Vị trí của Đại Việt, Chăm Pa, Phù Nam… (tt): Hiện tượng gọi là Nam tiến – Dòng lưu chuyển văn hóa.

VI. – GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ: LỊCH SỬ VIỆT NAM NHÌN TỪ BÊN TRONG CÁC BỘ PHẬN TẬP THỂ

Những nhận định trên giúp ta đi đến một kết luận dứt khoát với quan niệm cũ. Chúng ta đã biết các sử gia và sử quan đều có một điểm chung là nhìn từ lịch sử Việt Nam với một tính cách đơn thuần, một chiều, hoặc trên bình diện chính trị, hoặc trên bình diện văn hóa.

Quan điểm của các sử quan không phải là không có cớ để biện hộ. Họ là những nhà viết sử cho một dòng họ, và trong tinh thần hăng say vì nhiệm vụ, họ vẫn thành thật tưởng rằng dòng họ đó là cả quốc gia: vì thế tiếng nhơ muôn đời mới đổ xuống đầu Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, anh em Tây Sơn. Chọn vị trí phục vụ, họ dừng lại nơi những biến chuyển có liên quan đến dòng họ đó nên không có nổi một ý thức đa tâm về lịch sử: biến động Nùng (Tôn Phúc, Trí Cao) được các sử quan coi như một cuộc loạn của bọn man di, cùng loại với bọn “tặc tử, loạn thần”, chứ không thấy ở đó một cuộc khủng hoảng về tương quan nhân chủng của một vùng đất độc lập muốn có một chính quyền tập trung. Còn nói gì đến thái độ của họ đối với đám nhân chủng phía nam, vì thoát ách thuộc địa sớm hơn nên phải đi tìm sức mạnh chống đối hữu hiệu ở một nền văn hóa khác Trung Hoa mà do đó càng tách rời bộ phận miền Bắc. Thấu hiểu tinh thần duy kỷ của họ, chúng ta không lấy làm lạ tại sao một ông vua làm rể Đại Việt như Jaya Shimhavarman III lại bị gọi là “thằng mán, thằng mường”. Mãi đến sau này, khi hai bên bờ sông Gianh dân Nam, Bắc hà nói chung một thứ tiếng rồi mà thái độ lịch sử quy tâm đó còn biểu lộ ở lời xưng hô của sứ bộ Trần Công Xán với Trần Văn Kỷ của Bắc Bình Vương, một điều “quý quốc”, hai điều “bản quốc”.

Niềm hãnh diện đó của con cháu Ngô Sĩ Liên… cũng có khi được những học giả Pháp sau này chia sẻ. Nhưng trong khi vạch trên bản đồ những năm tháng chỉ rõ sự đổi thay, họ cũng biểu lộ lòng thán phục đồng thời với ẩn ý biện hộ cho công cuộc xâm chiếm đất đai của họ: dân Việt đã lấn lướt cả ngàn cây số, đã chiếm đất đai của một dân tộc, và suýt nữa thì một nước khác biến mất trên bản đồ Đông Dương nếu không có người Pháp can thiệp kịp thời. Không biết khoa học khi mới nảy sinh trên vùng biển Egee có được dùng làm khí cụ biện hộ cho cuộc Đông chinh của Alexandre le Grand không, chứ đến thế kỷ 19, 20 của chúng ta, những luận cứ khoa học của người Tây phương không làm sao giấu được ý muốn phục vụ cho họ; “meme votre erudition est colonialiste”[20], lời trách cứ nghiêm khắc của người sinh viên Ai Cập hẳn không phải phát xuất từ một thiên kiến tự tôn hay tự ti.

Điểm mà chúng ta phân tích dài dòng trên, H. I. Marrou gọi là công cuộc psychanalyse existentienlle, cho ta thấy vai trò cùng hình bóng của sử gia trong các tác phẩm của họ. Chúng ta hãy lấy một ví dụ nóng hổi: trong vấn đề phân biệt Lạc và  Hùng. Lạc Việt và Việt Nam, một bên ông Nguyễn Phương và những người ủng hộ ông, một bên những người phản đối ông, ông Trần Viên chẳng hạn, chẳng đã có những luận cứ biểu lộ cả một thái độ “tham gia” rất ư là hiệu hữu, thúc đẩy bằng những nguyên nhân tình cảm không phải là sử học đó sao?[21]

Những tiến triển của bộ phận phê bình tri thức khoa học nhận xét tương quan giữa chủ thể quan sát và vật thể bị quan sát, cho thấy không có sự phân biệt giữa khoa học thiên nhiên, ở đó quan sát được thi hành đến khách quan tuyệt đối, và khoa học nhân văn, ở đó chủ thể quan sát vừa là vật thể bị quan sát. Kết luận mà quan điểm biện chứng khoa học đưa lại là chỉ có các khoa học của tâm trí con người, tiến triển trong một tương quan đối thoại và bổ túc giữa chủ thể và vật thể thôi. Lịch sử, hiểu như một khoa khọc là một công trình tìm tòi dẫn dắt con người nghiên cứu đi dò hỏi quá khứ sáng rõ với sự tăng tiến kiến thức của học giả. Sử học, hiểu như là một khoa học, phải được xét lại, quan niệm lại, mỗi khi có một yếu tố mới (thế hệ học hỏi đổi mới, tài liệu phát kiến thêm…) đến làm thay đổi tương quan khảo sát.

Điều này biện hộ được cho mối khác biệt quan điểm mà ta đã tạm gọi là sai lầm của người xưa và bài bác những rơi rớt còn lại nơi người đồng thời, bây giờ. Vấn đề đưa ra là nếu phải thay đổi quan điểm, người ta có khiến sử học phải khoác bộ áo thăng trầm của chính trị, lãnh vực hay lấn lướt nó hay không? Và tiếp theo, nhưng vẫn có liên hệ với vấn đề nêu trước là tài liệu sẽ đóng vai trò nào trong sự chuyển đổi quan điểm đó?

Câu hỏi đầu được đặt ra là vì người ta liên tưởng đến những tài liệu của “Ngụy Tây” bị nhà Nguyễn đốt tiệt, và gần hơn trong thời gian là việc sửa đổi bộ sử Cách mệnh Nga dưới thời Staline; người ta nghĩ đến sự lấn át khoa học của uy quyền chính trị, như trường hợp Djanov, tuy thú nhận là không có thẩm quyền về triết lý mà vẫn bằng vào quan điểm duy vật chính thống để sửa sai tác phẩm Lịch sử Triết học của Alexandrov. Không phải công nhận sự thay đổi quan điểm không phải là để biện hộ cho những âm mưu giả trá, nhưng để nhận thấy thiết yếu của tư tưởng khoa học là chuyển biến đến hoàn thiện trong giới hạn tương đối của khả năng con người.

Lịch sử, quá khứ được sử học khám phá, đem trình bày, không phải là quá khứ đơn thuần, trọn vẹn. Lịch sử nào cũng là quá khứ được sử gia đem tim, óc vào rọi tìm với sự cách biệt không thể nào xóa bỏ được giữa con người hiện tại của sử gia và tính cách lùi trong quá khứ của sự kiện: một người nhớ lại một xúc cảm đã qua, hoặc lạnh lùng, lãnh đạm xét đoán thì không đạt được kết quả, mà đánh thức mọi lý trí, tình cảm dậy thì tính chất sống động gợi ra đó chỉ là xúc cảm hôm nay, chớ không phải của ngày qua.

Người ta có thể thu ngắn khoảng cách đó bằng hai phương tiện: những tài liệu, dấu vết thiếu xót của quá khứ, và sự cảm thông, đưa người khảo cứu lẫn người đọc sách chia sẻ mối tin tưởng hiểu thấu được quá khứ. Quá khứ đó, lịch sử đó, không phải là ở ngoài ta, tách biệt với ta mà là hòa lẫn với ta để biến thành một tập thể Ta rộng lớn: những người không cùng họ những ngươi khác làng…. Vẫn nghe đến câu chuyện 100 trứng, vẫn thấy dấu vết tục ăn trầu… nên tin ngay, chấp nhận ngay sự kiện đánh tan Mông Cổ chẳng hạn, như chiến công của ông cha (gần gũi) của họ tạo tác, như kết quả của chính họ phải hi sinh[22].

Lịch sử của Ngô Sĩ Liên chép, của Quốc tử giám nhà Nguyễn tập hợp, lấy sự cộng thông đó nơi sự liên tục của một hệ thống triều đình, để chấp nhận lịch sử Đại Việt như là độc nhất, quy chiếu các tập thể khác về đấy. Lịch sử các đế quốc Chàm, Phù Nam, như lịch sử các tập thể ở bên ngoài dòng chính, chỉ được nhắc đến khi nó có liên quan đến Đại Việt thôi (những cuộc thông sự, chiến tranh…). Ấy thế mà như ta đã chứng minh dài dòng ở trên, các tập thể này có những mối tương quan nhân chủng, văn hóa với Đại Việt, mật thiết đến nỗi ta có thể mở rộng cái Ta Tập Thể tràn ngập cả ba bộ phận khu vực trên: lịch sử Việt Nam là lịch sử nhìn từ bên trong sự phát triển của ba bộ phận Đại Việt, Chiêm Thành, Phù Nam qua những khoảng thời gian dài dằng dặc.

Cần phải xác định thêm rằng những quốc hiệu được dùng trên chỉ có tính cách tiêu biểu, đại diện. Mỗi một đời vua, mỗi một giai đoạn lịch sử, chúng ta thấy có những quốc hiệu khác nhau. Lạc Việt, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Lâm Ấp, Hoàn Vương…, chúng ta chọn trong đó 3 tên tiêu biểu để nói đến các khuynh hướng bộ phận. Rồi ta lại dùng cái tên Việt nam của Nguyễn Ánh đặt ra để chỉ đại bộ phận sau khi đã kết thành[23].

Ta dùng chữ đưa lời, dùng tay chỉ vật tất nhiên cản trở còn nhiều mới dẫn đến chấp thuận chung được. Vì lề lối khuôn sáo suy tưởng, có sẵn, ràng buộc con người ta nhiều lắm. Từ vị trí ban đầu vốn cũng chỉ là một cách chọn lựa, ta quen dùng đến trở thành dĩ nhiên, tất nhiên, khác đi là vô lý, là thiếu căn bản.

Thực ra, phải công nhận rằng sự đổi thay đôi khi chỉ bị thúc đẩy bằng ý thức lập dị, hay lương thiện hơn, bị lôi cuốn bằng tính ưa chuộng mới lạ. F. de Coulange cảnh cáo người ta phải dè chừng trong khi ham đi tìm kiến giải mới. Ở ta, tinh thần chuộng mới lạ còn được biểu lộ, khích động bằng lòng ái quốc, sự thức tỉnh địa phương. Không chịu những nguyên tắc của người Pháp đề ra, người ta muốn tìm một phương thức Việt Nam; không bằng lòng một cơ sở tư tưởng Âu Tây, người ta muốn dựa trên nền tảng Á Đông. Hoài bão không phải là không đáng khen, nhưng đôi khi vì kiêu kỳ, người ta đã quá hấp tấp, nông cạn. Tính cách vượt qua đích thực không phải là gạt bỏ sang bên hệ thống mà nó phủ nhận, nhưng chính là thu nhận hệ thống đó cũng như các hệ thống hiện hữu khác thành những bộ phận của hệ thống mới kiến tạo. Thành công tùy thuộc vào giá trị kết hợp, vị trí tương xứng của mỗi bộ phận trong kết tập mới: có ai muốn nói đến sự tổng hợp văn hóa ngày mai phải tìm cho Đông hay Tây đều có chỗ đứng đích thực trong hình thức tương lai; có ai muốn nói đến sự tổng hợp văn  hóa ngày mai phải tìm cho Đông hay Tây đều có chỗ đứng đích thực trong hình thức tương lai; có ai muốn tìm một phương thức cho sử học Việt Nam ngày nay, không nên quên theo đuổi những thành quả suy tưởng mới của Âu Tây đem thử thách vào hiện trạng của căn bản tư tưởng có sẵn cùng với phương tiện làm việc ở nước nhà.

Chủ trương của chúng ta phù hợp với thực tế địa lý hiện tại. Câu sáo ngữ “từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mâu” có vẻ không chịu tương hợp với quan niệm lịch sử cũ. Có người sẽ vội nghĩ rằng chúng ta lẫn lộn quá khứ với hiện tại, quên một đặc tính của sự kiện lịch sử là đặc thù vì gắn liền với yếu tố thời gian. Không, chúng ta không xáo trộn  hai lãnh vực đó; chúng ta chỉ nghĩ như trên đã nói, rằng sử gia từ trong hiện tại, dõi sâu vào thời gian, đi tìm dấu vết của quá khứ. Mà hiện tại, trên mảnh đất “từ ải Nam quan đến mũi Cà Mâu” này, có những tập thể đã sinh sống, đã oai hùng hay tủi nhục mà vì một quan niệm lịch sử cạn hẹp, cận thị, chúng ta đã không nhắc đến. Quá khứ có mà không ghi, điều đó mới chính là phản bội phương pháp.

Kiểm tra tương tự

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *