Trước tiếng gọi người nghèo

Tác giả: Đa-minh Trần Văn Tân, S.J.

Chuyện của nhóm bạn Caritas,

trước tiếng gọi của Thiên Chúa vang lên giữa những khuôn mặt nghèo khổ,

biết phải làm gì trên những chặng đường cuộc đời.

Phải làm sao đây? Đơn giản thôi, chỉ cần cùng nhau lần dở từng trang Kinh Thánh để lắng nghe và chiêm ngắm, để qua từng trang Kinh Thánh, chính Chúa mở đầu câu chuyện và dẫn vào hành trình.

Khúc dạo đầu của cuộc gặp gỡ Lời Chúa là một một khung cảnh diễn ra trong Công Vụ Tông Đồ, mọi người ngỡ ngàng khi nghe ông Cornêliô thưa với Phêrô : “…vậy bây giờ tất cả chúng tôi đang ở trước mặt Thiên Chúa, để nghe tất cả những gì Người đã truyền cho ông” (Cv 10,33). Thì ra khi lần dở từng trang Kinh Thánh, trước tiên hết, cần biết mình đang ở trước tôn nhan Thiên Chúa, để nghe tất cả những gì Người muốn nói.

Trước tôn nhan Thiên Chúa, chúng tôi bắt đầu ngắm nhìn và lắng nghe. Trong khi hồi ức đưa chúng tôi trở về với những khuôn mặt nghèo khổ đã gặp và đã ra tay nâng đỡ, thì lúc này đây chúng tôi lại nhìn thấy những con người này ngay trong vòng tay Thiên Chúa. Thật vậy, khi chúng tôi nghe công bố mối phúc thứ nhất trong tám mối phúc: “phúc cho ai nghèo khổ, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 2 ; Lc 6, 20- 21), thì cả một vùng trời mở ra trước mắt chúng tôi : NƯỚC THIÊN CHÚA, trước tiên hết là vùng trời của người nghèo, ở đó con tim của Thiên Chúa đang ôm trọn từng người, “ trong trái tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho họ” (EG 197). Cũng chính tại nơi đây, chúng tôi nghe được tiếng gọi của người nghèo.

Tiếng gọi của người nghèo : hai ngàn năm trước, tiếng gọi của “những người chăn chiên sống ngoài đồng thức đêm canh giữ đàn vật” (Lc 2) vang lên từ cánh đồng Belem, đã thấu cung lòng Thiên Chúa, để khi sai Con vào trong thế gian, đã đặt Con trong một máng cỏ, giữa đàn súc vật, giống như bao trẻ em của các gia đình nghèo này. (xEG 197).

Đáp lại tiếng gọi của người nghèo hôm nay, vào mỗi dịp lễ tết, nhóm Caritas chúng tôi đi gom góp quà tặng phụ giúp những gia đình khó khăn. Chúng tôi cũng xin quần áo cũ đem về giặt ủi, để đưa tới tận các làng xa xôi, nhưng mấy bao quần áo có thấm vào đâu.

Ra đi nâng đỡ người nghèo với một đôi tay đơn nghèo thì lòng trắc ẩn chỉ thêm trắc ẩn. Đứng trước những ngôi nhà rách nát, chúng tôi muốn dựng lại nhà, nhưng khả năng chỉ có thể đem tới vài tấm bạt để che bớt gió sương. Đứng nhìn những cảnh cơ cực mà lực bất tòng tâm thì có ai không bối rối, xót xa?

Tuy nhiên, khi chúng tôi có được những bàn tay tiếp thêm công sức, thì một vài nhà không cửa có được những cánh cửa ra vào kín đáo, nhà không vách dang dở đã mấy mùa mưa nay chúng tôi đem tôn tới ghép. Một vài trường hợp cần thì phụ giúp lợp luôn mái nhà.

Quà tặng cho người nghèo: trước những con người không nơi nương tựa, cần những ngôi nhà tình nghĩa, xứng với phẩm giá của họ, chúng tôi nghĩ vậy. Thế nhưng Thiên Chúa lại dành cho họ chốn nương thân ngay cung lòng của Người. Có gì mâu thuẫn ở đây giữa ý muốn của con người và ước mơ của Thiên Chúa? Dễ thôi, chỉ cần một người thợ thiết kế đầy khôn ngoan, để dựng một ngôi nhà mà bất cứ ai bước vào, đưa mắt nhìn lên, có thể nhìn thấu ngai tòa Thiên Chúa. Thế nhưng, phải chăng ngôi nhà này chỉ có trong mộng tượng?

Và điều lạ lùng này đã diễn ra khi “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta …đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có” (2Cr 8,9). “Đây chính là lý do tại sao tôi muốn một Hội Thánh nghèo cho người nghèo…chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ, lên tiếng bênh vực mục đích của họ, nhưng đồng thời cũng là bạn của họ, nghe họ, nói với họ, và ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ” (EG 198). Như thế, người trao lại trở thành kẻ nhận, và điều kiện đầu tiên cho mọi cuộc gặp gỡ chính là một con tim đơn nghèo.

Thế là chúng tôi đã có thể mạnh dạn lên đường : “đi ra, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng… dấn bước, mạnh dạn, có sáng kiến, đến với người khác…đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề…với một ước muốn khôn nguôi là bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa…” (EG 24).

Bốn nét hay bốn cung cách biểu đạt của người môn đệ trên đường:

  1. Đi bước trước và dấn thân với một con tim đơn nghèo, để hoàn toàn buông mình cho ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
  2. Gặp gỡ với một con tim của tình bạn, để gần gũi và dễ cảm thông.
  3. Trò chuyện với một con tim biết lắng nghe, để nghe được tiếng của Thiên Chúa đang thì thầm giữa nhân gian và nơi từng con người.
  4. Trong mọi chuyện: một con tim biết nhận định, sâu lắng, khiêm tốn, điềm đạm và nhẹ nhàng, “tình yêu đích thực luôn luôn suy gẫm và cho phép chúng ta phục vụ người khác…không phải để phô trương, nhưng đúng hơn, vì họ đẹp vượt trên DÁNG VẺ BỀ NGOÀI CỦA HỌ” (EG 199).

Ra đi, để bày tỏ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa,

đến với người nghèo, để lòng Chúa thương xót ôm trọn nhân gian khốn cùng.

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …