Vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ (Mt 2,16-18).

Sau khi Thánh Gia chạy trốn qua Ai Cập và các nhà chiêm tinh đã không đến triều yết vua Hê-rô-đê như ông ta đề nghị, thì một biến cố tràn đầy bạo lực đã xảy ra. Thánh sử Mát-thêu kể về biến cố này cách ngắn gọn như sau: 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: 18Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,16-18).

Thánh Mát-thêu nêu lên sự kiện vua Hê-rô-đê đã nổi giận vì bị đánh lừa. Với bản chất độc ác, ông đã ra lệnh giết tất cả các con trẻ từ hai tuổi trở xuống ở Bê-lem và vùng lân cận. Ông làm điều đó với hy vọng có thể trừ khử được mối đe doạ về một vị Vua Do Thái sinh ra, mà ông đã được biết từ các nhà chiêm tinh, khi họ hỏi ông: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,2).

Tuy vậy, có thể xác định biến cố tang thương này theo sử liệu hay không? Ngoài Tin Mừng Mát-thêu, không có sử liệu nào khác nhắc đến, kể cả Joseph Flavius, sử gia của Đế Quốc Roma thời đó cũng không nhắc đến. Như thế, dựa vào đâu chúng ta có thể nhận ra điều mà thánh Mát-thêu nói là đúng? Theo Peter Stulhmacher, “biến cố các trẻ em bị giết ở Bê-lem không được nhắc đến trong bất cứ nguồn nào khác. Tuy vậy biến cố này tương hợp hoàn toàn với triều đại của Hê-rô-đê cả. Vào năm 7 tcn ông ra lệnh giết hai đứa con ruột của ông là Alexander và Aristobul, chỉ vì ông cảm thấy hai người này nguy hiểm cho quyền lực của mình. Vào năm 4 trước Công Nguyên cũng vì lý do đó, ông cũng loại bỏ đứa con tên là Antipater. Flavius Joseph còn tường thuật rằng, trước khi chết, Hê-rô-đê đã sắp xếp một lệnh truyền là trong đám tang cần phải bắn cung tên để giết chết càng nhiều người Do Thái vị vọng, thì càng tốt. Mục đích là Hê-rô-đê không muốn người Do Thái mà ông đã cai trị trong tàn bạo chỉ khóc thương ông với vẻ bề ngoài giả dối, họ cần phải được đưa vào trong tình trạng khóc thương và đau đớn thật sự”.[1]

Ngoài ra, Flavius còn nhận xét về vị vua tàn ác này như sau: “Một con người ác độc và luôn hành xử với sự nổi giận, sẵn sàng đạp lên luật lệ với chính đôi chân của mình”.[2] Còn sử gia Makrobius vào thế kỷ thứ 5 đã viết những lời chế diễu như sau: “Trong vùng đất của Hê-rô-đê, loài heo được sống tốt hơn cả chính con cái của ông ta, vì các con heo bị coi là ô uế được giết và sau đó thịt của chúng được bán đi cho người khác tiêu thụ, còn con trai của chính ông ta thì bị giết và xác bị thủ tiêu hoàn toàn”.[3]

Như thế, chúng ta nhận ra rằng, với bản tính ác độc của mình, Hê-rô-đê chỉ suy nghĩ theo cái nhìn quyền lực. Tin tức về một vị xưng mình lên ngôi do các nhà chiêm tinh mang đến buộc ông phải cảnh giác. Dựa theo tính khí của ông, không có gì ngăn cản được ông, kể cả ra tay ác độc giết chết bao nhiêu trẻ em vô tội. Thật vậy, “dù cho ai không thấy có bằng chứng sử liệu về biến cố các trẻ bị giết ở Bê-lem, nhưng người đó cũng phải công nhận là trình thuật nói về hành động tàn bạo này tương hợp với chính sự độc ác của Hê-rô-đê”.[4]

Về con số các trẻ em bị giết, các truyền thống nhắc đến rất khác nhau. Theo truyền thống Phụng Vụ Byzantin thì có khoảng 14 000 trẻ em vô tội bị giết hại. Theo lịch Phụng Vụ của Sy-ri thì có khoảng 64 000 trẻ em bị giết. Còn truyền thống Ki-tô giáo dựa trên sách Khải Huyền (14,3) cho rằng con số trẻ em ở Bê-lem và các vùng phụ cận bị giết lên đến 144 000. Chúng ta không biết các con số có chính xác không, nhưng ít nhất Bê-lem trong thời đó không lớn lắm.[5]

 

Ngoài ra, khi chiêm ngắm biến cố đau thương này trong Tin Mừng Mát-thêu, chúng ta nhận ra sự tương phản giữa hai vị vua. Vị vua thứ nhất là vị vua “giả tạo” của dân Do Thái và vị vua thứ hai là Vua đích thật của dân Do Thái. Vị vua thứ nhất thì nắm quyền lực trong tay, còn vị Vua thứ hai thì gìn giữ luật lệ. Vị vua thứ nhất thì đã làm đổ máu biết bao nhiêu trẻ thơ vô tội, vị Vua thứ hai là Hài Nhi đã được cứu thoát, và sau đó Ngài đã đi một chặng đường dẫn đến Thánh Giá, để rồi đã đổ máu đào nơi đó hầu cứu chuộc nhân loại.

Biến cố vua Hê-rô-đê giết hại các trẻ thơ vô tội chỉ ra sự lạm quyền và gây ra biết bao đau thương của những kẻ cầm quyền. Điều này đã tiếp diễn từ ngày xưa và đến hôm nay sử sách nhân loại vẫn phải viết tiếp những trang đau thương này. Thế giới chúng ta bị tổn thương sâu, vì những con người độc tài tàn ác nhưng lại nắm quyền lực trong tay.[6]

 

Thánh Quất-vun-đê-ô đã có những lời mạnh mẽ tố cáo tội ác của vua Hê-rô-đê: “Hỡi vua Hê-rô-đê, ông sợ điều chi khi ông nghe tin Vua cao cả chào đời ? Người đâu có đến để lật đổ ông, nhưng để chiến thắng ma quỷ. Nhưng nào ông có hiểu điều ấy nên đã dao động và giận dữ. Và để thủ tiêu một đứa trẻ ông đang tìm, ông đã nhẫn tâm giết bao đứa trẻ khác.

Tình thương của các bà mẹ đang than khóc con, nỗi đau đớn của những người cha mất con đã chết, và tiếng thét gào rên rỉ của các hài nhi cũng không làm cho ông chùn bước. Ông sát hại những tấm thân bé bỏng vì nỗi sợ hãi đã giết chết tâm hồn ông. Ông cứ tưởng rằng cứ thực hiện được điều ông muốn là ông có thể sống lâu, đang khi ông lại tìm giết chính Đấng ban sự sống ?

Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng, tuy nhỏ bé nhưng cao cả, đang nằm trong máng cỏ lại làm rung động ngai báu của ông. Người hoạt động qua ông mà ông đâu biết những ý định của Người, và Người đã giải thoát những tâm hồn đang bị ma quỷ giam cầm. Người đón nhận con cái của thù địch và kể chúng vào số con cái của Người.

Các trẻ em đã chết vì Chúa Ki-tô mà không biết. Cha mẹ các em than khóc các em đã chết vì đạo: Chúa Ki-tô đã làm cho các em, tuy chưa biết nói, mà cũng trở thành những chứng nhân anh dũng của Người. Hãy xem Đấng đến để hiển trị, đã hiển trị như thế nào. Này đây Đấng giải phóng đã hoàn thành công cuộc giải phóng, và Đấng cứu độ đã mang lại ơn cứu độ.

Còn ông, hỡi Hê-rô-đê, vì không biết điều đó nên ông đã dao động và giận dữ. Ông đâu có biết : chính khi nổi giận vì một em bé, ông đã suy phục em bé đó rồi”.[7]

 

Tiếng la và than khóc của những người mẹ có con của mình bị giết cách vô tội vẫn vang lên. Thánh Mát-thêu đã diễn tả như sau: “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa”. Như thế, thánh Mát-thêu đã trích dẫn lời của tiên tri Giê-rê-mi-a (31,15). Lời này nằm trong chương 31 và “toàn bộ chương này có lẽ rút từ thời gian đầu tiên của tác phẩm ngôn sứ Giê-rê-mi-a, một mặt là sự suy sụp của vương quốc A-si-ri và mặt khác là việc canh tân phụng vụ của vua Joschija, đã đưa đến hy vọng tái thiết vương quốc phía bắc Ít-ra-en, nơi đã nhận được dấu ấn mạnh mẽ của bộ lạc Josef và Benjamin, con cái của bà Ra-khen. Tiếp theo tiếng than thở của tổ phụ, ngôn sứ Giê-rê-mi-a viết một lời an ủi: ‘Đức Chúa phán thế này: Thôi đừng than khóc nữa, hãy lau khô dòng lệ trên đôi mắt, vì công lao của ngươi sẽ được đền bù: – sấm ngôn của Đức Chúa – chúng sẽ rời bỏ đất quân thù trở về’ (Gr 31,16)”.[8]

 

Như thế, chúng ta thấy rằng, Mát-thêu đã không nhắc đến sự an ủi của Thiên Chúa dành cho bà Ra-khen, mà chỉ nhắc đến lời than thở của bà Ra-khen. Về điều này Ratzinger đã suy tư như sau: “Bà mẹ vẫn chưa được an ủi. Như thế, nơi thánh Mát-thêu than thở không có lời an ủi, lời của ngôn sứ như là một tiếng khóc than van hướng đến Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể trả lời, chỉ vì lời an ủi đích thật chính là sự phục sinh. Nên lời an ủi này của Thiên Chúa hơn hẳn các lời khác. Chính trong sự phục sinh mà sự bất công được gợi lên trong lời cay đắng: ‘chúng không còn nữa’. Vào thời của chúng ta, tiếng than khóc của các bà mẹ hướng về Thiên Chúa vẫn còn hiện thực, đồng thời cuộc phục sinh của Đức Giê-su bảo đảm cho chúng ta trong hy vọng về một sự an ủi đích thực”.[9]

 

Ngoài ra, còn có một điều khác biệt nữa ở nơi Mát-thêu: “vào thời ngôn sứ Giê-rê-mi-a, mộ của bà Ra-khen được nằm gần ranh giới của bộ lạc Benjamin-Ephraim, nghĩa là gần biên giới hướng đến phía bắc, vùng đất bộ lạc của các con bà Ra-khen, cũng là gần quê hương của ngôn sứ. Vào thời Tân Ước, vị trí của nấm mộ chuyển sang hướng nam, trong vùng Bê-lem, và theo thánh Mát-thêu nằm tại Bê-lem”[10], nơi xảy ra biến cố các trẻ em vô tội bị giết chết. Tấm thảm kịch đã làm rung động trái tim của biết bao bà mẹ và của bao nhiêu con người, và tấm thảm kịch này cũng chỉ ra tầm quan trọng và sự khẩn thiết của sứ mạng cứu chuộc của Đấng Cứu Thế, Đấng Mê-sia.

 

Trong tuổi thơ của mình Chúa Giê-su đã phải trải qua bắt bớ và trốn chạy. Như thế, Thánh Giá và mầu nhiệm tử nạn đã được “gói vào” trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh của Người. Hài Nhi Giê-su đã được cứu thoát khỏi cái chết. Đó là dấu hiệu chỉ về sự phục sinh của Người, nhưng trước khi Người phục sinh, Người phải đi con đường khổ nạn và chịu chết trên Thánh Giá.[11]

 

Cuối cùng chúng ta cũng xác tín rằng, biến cố các trẻ em vô tội ở Bê-lem bị giết hại không bao giờ tương hợp với thánh ý của Thiên Chúa, mà hoàn toàn đối chọi với thánh ý của Người. Nhưng thảm kịch đau thương này xảy ra dưới ánh mắt của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương nhân loại và yêu thương đến nỗi, đã ban chính Chúa Giê-su, Người Con duy nhất của Ngài cho nhân loại, để Chúa Giê-su mặc lấy xác phàm và chia sẻ tất cả mọi khổ đau của con người, cũng như Ngài còn đón nhận chính tội lỗi của con người, để xuyên suốt qua tội lỗi và bóng đêm đó, Ngài sẽ toả ánh sáng cứu rỗi, ánh sáng phục sinh, ánh sáng chiếu soi tất cả những ai đang đau khổ, đang ngồi than khóc trong bóng đêm.

 

Ngoài ra, các trẻ em vô tội bị giết ở Bê-lem đã được truyền thống Giáo Hội coi là các thánh Anh Hài. Lịch sử phụng vụ cũng không cho chúng ta biết rõ lễ các thánh Anh Hài đã được mừng từ thời nào. Nhưng ta có thể biết một điều là lễ này đã có từ lâu. Hiện nay lễ các thánh Anh Hài được mừng trong tuần bát nhật Giáng Sinh, thường thì vào ngày 28.12.

Trong giờ kinh Sách ngày lễ các thánh Anh Hài 28.12, thánh Quất-vun-đê-ô đã suy niệm về các thánh Anh Hài như sau: “Ôi ! Hồng ân cao cả! Các em bé đã có công trạng nào để chiến thắng như thế? Các em chưa biết nói mà đã tuyên xưng Chúa Ki-tô. Chân tay yếu ớt, các em chưa đủ sức xông ra chiến trường, thế mà các em lại được lãnh nhận ngành thiên tuế dành cho người chiến thắng vinh quang”.[12]

 

Trong Thánh Lễ mừng kính các thánh Anh Hài, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng cầu nguyện trong phần ca nhập lễ như sau:

“Các Hài Nhi vô tội,

xưa bị giết vì Đức Ki-tô.

Nay được theo Người là Chiên Con tinh tuyền,

miệng chẳng ngớt tung hô: Lạy Chúa vinh danh Chúa!”.

 

Kết thúc phần suy niệm đoạn Tin Mừng về việc các thánh Anh Hài bị giết, chúng ta cùng cầu nguyện với những gợi ý sau:

 

  • Trong trình thuật Tin Mừng trên, có hai vị vua tương phản hoàn toàn với nhau . Vị vua thứ nhất là Hê-rô-đê, vị vua độc tài và tàn ác. Vị vua thứ hai thì hiền lành và khiêm nhường. Đó là Chúa Giê-su, Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng, tuy nhỏ bé nhưng cao cả. Người đang nằm trong máng cỏ lại làm rung động ngai báu của vị vua tàn ác kia. Người hoạt động qua Hê-rô-đê mà ông đâu biết những ý định của Người, và Người đã giải thoát những tâm hồn đang bị ma quỷ giam cầm. Người đón nhận con cái của thù địch và kể chúng vào số con cái của Người. Chúng ta nhận ra sự hoạt động của Thiên Chúa ngay trong thế giới và con người tàn ác. Vì thế, chúng ta không bao giờ thất vọng, khi phải đối diện với quá nhiều vấn đề bất công và khổ đau trong thế giới này. Dù sự dữ có lớn mạnh đến đâu, cũng không thể lớn hơn tình yêu và lòng thương xót được toả ra từ Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ. Trước tôn nhan vị Vua tốt lành này, là Hài Nhi Giê-su, chúng ta cùng phủ phục thờ lạy!

 

  • Biến cố các trẻ em vô tội ở Bê-lem bị giết hại không bao giờ tương hợp với thánh ý của Thiên Chúa, mà hoàn toàn đối chọi với thánh ý của Người. Nhưng thảm kịch đau thương này xảy ra dưới ánh mắt của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương nhân loại và yêu thương đến nỗi, đã ban chính Chúa Giê-su, Người Con duy nhất của Ngài cho nhân loại, để Chúa Giê-su mặc lấy xác phàm và chia sẻ tất cả mọi khổ đau của con người, và cuối cùng chính Người cứu độ chúng ta. Vì thế, là người Ki-tô hữu chúng ta không để cho những mây mù và màn đêm của sự dữ làm mờ mắt, làm nặng lòng và làm cho chúng ta bị tê liệt. Chúng ta ý thức đưa tất cả mọi khổ đau, mọi bất nhân, đặc biệt những phận người bất hạnh phải chịu những điều đó vào trong cầu nguyện, chúng ta đặt tất cả những điều đó dưới chân của Hài Nhi Giê-su. Trong bầu khí sâu lắng của thinh lặng, chúng ta thờ lạy Hài Nhi, chúng ta tâm tình với Hài Nhi, Đấng là Ánh Sáng đang chiếu toả xuống những phận người đang phải bước đi hay ngồi trong bóng đêm.

 

  • Biến cố vua Hê-rô-đê giết hại các trẻ thơ vô tội chỉ ra sự lạm quyền và gây ra biết bao đau thương của những kẻ cầm quyền. Điều này đã tiếp diễn từ ngày xưa và đến hôm nay sử sách nhân loại vẫn phải viết tiếp những trang đau thương này. Thế giới chúng ta bị tổn thương sâu, vì những con người độc tài tàn ác nhưng lại nắm quyền lực trong tay. Vì thế, là người Ki-tô hữu chúng ta chạy đến với vị Vua hiền lành và khiêm nhường là Hài Nhi Giê-su, và chúng ta cầu nguyện cho những người lãnh đạo biết ý thức chu toàn trách nhiệm lo cho anh chị em được an bình, được phát triển theo tinh thần của tình yêu.

 

 

 

 

[1] Stulhmacher P., Die Geburt des Christus Kindes. Verlag Vandenhoeck & Ruprecht. Goettingen 2005. S.85.

[2] Trích bởi Pesch R., Die Weihnachtsbotschaft. S.172.

[3] Trích bởi Ravasi G., Das Evangelium nach Matthaeus. S.62.

[4] Pesch R., Die Weihnachtsbotschaft. S.171.

[5] X.Ravasi G., Das Evangelium nach Matthaeus. S.61.

[6] X.Soeding T. & Vorholt R., Das Fluechtlingskind in Gottes Hand. Patmos Verlag. Ostfildern 2016. S.79.

[7] Trích bài giảng của thánh Quất-vun-đê-ô, giám mục. Giờ Kinh Sách ngày 28.12.

[8] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.157.

[9] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.158.

[10] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.157-158.

[11] X.Soeding T. & Vorholt R., Das Fluechtlingskind in Gottes Hand. S.80-81.

[12] Trích bài giảng của thánh Quất-vun-đê-ô, giám mục. Giờ Kinh Sách ngày 28.12.

 

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Một bình luận

  1. Con xin có vài dòng chia sẻ sau:
    Thưa cha! Ba nhà chiêm tinh cũng là dân bên ngoại như ông vua Hêrôđê, họ tìm đến kính phục Chúa; vua Hêrôđê bị lừa nên nổi giận cho giết trẻ em để loại trừ vị vua sẽ có về sau! Là có thật. Chúng ta cứ công nhận đã có 144.000 trẻ em đã bị giết theo phía Kittô giáo xét định như cha đã nói.
    Thưa cha! Vì Chúa Cha sai Ngôi II xuống thế bằng phương thức đẻ ra là một hài nhi như mọi người mà đã phải đổi lấy những từng đó mạng sống của lớp trẻ nít đang phải bú, phải bồng..!Ôi! quả là một đại thảm họa đau đớn cho nhân dân thành Belem và các thành lân cận!/ hôm nay,ở một làng nọ,bỗng có một thằng khùng vào chém chết..5 đứa trẻ trên dưới 10 tuổi! là cả làng oằn oại xôn xao ngay! Vài giờ sau,nhiều người trên khắp cả nước thốt lời kinh hoàng thương tiếc..phải không thưa cha!
    Biến cố này làm con băn khoăn rằng: Khi ba nhà chiêm tinh vào yết kiến,trình bày sự chuyện, sao Chúa Cha đã không thánh hóa ông vua này như Chúa đã thánh hóa tên lính Phao-lô đang đi bắt đạo (về sau tức thánh Phao-lô)! để vua tin trẻ sơ sinh này sau này không làm vua Do thái mà chỉ là vị Mesia của Chúa Trời sai xuống giảng đạo mà thôi,nên ông ta tin Chúa, mà xin đi theo ba nhà chiêm tinh này để cùng kính phục Người; thì gần 150.000 trẻ em không bị đổ máu; liền đó lại không phải ra kế hoạch âm thầm đem Chúa Ngôi II đi trốn sang Ai cập! lại phải chờ đến khi ổng chết mới dám về! nhà vua này mà được thánh hóa cải đạo,thiết nghĩ :Nhờ vậy,” ánh sáng lành sớm lan tỏa bốn phương,bên nước chính quốc đế quốc La mã, nhà vua và thần dân cũng được cải đạo theo Chúa! Thì đã lâu, toàn cõi thể giới đều chỉ một đạo Kitô giáo cả. Chứ nay mới chỉ được 1/4 thế giới! như cha xứ giảng ở lễ Truyền giáo vừa rồi; con nghĩ vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *