Truyền giáo là sống với dân

Phóng viên: Con chào cha, được biết cha đang truyền giáo tại Hungary. Mong cha có thể giới thiệu về mình trước khi chúng ta đi vào buổi phỏng vấn hôm nay?

Tôi là Giuse Phạm Đình Ngọc, linh mục Dòng Tên hiện đang sống và truyền giáo tại Hungary. Thực ra với hai chữ “truyền giáo” tôi cảm thấy quá lớn lao. Những nhà truyền giáo đến Việt Nam thời ông cha mình ngày xưa mới xứng đáng với hai chữ “Mission-Truyền giáo”. Họ thực sự là những những người được Thiên Chúa sai đi loan báo Tin mừng cho các dân tộc (Mc 16,15). Tuy vậy cách đây 9 năm, sau khi hoàn thành huấn luyện triết học tại Việt Nam, lớp chúng tôi nhận được nhiều thư mời đi truyền giáo.   

Lúc đó, lá thư từ Hungary đã thu hút tôi rất nhiều. Dù chưa biết về mảnh đất và con người Hungary, nhưng trong cầu nguyện, tôi cảm thấy Thiên Chúa muốn mình lên đường đến đó. Sau khi trò chuyện với cha giám tỉnh Dòng Tên, tôi càng nhận được bình an hơn. Sau vài ngày, ngài đồng ý cho tôi đi Hungary. Trong bước đầu này, tôi thấy truyền giáo nghĩa là có người nhân danh Thiên Chúa gửi mình đi. Với ý nghĩa này, tôi cảm thấy mình được an ủi rất nhiều để lên đường.

Phóng viên: Vậy cha có thể chia sẻ chi tiết hơn về những tác động khiến cha đi truyền giáo?

Đầu tiên phải nói là chính Thiên Chúa là nguồn vui để tôi dấn thân. Chúa luôn có cách an bài che chở những ai muốn làm theo ý Chúa. Tôi cũng vậy. Bước đầu tôi thấy mình quá nhỏ bé trong cánh đồng truyền giáo. Hai năm đầu tôi phải học ngôn ngữ và hội nhập văn hóa Châu Âu nói chung và văn hóa Hungary nói riêng. Hội nhập nghĩa là Thiên Chúa muốn tôi sống với dân Chúa. Lúc đầu học ngôn ngữ như một em bé, tôi chán nản vô cùng. Nhưng Thiên Chúa có cách để giúp cô giáo kiên nhẫn dạy từng con chữ; Ngài cũng ban cho tôi nhiều ơn để thích thú với ngôn ngữ xa lạ này. Nói đến đây tôi ngả ngũ thán phục những nhà truyền giáo trên mảnh đất Việt Nam mình. Họ đã nói, viết và hát được Tiếng Việt. “Mình không thông minh thì cần chăm chỉ” – tôi tự nhủ với lòng. Vậy là năm này qua tháng khác, tôi đã và tiếp tục giao tiếp được với người dân Hungary.

Khi nối kết được với dân Chúa, tôi cảm nhận ý nghĩa truyền giáo nhiều hơn. Số là trải qua bốn năm học thần học ở Budapest, thủ đô Hungary, tôi luôn nhắc nhở mình điều này: “Tôi chỉ là trung gian của Thiên Chúa với dân.” Những kiến thức mình học được bằng ngôn ngữ địa phương, sẽ giúp cho dân Chúa sau này. Vậy là động lực đó đã giúp tôi hoàn thành sứ mạng thần học. Đây là hành trang cần thiết để tôi tiếp tục sống với dân trong thiên chức linh mục.

Một động lực khác đẩy tôi đến với dân, đó là đi ra. “Đến những biên cương” cũng là lời động viên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho tôi. Tạ ơn Chúa vì tính cách của tôi cũng thích hòa đồng cởi mở. Phải chăng Thiên Chúa đã chuẩn bị điều này cho tôi từ thuở còn ở giáo xứ Việt Nam? Qua đến Hungary, tôi thấy mình thích gần gũi với dân. Càng trò chuyện với họ, tôi càng được an ủi và dần dần biết cách đi vào được tâm tình của dân. Trong truyền giáo, hoặc trong linh đạo Kitô giáo dạy chúng ta rằng: “Hãy biết vào cửa người ta, ra cửa mình.” Chính Thiên Chúa đã nhập thể, đi vào cửa, vào nhà từng người, để từ đó, Ngài đưa chúng ta về với Thiên Chúa. Điều này không dễ, nhưng vô cùng quan trọng. Nó vừa đòi kiên nhẫn, vừa cần khôn ngoan để nhà truyền giáo giúp các linh hồn.

Động lực sau cùng có lẽ là quan trọng và thiêng liêng nhất đó là lòng yêu mến các linh hồn. Trải qua những năm trong Dòng Tên, tôi cầu nguyện và tập sống với Chúa Giêsu. Phong cách của Chúa là lý tưởng để các nhà truyền giáo học theo. Ngài dành cả một đời để cứu độ các linh hồn. Sứ mạng là gì nếu không phải là đưa các linh hồn về với Chúa. Dù sống ở đâu, lời mời gọi này cũng vẫn nguyên giá trị. Chính Thiên Chúa sẽ tác động tôi và người dân để cùng nhau đến với Thiên Chúa. Hoặc nói theo lời của Giáo hội: “Truyền giáo là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người. Mục đích tối hậu của truyền giáo là làm cho loài người được tham dự, hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.” (GLHTCG 850).

Phóng viên: Con thấy cha rất thích viết bài dành cho người trẻ, không biết cha có thể chia sẻ thêm về động lực truyền giáo dành cho người trẻ?  

Đây là câu hỏi rất thú vị. Tôi cũng là một linh mục trẻ. Có thể nói tôi và người trẻ không có nhiều khoảng cách thế hệ. Khi đến Hungary, tôi đã bắt đầu quan sát người trẻ ở đây muốn gì? Đây là câu hỏi để tôi tập sống cùng với các bạn. Tôi thích quan niệm này của Giáo hội ngày nay: “Người trẻ không chỉ là tương lai, nhưng còn là hiện tại của Giáo Hội.” (Tông huấn Christus Vivit, số 64). Nếu chỉ xem người trẻ là tương lai, nhà truyền giáo có nguy cơ xem người trẻ như là đối tượng để nhào nắn một chiều cho tương lai. Nhưng nếu nhận ra các bạn là hiện tại, nhà truyền giáo cùng với người trẻ dựng xây Giáo hội ngay từ lúc này. Nói đến đây gợi nhớ cho chúng ta đường hướng hiệp hành của Giáo hội. Cùng nhau sống, cùng nhau đi và cùng nhau khám phá ra con đường Chúa mời gọi mỗi người. Do đó, tôi thích “tám chuyện” với người trẻ. Thích vui chơi với người trẻ để nhận ra nơi các em luôn có những giá trị tốt lành. Với trái tim người mục tử truyền giáo, tôi tin Thiên Chúa có cách để giúp các em cảm nhận Giáo hội thật sống động.

Một động lực nữa, đó là tôi nhận được nhiều bài học từ người trẻ. Càng làm việc và tiếp xúc với các em, tôi càng nhận rõ con đường mục vụ của mình. Như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô thường nhắn nhủ: “mục vụ không thể ở trên bàn giấy[1]. Rất nhiều lần Đức Giáo Hoàng đương kim nhấn mạnh: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình.[2] Khi đến với dân Chúa, vị linh hướng của tôi thường nhắc rằng: “Không có ai là xấu xa cả.” Nhất là người trẻ đang trên đường hình thành tính cách, người mục tử có nhiệm vụ cùng đồng hành với các em. Hiểu và mở lòng đón nhận các bạn như các bạn là. Từ đó theo thời gian, ơn Chúa sẽ thấm vào đời sống của các em. Theo nghĩa này, Giáo hội mời gọi mọi tín hữu truyền giáo (GLHTCG 856). Quan trọng là để Chúa dẫn đưa chúng ta đến với Ngài. Đây là điều tôi đang thực tập trên con đường truyền giáo.

Phóng viên: Thật thú vị khi nghe cha chia sẻ về những đường hướng truyền giáo trên đây. Không biết cha có gặp thách đố nào không?

Dĩ nhiên là có và thậm chí là rất nhiều. Thách đố đầu tiên là không được ăn cơm mắm cà hằng ngày. Thèm phở, bún cũng không dễ dàng đi mua. Chỉ có mì tôm để lâu được, nên tôi thường ăn. Phần còn lại là phải ăn đồ Hungary. Năm đầu đúng là thách đố, nhưng càng ăn càng quen, càng quen thì càng ngon. Ăn để sống và để truyền giáo mà (cười)!

Thách đố thứ hai là văn hóa. Nói đến đây tôi cảm phục cha Đắc Lộ và những nhà truyền giáo ngày xưa[3]. Các ngài đã đến Việt Nam ăn ở như ông cha mình ngày xưa. Tôi cũng thường nhắc mình về điều này. Với ý hướng truyền giáo, đây thực sự là hiệu ứng rất mạnh đối với người dân bản địa. Họ nhìn mình không quá xa cách về cách ăn, nết ở. Từ nỗ lực này, tôi dễ dàng hiểu và nói về Thiên Chúa cho họ hơn.

Thách đố thứ ba là về sự kiên nhẫn. Truyền giáo giống như ướp thịt, hoặc ủ men trong bột vậy. Cần đủ thời gian và hăng say loan báo Tin mừng mới mong được hoa thơm trái ngọt. Có khi mình chết đi chưa chắc đã thấy hoa trái của mình đã gieo. Nói là thách đố, vì là người trẻ, tôi cũng muốn thấy ngay thành quả của mình. Điều này có thể thấy được, nhưng không nhiều. Thường thì những nỗ lực của nhà truyền giáo sẽ lớn lên một cách âm thầm, với ơn của Chúa, trong lòng người tín hữu. Do đó truyền giáo không thể nói là thành công hoặc thất bại. Thay vào đó, chúng ta chỉ nói mình đã dấn thân như thế nào. Còn về thành công xin nhường lại cho Thiên Chúa!

Chắc đã chia sẻ quá dài, nên tôi xin đề cập đến một thách đố cuối cùng: cách nói về Thiên Chúa. Thật thú vị là người Châu Âu nói chung, người Hungary nói riêng, thực hành đạo đức khác với người Việt Nam. Nếu Việt Nam yêu Chúa bằng con tim nhiều hơn, thì người Hungary yêu Chúa bằng cái đầu. Nói như thế để cho thấy tâm thức từng dân tộc khác nhau. Điều này không hẳn là thách đố, nhưng là cơ hội để tôi dung hòa. Chẳng hạn, có nhiều người Hungary thích cách cảm nhận Thiên Chúa bằng trái tim của tôi. Với tôi, Thiên Chúa không cần giải thích quá uyên bác, logic theo kiểu khoa học. Thiên Chúa yêu chúng ta bằng lối nẻo đơn sơ. Tuy vậy, để nói về Thiên Chúa, nhà truyền giáo cần vận dụng rất nhiều thứ: ngôn ngữ, văn hóa, nhân chứng, gần gũi, lý lẽ, v.v. Tuy nhiên, quy cho cùng tôi thấy tình yêu dành cho con người vẫn là la bàn để nhà truyền giáo đến được con tim của người dân. La bàn này, tình yêu này không gì khác hơn là Thiên Chúa. Cầu nguyện có thể cho chúng ta la bàn này.

Phóng viên: con cảm ơn cha đã dành giờ cho con trong buổi phỏng vấn này. Chắc chắn những chia sẻ của cha sẽ là hành trang giúp cha truyền giáo hiệu quả. Con chúc cha mạnh khỏe và tiếp tục dấn thân nơi mảnh đất Hungary. Mong cha cũng cầu nguyện cho con, cho các nhà truyền giáo tại Việt Nam nữa. Hy vọng mỗi người trở nên nhà truyền giáo cho chính mình, cho gia đình, cho Giáo hội và cho Thiên Chúa.

Cảm ơn sơ đã đặt những câu hỏi thú vị để tôi nhìn lại những điều mình đang làm. Để chia tay, tôi xin trích câu nói của nhà thần học Karl Rahner – một cha Dòng Tên người Đức: “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu.” Truyền giáo là hành trình không bao giờ kết thúc. “Mission” là sứ mạng cơ bản của Hội Thánh, truyền giáo nghĩa là bắt đầu và lại bắt đầu với Thiên Chúa. Amen.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Xem số 35 trong: https://tgpsaigon.net/bai-viet/bo-giao-si-huan-thi-cai-to-muc-vu-cong-doan-giao-xu-de-phuc-vu-su-vu-loan-bao-tin-mung-cua-hoi-thanh-67121

[2] Evangelii-Gaudium số 49

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cha-alexandre-de-rhodes-mot-guong-mat-truyen-giao-40173

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …