Vatican II: Ngược Dòng và Xuôi Dòng

Cách đây mấy năm, một ủy ban thuộc HĐGM.VN có ý định mở tại Sài gòn một cuộc hội thảo toàn quốc về Vatican II. Kế đó không lâu, một số nhân sỹ Công giáo Sài gòn cũng họp thành nhóm lấy tên Nhóm Vatican II gì đó. Thế mà Vatican II lại đã bế mạc cách đây gần nửa thế kỷ, và đây là lúc đáng lẽ phải nghĩ đến Vatican III rồi!

Muốn học về Vatican II ư? Sao không học hỏi ngay từ những thập niên 70, nhờ đó hiểu đúng và thi hành tốt? Chứ sang thế kỷ XXI, nếu còn trở lại Vatican II, thì chỉ có thể là để xét xem chúng ta đã đi đúng hướng các hiến chề và áp dụng đầy đủ các nghị quyết hay chưa. Để rồi nếu chưa, hay nếu đi trật hướng, thì chỉ còn cách đấm ngực ăn năn thôi.

Thiếu sót và trật hướng ư? Có đấy, và có quá nhiều là khác tại VN chúng ta, và điều ấy xảy ra ngay từ ban đầu, để rồi kéo dài suốt đến nay.

Tôi nhớ hồi 1968 khi mới ở Âu Châu về, cầm trên tay tờ báo Công giáo Xây dựng, tôi giật mình khi đọc trên trang Phụng vụ toàn thấy nói những chuyện như : Giơ tay thế nào và giơ cao bao nhiêu khi đọc lời nguyện thánh lễ. Vâng, nếu hiểu đúng hướng đi Vatican II, thì thay vì mấy chữ đỏ (rubriques) vặt vãnh ấy, người ta phải tìm lối đi vào để áp dụng tinh thần hy sinh và chia sẻ của thánh lễ, và tìm cách sao để Đạo tác động được vào tâm tư của dân ta hôm nay, theo chính hướng đi “mục vụ” mà hiến chế Sacrosanctum Concilium đề ra.

Quả thế, mục tiêu mà Vatican II nhắm chính là Canh tân hướng về tinh thần, là Mở ra hướng về Thế giới và Thời đại, chứ không phải đóng chặt cánh cửa như trước đây, cũng không phãi loay hoay với những hình thức và chữ đỏ. Và nếu hiểu Vatican II như thế, chúng ta sẽ thấy rõ chúng ta đang tụt hậu quá xa. Vâng, nếu Mở theo Vatican II, tức luôn theo kịp đà tiến thế giới và nhắm hướng đi mục vụ, thì nay đã đến lúc chúng ta phải vươn xa hơn Vatican II (ở những quyết định và áp dụng cụ thể) và sửa soạn cho một Vatican III rồi.

Hướng Mở và cách làm của Vatican II

Trước thập niên 60, giống như mọi hoàng đế, các vị giáo hoàng chúng ta vẫn giam mình trong điện Vatican, nhất là sau khi nước Ý tước lấy gần hết đất đai của Tòa thánh. Thế nhưng sau đó, Đức Gioan XXIII đã vượt rào ra thăm mục vụ giáo phận Rôma, thậm chí còn vượt lễ tân (protocole) khi giữa đường đột ngột ghé thăm một ông bạn cũ. Một vị giáo hoàng đúng týp Lệnh Hồ Xung (trong Tiếu ngạo giang hồ) chân chất, không bó mình trong khuôn thước những tập tục xã hội cứng nhắc, mà sống thật với lòng một cách đơn sơ. Tấm lòng ấy cũng đậm một tình người rất Phúc âm, muốn ôm trọn lấy thế giới, chứ không khép kín và có thái độ thù nghịch hay tự vệ của mấy thế kỷ trước. Cái tinh thần bao dung và thái độ Mở cửa ấy thể hiện rất rõ trong cách sống và tâm tư, như được nói lên trong thông điệp nổi tiếng Pacem in terris (Bình an trên trái đất). Vâng, Pacem in terris không còn thái độ tự vệ và giọng lưỡi lên án nữa, mà chỉ đề cao phẩm giá, tự do và các quyền cơ bản của con người. Có thể nói, chính Pacem in terris đã dẫn vô hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hi vọng) của công đồng Vatican II[1]. Chính vì muốn thực hiện rộng rãi ước nguyện lành thánh ấy, mà, được thúc đẩy bởi Thần khí Chúa, Đức Gioan XXIII đã bất ngờ tuyên bố ngày 25-1-1959 như sau :

-Chúng ta hãy làm một công đồng!

Vâng, đúng là một câu nói tiên tri, được truyền hứng bởi Chúa Thánh Thần. Một  hành vi Đối thoại đang lúc Tòa thánh sống khép kín và, như  Ch. Moeller nói, “trước cửa Giáo hội [ấy], thế giới đang gọi mở”[2]. Thật ra, từ ít lâu trước đó, nhiều thức giả CG đã muốn mở, nhưng đành hé mở những cửa hậu thôi, và đây là một số nhà tư tưởng bị cấm dạy và giảng, một số phong trào canh tân phụng vụ và bảo vệ công lý mà Tòa thánh ngờ vực. Để rồi cánh cổng chính mà người đầu tiên dám mở thật phải là Đức Gioan XXIII[3]. Ngài mở bằng cách triệu tập công đồng chung Vatican II!

Liền ngay sau đó, ngày 29 cùng tháng giêng năm 1959, hướng về các giáo hội đông phương ly khai, Ngài mạnh dạn nói thẳng:

-Chúng tôi sẽ không xét xử quá khứ, xem trái phải thuộc về ai. Cả hai bên đều có trách nhiệm. Chúng tôi chỉ nói: -Chúng ta hãy ngồi lại với nhau, và bỏ đi những mối bất hòa!

Hành động này táo bạo (vào thời điểm ấy) đến nỗi tờ báo chính thức của Tòa thánh Osservatore romano (Người quan sát La mã) phải lờ đi không dám đăng tin.[4]

Không may, Đức Gioan XXIII đáng kính yêu của thế giới và Công giáo chúng ta đã không thể hoàn thành tâm nguyện, khi mà Vatican II khai mạc chưa được bao lâu, Ngài đã được gọi về Nhà Cha năm 1963 trong sự tiếc thương của mọi người. Thế nhưng công việc vẫn tiếp tục khi mà Thánh Thần vẫn thổi: Đức Phaolô VI đã được tiền định để hoàn tất Vatican II ấy.

Nếu chân phước Roncalli (Đức Gioan XXIII) đi vào hướng thổi Thánh Thần một cách tự nhiên và thoải mái, thì Đức Phaolô VI, vốn tính cẩn trọng và dè dặt, phải mất một thời gian mới bắt kịp nhịp đập mới này. Cuối cùng, Ngài cũng thay đổi được chính mình, và nhờ tài khôn khéo, Ngài đưa công đồng đến thành công mỹ mãn.

*

Để hiểu cái mới và độc đáo của Vatican II, phải so sánh nó với Vatican I, với phần lớn những công đồng trước như Nicea, Constantinopoli, Ephesa, Chalcedonia, Latranum, Tridentinum… Những công đồng này thường được triệu tập để lên án một học thuyết, một cách làm, do đó trong nội dung các văn kiện dày đặc những ANATHEMA SIT…(Vạ tuyệt thông cho những ai…).

Thế nhưng với Vatican II, suốt trong 4 hiến chế, 12  nghị quyết và tuyên ngôn, không hề thấy lời lẽ phi bác hay lên án nào cả. Một cách tích cực, công đồng chỉ xác định niềm tin và chủ trương trong thái độ tôn kính và thân thiện đối với anh em ly khai, đối với các tôn giáo bạn, đối với thời đại và thế giới. Và để sửa soạn cho nó, biết bao nhà thần học và tư tưởng như Congar, De Lubac, Teilhard de Chardin đang bị “treo giò” được trả lại danh dự và tự do, thậm chí được mời vào các tiểu ban soạn thảo mô hình (schema) văn kiện công đồng. Riêng nhà thánh kinh học nổi tiếng Bea đang là một “phạm nhân” bỗng một bước nhảy vọt lên ghế hồng y và được cử đứng đầu Vụ (Secretariat) Đại kết quan trọng đối với Đức Gioan XXIII.

Trong nội bộ Công giáo, hướng đi chia sẻ và hiệp thông thể hiện rõ nơi một sự kiện hoàn toàn mới mẻ: lần đầu tiên, giáo dân, nữ cũng như nam, được mời làm quan sát viên, được góp ý trong các tiểu ban soạn thảo, đôi khi còn được mời phát biểu trong chính cuộc họp khoáng đại của công đồng.

Vai trò quan sát viên cũng mở rộng về phía các đại diện của Chính thống giáo và Tin lành, của các tôn giáo lớn nữa.

Đồng thời, cách họp chuyển thành họp mở  với thông tin báo chí. Quả thế, trong suốt thời gian diễn ra các cuộc họp khoáng đại, hằng ngày đều có họp báo của phòng thông tin công đồng và của các nhóm; cùng lúc diễn ra những buổi thuyết trình tại chính Rôma, trong đó học giả trình bày một cách thoải mái quan điểm riêng về những vấn đề công đồng bàn thảo[5].

*

Trên kia là nói chung về hướng đi Mở của công đồng. Hướng đi ấy biểu hiện trước hết do chính cách họp và cách làm. Họp thì không họp kín như các công đồng trước. Chẳng những có chế độ quan sát viên, mà còn có thông tin báo chí. Và sự tham gia ý kiến, lần đầu tiên (bao nhiêu có thể) được mở rộng gần như đến toàn dân.

Vâng, không như ở công đồng Vatican I chẳng hạn, các mô hình văn kiện đều do ĐGH cùng với Giáo triều La mã (Curia romana) của Ngài biên soạn[6], để giám mục đoàn khi họp chỉ tranh luận và biểu quyết trên những gì đã đề ra. Do đó mà các văn kiện Vatican I mang nặng dấu ấn của Đức Piô IX cùng Giáo triều của Ngài.[7]

Vatican II thì khác, và ngày càng thêm khác. Bắt đầu có Ủy ban tiền chuẩn bị nó đi trước Ủy ban chuẩn bị. Ủy ban tiền chuẩn bị, gồm đại diện các thánh bộ, chỉ cố vạch ra chủ đề. Ủy ban phải gửi thư đến các giám mục, các tổng quyền hội tu, các đại học Công giáo để xin góp ý về những đề tài mà Ủy ban chỉ nêu lên như một gợi ý. Vâng, hoàn toàn chỉ là gợi ý, khiến thay vì những đề tài ấy, người ta có thể đề nghị những đề tài khác. Sự tự do này là do chính Đức Gioan XXIII đề xuất. Đức Gioan XXIII chỉ tập trung vào Hướng đi, và Huớng đi ấy không có tính giáo lý (doctrinal) cho bằng tính mục vụ (nghĩa là thanh thoáng mở về phía giáo dân và con người), không có tính tự vệ nhưng mở vào thế giới và thời đại chúng ta.[8]

Những ý kiến thu thập được in thành 16 pho sách với khoảng 10.000 trang sẽ làm cơ sở cho công việc các ủy ban chuẩn bị : 12 ủy ban chuẩn bị và 3 vụ (secretariates) ra đời năm 1960, tất cả được chỉ đạo bởi Ủy ban chuẩn bị trung ương mà chủ tịch là Đức GH. Ủy ban trung ương này, cùng với các ủy ban chuẩn bị, tất cả gồm khoảng 1.000 thành viên vừa hồng y, giám mục, vừa linh mục triều dòng, cả giáo dân nữa. Sau 2 năm làm việc, 75 mô hình được soạn thảo, cuối cùng rút lại còn 20. Trong số đó, 7 mô hình được gửi đi cho các nghị phụ coi ba tháng trước khi đến họp.

Tiếp nhận được những mô hình ấy, lập tức các giám mục tiến bộ Châu Âu họp nhau bàn thảo. Họ phản đối 4 hiến chế, chỉ chấp nhận mô hình về phụng vụ thôi, bởi lẽ mô hình này theo kịp đà tiến của các phong trào canh tân phụng vụ đang diễn ra bên Châu Âu hồi đó. Thế là họ soạn ngay một bản phê bình gửi đến các nghị phụ, và kết quả là phần đông đòi mang mô hình Phụng vụ ra thảo luận trước, và ĐGH cũng thuận theo.[9]

Kịp đến khi công đồng họp, thì sự tự do tranh luận ngày càng thêm rõ : vai trò các thánh bộ mờ nhạt đi, nhường chỗ cho tiếng nói của giám mục đoàn[10]. Biểu đồ Giáo hội hình kim tự tháp với ĐGH ở tít tắp trên cao, với giáo dân sà sà mặt đất không còn ngự trị nữa, mà được thay thế bằng một biểu đồ khác với một mặt phẳng cùng những vòng đồng tâm : Giám mục đoàn sẽ ở vòng giữa, và giữa giám mục đoàn là ĐGH[11]. Đức Phaolô VI rồi cũng hiểu ra như thế, khiến ngai Giáo hoàng trước đây vẫn đặt trên cao và trống trơn (ĐGH bên trên và bên ngoài giám mục đoàn), nay kể từ 1964 được mang đặt xuống giữa, và Ngài năng đến ngồi dự : ĐGH thuộc giám mục đoàn, nhưng ở tư thế chủ tịch[12]. Ngài cũng chỉ sử dụng vai trò chủ tịch ấy để dung hòa các ý kiến, đôi khi để chỉnh lại một vài ý kiến, nhưng ý kiến của Ngài thì các ủy ban soạn thảo có thể tự do xem xét, và đã có lần ý kiến ấy được một ủy ban để sang một bên[13].

Thông thường, các mô hình văn kiện được sửa và soạn lại nhiều lần. Riêng mô hình Giáo hội giữa thế giới ngày nay được  viết đi viết lại tới 6 lần. Mô hình về Tự do tôn giáo còn bị sửa chữa và viết lại nhiều hơn nữa, và sự tranh cãi kéo dài suốt 4 kỳ họp khoáng đại (tức 4 năm), để mãi ngày 7/12/1965, cuối cùng nó mới được thông qua.[14]

Hướng Mở trong chính nội dung các văn kiện

Nếu bầu khí thanh thoáng rõ dần trong cách làm việc, kể cả trong tranh giành ảnh hưởng giữa các phe tiến bộ và thủ cựu, thì tinh thần cởi mở và tự do ấy cũng thể hiện trong chính nội dung các văn kiện nữa. Và đây là do công của những phong trào canh tân nảy sinh gần đây bên Châu Âu cũng như nhờ chủ trương và nưng đỡ của hai vị hướng dẫn công đồng: Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI. Ngay trong thời kỳ chuẩn bị và tiền chuẩn bị, Đức Gioan XXIII đã khuyến khích các giám mục năm châu tự do góp ý về những vấn đề sẽ mang ra thảo luận ở công đồng[15]. Để rồi khi công đồng bắt đầu họp, dù chưa bắt kịp nhịp đập của thế giới như đấng tiền nhiệm, Giáo hoàng Phaolô VI cũng dám đánh liều tuyên bố :”Hiện thời, Ta (Nos) để công đồng này được tự do…”[16]

Trong bầu khí “được tự do” ấy, nhóm giám mục tiến bộ Châu Âu là Đức, Pháp, Hà lan đã đoàn kết lại và đấu tranh đưa người của mình vô các ủy ban, nhất là ủy ban Thần học. Họ nắm gần như toàn bộ ủy ban Phụng vụ, khiến mô hình do ủy ban này soạn thảo được coi là hợp thời nhất. Kế đó, họ đấu tranh cho mô hình nói trên được mang ra mổ xẻ trước tiên; và đấu tranh cho những mô hình lạc hậu được viết lại.

Quả thật, trong hiến chế Sacrosanctum concilium (về phụng vụ), ý nghĩa thiêng liêng được đề cao, tính mục vụ được nhấn mạnh[17], do đó ngôn ngữ địa phương được mang vào thánh lễ (số 54) và kinh thần tụng (số 101), còn phụng vụ nói chung thì được khuyến khích nên thích nghi với văn hóa địa phương (số 37-38, 40).

*

Nếu mô hình Phụng vụ được mang ra tranh luận sớm, thì mô hình về Giáo hội lại cần được quan tâm nhất bởi có tính nền tảng hơn cả : nó giống như  cái gốc mà hướng đi sẽ ảnh hưởng đến các nhánh ngành là những chủ đề được bàn thảo trong các mô hình khác. Cố nhiên, tác động sẽ là hỗ tương khi mà tranh luận về những mô hình sau cũng soi sáng ngược lại cho mô hình Giáo hội nữa.

Nếu ở Vatican I, người ta chỉ chú ý đến mặt pháp lý của Giáo hội, thì ở Vatican II, yếu tố được nhấn mạnh lại là huyền nhiệm cơ. Vâng, nếu nhìn Hội thánh dưới cái nhìn pháp lý, người ta dễ quy Hội thánh vào phẩm cấp (hierarchia) và quy phẩm cấp vào quyền Giáo hoàng, thì dưới cái nhìn huyền nhiệm, Giáo hội sẽ xuất hiện như một Huyền thân Chúa Kytô (Corpus mysticum Christi) nó gồm thâu toàn bộ Dân Chúa, khiến mọi thành viên trong đó, dầu giáo hoàng hay giáo sỹ, giáo dân, tất cả đều được mời gọi nên thánh, đều được sai đi loan báo Tin mừng (LG. số 7,10,17; Laurentin, sđd., tr. 216-217). Nhìn như thế, Hội thánh sẽ xuất hiện trên cùng một mặt phẳng với những vòng đồng tâm : giám mục đoàn ở vòng giữa, mà giữa vòng là ĐGH; trong khi ấy, vai trò của giáo sỹ sẽ là hầu hạ (diakonia, ministerium, service) giáo dân (LG. số 18-19; Laurentin, sđd., tr. 220-221). Ngay ơn Bất khả ngộ cũng được trả về cho Hội thánh sống động nói chung, dù tính bất khả ngộ ấy, trong cụ thể, tập trung nơi người kế vị thánh Phêrô cùng với giám mục đoàn (LG. số 25; Laurentin, sđd., tr. 225-227).

*

Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân) về Giáo hội sẽ dẫn vào Gaudium et Spes (Niềm vui và Hy vọng) về Giáo hội trong thế giới hôm nay.

Nếu đối nội, Vatican II chủ trương sự hiệp thông, tình cộng đồng, nên đặt Giáo hoàng vô giữa giám mục đoàn và đặt giám mục đoàn giữa lòng Hội thánh huyền ẩn và sống động, thì đối ngoại, trong hiến chế Gaudium et Spes, công đồng mở toang hai cánh cổng Hội thánh để quan hệ thân thiện với thế giới và các tôn giáo, văn hóa.

Trước hết là với quyền đời. Xưa kia, Tòa thánh chủ trương quyền đời phải lệ thuộc quyền đạo, khiến lẫn lộn dễ xảy ra khi bên nọ can thiệp quá nhiều vào công việc của bên kia. Sau này, khi quyền đời, cùng với khoa học và tư tưởng tìm cách thoát ly khỏi sự giám hộ và giám thị của Tòa thánh, thì Vatican phản ứng bằng thái độ nửa tự vệ và khép kín, nửa chống đối hay lạnh nhạt, mà biểu hiện rõ nhất là trong thông điệp Quanta cura cùng phụ bản Syllabus (1864) nó lên án “những sai lầm tân đại” và chủ nghĩa duy tự do (liberalism).[18]

Xoay lưng hẳn với quá khứ và đường lối tự vệ, khép kín ấy, Gaudium et Spes muốn đối thoại một cách thân thiện và cởi mở. Một đằng thì hiến chế nhìn nhận sự tự lập của các thực tại trần thế, đằng khác đề cao những giá trị tích cực của khoa học, kỹ thuật cũng như sự phát triển của thế giới hướng về thịnh vượng và công bình, hướng về tình huynh đệ và sự bình quyền, bình đẳng, tự do. Những điều tốt đẹp ấy, công đồng coi chúng như một phác thảo sơ bộ của hạnh phúc cánh chung[19]. Chính vì thế, Hội thánh muốn trao đổi với thế giới.[20]

Cùng lúc, tuy vẫn khẳng định chân lý chỉ có một, nhưng công đồng coi việc chấp nhận chân lý là của lương tâm mỗi người (Gaudium et Spes số 17, -> Dignitatis humanae số 2); cũng như đức tin tuy không thay đổi, nhưng biểu hiện đức tin thì phải đổi tùy theo thời đại và văn hóa địa phương (Gaudium et Spes số 62).

*

Sự cởi mở ấy của Gaudium et Spes rồi sẽ tỏa bóng trên các văn kiện khác.

Trong nghị quyết Nostra aetate về các tôn giáo ngoài KTG chả hạn, công đồng nhìn nhận và tôn trọng hết thảy những gì là chân thực và lành thánh trong các tôn giáo nói trên, đồng thời muốn bảo tồn và giúp phát triển những giá trị thiêng liêng và đạo đức họ đã đạt tới (số 2).

Cũng thế, trong nghị quyết Ad gentes về hoạt động truyền giáo, công đồng mong muốn đón nhận cho mình những kho tàng văn hóa phong phú các dân tộc, tiếp nhận vào mình những gì thuộc minh triết, tư tưởng, nghệ thuật của họ nhằm diễn tả ân huệ Thiên Chúa và đường đi của Ngài (số 22).

Vatican II và những giới hạn của nó

Dù công đồng đã mở rộng cánh cửa, nhưng ở một số điểm, cửa mới mở nửa vời thôi. Số là vì trong giám mục đoàn, còn có những ngưới dè dặt, thậm chí một số đầu óc thủ cựu như hồng y Ottaviani, như phe nhóm của giám mục M. Lefèbvre[21].

Do sự chống đối gay gắt dù của một thiểu số, mà một đôi vấn đề khựng lại, không giải quyêt nổi. Như việc độc thân của linh mục chả hạn, nó được đặt ra đối với mấy vùng thiếu ơn gọi độc thân trầm trọng như Châu Mỹ latinh. Phải chăng nên có hai chế độ linh mục : linh mục độc thân và linh mục có gia đình như Giáo hội đông phương vẫn có? Vì sự rranh luận trở nên quá gay gắt giữa hai phe chống và ủng hộ giải pháp quy chế kép ấy, nên Đức Phaolô VI can thiệp bằng cách giành vấn đề cho riêng ngài giải quyết nếu được thỉnh cầu sau này.[22]

Riêng về phụng vụ, tuy hiến chế Sacrosanctum concilium khuyến khích mang ngôn ngữ địa phương vô, nhưng hiến chế vẫn còn dè dặt khi muốn giữ lại tiếng la-tinh cho một số phần : ở những phần đó chỉ bãi bỏ la ngữ cho những ca cá thể (như người đọc thần tụng mà không hiểu la-ngữ), hoặc khi có phép riêng của Tòa thánh (số 36,101).[23]

Ngoài ra, vai trò nữ giới cũng chưa được nâng lên đủ, khiến từ lâu nay đã nổi lên phong trào Thần học nữ quyền, khởi đầu ở Bắc Mỹ.[24]

Do đó, không thể không nghĩ tới một Vatican III cho một tương lai không xa. Cần một Vatian III không phải vì Vatican II chưa mở đủ, mà vì chính Hướng mở, Nguyên tắc Mở ấy của Vatican II đã khiến các áp dụng cụ thể, thích hợp khi ấy, cần phải thay đổi để bắt kịp thời đại hôm nay với trào lưu Toàn cầu hóa của nó.

Sự tụt hậu của Giáo hội VN

Việt Nam xem như đã Mở khi mà tiếng la tinh hoàn toàn vắng bóng trong phụng vụ. Thế nhưng thực sự thì ta chưa đi vào Hướng mở, mà chỉ bắt chước, thấy Tây làm gì thì mình làm vậy. Vâng, chỉ bắt chước ở hình thức, chứ tinh thần thì không. Tây đã bỏ la ngữ hết rồi ư? Thì ta cũng làm theo thôi. Tây đã có Lời nguyện giáo dân rồi ư? Thì ta cũng có Lời nguyện giáo dân đấy, nhưng thay vì lời nguyện tự phát của giáo dân, ủy ban phụng vụ toàn quốc lại soạn sẵn một số mẫu Lời nguyện giáo dân để … giáo dân đọc!!!

Quả thực vai trò giáo dân chưa được nâng cao, khiến giáo dân tuy đạo đức nhưng sống đạo lại quá thụ động. Một số giám mục đã ra lệnh thành lập trong mỗi giáo xứ một Ban hành giáo, nhưng cha sở lại tìm cách thao túng ban hành giáo ấy, bằng cách đưa người của mình vào.[25]

Chính vì địa vị giáo dân chưa được nâng cao và giáo sỹ tiếp tục làm vua trong địa sở của mình, nên từ ngữ Diakonia, Ministerium mà cha Hiến Minh trước công đồng Vatican II đã dịch là Quyền thừa tác (tức quyền tiếp nhận từ bên trên để điều khiển bên dưới), nay sau Vatican II gần nửa thế kỷ rồi,  tiếng Thừa tác ấy vẫn còn được giữ nguyên (cả về từ ngữ lẫn ý nghĩa thật) khi mà bên Pháp ngay sau công đồng nó đã chuyển đổi thành Service, nghĩa là Hầu hạ rồi. Và như thế, chúng ta vẫn đi ngược tinh thần Phúc âm:”Thầy ở giữa anh em như kẻ hầu hạ” (Luc.22.27), đi ngược luôn ý nghĩa của Tông đồ công vụ 6.1-8 vốn chia đôi công việc hầu hạ ấy của Giáo hội : các tông đồ và giám mục thì hầu lời (diakonia tou logou), còn các phục dịch viên (diakonos) thì hầu ăn (bàn) (diakonein trapexais).

Đấy là trong nội bộ Giáo hội. Còn đối với các tôn giáo bạn? Lần kia, khi tôi muốn dùng tính từ Từ bi để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, một sơ giám tỉnh đã phản đối ngay :-Việc gì phải bắt chước Phật giáo chứ! Sơ đó đã không biết chi đến nghị quyết Nostra aetate trong đó “Giáo hội CG không bỏ qua những gì là chân thực và lành thánh trong những tôn giáo ấy. GH thật lòng tôn trọng những cách làm và sống…,v.v.” (số 2). Cũng như chưa đọc tới Ad gentes trong đó công đồng nhìn nhận :”Trong hướng đi của mầu nhiệm Nhập thể, các giáo hội mới…, trong một trao đổi tuyệt vời, nhận lấy cho mình tất cả sự phong phú mà các dân tộc tặng ban cho như của thừa tự. Các giáo hội ấy vay mượn ở tập quán và truyền thống của dân tộc mình, vay mượn ở sự minh triết, ở khoa học, nghệ thuật… của các dân tộc ấy tất cả những gì giúp tuyên xưng vinh quang Đấng Sáng thế, giúp làm sáng tỏ ân sủng Đấng Cứu thế và giúp sống đạo KTG theo cách phù hợp” (số 22).

Quả thật, về vấn đề Hội nhập văn hóa trước tiên, chúng ta không thể không xin phép nhắc nhở HĐGM.VN, nhất là Ủy ban phụng tự, rằng chúng ta đã gần như không làm gì cụ thể theo ước mong của Vatican II khi mà Vatican II đã qua đi gần nửa thế kỷ rồi.

Tháng 1 năm 2007
Hoành Sơn, S.J.


[1] Xx.Jean-Yves Calvez trong tác phẩm tập biên L’Eglise dans le monde de ce temps, Mame, 1967, tr. 324-325; Charles Moeller, L’élaboration du schéma XIII, Casterman, 1968, tr.32.

[2] Sđd., tr.11.

[3] Dù trước đó Tòa thánh đã có ít nhiều cố gắng, nhưng rụt rè, như nơi Đức Leo XIII.

[4] Xx. René Laurentin, Bilan du Concile, Seuil, 1966, tr.10.

[5] Suốt trong mấy năm diễn ra công đồng, tôi có phúc được sống tại Rôma, được đi dự thính nhiều cuộc thuyết trình, nên hiểu rất rõ hướng đi Mở cửa của Vatican II.

[6] Cố nhiên là sau khi đã dò hỏi phần nào ý kiến các khối giám mục năm châu.

[7] R. Laurentin, sđd. tr. 46-47.

[8] Xx. Laurentin, sđd., tr. 359-360, 72; Wiltgen sđd., tr. 26.

[9] Wiltgen, sđd. tr.23-26.

[10] Wiltgen, sđd., tr.114tt.; 110-114.

[11] Laurentin, sđd., tr.44-45.

[12] Cùng sđd., tr. 45-46.

[13] Cùng sđd., tr.46.

[14] Wilgen, sđd., tr.252.

[15] Laurentin, sđd., tr.11.

[16] Cùng sđd., tr.45.

[17] Xx. Wiltgen sđd., tr. 26.

[18] Laurentin, sđd., 304,306.

[19] Gaudium et Spes số 39; Laurentin, sđd., tr.305,311.

[20] Laurentin, sđd., tr. 305-306, 311.

[21] Laurentin, sđd., tr.40, 60,v.v.

[22] Laurentin, sđd., tr. 111-112.

[23] Cuối cùng, thì giới hạn ấy của công đồng cũng đã được vượt qua, khi mà ngày nay, tiếng la tinh đã vắng bóng trong phụng vụ rồi.

[24] Xx. CGvDT nguyệt san số 127, tr.22-33: Hoành Sơn, Từ thần học nữ quyền đến thần học nam nữ tính bù trừ Balthasar.

[25] Có lẽ nắm thực quyền đầy đủ, chỉ có ban hành giáo Vườn Xoài (giáo phận tp. HCM), khi mà cả việc xin lễ và chia phát lễ cho các cha cũng nằm trong tay họ. Mà ban hành giáo này lại được thành lập  do sáng kiến riêng cha sở, trước khi có lệnh của đức giám mục.

Kiểm tra tương tự

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *