệ, cũng chẳng có gì phải ao ước, nhờ đó có thể để cho trí khôn bơi lội tự do, không nao núng, hầu tìm ra sự thật;

c. một tâm hồn luôn sẵn sàng đón nhận những sự thật mới và thay đổi quan điểm của mình.

Một tâm hồn như thế sẽ như ngọn đèn soi sáng cho toàn thể nhân loại hết tăm tối. Nếu mọi người trên thế gian này đều có tâm hồn như thế, thì chẳng ai còn nghĩ mình là người Cộng Sản hay Tư Bản, Kitô Hữu, tín đồ Hồi Giáo hay Phật Tử. Một khi suy tư sáng suốt như thế, người ta sẽ nhận ra mọi tư duy, mọi khái niệm, mọi xác tín chỉ là những dấu hiệu của ngu muội. Và khi đã nhận thức ra điều ấy, người ta sẽ thấy các bức tường của các giếng tách biệt nhau bắt đầu sụp đổ, và cả một đại dương mênh mông tràn vào, nối kết mọi người trong chân lí.

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách:Tiếng gọi yêu thương

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *