Trong một lần về thăm xứ truyền giáo thuộc huyện miền núi, giáp ranh với Cambuchia, theo lời mời một vị linh mục dòng, tôi thấy giáo xứ, nhà thờ được tổ chức chỉnh chu. Mừng. Giáo dân ngoài người gốc Trung thuộc các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, còn lại là người dân tộc thiểu số.
Câu chuyện chẳng có gì bận tâm cho đến khi tham dự thánh lễ. Xuyên suốt phần thánh lễ, từ kinh sách, cho đến phần thưa đáp trong thánh lễ đều tăm tấp giọng miền Trung đặc trưng. Tuy nhiên, sau phần hiệp lễ, một anh trong ca đoàn bắt kinh của giáo phận, tôi mới giật mình. Thay vì, cung giọng miền Trung, anh và cả cộng đoàn đọc đều một giọng Bắc.
Đây là kinh mới từ giáo phận đưa xuống. Tôi thắc mắc tại sao không đọc bằng cung giọng của người miền Trung mà lại bằng cung giọng người miền Bắc? Tham dự một thánh lễ khác tại giáo xứ cách đó chừng 30 cây số, cũng gặp tình trạng như thế. Tôi chợt hiểu vì toàn huyện đều do các linh mục thuộc một hội dòng quản lý và các cha đều là gốc Bắc 54.
Trao đổi với một linh mục tại đây, cho biết vì giọng miền Trung có cung thấp, chậm nên nghe buồn buồn, nên linh mục cố sửa cho giáo dân tại đây.
Câu chuyện này làm tôi chợt nhớ một linh mục gốc Bắc khác khi ‘tình nguyện’ truyền giáo tại xứ người Nam, gần nơi tôi ở. Trong nghi thức Tuần Thánh, cho rằng nghi thức và kinh của người miền Nam (ví dụ như 14 đàng Thánh giá, đóng đinh và táng xác) không hay như người Bắc, vị linh mục này đã phát biểu, năm sau sẽ làm theo nghi thức của người miền Bắc cho long trọng.
Chưa hết, vì thích ca hát và múa may, vị linh mục thẳng tay gạt ca đoàn xứ sang một bên vì hát dở, để mời ca đoàn nơi cha phục vụ trước đây, để hát hay hơn trong đúng ngày lễ vị thánh tử đạo của giáo xứ. Vị linh mục gốc Bắc cho rằng, ca đoàn hát hay thì thánh lễ mới long trọng.
Truyền giáo bao giờ cũng đi kèm yếu tố văn hóa. Điều nay không ai có thể chối cãi. Ngay từ thời các Thánh Tông đồ, cuộc tranh cãi giữa các Tông đồ về văn hóa cũng đã xảy ra. Cuối cùng, yếu tố coi trọng đa văn hóa đã thắng và người dân ngoại không phải chịu phép cắt bì như người Kitô hữu gốc Do thái (Tđcv 15,1-35).
Gần chúng ta hơn, đó là câu chuyện các cố Tây truyền đạo sang Việt Nam. Các ngài không thể bắt tổ tiên chúng ta học tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Pháp, hay tiếng Latinh. Thay vào đó, các ngài cố gắng học tiếng An nam, Latinh hóa chữ viết An nam để phục vụ cho công cuộc truyền giáo.
Ở thời mà tiếng Latinh còn là ngôn ngữ chính được dùng trong phụng vụ, các ngài và tổ tiên chúng ta đã cố gắng bằng mọi cách giúp người Kitô giáo Việt hiểu thánh lễ, Kinh Thánh, kinh sách bằng nhiều sáng kiến khác nhau như vè, ca, vãn…
Tuy nhiên, các ngài cũng xem trọng yếu tố văn hóa vùng miền, nên đâu bắt gọi ông trùm, ông chánh miền Bắc tại các xứ Trung, vốn gọi là ông câu, ông biện. Ngoài một số kinh quen thuộc thống nhất ba vùng, thì các hình thức ca vãn mỗi vùng miền đều khác biệt. Sự đa dạng về văn hóa ngoài việc giúp cho giáo dân tại mỗi vùng miền hiểu rõ hơn đạo Kitô giáo, còn giúp cho giáo dân tại mỗi vùng cảm thấy sự gần gũi trong sinh hoạt Kitô giáo, làm nên nền tảng Kitô giáo bén rễ sâu trong tâm thức giáo dân.
Đáng tiếc trong câu chuyện truyền giáo hôm nay, yếu tố văn hóa hoặc bị xem thường hoặc khoác chiếc áo văn hóa cao cấp theo kiểu khai sáng cho dân man di ngày xưa. Lịch sử giáo hội còn đó để kể cho chúng ta những vết thương sâu về cách truyền giáo ‘khai sáng’ như thế.
Viết đến đây, tôi lại nhớ câu chuyện tại một huyện vùng núi thuộc tỉnh Lâm Đồng. Hai phần ba giáo dân là người dân tộc thiểu số nhưng lại không có nổi một thánh lễ bằng tiếng dân tộc, ngoài trừ kinh Lạy Cha đọc rệu rã bằng tiếng dân tộc. Vị linh mục quản xứ miệt mài lo xây sửa và làm kinh tế. Ban mục vụ giáo xứ đều nằm trong tay người Kinh, vốn sống co cụm ở những vị trí đẹp nhất tại giáo xứ. Nên khi linh mục lên tiếng chỉ trích tục nối dây của người dân tộc, thì họ làm ngơ. Nối dây cứ nối.
Trong tất cả linh mục, nữ tu tại các xứ có người dân tộc thiểu số mà tôi có dịp quen biết, đều có chung tâm trạng: người dân tộc thiểu số còn chậm phát triển theo kiểu dân man di. Đa phần các vị lo phần bề ngoài: xây và sửa, sửa và xây từ cơ sở cộng đoàn, nhà nguyện, nhà thờ, các chương trình y tế, nhân đạo cũng chỉ là kiểu ‘vá áo’. Cái yếu tố cốt lõi khiến Kitô giáo thấm sâu hơn là văn hóa thì bị bỏ qua hoặc không xem trọng.
Bao giờ các vị truyền giáo còn chưa xem trọng việc ‘rửa tội’ cho các nghi thức của người dân tộc thiểu số, thì khi đó Kitô giáo vẫn chỉ là chiếc áo khoác hờ khi lạnh mà thôi.
Nguyễn Huy Hoàng
* Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.