Vài Tâm Tình về Hiếu Đễ trong Đời Tu

Trong tâm tình chia sẻ những suy nghĩ và cảm nghiệm về ‘Hiếu Đễ trong Đời Tu’, xin giới thiệu đến đọc giả bài viết của Lm. Kỳ Sơn, S.J. Bài viết này cũng đã được đăng trong tập san ‘Nhịp Cầu Tâm Giao’.

——————————————————–

Đạo Hiếu

Đã từ lâu rồi, nền văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng cũng như đón nhận văn hóa Tam giáo – Phật, Nho, Lão – và một trong những nét văn hóa đặc thù chính là văn hóa Đạo Hiếu. Có thể nói, Đạo Hiếu như một nhận thức và một tấm lòng chung của con người đối với thế hệ ông cha. Thế nên, cũng chẳng phải chỉ nền văn hóa Á Đông mới có văn hóa đạo Hiếu mà nơi khắp ‘năm Châu bốn Bể’, hay một nơi nào đó xa xôi có con người sinh sống, thì dường như, văn hóa đạo Hiếu vẫn có đó và là dấu chứng cho một hữu thể tiếp tục triển nở đến vô cùng.

Nơi tôn giáo, văn hóa đạo Hiếu vẫn tồn sinh và hướng đến Đấng Tuyệt Đối như cội nguồn tình yêu khai sinh tâm tình yêu thương và đáp trả. Con người tự nhận thức và được huấn dục để hiểu rằng Trời cũng là Cha, là Đấng đã yêu thương và tác tạo nên mình, cho mình đi vào cuộc đời để trãi nghiệm tình yêu, thực hành tình yêu và rồi tiến đến hòa làm Một với Tình Yêu là Trời. Trong tình yêu ấy, con người sẽ được tròn đầy và vĩnh cửu như Đấng đã yêu thương và tác tạo nên mình. Chính vì thế mà nơi Kitô giáo, Đức Giêsu Kitô đã mời gọi người môn đệ: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng Trọn Lành[1].

Đối với người tu đạo, hay nói cách khác, đối với người dấn thân trong đời tu thì văn hóa đạo hiếu có còn được coi trọng và được sống cách tròn đầy như mẫu gương Đức Giêsu đã sống và mời gọi ?

Đức Giêsu sống đạo hiếu

Trong Kitô giáo, khi nói tới đạo hiếu thì không thể bỏ qua tâm tình cũng như thái độ sống đạo hiếu của Đức Giêsu, một lối sống như gương mẫu cho con người, đặc biệt, cho người môn đệ theo từng dấu bước của Người trong đời tu.

Với Thiên Chúa là Cha Vĩnh Cửu

Có thể nói, hai tâm tình đạo hiếu mà hầu như ai cũng có thể nhận biết: đó là yêu mến và vâng phục. Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, đã sống trọn vẹn hai giá trị này. Vì yêu mến Chúa Cha và hòa làm một với tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương con người, Đức Giêsu đã hoàn toàn trút bỏ địa vị Thiên Chúa của mình[2] để đi vào thế giới của con người mà sống tâm tình yêu mến. Đức Giêsu đã sống cuộc đời con người nhưng cuộc đời ấy chưa bao giờ ngắt quãng trong tương quan với Chúa Cha chỉ bởi vì “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người[3]. Cuộc sống thần linh của Đức Giêsu là gắn bó mật thiết với Chúa Cha, vì chính từ sự gắn bó này mà nó định hướng toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu trong tương quan với con người. Yêu mến Chúa Cha để rồi hết lòng thi hành ý muốn ấy nên trọn, Đức Giêsu đã đưa lòng yêu mến ấy đến cực điểm của vâng lời là hy hiến chính mình trên thập giá[4]. Nhiệm cục cứu độ đã được hoàn tất bằng nhiệm cục tình yêu. Cái giá để đáp lại tình yêu Chúa Cha là trở nên quà tặng cứu độ cho con người. Quà tặng ấy lại là sự vâng lời đến kỳ cùng ngang qua cái chết trên thập tự. Há tình yêu ấy lại không xem là Thượng Hiếu hay sao !

Với Thánh gia là Song Thân trần thế

Ngoài ba năm rao truyền Nước Thiên Chúa, cả cuộc đời còn lại Đức Giêsu sống với song thân ở Nazarét. Nếu Đức Giêsu đã sống thảo hiếu với Chúa Cha thì Đức Giêsu cũng đã sống tâm tình ấy với song thân như thế. Thật vậy, còn nhớ biến cố khi lên 12 tuổi, lúc Đức Giêsu trẩy hội lên Giêrusalem và ở lại đền thánh mà trao đổi cùng các vị chức sắc Do-thái giáo thì song thân là đức Maria và thánh Giuse tất tả tìm Đức Giêsu. Khi gặp Người đang yên bình giữa người ta như thế thì các ngài lên tiếng có vẻ trách móc. Thế là Đức Giêsu đã đứng lên cùng về với song thân mình. Thánh kinh diễn tả thái độ và tâm tình của Đức Giêsu thật đẹp: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazaret và hằng vâng phục các ngài. . . Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa với  Thiên Chúa và người ta[5]. Không những thế, trên hành trình sứ mạng rao giảng Nước Trời, đặc biệt khi Người đang chịu khổ nhục hình trên thập tự và biết chắc mình sẽ rời xa Mẹ thì Đức Giêsu vẫn thương yêu và lo toan cho phần đời còn lại của mẫu thân. Trong tâm tình hiếu thảo ấy, Người đã gởi gấm Mẹ Maria cho tông đồ Gioan một khi mình không còn nữa: “Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình[6]. Với lòng yêu mến này, Đức Giêsu đã trọn vẹn sống tâm tình Đạo Hiếu.

Quả vậy, Đức Giêsu đã luôn sống tâm tình thảo hiếu với song thân nơi dương thế cũng như  hết lòng yêu mến và vâng theo Chúa Cha trên trời. Lòng thảo hiếu ấy đã khiến Chúa Cha xác nhận giữa nhiều người trên dòng sông Giođan: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về người[7].

Người Tu sĩ  sống đạo hiếu

Người học Nho chắc hẳn thuộc nằm lòng về Tam Đại Bất Hiếu. Người xưa nói: ‘bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại’, nghĩa là một trong ba điều đại bất hiếu là không có con nối dõi tông đường. Nếu cứ theo qui điều vừa nói, hóa ra người tu sĩ sẽ phạm vào tội gọi là Đại Bất Hiếu ?

Mỗi khi có ai đó hỏi lý do gì mà tôi đi tu thì tôi thường kể có bốn lý do. Một trong số đó chính là tôi muốn báo hiếu cho cha mẹ. Thật vậy, khi còn học dưới mái trường phổ thông trung học, có lẽ vì ‘mê sách Tàu’ nên bị nhiễm những tư tưởng của Nho giáo. Làm trai phải ‘sống trượng nghĩa’, phải sống ‘làm người quân tử’. . . và đặc biệt là phải ‘sống báo hiếu’. Dĩ nhiên khi vào sống đời tu, những tư tưởng rất người ấy được thánh hóa và dần nhường chỗ cho những tâm tình siêu nhiên hơn.

Thật thế, người tu sĩ luôn cố gắng sống theo mẫu gương Thượng Hiếu của Đức Giêsu là Đấng mà mình đi theo. Sớm tối họ phụng thờ Thiên Chúa qua thánh lễ, cầu nguyện, các giờ kinh sách hay những việc làm hy sinh và thiêng liêng, đặc biệt là lời khấn. Chính những việc làm này nối kết và đưa lòng trí của người tu sĩ vươn lên Đấng Tuyệt Đối là Trời, là Thiên Chúa, là Cha. Ngang qua Đức Giêsu, người tu sĩ nhận biết mình được Thiên Chúa yêu mến, họ cảm nghiệm tình yêu ấy trong cuộc đời của mình và họ muốn sống đáp trả bằng thái độ tích cực hơn trong đời tu.

Tình yêu như một lời mời gọi và đáp trả  tình yêu như một thúc bách nội tâm sâu xa khiến đời tu của người tu sĩ luôn trở nên một hy tế. Nên giống Đức Giêsu luôn là thách đố lớn lao nhưng lời mời gọi ấy lại bao hàm ân sủng Thánh Thần khiến người tu sĩ được nâng đỡ, củng cố và bao bọc để có thể từng bước đi trên con đường yêu thương và hiến tế. Chính vì thế, khi đã thâm tín tình yêu mà mình đã nhận lãnh, người tu sĩ không còn sống cho những điều mình muốn, nhưng luôn nỗ lực để sống những gì Chúa muốn. Tình yêu đáp trả tình yêu lại trở nên một sắc thái tuyệt vời để sống chữ hiếu trong đời tu của người tu sĩ.

Khi đã dấn thân vào đời tu, người tu sĩ ý thức họ thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn. Toàn thể con người của họ được hiến thánh và dành riêng cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, người tu sĩ biết rằng, họ càng thuộc về Thiên Chúa thì họ càng thuộc về con người. Tình yêu càng lớn lao dành cho Đức Giêsu thì tình yêu ấy càng được dành cho mọi người. Họ không còn yêu thương riêng tư cho một tình yêu trần thế nhưng tình yêu của họ được thánh hóa để trở nên trong sáng và vô vị lợi cho anh chị em đồng loại. Người tu sĩ ý thức tình yêu hiến thánh như thế nên họ cũng biết rằng, họ không còn có những đứa con xác thịt như người đời. Họ đón nhận điều ấy như một giá trị hy sinh lớn lao để rồi họ có thể đón nhận cả gia đình nhân loại như là gia đình, người thân hay là con cái của mình. Một tình yêu như thế đã không còn dựa trên những giá trị thông thường của thế trần, nhưng đã được siêu nhiên hóa nên những giá trị thuộc về Nước Trời mai hậu. Và cũng chính vì thế mà câu nói ‘bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại’ đã trở nên vô nghĩa đối với người tu sĩ.

Thật vậy, nếu như xác tín vừa rồi là của người tu sĩ thì cha mẹ của họ cũng một lòng đồng thuận như thế. Nói cách khác, hầu hết cha mẹ của người tu sĩ không bao giờ coi việc đi tu của con cái mình là bất hiếu vì không vuông tròn việc có con nối dõi tông đường. Ngược lại, chính cha mẹ lại là nguồn động lực để người con là tu sĩ tiếp tục dấn bước và nên trọn lành trong đời tu. Một tương quan yêu thương hai chiều đã khiến người con tu sĩ cảm thấy an lòng và thật hạnh phúc vì biết con đường mình trọn có thể làm cha mẹ cũng vui lòng và hạnh phúc. Đối với người tu sĩ, cuộc đời dấn thân cho Thiên Chúa và con người không mang lại cho họ tiền bạc, danh vọng hay thế hệ nối tiếp cho gia tộc như những người bình thường. Vì thế, việc báo hiếu chỉ còn là những giá trị thiêng liêng và tinh thần, điều mà người tu sĩ đang sống mỗi ngày và hướng lòng cùng với những giá trị đó cho cha mẹ của mình. Nếu như đệ tử Phật sống hạnh báo hiếu được diễn tả qua ‘thượng báo tứ trọng ân, hạ thế tam đồ khổ’ thì Tôn giả Mục Kiền Liên là một gương sáng cho hạnh báo hiếu ấy trong việc hết lòng cứu mẹ ra khỏi khổ nạn ngạ quỷ, được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Và tiêu biểu là Đức Phật. Sau khi thành đạo, hay tin phụ vương lâm trọng bệnh thì mỗi ngày ba lần Ngài cùng chúng Tăng đệ tử vào hoàng cung vấn an, thuyết pháp, cũng như tự thân làm những nghi thức cuối cùng cho phụ thân. Những suy nghĩ và hành động như thế không đáng được gọi là Đại Hiếu hay sao !

Người tu sĩ, bên cạnh yêu mến Thiên Chúa ngang qua hành trình đi theo Đức Giêsu, yêu mến cha mẹ ngang qua những hy sinh, kinh nguyện trong đời tu thì còn yêu mến anh em đồng tu với mình trong cuộc sống thường nhật. Thật là đẹp khi nhìn thấy một sắc thái mới của đạo hiếu giữa những người tu sĩ với nhau. Với lời khấn Khiết tịnh, người tu sĩ dành trọn tình yêu để phụng thờ và yêu mến Thiên Chúa là Cha của mình. Với lời khấn Vâng phục, người tu sĩ sống tình yêu ấy đến tận cùng là sẵn sàng chết đi mỗi ngày cho Đấng mà mình yêu mến và tôn thờ, ngang qua việc sống vâng phục. Đời sống cộng đoàn với tình huynh đệ như một thước đo cho danh xưng là môn đệ Đức Giêsu đích thực: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình[8]. Yêu thương chính là giới luật duy nhất mà Đức Giêsu muốn người môn đệ sống và sống đến kỳ cùng.

Thật vậy, khi người tu sĩ về già và bệnh tật. Lúc mà họ chỉ còn biết cầu nguyện với những hy sinh thầm lặng cho anh em, cho hội dòng và cho cả thế giới này, thì những tu sĩ trẻ là những người chăm sóc cách tận tình thế hệ đi trước đang yếu đau vì tuổi tác như chăm sóc cha mẹ ruột của mình. Nơi nhà hưu, thời gian là của Chúa. Từng thân xác và linh hồn được phó thác trong tình yêu của Thiên Chúa và của anh em. Nhìn thấy cảnh ấy thật ấm lòng. Há đây không phải là tâm tình Hiếu Để trong đời tu ! Bên cạnh đó, những dịp lễ kỷ niệm ngân khánh, kim khánh linh mục hay trong đời tu luôn là những dấu khắc tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn Dòng, cám ơn anh em vì tình yêu đã được lãnh nhận. Cả người tu sĩ có dấu ấn kỷ niệm ấy cũng như huynh đệ chung vui đều diễn tả lòng biết ơn. Dường như lòng biết ơn luôn là cách thể hiện tốt đẹp và trọn vẹn nhất của tấm lòng hiếu để với Thiên Chúa và với nhau !

Cuối cùng, cũng giống như đời sống bên ngoài, những ngày lễ giỗ cho người đã khuất lại là dịp thích hợp hơn hết để cầu nguyện và nhắc nhớ lại gương sáng hay ấn tượng có ý nghĩa khó quên cho một anh em tu sĩ nào đó. Việc làm này như một cách ghi nhớ công ơn của người đã ra đi trước, và qua đó, người tưởng nhớ thêm lòng yêu mến với Thiên Chúa và với nhau. Hóa ra, việc sống hiếu để với nhau và với Thiên Chúa là những việc làm diễn ra thường xuyên trong đời sống tu trì của người tu sĩ. Chữ hiếu sao mà thân thương và nhẹ nhàng thế !

Như một lời tri ơn

Tôi vẫn còn nhớ, cứ vào Đêm Ba Mươi của mỗi dịp Tết Nguyên Đán, những anh em chưa về gia đình đều tụ họp quanh cha Giám Tỉnh, để trước là tạ ơn Thiên Chúa và rồi thì mừng tuổi ngài. Anh em chúng tôi như những người con, người em trong một gia đình cùng nhau chúc tuổi và mừng năm mới. Những lời chúc tốt lành được dành cho nhau trong bầu khí linh thiêng của thời khắc đầu tiên khiến cho chúng tôi gần nhau và yêu thương nhau hơn. Bản thân tôi cảm thấy thật ấm lòng vì Thiên Chúa đã yêu thương quy tụ chúng tôi thành một gia đình lớn lao, nơi đó, tôi được nuôi dưỡng trong tình yêu của Thiên Chúa và của mọi người. Rời khỏi một gia đình nhỏ theo huyết thống, tôi được Thiên Chúa trao tặng một gia đình lớn lao trong siêu nhiên. Và như thế, tôi càng có cơ hội tốt để sống đạo hiếu trong đời tu của mình. Tôi chẳng mất đi tình yêu dành cho cha mẹ và người thân mà lại còn được vun đầy bằng tình yêu của nhiều huynh đệ. Chính trong tình yêu và ân sủng của Thầy Giêsu, tôi ngày một trở nên môn đệ của Người; ngày một trở nên trọn lành như Cha trên trời, Đấng luôn mong mỏi tôi sống Đạo Hiếu trong đời tu.

Nào chúc tụng Chúa Cha,

Chúa Con, và Chúa Thánh Thần,

Muôn ngàn đời, cùng ca tụng suy tôn[9].

 

Kỳ Sơn, S.J.


[1] Mt 5,48

[2] X. Pl 2,6-7

[3] Ga 4,34

[4] X. Pl 2,8

[5] X. Lc 2,51-52

[6] Ga 19,26

[7] Mt 3,17

[8] Ga 15,12-13

[9] Tc Đn 88

Kiểm tra tương tự

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *