Vai trò của Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính Tây Sơn

VAI TRÒ CỦA NGUYỄN HUỆ TRONG CHẾ ĐỘ QUÂN CHÍNH TÂY SƠN[1]

Tạ Chí Đại Trường

 Trong 10 năm sau cùng của thế-kỷ 18, ta thấy tình thế cát cứ có vẻ đơn giản lần. Tuy vào năm 1790 chẳng hạn, nước còn chia ba với Nguyễn-Huệ ở Phú-Xuân, Nguyễn-Nhạc ở Qui-Nhơn, Nguyễn- Ánh ở Gia-Định nhưng thực ra có thể nói chỉ có Tây-sơn và Nguyễn đối đầu nhau thôi. Những lực-lượng gài nên thế phân tranh cũ đã tàn lụi dần: Cựu Nguyễn biến mất với cái chết của Duệ-Tống, Tân-Chính-Vương và các tướng, bọn di thần Trịnh Lê thì tan rã sau Đống-Đa, tản mát sống nhờ sự cô lập địa phương hay chạy vào Gia- Định đầu quân[2]. Qui-Nhơn sống lây-lất, chỉ còn Gia-Định và Phú-Xuân có động lực biến thành hai đầu nam châm thu hút các tay muốn tận dụng khả-năng mình trong chiều hướng thực-tế.

Các đối phương đều tìm thế cách để lật nhau và trong tiến trình đó càng đi đến gần nhau hơn về lề-lối tổ-chức chính-trị, quân-đội, nội dung kỹ-thuật tranh chiếm. Điều-kiện chung của tổ-chức xã-hội bắt buộc như vậy, nhưng ban đầu họ cũng phải theo những quy- định của hoàn cảnh địa-phương, của tình-thế mà phát-triển khả-năng, vun bồi thực-lực riêng.

PhíaTây-Sơn chẳng hạn. Họ đi từ Tây-sơn lấy sức mạnh cường bạo nơi đám người Thượng Cao-Nguyên, khách thương Trung-Hoa liều-lĩnh, nông dân Việt đi khai khẩn đất hoang tâm tính trở thành hung dữ, rồi truyền tấm lòng hăng-hái, nhiệt thành, tính cách vong mạng đó cho dân đồng bằng hiền lành, chân chất[3], gây nên một cuộc đảo lộn dữ-dội trong nước. Nguyễn-Huệ phải thú nhận tính cách quân phiệt đó với Nguyễn-Thiếp. Ngô-văn-Sở ở Thăng-Long, nghe Tôn-sĩ-Nghị sang, lấy đó làm một dịp để giễu cợt quan Thị-lang Ngô-thời-Nhậm.

— «Phải phiền ông làm một bài thơ để đuổi quân giặc. Nếu không được thì túi đao, bao kiếm vẫn là phận-sự của kẻ võ thần! »[4]

Không phải chỉ với đám nho thần của triều-đại cũ mà thôi võ tướng còn coi thường cả một số tin-tưởng cũ nữa. Nghe ở Kinh Đôi-Ma có hai con ma hiện về, họ đốt quan tài, đem súng đại bác, bắn nát lùm bụi bên sông[5]. Ở miền Bắc, viên Trấn tướng Nghệ- An ngạo-mạn trong lễ tế thần: « Chó còn có ích hơn thần xã tắc »[6].

Họ tự phụ cũng phải, vì sự-nghiệp nầy do công lao hãn mã của họ xây dựng lên. Nhưng một khi trút cái lớp cường đạo đi trở thành kẻ điều-khiển quốc-gia thì người ta phải thấy vấn đề phức- tạp hơn nhiều để chịu đựng một sự dung hợp với truyền thống cũ. Mặt khác, việc Tây-sơn bị đưa đẩy di-chuyển trọng tâm tập hợp tinh-hoa từ Qui-Nhơn ra Phú-Xuân rồi mong ngóng ngày về Phượng- Hoàng Trung-đô, đi ngược con đường ly khai về Nam cũ, chứng tỏ cái thế và ý muốn tạo thành đường hướng của họ muốn tự khuôn nán.

Vị-trí Nghệ-An với hình ảnh công cuộc hợp tác giữa Nguyễn- Huệ và Nguyễn-Thiếp nói lên tất cả những đặc sắc của Triều-đại Tây-sơn trong thời-gian xây dựng của họ. Qui-Nhơn mới Việt hóa chỉ mang lại sức mạnh cường bạo, Phú-Xuân, Thăng-Long thì đầy dấu vết các cựu triều, lại tàn tạ với đám nông dân mệt mỏi trong loạn lạc hàng mấy trăm năm, với đám sĩ-phu điều-khiển quốc gia lại ngoắc-ngoải trong cái bọc từ chương thiếu sinh khí. Nghệ-An ngoài ý nghĩa là quê hương của chúa Tây-sơn, còn là vị-trí ở giữa những ảnh-hưởng đối kháng, muốn giữ vai trò dung hoà mà không muốn bị lệ thuộc.

Cho nên khi Tâv-Sơn thấy cần-thiết phải thuần hoá triều đại thì đến với họ không phải là đám Nguyễn-đăng-Trường, Lý-trần-Quán, Trần-công-Sán… mê đắm với triều-đại cũ mà là bọn Ngô-thì-Nhậm, lẩn trốn Trịnh-Chúa sau vụ án 1780, Phan-huy-Ích, nhục-nhã vì cái tiếng «nhà nho nói khoác» của Nguyễn-hữu-Chỉnh gán cho. Nguyễn-Huệ «tái tạo» Nhậm[7] đem cớ duyên[8] độc nhất đến cho Ích, gầy dựng cho những sĩ-phu ít hay nhiều đã không gặp may mắn với triều đại cũ. Và cũng vào hàng bất mãn với thời-đại — bất mãn mới đi ở ẩn — đó là xử sĩ Nguyễn-Thiếp, ông già vai cầy tay câu.

Tất cả được khuôn nắn thâm hậu trong nho giáo rồi tuỳ -phản-ứng cá nhân mà lục tục phụng-sự Tây-Sơn. Nhưng đặc biệt là họ đã từng đứng ngoài triều chính cũ, tỏ dịp để phán xét, ít nhiều cũng không bằng lòng, nên làm quan với Tây-sơn, họ đưa ra những ý-niệm tổ-chức xã hội, tuy vẫn là của nho giáo nhưng dưới những khía cạnh, hình thức lãng quên hay không biết đến ở triều trước. Nguyễn-Thiếp trong một bài biểu gởi cho Quang-Trung[9]– công kích mạnh-mẽ lối học từ chương, xa rời thực tế, thấy lối thoát là trở về với tinh-tuý kinh sách «ban đầu giảng Đại-học, rồi Luận- ngữ, đến Mạnh tử đến Trung-Dung sau lại đến Ngũ kinh, Chư sử, tuần tự mà tiến, đọc cho kỹ mà ngẫm-nghỉ cho tinh » Rồi Nguyễn-Thiếp chịu vâng mệnh Quang-Trung nhận giúp việc dịch kinh sách ra chữ nôm trong Sùng chính thư viện ở Vĩnh-kinh để phổ-biến đạo học sâu rộng trong nhân gian.

Cũng theo chiều hướng hồi cố để thích hợp đó, Ngô-thời-Nhậm dâng sớ (1788) cho Quang-Trung định cách cai-trị, phủ nhận thể chế tập trung của Trịnh Lễ mà tuyên dương cái thế phân phong cho con em đồng tính cai-trị các nơi của nhà Chu; nhà Hán để giữ nước, kẻ 800 năm, người 400 năm[10] Con đường giáo-huấn mà Nguyễn-Thiếp đề cao «theo Chu-Tử» rồi Nguyễn-Huệ cũng thuận «nhứt định theo phép học Chu-Tử»[11] và lề-lối tổ-chức xã-hội phong-kiến của Ngô-thời-Nhậm, thể hiện giao điểm ý thức của đám sĩ-phu cũ tự cải-tạo, thức tỉnh trước tiếng dội từ miền Nam đem ra và đám quân tướng Qui-Nhơn bơ-vơ đi tìm Ý-thức hệ.

Triều chính Tây-Sơn là cả một tính cách dung hoà đó mà yếu tố quân sự lúc nào cũng giữ ưu thế. Thực là dễ hiểu khi nhớ lại quá khứ của họ và tình hình sôi sục lúc bấy giờ.

Phải bắt đầu chấn chỉnh lại thì họ nhìn vào đám nông dân điêu linh trong loạn lạc để sắp xếp việc làm ăn, kiểm soát dân số. Tờ chiếu «khuyến nông» mà Ngô-thời-Nhậm cho biết chính sách lúc bấy giờ, ra lệnh bắt về bản quán những người ngụ cư chưa được ba đời, nhắm vào đám lưu dân vì loạn lạc, vì trốn tránh dao dịch, để làng cũ có đủ tay sản xuất. Các sắc mục, xã-trưởng, thôn trưởng, phải làm việc kiểm tra sổ ruộng cày cấy, sổ ruộng bỏ hoang, sổ dinh thực tại, làm sổ bộ dâng lên Triều Đình» nếu gian lận: coi người ở nhà như đi vắng, coi người còn sống như chết, làm sót sổ dân, làm thiếu thuế đều phải chịu trọng tội»[12].

Có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, dân ta mới gặp một chính quyền cố thi-hành hiệu nghiệm chính sách đến mức tối đa bằng cách bắt dân mang thẻ căn cước «tín bài». Đó là một tấm thẻ giữa in 4 chữ «Thiên hạ đại tín » chung quanh viết tên họ, quê quán của người có thẻ và có đánh dấu một ngón tay bên trái 1 m bằng. Thẻ phải đeo luôn trong mình, phòng khi xét hỏi. Không có là dân lậu phải sung quân và xã trưởng, tổng trưởng của họ phải phạt tội[13]. Để coi sóc công việc, bộ máy hành chánh trong nước phần lớn nằm trong tay các võ tướng. Tự trên Triều-Đình những chức Tam không, Tam thiếu, Đại chủng tế, Đại tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không, Đại tư cối…[14] mang vết tích của tổ chức Trung Hoa thời xưa đầy hùng khí rất thích hợp cho tính cách quân chính của triều Tây-Sơn. Ở các trấn, trấn thủ là quan võ và quan văn là «hiệp» trấn. Mỗi huyện có võ phân-suất và văn phân-tri hợp với tả hữu quân- ý coi sóc. Cách tổ chức này có thể coi như lấy ý của Nguyễn-Thiếp, nhưng chính Thiếp cũng căn cứ trên thực tế để khuyên Quang-Trung «chọn trong các bầy tôi lấy một viên thanh cần nhân dũng để làm chánh trấn, một viên sẵn có văn-học để làm hiệp-tá[15]» Đặc điểm nầy được phái-đoàn Macartney (1793) ghi nhận «giai cấp quân sự đứng đầu hết trong xứ rồi sau đó là các quan Toà »[16].

Vì lẽ đó, ta không lạ khi thấy chánh sách chung là nhắm vào việc thành-lập một đạo quân hùng mạnh. Tuy không nhận đất Lưỡng-Quảng thuộc vào địa-bàn cũ của người Việt, ta cũng không thể phủ nhận ý định chiếm đất nầy của Quang-Trung[17], ý định được mở màn bằng việc dâng sớ đòi lại sáu châu ở Hưng-Hoá và ba động ở Tuyên-Quang, xúi dục các thuyền Tề-Ngôi cướp phá ven biển Trung-Hoa rồi tiếp đến việc sứ bộ cầu hôn, xin đất do Vũ-văn-Dũng lãnh đạo (1792).

Xét nguyên-nhân hiếu chiến, có người[18] đã thấy tính chất Napolêon của chế-độ Quang-Trung: dùng chiến-thắng quân sự bên ngoài để đánh bạt sức phản-động của cựu-chế, để bịt miệng phản-kháng bên trong do sự thoả hợp của chánh quyền với một phần các lực-lượng cũ khiến cho quần chúng cách-mạng không bằng lòng. Sự so sánh đó quá thô-sơ đã quên mất những thực-tế sống động, dồi dào riêng biệt của ta. Chúng ta có thể tìm ra những nguyên-nhân chánh yếu xác đáng hơn, tương hợp hơn với hoàn-cảnh đương thời.

Chiến thắng dễ-dàng đối với quân Thanh sau những chiến thắng liên-tiếp ở các chiến-trường khác là nguyên-nhân tâm-lý[19] khiến Tây-Sơn hướng về Lưỡng-Quảng. Trận Đống-Đa làm e dè bọn biên thần nhà Thanh, mở đường cho những văn thư ngoại-giao trao đổi, đưa đến việc Thanh-Đế nhận Quang-Trung làm An-Nam Quốc-Vương, quên mất tham vọng thừa nước đục thả câu chiếm lĩnh phương- Nam. Một bên là Phúc-kbang-An và Hoà-Khôn, một bên là Ngô-thời-Nhậm có Nguyễn-quang-Hiển, cháu Quang-Trung, đến « gõ cửa thành » việc hoà hiếu được tiến hành mau lẹ và đầy vinh-quang cho Tây-Sơn. Tiếp theo việc phong vương và việc ban nhân sâm cho mẹ Quang- Trung, đến việc sứ bộ Giả-vương Phạm-công-Trị sang chầu lễ thọ bát tuần của vua Cần-Long (tháng 8 Canh-tuất 1790). Sứ bộ gồm Nguyễn- quang-Thuỳ, Ngô-văn-Sở, Đặng-văn-Chân và các văn quan Phan-huy-Ích, Vũ-huy-Tấn… với hai thớt voi tiến cống tượng trưng “cái đinh” của quân lực Tây-Sơn. Cuối năm 1790, Sứ bộ về sau khi hưởng những ưu đãi đặc biệt hơn các sứ bộ trước[20]. Thái-độ đó của vua Thanh -làm khoái-trá, khiếp phục được bọn văn quan như Phan-huy-Ích nhưng tất đã làm tăng thêm uy thế của Tây-Sơn và thêm phần kiêu hãnh cho bọn võ tướng.

Thêm nữa trong nước lại bất an do bọn di thần cổ Lê gây ra : Lê-duy-Chỉ ở Cao-Bằng, Trần-quang-Châu ở Bắc-Ninh, Trần-phương-Bỉnh ở Nghệ-An… Nguyễn-Ánh ở Gia-Định lại là mối lo lắng nhứt của Quang-Trung. Cho đến khi nhắm mắt[21] tuy rằng Quang- Trung chưa phải trực tiếp thử sức với Gia-Định Tất cả buộc Tây— Sơn phải lo củng-cố quân lực và theo biến chuyển tự-nhiên, họ bành trướng thế lực để bảo vệ thế lực sẵn có.

Lực-lượng họ như thế nào ? Sử quan Nguyễn ghi vào khoảng tháng 3 Nhâm-Tý (1792), Quang-Trung đem đến, 2, 30 vạn quân chực đánh Gia-Định (nghĩa là quân số còn có thể hơn nữa)[22] Tuy nhiên phải dè-dặt về tài-năng ước lượng, thống kê của người xưa. Theo lối kiểm soát dân số ở trên và việc lấy ba xuất đinh một lính, một khách ngoại quốc thấy là «số người trong quân ngũ rất đông » — Riêng ở Huế có đến 30000 người luyện tập hằng ngày. Họ võ-trang bằng dao găm, giáo mác, súng điểu thương, rất nhiều súng ngắn có miệng loe ra kiểu thế kỷ l6 của Tây-phương, có lẽ mua lại và súng bắn phải mồi lửa tự chế Người Anh đi lạc trong thành Quảng-Nam không thấy có 1 khẩu đại bác nào[23] nhưng chúng ta biết họ cũng có súng lớn khi chiếm của Nguyễn.

Lực-lượng chủ chốt của bộ binh là đám chiến tượng, tập luyện hàng ngày mà các tay võ tướng rất tin cậy ở sức chiến thắng và Tôn-sĩ-Nghị phải lo đề-phòng trước. Gia-Định cũng rất e-dè trước số lượng 300 con voi[24] ồ ạt dầy xéo trên bước đường tấn cống.

Mọi chi phí, gìn-giữ quân lực này rõ ra rất lớn, thế mà như ta đã thấy, vùng Tây-Sơn trong cấp thời lại với lề-lối khai thác nông-nghiệp cổ-điển trên đắt đai đã tận dụng, không thể nào sản xuất đủ cung-cấp, như Nguyễn-Thiếp đã trần tình « Nghệ-An đất xấu dân nghèo — Về trước chỉ chịu xuất binh chứ không phải nộp tiền gạo, nay thì binh lương đều phải xuất. Số lính ngày một tăng bội. Kẻ cày cấy ít mà kẻ đợi ăn thì nhiều .. » Trong ý-nghĩ đất đai kiệt lực đó ta hiểu được danh từ phong thuỷ ngày xưa chỉ về một vùng « mất hết vượng khí» như chữ dùng trong văn thư ngoại-giao Tây-Sơn — Thanh để chỉ vùng Thăng-Long[25]. Đòi đất Lưỡng-Quảng là tìm đất mới thay đất cũ đã kiệt lực, là tìm cách giải-quyết những khó-khăn gặp phải trong thời kỳ xây dựng vậy. Cho nên việc đánh chiếm kinh-đô Vạn-Tượng vào năm 1791 của bọn Trần-quang-Diệu ngoài ý nghĩa phá mối lo bị đánh tập hậu, quân Tây-Sơn còn tìm của cải, ngựa, voi nghĩa là những thứ nuôi dưỡng, tăng gia quân lực mà Ai-lao đáng lẽ phải hàng kỳ hạn đem qua nộp với thể lệ triều cống[26].

Một con đường khác có thể mở ra cho họ là giao thương với bên ngoài. Thế mà tình-trạng giao-thương ở miền Bắc Đại-Việt lúc bấy giờ như thế nào ? Chúng ta đã thấy nơi khác những biến cố khiến cho thương nhân Trung-Hoa và Tây-phương xa lánh Tây Sơn. Tình-trạng đó vẫn chưa kịp xoá bỏ. Tuy Quang-Trung đã mở được các chợ ở Bình-Thuỷ-Quan (Cao-Bằng) Du-Thôn-ải (Lạng-Sơn) và nhà hàng ở Nam-ninh (Quảng-Tây) để buôn bán với Trung-Hoa «khiến hàng hoá không ngưng đọng, lợi cho dân dùng »[27] Nhưng vấn-đề không phải chỉ là giao thương với Trung-Hoa trong lục địa mà là sử-dụng các hải-cảng trong nước, gần từng địa phương một hơn đề mong thừa hưởng chút tiến bộ kỹ-thuật Tây-phương.

Phái-đoàn Macartney tới nhận thấy ở Tourane những ghe thuyền Trung-Hoa, những thuyền đi dọc biển của Ma-cao theo kiểu Tây-phương nhưng nhỏ bé và không võ trang. Ở đây, người Bồ nắm hết việc buôn bán còn sót lại và chỉ mua vét các chợ ở Quảng-Châu đem bán lại thôi. Cho nên khi Macartney tới, viên trấn-thủ Quảng-Nam nài-nỉ người Anh bán khí-giới và đạn dược lộ cho họ thấy rằng Tây-Sơn cần được giúp với bất cứ giá nào[28] !

Quang-Trung trước khi chết cũng tính gởi giáo-sĩ Labartette đi Ma-cao mời gọi người Tây-Phương đến buôn bán. Giữa khi người Âu còn e ngại về việc giao-thương với Tây-Sơn thì Gia-Định mở rộng cửa buôn bán lại, lôi cuốn các tàu tấp-nập ghé bến Đồng-Nai, chỉ còn sót lại những chiếc tàu bất mãn với Nguyễn-Ánh mới quay ra giao-thiệp với Phú-Xuân thôi: cũng Labartette cho biết có một tàu Ma- cao, một tàu Manille đem bán cho Quang-Trung 100.000 cân lưu-hoàng[29]. Vì vậy cho nên đường cát rất nhiều và rất rẻ ở Quảng-Nam mà không thành một món hàng xuất cảng như ở Biên-hoà, trong khi trước nội chiến, Tourane nườm nượp những ghe trọng-tải từ 40-150 tấn đến chở cau, đường mà riêng thứ sau, mỗi chuyến đem đi hàng 40 ngàn tấn[30].

Kết quả là hiệu-năng vũ-khí kém đi với những chiếc súng nhồi bằng thuốc đạn Trung-Hoa không bắn xa bằng thứ cùng loại ở Gia-Định nhồi bằng thuốc đạn Tây-phương. Lực-lượng quân sự phía mặt biển yếu đi thấy rõ. Tây-sơn phải tìm cách bù đắp. Bọn Tề ngôi hải phỉ bổ túc vào sự thiếu sót đó.

Thực ra, sau khi làm chìm chiếc tàu Ma-cao tịch thâu được của bọn thương nhân Bồ bị bão dạt vào Qui-Nhơn, Tây-Sơn cũng cố gắng phát triển thuỷ quân. Nguyễn-Huệ đã đóng những chiếc đại hiệu thuyền có thể chở nổi con voi[31]. Có lẽ đó là những chiếc tàu mà người Anh trong phái bộ Macartney đi lạc vào thành Quảng- Nam, nhìn thấy ước lượng đến 130 tấn trọng tải và chắc cũng là loại tàu Định-quốc mà Vũ-văn-Dũng đem án ngữ ở cửa Thị-Nại trong trận thuỷ chiến 1801. Nhưng chúng ta hãy nghĩ tới những chiếc tàu bọc vỏ đồng của Nguyễn-Ánh ? rõ là có sức chịu đựng hơn nhiều. Cho nên các thuyền Tề-ngôi vừa giữ nhiệm-vụ tiếp-tế cho nội địa, vừa chính là một bộ phân của thuỷ quân Tây-sơn để quân bình yếu kém vậy.

Tề-ngôi-hải-phỉ là gì ? Có khi gọi là ô-tàu hài-phỉ, danh-từ được thấy trong Thực-lục[32] chỉ rõ đám cướp biển đông gồm có hai nhóm giặc Tàu Ô ở vùng Lưỡng-Quảng và Thiên địa hội ở Tứ-Xuyên cũng ở hải-ngoại (nên nhờ Hà-hỉ-văn thuộc Thiên địa hội, đã hoạt-động ở Vịnh Xiêm). Các đầu mục được Quang-Trung phong làm Tổng-binh (hay Thống binh) cho đi cướp phá khắp nơi. Thực-lục và Liệt truyện cho chúng ta biết một số tên các Thống binh như Dương-thất-Nguyền, Ngô-tam-Đồng, Phiên-văn-Tài. . và đặc biệt là người cầm đầu, Đông hải vương Mạc-quần-Phù

Kiểm tra tương tự

Thông báo: Dự định phong chức linh mục

THÔNG BÁO DỰ ĐỊNH PHONG CHỨC LINH MỤC Kính thưa quý Đức Cha, Quý Cha, …

Vui Trung Thu nơi cửa Phật

Hơn 40 sinh viên Công giáo thuộc hai nhóm Đại học Đồng Nai, dưới sự …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *