Vị trí của Đại Việt, Chăm Pa, Phù Nam… (tt): Hiện tượng gọi là Nam tiến – Dòng lưu chuyển văn hóa.

Không nên lấy làm lạ ở địa vị khả quan của người đàn bà sinh hoạt nông nghiệp phát sinh bởi tay đàn bà và cần bàn tay đàn bà phụ giúp rất nhiều; mầm chứa sự sống của sinh vật nằm trong bụng đàn bà (cái “dạ con”). Bởi vậy bộ luật Hồng Đức dành khá nhiều quyền lợi cho nữ phái. Thích Đại Sán thấy cách sống không ràng buộc của phụ nữ Nam Hà, phải kêu rên là phong tục của ta phóng túng tồi bại[9]. Cho nên mãi về sau, bên dưới đám triều đình của Ngọc Hoàng Thượng Đế, trong thế giới nhảy múa của thần Civa, chuyển thân của thần Vishnu, người ta thấy một lô những nữ thần mà tước vị trong giai tầng quan chức  đó tuy thấp thỏi, nhưng ảnh hưởng uy tín rất lớn đối với dân chúng vì họ ngự trị trên đất đai, ruộng rừng: các Bà Mẫu, Bà Chúa Xứ (Liểu Hạnh, Thiên Y A Na, Bà Đen… Hình ảnh Diêm Vương sai quỷ Dạ Xoa rước hồn người của Phật giáo, không gây xúc động mạnh đối với người bình dân bằng ngữ: “bà hú”.

Phối hợp với tin tưởng về những nữ thần đó là lối tôn thờ cây, đá, lưu dấu của thời tân cựu thạch xa xưa. Những viên đá cầu tự chứa sự sống ở chùa Hương, những nàng Vọng Phu dù ở Lạng Sơn, Bình Định, Khánh Hòa, dù trong cốt thân Tô Thị, người dân chài hay bà công chúa chờ hoảng tử, cốt thân của hai vị bằng hữu ở Song nghĩa tự , những thẻ đá ở chùa Ông Núi (Bình Định) mà người ta cho là của Cao Biền trấn yểm, những thẻ đá mọc rải rác quanh vùng Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên… mà tiếng đồn là tất cả còn đủ uy lực để khiến dân chúng địa phương hoặc phải tin tưởng thờ cùng, hoặc phải thuê voi về nhổ – tuy không lên – hoặc phải chờ người có uy lực như Đức Phật Thầy hay một thối thân nào khác của Ngài mới may xóa bỏ được.

Vậy thì trong sự tổng hợp tạo thành nền văn minh Việt Nam, ta cũng có thể tách ra được một vài yếu tố xác định tính cách địa phương, tính chất ngoại lai và tính chất tập đại thành. Trong quá trình tiếp xúc với nhau của các tính chất ấy, sự biến hóa luôn luôn có tính cách sinh động, nghĩa là những tính chất địa phương cũng chuyển thân và nhiều yếu tố ngoại lai cư hằng địa phương hóa làm giàu cho sinh hoạt văn hóa dân tộc. Chỉ duy trong những tình thế mà vị trí địa dư liên quan với khả năng xâm nhập văn hóa khiến cho những khu vực khác nhau đã thiên về một ảnh hưởng này hay ảnh hưởng khác. Đó là những trường hợp như ta nói: vào thế kỷ XI, Đại Việt vừa cởi ách Tàu những giữ lại chữ Hán, Phù Nam lim dim trong sức phát triển của đế quốc Angkor và Chiêm Thành, cả hai tràn trề sinh hoạt Ấn độ hóa. Nhưng với thời gian mà chiến tranh cũng giữ vai trò quan trọng, chúng ta thấy có sự trau đổi văn hóa giữa các vùng.

Ta vừa nói đến vai trò văn hóa của chiến tranh. Không nên coi xác nhận đó là một luận điệu kém đạo đức. Đứng ở phạm vi những sự kiện, không bước qua phán đoán giá trị, ta thấy chiến tranh là một hình thức bạo phát của những mâu thuẫn. Và kết quả của chiến tranh là những nông dân, công nhân miền Bắc bị cưỡng ép đưa vào Indrapura, Vijaya, qua Angkor, đám dân các vùng Chà Bàn, Trà Kiệu, Phật Thệ bị lùa ra Bắc với tài sản. Nhưng người vật di chuyển cũng lôi theo sự lưu chuyển các ý niệm. Các tù binh ưu tú, cần  thiết cho vua chiến thắng sẽ được ưu đãi. Cho nên, tên nô lệ Thảo Đường bị bắt cùng vơi Chế Củ (1069), thoát kiếp tôi đòi để trở thành Quốc sự lập ra Thiền phái thứ ba, truyền tới 5 đời (1069-1205) trong đó có các vua Lý: Thánh Tông (1023-1072), Anh Tông (1136-1175), và Cao Tông (1173-1210). Thiền phái này quảng bá đạo Phật song hành với thiền phái có trước, một của Vinitaruci (580-1216), một của Vô Ngôn Thông (820-1205).

Cho nên nhạc khúc Chiêm Thành xuất hiện vào dưới đời Lý Cao Tông (1202) khích động đồng loạt với công cuộc chấn hưng cung điện của năm sau. Cũng y như tai họa xảy ra cho Lưu Phương ngày trước về mối quyến rũ của vàng Lâm ấp, thời bấy giờ nhu cầu của cải cùng nhân tài khiến Đại Việt dấn thân vào một trận chiến bại vong với Chiêm Thành mà hai tướng Đỗ Thanh, Phạm Điền phải chết trong một cuộc tấn công bất ngờ không thành.

Những tay thợ xây cất đền tháp Chiêm Thành trở thành những bậc thầy kiến trúc cho vua quan Đại Việt: Chùa Báo Thiên có ngôi tháp 13 tầng là công trình của một tù binh Lê Thánh Tông[10]. Ngược lại kiểu Tháp Mâm (cuối thế kỷ XI – thế kỷ XIV) có đặc tính là khuynh hướng phác họa khuôn mặt, đơn giản hóa các khối lượng, tính chất nghi thức và sự tìm tòi các kiểu trang hoàng, trong đó, lối trang trí bằng các vân thật đặc biệt Việt nam. Cho nên, J. Boisselier phải thốt ra nhận xét rằng: Chiêm Thành mang lại cho nước Việt Nam sau này ít ra cũng bằng phần nó nhận được”;[11].

Những yếu tố văn hóa mà Chiêm Thành mang lại cho Đại Việt không lúc nào dẫn đến tác động lớn lao cho bằng cuối thời Lê. Khủng hoảng mở đầu cho thời phân tranh của Đại Việt bắt nguồn từ những cuộc chiến chinh làm tan nát Chà Bàn, mang về Trung Châu một số tù binh quan trọng. Tù binh của Lê Khả, Lê Thụ (1446) không phải giữ lại như Bí Cái và vợ con, nhưng chắc cũng phân phối rải rác các nơi như 300 nam nữ theo Phan mỗ đầu hàng tháng sau đó. Ba vạn tù binh bắt về dâng ở Thái miếu năm 1471 được phân phát làm nô lệ ở các điền trang công thần.

Cuộc kiểm tra dân số năm 1467 tiếp tục thành quả chiến thắng ở mặt trận nhưng cũng là biện pháp thu nhận người vào trong tập đoàn Đại Việt. Mà như ta đã biết, dưới tầng lớp dân chúng chung sinh hoạt, mối phân biệt kỳ thị không phân rõ rệt lắm, nên những cuộc hôn nhân tạp hợp vẫn xảy ra, khiến cho đám vua quan ở triều đình phải ra lệnh (1499) cấm cưới phụ nữ Chiêm Thành “để cho phong tục được thuần hậu” mà quên rằng trước đó, Lý Anh Tông, ý thức rõ mối nguy cơ Mông Cổ đè nặng ở phương bắc, nên không nề hà qua chơi Chiêm quốc kết thân (1301), ở lại cả năm với lời hứa gả Huyền Trân. Nhưng trong ý nghĩa lệnh cấm, chúng ta cũng thấy mối bận tâm của vua quan nhà Lê nhằm tránh các rối loạn xã hội do sự biến đổi văn hóa tạo thành. Tuy vậy, làm sao ngăn được. Cho nên cộng với sự sa đọa trong triều, xã hội Đại Việt bắt đầu khủng hoảng mạnh.

Trong suốt các triều vua Đại Việt đến bây giờ, có lẽ Lê Tương Dực là ông vua ưa xây cất nhất: điện 100 nóc và đài 9 từng của người thợ Vũ Như Tô (1512) tuy không còn chứng tích, nhưng vẫn là tiếp nối mối ưa thích xây cất của Lê Thánh Tông khi xây tháp 12 tầng trước kia do các thợ Chàm góp sức.

Những nô lệ  Chàm ở các điền trang công thần cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các chủ của họ: sử ký chính thống hoài hơi đâu mà ghi vào sách một tên nô lệ vô danh trong đám tù binh, nếu vai trò không là quyết định trong một cuộc khởi loạn mà chủ tướng là một cựu công thần của triều đình? Đó là trường hợp của Chế Mạn và chủ tướng Nguyễn Văn Lang chiếm Tây Đô, Thần Phù, đón Giản Tu Công Oánh làm minh chủ về triều giết vua Uy Mục (1509).

Đáng chú ý hơn hết là loạn Trần Cao, bộc lộ rõ rệt sự khủng hoàng ý thức hệ đương thời, cùng lúc với mối khủng hoảng do nông dân thôi động.

Cao không có chức tước gì ở triều đình. Chức Xã Đường Thiêu Hương Quan của Minh sử ghi chỉ cho thấy Cao là một ông từ giữ đình. Và chắc ý đó cũng nằm trong chức Thuần Mỹ Điện Giám (trông coi cho đền sạch sẽ, đẹp đẽ) của Khâm Định Việt Sử. Phỏng đoán này không sai vì Cao khởi loạn ở một ngôi chùa, chùa Quỳnh Lâm, huyện Thủy Đường (Đông Triều).

Cao dựa vào lời sấm “phương đông có khí sắc thiên tử”, bèn xưng làm chắt huyền tông của Trần Thái Tông và là ngoại thích của Quanh Thục Hoàng Hậu (mẹ Lê Thánh Tông), cùng với con tên Cung, mặc áo nâu đen, xưng là Đế Thích giáng sinh, nổi dậy với bọn quân sĩ trọc đầu. Đế Thích là chuyển danh của Indra vào trong Phật giáo để nơi này đồng hóa cho kẻ làm chủ trì cõi trời “Dục gới đao lợi”. Nhưng Indra cũng là vị thần của Ấn độ giáo, vua các vị thần, chủ trì sấm sét, ngự trên voi ba đầu. Vì nằm trong hệ thống phật giáo, Indra là vị chủ tể bị tước đoạn quyền hành – cần thiết cho Phật giáo bao trùm thu nhận Ấn Độ giáo thôi, cho nên trong quan niệm Trung Hoa cũng như Việt Nam của tầng lớp nho sĩ, Đế Thích là một vị thần thung dung nhàn hạ. Hiểu rằng thần Đế Thích có nội dung Indra oai quyền trùm khắp, chỉ có đám dân Chàm hay ảnh hưởng sâu đậm Chàm mà tín ngưỡng thời có một kinh đô dâng cho Thần còn tràn đầy sinh động.

Vị trí thị tộc của nhà Lê cũng dọn sẵn một khảnh đất cho những tin tưởng này nẩy nở, tất nhiên dưới những hình thức chuyển biến. Lê Lợi là dòng dõi một thày mo Mường, du canh về núi Lam, truyền lại cho con một tước vị chúa động và quyền uy trên ngàn người dân. Vị anh hùng cởi ách nhà Minh, xuất thân là vị Phụ đạo làng Khảm Lam, trách gì ông Nhượng Tống chẳng cho tổ chức Lạc hầu, Lạc tướng của Hồng Bàng là chuyện bịa, cóp trên tổ chức dân Mường Lam Sơn![12] Lên làm chủ nước, nhà Lê phải mệt với sự xung đột giữa quan niệm duy lý của một chính quyền tập trung theo ước thúc Nho giáo chống mọi tư tưởng bùa chú truyền thống trong giòng họ mình, rải rác ở các hoàng thân quốc thích, làm nhân cho sự phát inh phái Nội Đạo sau này.

Chính trong tư tưởng đó mới có đến hàng vạn người cạo trọc đầu, tin theo xác thân của vị thần Đế Thích nhàn hạ ở danh từ, mà Indra, hiếu chiến ở nội dung.

Một nhân vật quan trọng nữa trong toán quân là một người Chàm, không biết chính tên là gì mà có lẽ phiên âm là Đồng Lợi và cho có vẻ Đại Việt hẳn là Phan Ất – họ Phan chuyển từ chữ phiên, phiên dân, một thứ dân rợ, và Ất, tên một kẻ nào đó, lấy từ can chi không đặc biệt như tên Mỗ của Phan Mỗ mấy mươi năm trước vậy. Sử ký ghi Ất là một thuộc tướng của Cao, song có lẽ trong ảnh hưởng buổi đầu, ông từ giữ đình không hơn gì mấy tên gia nô của Trịnh Duy Đại. Ất điều khiển như một viên tướng có toàn quyền, đánh đuổi Trần Chân khi Trần Cao ngồi trong kinh thành như một biểu tượng cho chính quyền mới.

Dưới quyền của những người như vậy, không lấy làm lạ rằng lối điều binh khiển tướng không theo những chiến thuật đương thời. Nhưng về phần sử quan, họ vẫn phải ngạc nhiên, cho nên gọi toán quân bắt Trịnh Duy Sản – em Trịnh Duy Đại, dòng họ chủ nô của Phan Ất – là một loại binh lạ, chiến đấu theo cách không lường trước được, một loại “kỳ binh”.[13]

Ảnh hưởng lịch sử của cuộc biến loạn này thật là to tát. Biến loạn Nguyễn Văn Lang khởi xướng chỉ là một cuộc thanh toán ở Triều đình. Loạn Trần Cao có tính cách xã hội, tập trung được nhiều yếu tố quấy đảo nên gây thanh thế lớn hơn Phùng Chương ở Sơn Tây, Đặng Hân ở Thanh Hóa, Trần Công Ninh ở Yên Lãng (1515). Chính giữa nơi hỗn loạn đó mà Mạc Đăng Dung biểu lộ đặc tài để gây cuộc khuynh đảo mở đầu cho thời phân tranh của Đại Việt chỉ kết thúc vào đầu thế kỷ 19.

Mấy thế kỷ phân tranh, các sử gia truyền thống vẫn coi như là kết quả, ban đầu của công trình tranh đoạt chính quyền trong tay họ Mạc phản phúc, sau dần dần trở thành cuộc tranh đoạt quyền lợi riêng tư của hai họ Trịnh, Nguyễn về chính thành quả công trình trước đem lại: lịch sử chẳng ghi là ông tổ nhà Nguyễn, Nguyễn Hoàng, xin đi trấn đất Thuận Hóa là để tránh tai vạ Trịnh Kiểm đấy ư?

Phải nói ngay rằng kiến giải đó, coi cuộc phân tranh Nam, Bắc có nguyên nhân ở sự hiềm thù hai họ, không còn có uy thế mấy nữa, bởi vì sự giải thích nông cạn của nó chỉ bao trùm trên một giai đoạn phân tranh, phân tranh Trịnh Nguyễn. Ông Lê Văn Hòe đã biện hộ cho Mạc Đăng Dung, nhà Mạc nói chung: đến ta, ta cũng phải khách quan một chút: Mạc cướp quyền Lê khác gì Trần cướp quyền Lý, Lý cướp quyền Tiền Lê, Lê cướp quyền Đinh, Đinh Bộ Lĩnh đuổi Xương Xí đâu? Vậy phân tranh trong nước Đại Việt là kết quả của sự tan rã xã hội: tan rã về uy thế chính quyền trung ương, thất bại trong cố gắng tập trung của các vị vua Lê – nhất là Lê Thánh Tông – không đủ năng lực dự trữ để đối phó với sự lớn mạnh ở các địa phương do việc những tính chất Chiêm Thành, Chân Lạp gia nhập chuyển hóa vào hệ thống Đại Việt.

Đứng ở Thăng Long, làm tướng cho chúa Trịnh mà thấy mấy lần Nam chinh bị thất bại, ta có thể nói đến sự tan rã tuyệt vọng vì khí thiêng non Nùng, sông Nhĩ hình như mãi mãi không còn đủ sinh lực để đem quyền bính vào quá sông Gianh. Nhưng đứng ở một vị trí bao quát hơn, suy xét bằng một quan điểm rộng rãi hơn, nhìn vào sự lớn mạnh của “nước” Nam Hà, đối kháng với “nước” Bắc Hà, ta thấy những biến chuyển ở miền đông bán đảo Đông Dương trong mấy thế kỷ đó là dấu hiệu của một nước Việt nam đang hình thành, đang ở trên đường, dọ dẫm đi tìm một thế quân bình mới.

Thêm nữa, sự sáp nhập phần đất hoạt động nhất của Đế quốc Phù Nam vào dưới quyền chúa Nguyễn khiến Nam hà hưởng trọn vẹn truyền thống thương nghiệp của phần nam bán đảo. Có một hậu phương đầy hương liệu, lâm sản, vàng xứ Quảng chuyển qua các nguồn gạo mía, đường, cau trầu, của đồng ruộng được tăng năng xuất vì quan niệm trọng nông mang hình sắc ý thức hệ mới “dĩ nông vi bản”, chúa Nguyễn thật có đủ tài nguyên cung cấp cho mọi cuộc trao đổi với bên ngoài. Faifo, Chinchin hay Chincton bay (Qui Nhơn), Sài Gòn, Cancao (Cảng khẩu Hà Tiên) dập dìu tàu bè lui tới. Nam hà có thể hãnh diện với sự kế tục đó khi có bằng chứng toán thủy quân của Thế Tử Nguyễn Phúc Tần đánh tan đoàn tàu của Công ty VOC Hòa Lan (1643) quen mùi với những chiến thắng trên Đế quốc Mataram lung lay ở Java.

Tính chất thương nghiệp đó của Nam hà giải thích một phần sự xuất hiện của phong trào Tây Sơn. Trái với Nam hà, bọn sĩ phu miền bắc đủ truyền thống lâu dài, đâm gốc mọc rễ để chèn ép bọn “các lái”, khiến Nguyễn Hữu Chỉnh, theo người cha thương gia núp bóng võ quan Hoàng Ngũ Phúc, cũng không thấy có đất hoạt động, phải chạy vào nam đầu Nguyễn Nhạc, mới trở về làm được chuyện “hơn đời”.

Nhưng phải thấy một yếu tố khác khích động phong trào Tây Sơn. Ta nhắc lại loạn Trần Cao. Toán quân mặc quần áo đen, hợp với nơi khởi nghĩa là huyện Thủy đường, ăn khớp với lời sấm có khí sắc thiên tử tại phương đông, phía biển ; tương quan Ngũ Hổ và Ngũ Hành của phái Nội đạo xuất hiện vào thời chúa Trịnh đã có nền tảng ít ra là từ thời đó. Có một chút biến đổi giữa hai quan niệm: sắc đen của quân Trần Cao hợp với hành thủy ở phương đông, trong khi Hắc hổ của đạo Nội hợp với hành Đông thủy ở bắc phương.[14] Nhưng khác biệt nhỏ đó không làm mất bằng chứng quan trọng về chuỗi liên tục của những tin tưởng sấm ký, quy tụ cao độ vào con người vị cư sĩ am Bạch Vân đã chỉ dẫn lối thoát cho con cháu nhà Mạc, cho Nguyễn Hoàng, đã dạy được một ông Trạng sau này xướng thơ với vị thánh mẫu của Đạo Nội: Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *