Tháng Năm về, chúng ta được mời gọi đến với Đức Mẹ Maria. Mẹ lúc nào cũng gần gũi từng người để cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta. Có vô số tài liệu viết về Đức Mẹ. Viết về Đức Maria, thì không bao giờ đủ, “de Maria numquam satis”. Biết bao lần Đức Mẹ đã hiện ra và có vô số người đã đi hành hương đến với Đức Mẹ. Trong Giáo hội cũng có nhiều Tông Huấn, Thông Điệp giải thích về vai trò của Đức Maria. Những tài liệu ấy chúng ta có thể tìm đọc trên mạng. Tuy nhiên, bài viết dưới đây đưa các bạn đến một số tài liệu kể về tuổi thơ của Đức Maria; nhưng trước hết, chúng ta cần nhìn nhận lại những gì được nói về Mẹ trong Kinh Thánh Tân Ước.
- Đức Maria trong Kinh Thánh Tân Ước
Trong Kinh Thánh Tân Ước chúng ta thấy Đức Maria xuất hiện rất sớm từ những trang đầu tiên. Từ biến cố truyền tin (Lc 1,26-38) cho đến chân thập giá, Đức Maria với Chúa Giêsu như hình với bóng. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Đức Maria cũng hằng ở với các Tông Đồ. Những dòng Tin mừng này tuyệt nhiên không kể về tuổi thơ của Đức Maria. Chúng ta chỉ biết cha mẹ của Đức Maria là bà thánh Anna và ông thánh Gioakim. Có người cho rằng Mẹ sinh ra ở Giêrusalem[1] nhưng cũng có người tin rằng Mẹ chào đời ở Nazaret. Những điều này cũng không có trong Tân ước.
Vì vai trò của Đức Mẹ quá lớn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nên Giáo hội chú giải rất nhiều về những câu từ trong Kinh Thánh liên quan đến Đức Mẹ. Ngoài ra, Giáo hội cũng dựa vào truyền thống và những suy tư thần học để đưa ra bốn tín điều Mẹ Maria: Vô Nhiễm Nguyên Tội; Trọn Đời Đồng Trinh[2], Mẹ Thiên Chúa và Hồn Xác Lên Trời. Các tín điều này nói lên sự cao cả của Mẹ. Những tín điều này cũng không nói minh nhiên trong Kinh Thánh. Chúng càng không đề cập đến tuổi thơ của Đức Maria.
- Tuổi thơ của Đức Mẹ trong tài liệu khác
Ngoài bản văn Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta có thể tìm thấy những thông tin về Đức Maria trong Catholic Encyclopedia[3] khi chú giải cụm từ “Apocrypha-ngụy thư- những điều được che dấu”. Ngụy thư hay còn gọi là ngụy Kinh là những sách không thuộc quy điển Thánh Kinh, vì thiếu tính linh hứng đích thực và nằm ngoài quy phạm đức tin. Giáo hội thường nhắc đến một cụm từ gọi là “ngụy thư” hoặc “Tiền tin mừng – Protoevangelium”. Chẳng hạn một bản văn cổ gọi là Tiền–Tin Mừng theo Thánh Giacôbê. Theo các nhà chuyên môn, bản văn này được viết vào khoảng năm 120, nghĩa là trong thời kỳ của các Kitô hữu đầu tiên, khi mà những ấn tượng về Đức Maria vẫn còn sống động và lòng sùng kính Đức Maria còn mới mẻ.
Khi viết về cụm từ này, tiến sĩ chú giải Kinh Thánh Cao Gia An SJ, nhận định: “Bản văn Protoevangelium này không được Giáo Hội công nhận là Tin Mừng, vì nội dung chính của bản văn này không phải tập trung vào Đức Giêsu nhưng là những câu chuyện trước khi Chúa Giêsu sinh ra. Tuy nhiên, có thể thấy rằng bản văn này phản ánh rất rõ niềm xác tín được chia sẻ trong cộng đoàn các Kitô hữu đầu tiên về Đức Maria.”[4]
Một trong những cuốn tiền Tin mừng phổ biến nhất được cho là của thánh Giacôbê tông đồ viết. Gọi là tiền Tin mừng, nhưng tác giả đã dựa trên Tin Mừng quy điển để viết, nhưng mở rộng với các yếu tố huyền thoại và giàu trí tưởng tượng, đôi khi rất ngớ ngẩn hoặc kỳ quái! Trong đó, chúng ta còn đọc thấy những thông tin về Đức Mẹ như: Sự ra đời, giáo dục và hôn nhân của Đức Trinh Nữ được mô tả trong mười một chương đầu tiên; và đây là nguồn gốc của nhiều truyền thống khác nhau hiện hành trong các tín hữu. Chúng có giá trị trong việc biểu thị lòng tôn kính dành cho Đức Maria ngay từ khi còn rất trẻ. Chẳng hạn, “Protoevangelium” này kể rằng hai ông Gioakim và Anna tưởng chừng như hiếm muộn, nhưng vào tuổi xế chiều đã sinh hạ Maria. Vì lòng yêu mến Đức Chúa, bà Anna đã dâng Đức Maria vào đền thờ khi con mới 3 tuổi.[5] Ý nguyện của Anna là để về sau Maria có thể tận tâm phục vụ nhà Chúa, để thực hiện lời thề của cha mẹ.
Khi Đức Maria lên 12 tuổi, các thượng tế chọn Thánh Giuse làm bạn đời cho Maria. Theo đó, năm 14 tuổi Đức Maria đính hôn với Thánh Giuse.[6] Từ giai đoạn này, chúng ta có thể chuyển bước vào những trang đầu tiên của Tin Mừng, như thánh Mát-thêu viết: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1,18). Từ giai đoạn này Tin mừng ít nhiều đã kể về cuộc đời và những đặc ân của Đức Maria.
Tài liệu “Protoevangelium” này đã được các Giáo phụ đầu tiên như Origen và Justino biết đến. Theo đó chúng ta có thể nhận thấy một truyền thống Kitô giáo sơ khai về cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria, như vài thông tin ở trên. Ngoài ra tài liệu này còn đề cập đến Đức Mẹ Đồng Trinh, mô tả sự kết thúc giai đoạn trần thế của Đức Mẹ, sau đó Mẹ lên trời cả hồn và xác. Ngoài ra tài liệu này cũng cho thấy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Nếu đến Giêrusalem, người ta thường đến thăm hai nơi liên quan đến Đức Mẹ Maria. Theo truyền thống của Chính thống giáo, sau khi kết thúc cuộc đời trần thế, Đức Mẹ được an táng trong mồ, gần vườn Giếtsêmani. Cũng giống như Con của Mẹ là Chúa Giêsu, sau ba ngày Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác. Trong khi đó, truyền thống của người Công giáo cho rằng Đức Mẹ chỉ ngủ và trong giấc ngủ, Đức Mẹ được đưa về trời. Bởi đó trên núi Sion, tương truyền chính là nơi Đức Mẹ ở những năm cuối đời. Hiện nay là nhà thờ Đức Mẹ Ngủ (the Dormition of the Virgin Mary). Như vậy cả hai truyền thống này từ thời Giáo hội sơ khai đều nhìn nhận Đức Mẹ Maria được đặc ân lên trời cả hồn và xác.
Có lẽ hai truyền thống này cũng ít nhiều bắt nguồn từ những thông tin “bên lề” của Tin mừng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng cả hai truyền thống trên đây đều diễn tả tình yêu của Giáo hội dành cho Đức Mẹ. Đức Maria không chỉ là “Mẹ Thiên Chúa”[7], nhưng còn là mẹ của Giáo hội. Trong cuộc lữ hành trần thế, vai trò của Đức Mẹ rõ ràng là quá quan trọng đối với những ai mong muốn được gần với Thiên Chúa. Vì tầm quan trọng này mà ngay từ thời Giáo hội sơ khai và những thế kỷ đầu, nhiều nhà thần học đã suy tư về những đặc ân mà Đức Mẹ đã nhận được từ Thiên Chúa. Thánh Gioan Đa-mát (675–745) viết: “Cần thiết rằng Con Thiên Chúa, khi sinh ra, đã gìn giữ vẹn tuyền đức Trinh Khiết của Mẹ, thì phải gìn giữ Mẹ khi chết, khỏi hư hoại. Đấng đã cưu mang Đấng Tạo Hoá cần được ở trong cung điện của Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa cần phải có tất cả mọi điều thuộc về Con của Mẹ và cần được mọi thụ tạo tôn vinh.”
- Lòng tôn kính Đức Maria trong tháng Năm
Kể ra một vài thông tin từ tài liệu cổ xưa liên quan đến Đức Maria để cho thấy Giáo hội Công giáo có truyền thống lâu đời sùng kính Đức Mẹ. Nhất là trong tháng Năm lòng sùng kính ấy được chính thức được cử hành trong Giáo hội bắt nguồn từ một số lý do chính:
- Như Đức Giáo hoàng Phaolô VI lưu ý: “lòng đạo đức của các tín hữu từ lâu đã được dâng hiến cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa” vào tháng Năm[8]. Trong tháng này chúng ta thể hiện lòng “tôn vinh, sùng kính với đức tin và tình yêu” dành cho Nữ Vương Thiên Đàng[9]
- Người Công giáo tin rằng trong tháng kính Đức Mẹ này: “rất nhiều ân sủng, lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đổ xuống trên chúng ta từ ngai tòa của Mẹ Maria”. Đức Maria được xem như “chiếc máng” thông ban phúc lành của Thiên Chúa chảy đến các tín hữu.
- Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI giải thích: “ai gặp được Mẹ Maria cũng không thể không gặp gỡ Chúa Kitô.” Việc tôn sùng Mẹ Maria dẫn các tín hữu đến với Con của Mẹ là Đấng Cứu Thế.
- Giáo hội “tôn vinh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, bằng một tình yêu đặc biệt” vì Mẹ “được liên kết chặt chẽ với công cuộc cứu độ của Con mình.” Như thế, tháng này, Giáo hội nhìn nhận và tôn vinh vai trò của Đức Maria trong các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô.
- Tháng Năm kính Đức Mẹ cũng hoà hợp với bầu khí phụng vụ của Giáo hội, như tài liệu Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân lưu ý rằng việc tôn sùng Đức Mẹ trong tháng 5 có thể “được kết hợp một cách hài hòa vào Năm Phụng vụ,” bổ sung cho việc Giáo hội cử hành Mầu nhiệm Vượt qua.[10]
Tóm lại, phụng vụ Giáo hội Công giáo dành tháng Năm cho Đức Trinh Nữ Maria vì lòng sùng kính sâu sắc, niềm tin vào vai trò của Mẹ trong lòng Giáo hội. Và với một chút thông tin thú vị về quãng thời thơ ấu của Đức Mẹ, hy vọng phần nào có thể giúp bạn đọc hiểu được những đức tính tuyệt vời của Mẹ. Mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ, có thể rút ra từ tuổi thơ của Đức Mẹ những mẫu gương đạo đức thánh thiện để noi theo. Chẳng hạn, thánh John Eudes – nguyên là vị Linh Mục người Pháp, liệt kê vài đức tính tuổi thơ của Đức Mẹ: sự trong trắng và thơ ngây, vâng phục, kiên nhẫn, linh lặng và tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa.[11]
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
[1] Trích New Catholic Encyclopedia IX, tr. 375-377.
[2] Trong tất cả truyền thống Kitô giáo, bao gồm cả Công Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành hay Anh Giáo, không ai nghi ngờ gì về việc Đức Mẹ Đồng Trinh trước biến cố Truyền Tin. Khi được loan tin về việc sẽ mang thai, Đức Maria đã bày tỏ sự bối rối: “Chuyện ấy xảy ra thế nào được, vì tôi chưa hề biết đến chuyện vợ chồng?” (Lc 1,34). Tuy đã đính hôn với Giuse theo luật Do Tthái (x. Lc 1,27), Đức Maria vẫn còn là một trinh nữ.
[3] The Catholic encyclopedia; an international work of reference on the constitution, doctrine, discipline and history of the Catholic Church.
[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-me-dong-trinh-tron-doi-46027
[5] New Catholic Encyclopedia IX, tr. 378.
[6] Nếu đối chiếu với lúc Mẹ mang thai Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể đoán được Đức Mẹ sinh vào khoảng năm nào!
[7] Danh hiệu này không có ý nói rằng Đức Maria là mẹ của Thiên Chúa Chúa từ thuở đời đời. Thay vào đó, Đức Maria chỉ là Mẹ sinh ra Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật (GLHTCG 466)
[8] X. . https://www.vatican.va/content/paul-vi/en/encyclicals/documents/hf_p-vi_enc_29041965_mense-maio.html
[9] Như trên.
[10] https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20020513_vers-direttorio_en.html#INTRODUCTION
[11] https://daminhvn.net/dang-day-an-sung/12-duc-tinh-thoi-tho-au-cua-me-maria-8764.html