Chính Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn bạn cầu nguyện
“Không ai nói rằng : ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.” (1 Cr 12:3) Đây cũng là một lối nói cho thấy rằng mọi sự tốt lành đều được khởi sự từ Thiên Chúa. Tình yêu, sự dâng hiến, niềm khao khát hay bất cứ thứ gì mà bạn kinh nghiệm được sự tốt lành trong đó, tất cả đều là quà tặng đến từ Thiên Chúa. Bạn không thể làm ra bất cứ “kinh nghiệm” nào như thế. Nỗ lực hay những phương pháp bạn dùng chỉ có ý nghĩa giúp bạn mở ra hơn với quà tặng Thiên Chúa muốn dành cho bạn. Bạn nghĩ rằng chính bạn thực hiện tất cả ư? Sự thực, chính Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động, đang tiếp tục công việc của Ngài bằng cách khơi lên mọi sự tốt lành nơi những điều bạn đang thực hiện. Bất cứ điều gì tốt chúng ta làm đều là lời đáp lại Ân Sủng của Ngài. “Tôi tin chắc rằng : Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành …” (Pl 1:6)
Trong cầu nguyện cũng như trong tất cả những hoạt động khác, ta cần tin nhận rằng chính Chúa đang làm việc trong ta. Bất cứ việc gì, từ khởi sự đến hoàn thành, ta biết rằng mình đang cộng tác với Tác Động của Ngài. “Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người.” (Pl 2:13) Đây là lý do giải thích vì sao Giáo hội khởi sự giờ Kinh Phụng Vụ bằng lời nguyện xin : “Lạy Chúa Trời! Xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ.” Không có sự trợ giúp của Ngài, ta không làm được gì cả. Thực tế chúng ta cần cầu nguyện và làm việc trong niềm tín thác vào điều Chúa nói với chúng ta: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)
Cầu nguyện là để Chúa chiếm hữu và biến đổi
Thực tế cho thấy rằng trong tất cả những gì chúng ta thực hiện với khao khát được biến đổi, luôn tồn tại một giới hạn nào đó. Thế nhưng đối với Thiên Chúa, không gì là giới hạn, bởi chính Ngài là Đấng Tạo Hóa. Nếu Ngài có thể dựng nên con người, Ngài cũng có thể làm họ nên tạo vật mới của Ngài, nếu họ sẵn sàng cộng tác. “Nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ, nhờ Thần Khí của Ngài … Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới.” (Ep 3:16,20)
“Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì thuộc về Thần Khí Thiên Chúa … Nhưng con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự.” (1 Cr 2:14-15) Tăng trưởng cá nhân chính là quá trình biến đổi từ con người tự nhiên thành người sống theo Thần Khí. Nơi sự tăng trưởng này, người ta để mình được lấp đầy bởi Thánh Thần, Đấng là Quà Tặng nhưng không được ban xuống cho con người. Những khát mong tự khám phá, việc sử dụng phương pháp tâm lý và những nỗ lực cá nhân, hầu được biến đổi, tất cả là Hoạt Động của Thiên Chúa. Thần Khí đang hoạt động trong chúng ta. Ở một đoạn sách Ê-dê-ki-en, từng câu trong đó diễn tả điều mà Thiên Chúa Duy Nhất đang hành động nơi con người. Ngài rẩy nước thanh sạch trên chúng ta để tẩy rửa mọi ô uế và tà thần trong ta. Ngài sẽ ban cho ta một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng ta. Ngài sẽ lấy khỏi ta quả tim chai đá, và ban lại quả tim bằng thịt. Phải chăng con người chỉ ngồi đó và chờ mọi sự xảy ra? Đồng lúa sẽ tự trổ bông mà không cần chăm sóc? Thực ra, “Thiên Chúa giúp đỡ những người biết giúp đỡ chính mình.” Nơi những nỗ lực của con người hướng tới một sự tăng trưởng cá nhân, họ phải làm đất, nhặt cỏ, gieo mầm, xén tỉa. Thiên Chúa sẽ cho mầm sống trổ bông.
Trong một cuốn sách của cha Anthony de Mello với tựa đề “Lời Cầu Nguyện của Con Ếch, tập I,” có một câu chuyện về một người nọ xin Chúa ban cho điều ông xin. Ông ta chưa từng xin Chúa điều gì trước đó, nhưng khi về gia, trong nghèo khó, trắng tay, ông xin Chúa ban cho ông được trúng số. Nhiều tháng trôi qua, chẳng có gì đặc biệt xảy ra. Cuối cùng, trong tuyệt vọng, ông kêu gào lên Chúa, “Tại sao Ngài không ban cho tôi điều tôi xin?” Ngay sau đó, ông nghe thấy tiếng Chúa đáp lời, “Tại sao ngươi không mua một tấm vé số?”
Cầu nguyện là một sự dâng hiến thời giờ
Đôi khi, người ta nói cầu nguyện là “lãng phí” thời gian. Từ “lãng phí” có thể cho thấy chiều hướng tiêu cực ở đây. Có lẽ sẽ tích cực hơn nếu ta xem cầu nguyện như một “sự dâng hiến” thì giờ cho Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, hình thức dâng hiến hoàn thiện nhất là lễ toàn thiêu. Nơi đó, lúa mì, hoa trái hay thú vật tốt nhất được tuyển lựa kỹ càng. Nhờ lửa thiêu đốt, chúng được dâng lên Thiên Chúa cách trọn vẹn. Một hình thức kém hoàn thiện hơn của việc dâng hiến, đó là dâng thứ lễ vật nào đó lên Thiên Chúa, sau lại đem chúng về làm thức ăn trong gia đình. Hình thức này không được hoàn hảo cho bằng hình thức dâng lễ toàn thiêu, bởi vì ở đây, người thực hiện việc dâng hiến được hưởng lợi từ chính lễ vật dâng hiến. Lễ toàn thiêu mang tính biểu tượng cao hơn. Việc dâng hiến trong lễ toàn thiêu chân thực hơn, vì mọi lễ vật được dâng lên Thiên Chúa, và người thực hiện việc dâng hiến ấy chẳng nhận về bất cứ phần nào trong số lễ vật được dâng.
Một trong những thứ quí giá nhất con người đang sở hữu, quí giá hơn cả lúa gạo, hoa màu hay thú vật, đó là thời gian. Bằng việc dành thời gian hay dâng hiến thời giờ cho cầu nguyện, người ta dâng lên Thiên Chúa điều rất quí giá. Việc cầu nguyện quan trọng không vì điều gì đó con người có thể lãnh nhận từ chính việc cầu nguyện, nhưng vì đó là cơ hội để dâng lên Thiên Chúa thứ “lễ vật” đặc biệt, quí giá. Trong cầu nguyện, con người trao lại cho Thiên Chúa chút thời gian, vốn là thứ Ngài trao cho họ mỗi ngày.
[Xin mời quí độc giả theo dõi những phần tiếp theo trong những số sau!]
Tác giả: Bill Schock, SJ
Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ
Phỏng dịch từ: Bill Schock, SJ, Prayer and Personal Growth, (Makati: St. Paul Publications, 1990), 16-19.