Tổ chức UNESCO có khuyến cáo rằng quốc gia nào hiện có lãnh thổ bao trùm những đế quốc, dân tộc mất đi, có bổn phận phải viết về lịch sử các đế quốc dân tộc đó. Ý kiến này mang một tính cách nhân đạo tự tôn nhưng không phải là không hữu lý. Chúng ta không nghĩ rằng chép lại lịch sử các dân tộc mà người ta gọi là đã mất đi, đã bị tiêu diệt đó, không phải chúng ta làm một công việc ban ơn hay chuộc lỗi của kẻ chiến thắng mà là làm công việc của kẻ kế tục truyền thống.
Nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại sẽ không chép lịch sử của họ từ khi bộ lạc Tabgatch dựng một triều vua phía bắc Trung Hoa từ năm 430-557, cũng không phải khi họ tung hoành trên sa mạc đe dọa Tùy, Đường, mà cũng không phải nhắc đến các bộ lạc Turc trên vùng Tân Cương (hãy dùng chữ Turkestan để chỉ rõ chủ nhân vùng đất), hay tràn ngập Iran. Ấn Độ với các triều đại Chaznevides (962-1186), Seldjoukides 91037-1157), Moghols (1526-1857) tiếp nối truyền thống địa phương của các đại đế Darius, Khosroes, Acoka. Lịch sử của Thổ là lịch sử của đế quốc Roum thuộc dòng họ Shelijoukides trên bán đảo Anatolie, kế tục công trình của dân tộc Hittites có liên hệ dòng máu với giống Italo-celtique, cầm đầu bởi đám trưởng giả Indoeuropeen và dân tộc Galate, giống Celtes từ eo biển Bosphore xâm nhập tới. Cho nên không phải vì lãng mạn của nhà khảo cổ tài tử, không phải vì giả dối chính trị mà Mustapha Kesmal đòi hỏi Thổ được quyền hưởng nhận quá khứ Hittite, Galate của vùng bán đảo[24]. Có một sự thực là qua những thăng trầm của lịch sử, các dân tộc nối nhau sống trên một phần đất đã tìm được mối cộng thông tinh thần để kiến tạo xứ sở họ có dưới tay.
Đổi thay quan điểm lịch sử đơn tâm bằng quan điểm lịch sử đa tâm không phải là không vấp phải khó khăn này nữa. Viết về tiền sử nhân loại, G. Clark đã viện dẫn A. Toynbee để chê các quan điểm lịch sử hiện hành là được thực hiện vào thời siêu âm và phá vỡ nguyên tử với quan niệm thời xe ngựa lọc cọc, coi trung tâm lịch sử thế giới là văn minh Âu Châu. Nhưng giáo sư Clark cũng dựa vào quan điểm của Toybee để cảnh cáo đề phòng ý tưởng lẫn lộn những tương tranh của văn minh và những tương tranh quốc gia[25].
Ở đây cũng vậy. Có người sẽ dựa trên một vài lời khen hời hợt về tính cách đồng nhất của xã hội Việt Nam của một số du khách rồi phối hợp với những tương tranh trong quá khứ mà tố cáo người viết có hậu ý chính trị. Có người ôn hòa hơn cũng sẽ vạch ra được những rơi rớt của tinh thần phân rẽ nằm trong vô thức của người viết.
Trước hết, hãy đi đến chỗ gây khích động nhiều nhất: phá bỏ những ràng buộc giới hạn của một vấn đề sử học để bàn đến hiện trạng quốc gia, thực trạng văn minh, phải nhận rằng quốc gia ta không đồng nhất như người ta tưởng đâu. Chúng ta mở rộng nghĩa chữ Việt Nam thành toàn thể quốc gia mới thấy rõ sự đồng nhất đó. Chúng tôi còn nhớ rõ trong một giờ giảng ở trường Đại học Văn khoa Sài gòn, một giáo sư Pháp khi nói đến người Thượng đã gọi là les Vietnamiens (từ chữ Vietnam, như Hanoi – hanoien, Đà Lạt – dalatois…), rồi thấy mặt sinh viên ngơ ngác, ông ta mỉm cười một cách có ý nhị, sửa lại là les Montagnards. Không chấp nhận những tiểu dị, khác biệt địa phương, người ta không đi đến thống nhất như mong muốn mà trái lại gây ra những phân rẽ: nhóm FULRO thành lập được vì những nguyên nhân chính trị cấp thời ở đây không phải chỗ bàn tới, nhưng sự kiện họ tự cho là đại diện của đế quốc Chàm xưa là một chứng cớ tai hại của quan niệm lịch sử cũ.
[1] A. Pazzi, sdd.
[2] Les Races et les Langues, Felix Alcan, Paris, 1893, 61.
[3] L’Annam, B.A.V.H., Janv. Juin 1931, 61.
[4] Đại Việt Sử Ký, sdd, 57.
[5] Phiếm luận về văn chương Việt Nam, Hòa Đồng số 13, 3-4-1965, 11, 12.
[6] L’Homme et la Religion, Coll. L’Evolution de l’Humanite, A Michel, Paris, 1963. Khảo sát của P. Challus nhắm vào những mục tiêu có giới hạn: nhắm vào các tôn giáo tiền sử và do đó, các tôn giáo ở những vụng cách biệt các ảnh hưởng bên ngoài (trang 11). Ở đây, tuy ta đã nhận rằng vị trí bán đảo Đông Dương mở rộng cửa với thế giới chung quanh, nhưng ta cũng có thể thấy ở nền tảng còn sót lại tính chất cổ xưa (L’Annam, sdd, 76-80). Với thời gian, tính cách phức hóa của ý niệm tôn giáo sơ khai dựa trên tin tưởng Nữ? Nam thần phân biệt, sẽ càng ngày càng gia tăng, (bản tóm lược của Challus trang 433, 449). Trong tin tưởng Nữ thần, cái bụng và những gì có hình dáng của hạ bộ là dấu hiệu của sự sinh sản phồn thịnh mà về sau, khi các tôn giáo Nam thần lấn lượt, có thể thay thế bằng các dấu hiệu nam tính. Trong dấu vết của văn minh Đông Sơn, chúng ta đã thấy hình ngôi sao có tia mà người muốn giải thích là dấu vết đạo thờ Mặt Trời, tràn trề tính cách nam tính như chữ Thái Dương của Trung Hoa chỉ rõ.
[7] Lê Văn Hảo, Les Fetes Saisonnieres au Việt-Nam. Revue du S.ElA (Extrait) No 4, 1962.
[8] Hải ngoại Ký sự, sdd, 105-6.
[10] Lê Tắc, An nam Chí lược, Ủy ban phiên dịch Viện Đại Học Huế, 1960, 41.
[12] Lam sơn Thực Lục, Mạc Bảo Thần dịch, Tân Việt tái bản Sàigòn 1956, 7 – Đại Việt Sử Ký, sdd, 39, 53.
[13] Khâm Định Việt Sử Thông Giản Cương Mục, Chính biên, q. 20, 25b-34b.
[14] Về Đạo Nội cùng tương quan Ngũ Hổ, Ngũ Hành, xin xem Louis Chochod – Occultisme et Magie en Exl. Orient, Inde, Indochine, Chine, Payot Paris, 1949, 317-23.
[15] H. Dauphin Meunier, sdd, 10, 11.
[16] O. R. T. Janse, sdd, 22.
[17] Presence du Cambodge, sdd, 382, 383.
[18] Bull, de la Soc, des El. Indoch., t. XXXIX/1, 1961, 138.
[19] Xem ba bức hình chụp ngôi làng Plei-Tower (bộ lạc Bahnar), các nhà làng bộ lạc bắc Jarai của từ Missi, 6 – 1960, 196, 197.
[20] Th. Van Baaren. Les Religious d’Asie, Marabout Universite, Paris, 1962, 176.
[21] Chúng tôi quả là tên trò nhỏ không thuộc bài: H. I. Marrou dặn chớ nên đem áp dụng việc phân tích (De La Connaissance…, sdd, 204) vào những người còn sống vì không khéo mà sẽ bị ra tòa về tội phỉ báng theo điều luật 29-7-1881? (sdd, 242).
[22] Chúng tôi nhớ đến câu chuyện trao đổi với anh Y. EB. Sinh viên Sĩ quan Thượng của k hóa 19 Trừ bị: đối với anh, câu chuyện chia con 100 trứng đã cởi bỏ hết mọi đặc điểm của vùng Trung châu Nhĩ Hà mà chỉ còn giữ lại ý nghĩa người trên núi, kẻ dưới đồng đều cùng chung nguồn gốc, Kinh Thượng một nhà. Đành rằng đó là kết quả của tuyên truyền, nhưng kết quả đó một khi lập thành cũng làm bằng chứng cho luận cứ của chúng tôi ở trên.
[23] Chú thích của người biên tập : ba tên là Đại Việt, Chăm Pa và Phù Nam. Việt Nam được hiểu là kết quả cuối cùng của mối tương quan tổng hòa ba thành tố trên.
[24] R. Grousset – La Face de l’Asie, P.B.P., Paris, 1962, 58, 59, 65.
[25] La Prehistoire, sdd, 11.