Truyện ngắn: Về…!

Hình minh họa

-“Bảo! Không vô nhà ngủ đi con? Sao ngồi tần ngần bên hè hoài vậy?”

Bà Sáu miệng nói chân vừa bước ra bên hè lay đầu thằng Bảo. Thằng nhỏ bảy tuổi đôi mắt lom lom đỏ loét dòm lên trên đọt dừa, hóng tai nghe con bìm bịp kêu. Ngộ! Đứa nhỏ bảy tuổi nghe tiếng bìm bịp kêu mà biết buồn. Y như ngư lớn. Kể cũng lạ. Nó quay đầu hỏi bà Sáu:

-“Nội! Chừng nào má còn về?”

Bà Sáu đôi mắt rưng rức đầy ắp nước nhìn Bảo, rồi dí cái đầu khét mùi nắng của nó vào lòng bà. Vừa thút thít vừa trả lời Bảo:

-“Ừ! Sắp về rồi!”.

Mọi hôm hễ nghe câu hỏi này của Bảo, bà Sáu sẽ lấy ngón tay dí cái đầu nó sang một bên thật mạnh. “Cái thằng! Hỏi chi hoài con gái mẹ của mày. Nó đi mần trên Sài Gòn, chừng nào quởn nó về! Được chưa!”. Thằng Bảo tinh nghịch kéo vạt áo của bà Sáu rồi chui đầu vô trong áo, ngoáy bộ tóc khét lẹt vào bụng khiến bà Sáu tức cười nắc nẻ. Nó vẫn hay giỡn với bà nội như vậy.

Một năm gặp mẹ được hai lần, hổng chừng thằng Bảo còn không rõ mặt mẹ nó ra sao nữa kìa, chứ huống chi là nhắc tên. Không tin hỏi nó thử: “Mẹ con tên gì?”, là nó làm lơ rồi nói: “Ờ! Thì tên mẹ!”. Nó là kết quả của tình yêu không mong đợi. Một người đàn ông là công nhân làm cùng công ty với mẹ của nó, nảy sinh tình cảm rồi… cuối cùng nó chui tọt ra trên mặt đất này. Mà cái ngày nó khóc o oe thì người mà đáng ra nó kêu bằng “ba” lại cuốn gói đi không một lời nhắn. Nghe phong thanh đâu đó “ba” của Bảo có gia đình ở quê, có con nhỏ rồi. Từ dạo hay chuyện khiến mẹ của Bảo lỡ làng đời con gái, dưới quê bắt đầu rộ chuyện, “ba” sợ mà cuốn gói đi biền biệt. Tầm dứt sữa, nó được gửi về với bà nội ở quê, mẹ ở lại Sài Gòn đi làm kiếm tiền gửi về cho nội nuôi nó.

Nội! Hổng biết má có nhớ con hông cà?” Bà Sáu nguýt cái miệng nhai trầu bỏm bẻm mắt liếc thằng Bảo lom lom, trả lời nghe mắc cười hết sức: “Nhớ thương gì thằng ôn như mày! Nghe mày nhắc nó tối ngày chắc ở trển (ý nói ở Sài Gòn) nó nổi hết da gà!” Bảo nhìn bà Sáu với điệu bộ nhai trầu của bà, nó bắt chước bỏm bẻm cái miệng không của nó, nó nhại theo câu nói của bà Sáu làm cho ra nhão nhoẹt “…nó ở trển  chắc nổi hết da gà”. Bà Sáu đẩy cái đầu nó sang một bên rồi cười với nó. Nó quàng tay ôm eo bà nội, “Nội! Nội hổng thương con hả?” Bà Sáu “Hới!” một tiếng rõ dài rồi kêu “ối!”, mới nói tới đó thằng Bảo cắt lời bà “Nhớ thương gì thằng ôn như mày…” Câu nói lúc nào nội cũng nói vậy riết nó thuộc nằm lòng. Người ngoài đi ngang mà nghe bà cháu nói chuyện thì không nhịn được cười.

Từ hôm bà nội nhận cuốc điện thoại trên Sài Gòn gọi về, tự nhiên nội buồn ơi là buồn. Nó chọc mà nội không chửi, nó hỏi nội cũng không nói. Nó quay qua hỏi: “Nội! Nội thương con hông?” thì bà Sáu chỉ im lặng rồi nhìn nó hết sức hiền từ. Nó hỏi tiếp: “Hổng biết má con có nhớ con hông cà?” Bà Sáu dí cái đầu nó sát ngực rồi khóc, vừa khóc vừa ú ớ: “Ừ! Nhớ! Vài hôm nữa nó về với con!”.

Tiếng kèn xe máy bóp inh ỏi trước nhà, thằng Bảo kêu: “Nội ơi! Có khách!”. Bà Sáu kêu “Bảo! Ra hè chơi đi con! Để nội nói chuyện với khách”. Bà sửa lại cái áo cho tươm tất rồi bước ra cửa trước. Tầm mười phút sau khách về. Bảo hí hửng chạy ra cửa trước với bà, thấy bà chăm chú đốt cái đèn để kế bên cái hộp vuông, đốt ba cây nhang cặm vô cái lư hương nhỏ xíu mà hồi nãy bà Sáu biểu nó xúc cát đổ vô. Kế bên là bình bông với mấy nhánh bông trang hồi nãy tự tay nó chạy ra hè bẻ vô theo lời sai của bà Sáu. Có đĩa trái cây để mấy trái lê-ki-ma mà hồi sáng bà mua ngoài chợ về. Bảo thấy nội lâu lâu kéo vạt áo chùi hai bên mắt, nó bước từng bước thật chậm tới gần sau lưng bà Sáu, đưa bàn tay nhỏ xíu giựt nhẹ tà áo sau của bà, bà quay lại với tay kéo nó lại gần chiếc hộp vuông, một tấm hình tròn tròn nho nhỏ trên chiếc hộp, khuôn mặt mài mại quen quen. “Ủa! Má con hả nội?”, bà Sáu gật đầu rồi chậm nước mắt: “Ừa! Nó đó! Nó về với con rồi đó!”.

Little Stream

 

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *