Từ hạt cơm tới nếp nghĩ

Hạt gạo hạt cơm vô cùng thân thiết với người Việt. Có những câu nói cửa miệng như: nồi cơm bát gạo, miếng cơm manh áo. Từng bữa ăn hầu như không thể vắng bóng hạt cơm. Nhiều người gắn bó hạt cơm đến nỗi, cứ nói đến ăn uống thì đều quen miệng gọi là ăn cơm. Thân quen đến thế, thân thương đến thế, mà mỗi người mỗi vẻ đánh giá về hạt cơm.

Thời còn trong mái ấm gia đình với cha mẹ và các em, tôi nhớ từng kỷ niệm gắn liền với hạt cơm. Nhớ hạt cơm thơm dẻo ngon nghẻ mẹ nấu. Mẹ còn ưu tiên cho tôi phần cơm ở trên mặt nồi. Mẹ nói, con đang đi học, cần ăn lớp cơm trên như thế, để cho sáng dạ. Có lẽ cũng nhờ thế, tôi sáng dạ thêm chút đỉnh! Nhớ hạt cơm khê vì tôi vừa nấu cơm vừa đọc truyện. Nhớ hạt cơm nửa sống nửa chín do đứa em nấu nhanh để còn đi chơi. Nhớ hạt cơm nhão nhoét do đổi loại gạo, mà tôi chưa biết đổ mức nước khi nấu. Nhớ hạt cơm đượm mùi khói, do được đun bằng rơm rạ ẩm mùa mưa rét. Nhớ hạt cơm cháy vàng ươm thơm phức, do bà biết cách ủ trấu.

Nhớ hạt cơm dẻo còn nhựa lúa mới. Nhớ hạt cơm khô khốc do mất mùa; gạo ngon không có đủ ăn, nên số ít gạo ngon được bán đi để mua lại nhiều gạo ít ngon, để có thể đủ ăn. Nhớ hạt cơm tám trong vài dịp lễ tết. Nhớ hạt cơm nếp trong vài dịp đặc biệt. Nhớ hạt cơm hẩm do mùa đó thu hoạch trong mưa bão, làm hạt thóc nảy mầm, làm hạt gạo bị đớn và đổi mầu vàng thâm. Thế đó, truyện hạt gạo hạt cơm dài và nhẹ tựa cuộc sống thôn quê.

Cứ thế, ngày ba bữa cơm. Hạt cơm như nối kết câu chuyện của cả ngày cả tháng cả năm, của gia đình. Bữa cơm sáng lúc nào cũng nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Mẹ luôn dậy sớm nấu cơm, để tôi kịp giờ ăn cơm đi học, để bố kịp giờ làm việc. Có lần tôi siêng năng đột xuất đi lễ sáng sớm. Mẹ vừa nấu cơm vừa đọc kinh. Bố cũng thế, bố đọc kinh với tốc độ chóng mặt, nhưng có lẽ Chúa hiểu và bố hiểu là đủ. Mấy đứa em, đứa thì ngủ gà ngủ gật, đứa thì tỉnh như sáo, đứa vẫn còn say giấc. Trong những giây phút giao thoa khởi đầu của ngày sống ấy, hạt gạo đang dần trở thành hạt cơm trên chiếc nồi nhỏ bàn tay mẹ nấu. Hạt cơm mang giai điệu gia đình ấm cúng.

Ngày đi học đại học tại Hà Nội, tạm rời xa mái nhà nhỏ bé thân yêu, tôi sống nơi thủ đô giữa những anh em bè bạn xa lạ mà tốt lành. Giờ đây hạt cơm là hạt cơm từ nồi cơm điện. Có vẻ hạt cơm lúc nào cũng như nhau. Tôi nhớ hạt cơm tay mẹ nấu. Tôi nhớ hạt cơm mang đủ loại hương vị của lúa của rơm của khói, của thời tiết, của tính khí từng người, của tình cảnh gia đình.

Đến với thủ đô, câu chuyện về hạt cơm có thêm nhiều nét mới. Trong cùng nhà trọ, chúng tôi có những anh em ở Nam Định ở Hà Nam. Anh em cùng nhau chung gạo nấu cơm, cùng gom tiền mua thức ăn, cùng chia nhau nấu nướng. Thế là, tôi gặp lại được cái giai điệu của hạt cơm nơi tính cách từng người. Cùng hạt gạo ấy, cùng chiếc nồi cơm điện ấy, có anh cẩn thận chỉn chu, bữa cơm nào cũng gần như tuyệt vời. Có anh vừa nấu vừa chơi vừa làm gì đó, thì hạt cơm cũng tựa thế, không chín hẳn, không sống hẳn, nó thật khó tả.

Có thêm một giai điệu mới bắt đầu. Vùng quê Nam Định vốn nổi tiếng về gạo dẻo thơm. Nếu bạn chưa đồng ý vì tôi hơi nổ về quê của mình, thì mời bạn kiên nhẫn một chút, nghe tôi kể tiếp câu chuyện. Mỗi lần gạo Nam Định được nấu, đến bữa cơm mọi người đều khen ngon, anh ở Hà Nam cũng khen ngon. Không biết anh khen thật hay là lịch sự nương theo mọi người. Mỗi lần nấu cơm từ gạo Hà Nam, thì ai cũng vừa ăn vừa nhăn mặt, vì hạt gạo vừa khô vừa rời như cơm nguội, ăn mỏi cả miệng. Ngày nọ, cậu của anh từ Hà Nam lên thăm, chúng tôi nấu ăn tươm tất hơn mọi ngày và đương nhiên gạo được chọn để nấu cơm là gạo Nam Định dẻo thơm chứ không phải gạo vừa khô vừa rời của Hà Nam. Cậu ăn, món gì cậu cũng khen, trừ món cơm. Cậu nói, cơm gì mà dẻo dính hết cả răng, chẳng nhai được. Cậu còn nói mạnh thêm: cơm này thua xa cơm quê của cậu. Mọi người tròn mắt nhìn nhau! Thế đó, cái ngon có lẽ tùy theo mỗi người, mỗi vùng quê, mỗi kinh nghiệm sống, mỗi kỷ niệm gắn bó.

Từ kinh nghiệm nhỏ ấy, khi sống ở Sài Gòn, tôi không còn khen hay chê hạt gạo từ mỗi vùng miền khác nhau nữa. Thay vì đứng từ góc nhìn và kinh nghiệm của bản thân, mà đánh giá người khác, tôi tập kiên nhẫn và nghe chia sẻ của chính họ. Ở Sài Gòn, tôi gặp được hạt gạo từ khắp các vùng miền. Mỗi vùng đều có những nét đặc trưng về thiên nhiên đất trời, về tập tục văn hóa, về lối sống, về công ăn việc làm v.v. và như thế hạt gạo kết tinh từ mỗi vùng ấy mang phong cách rất riêng. Như thế, càng đi tôi càng mở rộng tầm mắt, càng trải rộng kinh nghiệm, để thấy rằng không chỉ có hạt gạo của vùng quê bé nhỏ của mình. Đồng thời, tôi cũng mang nơi mình chút hoài niệm. Giờ đây hạt gạo làng ta trong tôi, chỉ còn là một nét đẹp trong ký ức thời thơ ấu.

Đến với đất nước Italia xinh đẹp, câu chuyện về hạt gạo thêm độ phức tạp đến lạ thường. Cơm gạo đối với họ chỉ là một trong nhiều món ăn tự chọn. Có nhiều điều tôi thấy rất cần thiết, họ lại coi là phụ thuộc; ngược lại nhiều điều tôi biết là họ rất quý trọng, nhưng tôi không thể cảm nhận được sự quan trọng ấy, thậm chí tôi thấy hình như điều ấy chẳng có nghĩa lý gì với mình. Đúng là rất xa cách giữa hai phương trời, giữa Âu và Á. Ở Italia, người ta thích hạt gạo to, thích nấu cơm sao cho hạt cơm bên ngoài thì chín mà ở lõi còn sống, thế mới là ngon. Tôi thì vừa ăn vừa cố gắng nuốt. Hạt cơm loại nhỏ thì người ta thích trộn với nhiều dầu ăn, tôi thì lấy nước sôi rửa hạt cơm cho bớt.

Thế đó! Có một người vùng Châu Mỹ Latinh, thấy tôi ăn cơm nhiều thì nói: ăn cơm nhiều là không tốt. Tôi lịch sự nói lại: ở đất nước tôi, cơm là một món ăn quan trọng bậc nhất, ngày nào cũng ăn 2 lần hoặc 3 lần. Người ấy giải thích tiếp… Tôi lịch sự đáp lại: nếu ở nước Ý này có bao nhiêu loại pasta và pizza thì ở Việt Nam có bấy nhiêu loại cơm. Thế đó, con người thực sự không dễ hiểu nhau, nhưng trong niềm tin vào Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em, con người có thể có đủ kiên nhẫn và tình thân để cùng nhau tìm hiểu, giúp đỡ nhau, và làm phong phú cho nhau.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *