Tự do

(Truyện ngắn)

Ảnh minh hoạ

Chị Ảnh đứng phía sau lưng Phúc – con trai út của chị – lấy bàn tay vỗ lên vai nó cái “bốp!”, khuôn mặt cứng và lạnh, kèm theo câu nói:

-“Chà! Biết hút thuốc rồi há! Coi bộ cũng đặng à!”

Không trả lời trước câu nói tưởng chừng khen mà lại là câu dè biểu hàm chứa sự bất ngờ của mẹ. Phúc phả ra làn khói mỏng qua hai mũi và khe miệng, tay cầm điếu thuốc đưa qua một bên rồi lấy ngón tay búng nhẹ cho tàn thuốc rớt xuống đất. Chị gật gù mỉa mai:

-“Cũng có điệu bộ dữ lắm à! Cũng đặng…”

Phúc ám ảnh cái chữ “cũng đặng” của mẹ. Bởi cái “đặng” ấy chẳng biết chị có hài lòng với hành động nó làm không, nhưng nó nhận biết qua biểu hiện nét mặt của chị. Nếu quan sát kiểu đó thì Phúc nhận ra rằng hầu hết mọi việc nó làm chị đều coi là “đặng” nhưng với thái độ không hài lòng. Phúc trả lời:

-“Mẹ kỳ ghê! Con già đầu rồi, cho con hút thuốc chớ. Hổng lẽ bạn bè mời mà nói hổng biết hút thuốc, uống rượu thì nhục lắm!”

Chị bắt ngay câu chữ Phúc mới nói:

-“Nhục…” Chị Ảnh ngừng ngang tiếng nói ấy để lại một khoảng trống khó chịu giữa người mẹ lẫn đứa con.

Phúc bực mình nóng nảy trả lời:

-“Mẹ có thôi cái kiểu đó không? Cái gì không ưng thì nói thẳng cho con biết, đừng ậm ờ lững lờ kiểu đó. Khó chịu lắm!”

Cứ bình thường như tính ngoan hiền hồi Phúc còn nhỏ, thì nói ấy vừa rồi được xếp vào phạm trù “hỗn xược” và kèm theo trận mưa roi từ cha hoặc mẹ. Nhưng giờ nó lớn rồi, cũng gần ba mươi, nhất là sau chuyến đi dài hơn chục năm của nó và tóc nó đã có muối lẫn tiêu, chị không làm như xưa được. Chỉ lẳng lặng bỏ đi, không quên để lại câu nói phong long:

-“Ừ! Lớn rồi! Có lông có cánh rồi! Đâu cần tui nữa! Cũng đặng!”

Phúc đưa điếu thuốc đã hút hơn một nửa lên rít một hơi dài, lắc đầu trước cách nói của chị, mà trên hết nó chán ghét cái nước lẫy và dỗi “cũng đặng” của chị.

Phúc xa gia đình ngót nghét cũng hơn chục năm. Từ hồi học xong trung học phổ thông, nó quyết định xin mẹ cho lên Sài Gòn đi kiếm việc làm chứ không học tiếp. Phúc cũng hiểu hoàn cảnh gia đình mình thế nào và có khả năng kham nổi việc học hay không. Nó vẫn đam mê việc học, nhưng cái nghèo và khó khăn của gia đình đã thêm động lực để nó chuyển sang một hướng đi mới. Chị Ảnh không có ý kiến gì về quyết định của con trai vì thấy Phúc đã khôn lớn, nên hẳn mọi quyết định của con đều có lý do riêng, chị tôn trọng tự do ấy.

Các anh chị của Phúc đã có gia đình và cũng vất vả vô vàn để lo cho gia đình. Rút kinh nghiệm từ anh chị mình khá khó khăn khi lập gia đình sớm, thấy rõ những thách đố phải đối diện, Phúc không muốn hằn lên vết đổ ấy lần nữa, nó muốn bản thân phải có công việc hẳn hoi và ổn định để lo cho gia đình, hơn nữa nó muốn lo cho cha mẹ trong lúc tuổi già. Ba của Phúc đã không đợi được ngày nó gửi tiền về lo cho anh chạy chữa căn bệnh ung thư, nào dè… cuối cùng anh ra đi bỏ lại mình chị với căn nhà trống hoắc, còn Phúc vẫn lang thang trên đất Sài Thành, chẳng tin tức cũng không thấy về thăm.

Chị không lo cho các con lớn mà chỉ lo cho Phúc. Bởi nó không có cơ hội mở mang kiến thức như anh chị lớn của nó. Lo cho mấy đứa lớn ăn học tới nơi tới chốn, đến lượt Phúc thì anh chị đã kiệt sức, các con lớn cũng vật vã để lo cho gia đình mới nên không đủ sức kham việc học cho em.

Sau hơn chục năm, Phúc về với chị. Nó chẳng kể gì với chị. Chị cũng không muốn hỏi suốt chục năm qua con làm gì. Lẳng lặng quan sát kỹ lưỡng xem Phúc mập -ốm, đen – trắng, cao – thấp ra sao. Nhưng thấy thái độ và hành vi của con thay đổi nhiều, chị lấy làm lạ. Chị đoán là con chịu thiệt thòi nhiều suốt thời gian qua, chị Ảnh muốn tìm mọi cách bù đắp cho con, nhưng biết làm sao để vá những lỗ hổng mà đời đã găm vào thân thể con trai chị gần chục năm qua.

-“Mẹ có thôi đi không! Đừng có mà nhìn con như cảnh sát hình sự. Cứ xăm xoi rồi kiếm đủ chuyện để nói!”

Chị bực quá nói lại:

-“Con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Nói mà không nghe có mà bỏ đi cho rồi!”

Phúc tức quá đáp lại bằng tiếng chửi thề rồi nói:

-“Làm chó chạy rông còn phúc hơn ở nhà làm con mẹ!

Câu nói khiến chị muốn lên cơn nhồi máu cơ tim. Mặt mũi xoay mấy vòng rồi chị lịm dần, ngã đùng xuống đất. Phúc sợ hãi chạy lại đỡ mẹ lên bộ ván được đặt một bên nhà. Tay xức dầu rồi xoa liên tục, miệng kêu không ngớt: “Mẹ ơi! Mẹ! Mẹ ơi!

Chị mở mắt từ từ, nhìn thấy Phúc thì chị xoay sang vách không ngó con nữa. Phúc lay vai mẹ:

-“Mẹ! Con xin lỗi mẹ mà! Mẹ tha lỗi cho con!

Chị ấm ức cắn môi để nén tiếng khóc, nước mắt chảy ra ròng ròng. Có lẽ bao nhiêu câu hỗn hào của Phúc lâu nay chị chịu nổi, nhưng riêng câu nói: “Làm chó chạy rông còn phúc hơn ở nhà làm con của mẹ!” khiến chị quỵ ngã hoàn toàn.

Biết mình lỡ lời nói điều quá sai và hỗn xược, Phúc không ngớt lay vai xin lỗi, nó quỳ mọp xuống nền đất cạnh mép ván, hai tay lạy xin lỗi chị. Tâm thức một đứa con ngoan của ngày xưa dần quay trở lại trong một thân xác hư hỏng. Phúc biết mình đã khiến mẹ đau đớn nhiều. Chị vẫn khóc trong ấm ức. Dần dần, bình tĩnh hơn, chị ngồi lên một tay vẫn chống mặt ván vì cơn say xẩm vẫn còn.

-“Phúc! Mẹ làm gì nên tội! Mà con đối xử với mẹ như vậy?”

Phúc im thin thít, mặt cúi gầm không dám ngước nhìn chị dù một chút. Chị lại hỏi cách mạnh dạn hơn:

-“Phúc! Trả lời mẹ! Mẹ cho con bước ra đời để con được gì? Được cái mất dạy hỗn hào hả con? Đầu gần hai thứ tóc mà sao con không suy nghĩ? Hả con?”

Phúc vẫn gầm mặt không nói, mắt lạnh căm tỏ chút ngại ngùng. Chị vẫn chưa thỏa, lại hỏi:

-“Con có trả lời cho mẹ nghe không hả Phúc? Hay con muốn mẹ cắn lưỡi chết cho con vừa lòng?”

Chị vừa nói xong chị thè lưỡi ra giữa hai hàm răng, ngỡ rằng Phúc trễ chút xíu thì mọi chuyện đã xong. Phúc nghẹn ngào:

-“Mẹ! Mẹ! Ngừng lại đi! Con xin lỗi mẹ!”

Phúc chặn mấy ngón tay thô cứng của nó vào miệng của chị để ngăn hành vi không mong muốn. Chị quơ hai cánh tay đập vào người Phúc. Chết không được trong lúc lòng mang nỗi buồn kinh khủng, chị thét lên: “Phúc ơi! Phúc ơi là Phúc! Mày để mẹ chết cho mày vừa lòng!”. Mãi cho đến khi chị mệt lả thì nằm im trên đất. Phúc tìm một chiếc khăn tay nhỏ chặn vào giữa răng chị vì nó sợ…

Một lần nói chuyện nghiêm túc của hai mẹ con diễn ra ngay sau đó. Lần đầu tiên kể từ ngày Phúc bắt đầu rời gia đình năm mười tám tuổi. Có lẽ Phúc nói nhiều hơn chị. Chị chỉ ngồi lặng lẽ nghe và … khóc.

Chị nằm trên giường với chiếc gối được kê cao, hơi thở yếu ớt và không đều. Phúc kể lại hành trình ra đời của mình trong nghẹn ngào. Có lẽ đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng nó thuật lại cuộc hoán cải đời mình. Một cuộc lột xác để có được Phúc của ngày hôm nay sau hơn chục năm tội lỗi hoang đàng.

-“Mẹ à! Mẹ có biết hơn chục năm qua, con chỉ có mấy ngày này ở nhà với mẹ thì con được trú ngụ ở một chỗ đàng hoàng không? Mẹ có biết con đã phải trốn chui trốn nhũi để có được cơ hội ngồi đây bên mẹ không?”

Phúc vừa hỏi và vuốt đôi bàn tay gầy nhom trơ xương của chị. Chị vẫn im khe ngó đăm đăm mặt Phúc mà không biểu lộ chút cảm xúc nào, cũng không đáp tiếng nào với nó, như thể cơn giận khi nãy vẫn chưa nguôi ngoai. Phúc tiếp lời:

-“Mẹ thấy con toàn nói và làm những điều chướng tai gai mắt, những điều mà mẹ cho là quân bụi đời mới làm như vậy phải không?”

Chị không phản ứng. Phúc đỏ hoe đôi mắt.

-“Mẹ! Con là thằng bụi đời chánh cống. Giang hồ khét tiếng. Con là thằng đâm thuê chém mướn nổi tiếng ở Sài Gòn. Con là dân đâm chém không gớm tay. Dân đòi nợ bằng máu và bằng cách của mấy thằng giang hồ là con đó! Con của mẹ vậy đó!”

Mỗi câu nói là mỗi câu gằn giọng trong nghẹn ngào như thể mở màn cho cuộc thú tội. Đôi mắt của chị bắt đầu có phản ứng. Chị nhìn Phúc với ánh mắt e dè và bàn tay như muốn rụt lại khi nghe nó kể về quá khứ tội lỗi. Nhưng vì Phúc nắm tay quá chặt chị không rút lại được. Phúc nhìn chị đăm đăm.

-“Hồi mới lên Sài Gòn. Một người đàn ông tốt bụng thấy con lơ ngơ và chưa biết nhiều chuyện ở trên đó. Ông ta giúp đỡ và cho con tiền bạc để lo thủ tục nhập học đại học. Ông còn tìm nhà trọ và cung cấp chỗ trú ngụ cho con nữa. Con mừng vui vì có một người xa lạ quan tâm và lo lắng cho cõn khi bước đầu bỡ ngỡ… Nhưng… ai ngờ…”

Nghe tới tiếng “ngờ” chị đổi cảm xúc trong cái nhìn. Chị đoán chuyện gì đã xảy ra với Phúc – con của chị. Ngẫm tới điều mình sắp kể ra, Phúc bức xúc thốt lên:

-“Mẹ nó! Quân khốn nạn! Thằng khốn nạn!”

Tay Phúc dằn mạnh xuống nền gạch phát ra tiếng “bốp!” chói tai. Mắt nó bắt đầu ứa lệ.

-“Tụi nó bắt con làm… làm… trai bao! Căn nhà nó thuê cho con là tụ điểm tập trung mấy đứa nhà quê giống con. Thằng nào lên Sài Gòn lơ ngơ là nó chộp đầu, thu hết giấy tờ tùy thân để tụi con không đi đâu được, sai người canh giữ và đặt điều kiện nếu muốn sống sót phải nghe lời tụi nó.”

Chị cũng bắt đầu rơi nước mắt. Từ bàn tay muốn rút ra lúc nãy giờ chuyển sang rờ trên khuôn mặt của Phúc. Chị vừa vuốt chỗ xương xẩu trên gò má và những chỗ thâm bầm trên mặt và cổ của Phúc. Chị mếu máo.

-“Tụi nó bắt con tiếp khách bất kể giờ nào. Khách hàng là mấy ông đàn ông dơ dáy và bẩn thỉu. Những lần con từ chối chúng đánh đập con dã man. Trốn cỡ nào cũng không thoát được vì đường dây của chúng phủ khắp Sài Gòn và các tỉnh. Có hôm con trốn tới Long An thì tụi nó trùm bao bố đập con một trận suýt chết. Đưa về Sài Gòn tiếp tục làm theo yêu cầu của chúng. Con đành…”

“Hức! Hức !” Tiếng khóc lớn tiếng thay cho những nhục nhằn mà Phúc đã chịu. Phúc không kể tiếp được vì nghẹn ngào nước mắt. Tay nó đấm trên mặt đất liên hồi, miệng thi thoảng thốt lên trong nghẹn ngào: “Khốn nạn! Khốn nạn! Quân khốn nạn!” Rồi nó quay say nhìn chị, ôm bàn tay của chị tự đập vào ngực nó: “Mẹ! Con là thằng khốn nạn! Thằng khốn nạn! Mẹ ơi!”.

Chị ngồi dậy như thể chưa có cuộc choáng ngất lúc nãy. Chị ôm Phúc vào lòng, ghì đầu nó vào sát ngực chị. Hai bàn tay xoa xoa bờ lưng của Phúc. An ủi: “Nín! Nín đi con!”. Phúc cũng choàng hai tay ôm chị thật chặt.

Sau mấy năm trời tăm tối bị cưỡng ép trong tình dục đồng giới, Phúc quyết một lần trốn. Chết cũng được. Miễn là ra khỏi cái chốn nhơ nhớp này. Trình công an là chuyện nó không nghĩ tới. Bởi đường dây của bọn chúng cũng đã thông đồng ít nhiều để có thể hoạt động yên ổn năm này qua tháng nọ. Phúc biết lộ diện thì trước sau cũng bị lôi về với lý do “chưa trả hết nợ cho tụi nó”. Đó là số nợ hồi ban đầu chúng giúp cho Phúc trong việc làm hồ sơ nhập học và ổn định chỗ ở. Nhưng Phúc đã đi học được ngày nào và ở yên ổn được ngày nào đâu! Cách duy nhất có thể giải quyết chuyện này là tìm đến một nhóm giang hồ khét tiếng. Phúc xin gia nhập và nhờ đó nó mới có cơ hội ra ngoài mặt trời, thấy mình được tự do và nhất là dần dà nó trở thành “khét tiếng” đúng nghĩa trong giới giang hồ. Cuộc đời tội lỗi đẫm máu của nó khởi đi từ đó. Hút, chích, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê và… rốt hết nó muốn trả thù những bọn đã bắt nó phục vụ tình dục cho những gã đàn ông hôi hám bẩn thỉu. Miệng nó và lòng nó không ngớt nghĩ tới chuyện: “Giết cho chết cái quân khốn nạn!”.

Chuyện xảy ra khi nó đã giết được gã đàn ông đã hành hạ thân xác nó suốt mấy năm trời. Phúc căm thù hắn ta. Ám ảnh hắn ta trong đầu mình và lòng mình. Chưa có đêm nào Phúc chợp mắt an lành dù đã được nhóm giang hồ bảo kê. Hễ nhắm mắt thì cái mùi mồ hôi kinh khủng, giọng cười chua chát, hành vi thô bạo và cả những tiếng chửi mắng thậm tệ mà cái miệng xồm xoàm đầy râu của hắn phát ra. Phúc kinh hãi khi những hình ảnh ấy quay về, mà… đêm nào nó cũng quay về… rõ mồn một. Thể trạng và tinh thần mỏi mệt khiến mong muốn trả thù trong đầu Phúc càng lúc càng rõ.

Những nhát dao chí tử đã cướp đi mạng sống gã đàn ông vĩnh viễn bên bờ sậy cập mé sông. Một mình Phúc đã tìm cách liên lạc và hạ sát gã đàn ông. Mùi máu tươi tanh tưởi khiến nó nhớ tới những thứ mùi nhơ bẩn, những thứ tiếng cặn bã từng vọng bên tai,… khi những khoảnh khắc ấy tan biến là lúc gã đàn ông đã đầy máu. Đầu óc Phúc trống rỗng, ngồi bệt xuống bãi cỏ vắng, thở từng hơi khó khăn như thể cơn hấp hối sắp đến với nó. Phúc ngã ra bãi cỏ, lịm dần bên xác gã đàn ông.

Phúc về với Chị là những phút cuối nó cho mình tự do. Công an đã vào cuộc điều tra vụ án. Phúc quyết định sẽ đầu thú. Không còn gì để luyến tiếc cho cuộc đời đầy tội lỗi và dường như cũng là con đường duy nhất để nó được giải thoát. Để tâm trí nó không còn hãi sợ, để thân xác không còn bị giày vò, để không phải mạo danh một kẻ mạnh mẽ và liều lĩnh với mục đích lấy mạng những con người đáng ghét. Bao nhiêu năm qua Phúc vẫn nghĩ về mẹ ở quê nhà và nó mong có ngày quay về với chị. Những câu nói, cách hành xử và những thói quen mà chị thấy chướng tai gai mắt là những gì còn sót lại cho những năm tháng lang bạt giang hồ.

Ngày Phúc còn lẩn trốn bọn ác, Phúc đã không biết phải tìm ai để tố cáo. Nhưng hôm nay khi nó biết con đường duy nhất mà nó sẽ đi tới khi ra đầu thú, thì Phúc không còn gì hãi sợ. Nó sẽ tố cáo tất cả hành vi của bọn buôn bán thân xác con người. Tố cáo đường dây của chúng và những mưu mô xảo quyệt của chúng. Lương tâm của một con người như Phúc giờ đây không còn nhiều thứ để luyến tiếc. Bước chân ra giang hồ là con đường nó tự chọn cho mình, là bước đệm để nó có được tự do, thậm chí là tự do trong tù lao hay tự do trước cái chết sắp lãnh nhận sau cuộc tuyên án. Duy một điều mà Phúc luôn canh cánh là nó chưa trả tròn chữ hiếu với mẹ cha. Cha mất sớm. Mẹ vẫn còn đó. Trở về nó không biết phải nói thế nào với mẹ, nhưng hôm nay nó nói tất cả, nói trong nước mắt.

-“Mẹ! Mẹ bỏ qua cho con! Mẹ ơi!”

Chị ôm chầm lấy Phúc mà khóc nức nở. Cố nói ra tiếng trong nước mắt đầy ứ:

-“Mẹ có trách con ngày nào mà bỏ qua. Mẹ chỉ buồn khi thấy con thay đổi quá nhiều! Nhưng giờ mẹ hiểu rồi Phúc ơi!

Phiên tòa cuối cùng đã đưa ra mức án cho hành vi mà Phúc đã gây ra nhưng khuôn mặt Phúc không tỏ chút cảm xúc sợ hãi. Kết thúc phiên tòa, Phúc quay xuống nhìn mẹ đang ngồi phía dưới khóc nức nở khi nghe tuyên án. Phúc quỳ xuống trên nền gạch lạnh băng. Bộ đồ tù nhân nhăn nheo theo từng cái dập đầu của nó trước chị. Nước mắt ứ nhẹ hai bên khóe mắt nhưng Phúc kiềm lại hầu không để nước mắt rơi trong phút chia tay này. Hai cán bộ công an dắt tay Phúc ra chiếc xe bít bùng. Ngó nghiêng người cúi đầu chào mẹ rồi Phúc hiên ngang bước đi. Miệng nó mỉm cười.

Chị Ảnh đứng trước cửa tòa án nhìn theo chiếc xe đang chạy xa dần, xa dần.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …

Bảy kỹ năng sống tuyệt vời có được khi lớn lên trong một gia đình đông anh chị em

Có nhiều anh chị em là một ơn xét theo nhiều phương diện. Đây chỉ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *