Trời lạnh quá, mấy đứa bạn quây quần bên đống lửa, nhâm nhi ly trà nóng, to nhỏ chuyện vui buồn! Số là đứa con được sinh ra trong sự quằn quại và khắc khoải của mẹ thiên nhiên mang tên Covid-19 đã kéo sập quán ăn của Minh, quăng bụi lên quầy hàng của Đức và chăng tơ trên trần nhà của Khang. Ai nấy đều thở ngắn than dài về một năm kinh tế buồn!
Riêng Hải, anh vẫn trầm ngâm lắng nghe tất cả, cặp con ngươi đăm chiêu nhìn nàng lửa nhảy múa, nghiêng ngả theo sự đưa đẩy của chàng gió cô đơn. Chỉ đến khi nhận được hơi ấm từ cái thúc tay nhè nhẹ của Thu, Hải mới giật mình và ậm ừ lên tiếng. Chất giọng trầm khàn nhưng cũng không kém phần thanh thản, anh nói: “Nếu có thể tìm ra cách bào chế và đóng gói niềm hy vọng, tôi sẽ có một viên thuốc mạnh hơn bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào hiện có trên thị trường.” Thực tế không phải là Hải nằm ngoài phạm vi tàn phá của Covid-19, nhưng chính nhờ có niềm hy vọng như một liều thuốc kỳ diệu đã giúp Hải chữa lành những vết thương trong quá khứ; vượt qua những nghịch cảnh của hiện tại và cảm nếm trước niềm hoan lạc của tương lai.
Nhấp tiếp ly trà đắng, đôi mắt lim dim, Hải chậm rãi nói tiếp:
– Tôi vẫn nhớ khi tôi 13 tuổi, tôi cầm đầu đám trẻ trâu trong làng, đột nhập vào vườn nhà bà Tám để hái trộm nhãn. Đang khi ‘hành sự’, bỗng con chó nhà bà nghe thấy tiếng động, nó thức giấc rồi lao ra tấn công chúng tôi dữ dội. Sẵn có cây gậy trong tay, tôi đập một nhát chí mạng khiến con chó kêu ẳng một tiếng rồi loạng choạng chạy về phía bếp.
Một hôm, nghe bà Tám than với hàng xóm rằng con chó nhà bà bị ai đó đánh vào đầu, xưng u một cục, mấy ngày chẳng ăn uống gì, đến một tối nọ thì nó lăn ra chết. Bà buồn rầu quá mức, lật đật ôm “người bạn thân nhất” của mình ra chôn tại gốc cây nhãn sau nhà. Từ bữa ấy, đôi mắt bà cứ trũng nặng, lòng buồn rười rượi. Thậm chí có hôm bà còn ngồi cả ngày dưới gốc nhãn để tâm sự hoặc chỉ để ngồi với con chó vậy thôi chứ chẳng nói lời nào.
Nghe vậy, chân tay tôi bủn rủn rụng rời. Tự dưng tôi cảm thấy căm thù bản thân và tâm can quằn quại rát bỏng như bị ai tạt axit vậy. Vì tôi biết rằng bà Tám chỉ sống có một mình, không chồng không con. Bà chỉ có con chó vừa là lính canh nhà, vừa là bạn thân thiết, vừa là con ngoan hiền. Giờ nó chết rồi, chắc bà đau khổ lắm.
Càng nghĩ thêm, lòng tôi càng đau đớn. Tôi nghiệm ra rằng, lúc đầu người ta sẽ khoái chí lắm khi gây thiệt hại, gây thương tổn cho một ai đó, thậm chí còn coi đó như một chiến tích để khoe khoang với bạn bè. Thế rồi, sự khoái chí ấy sẽ nhanh chóng biến thành lòng hối hận khi ta biết rõ hơn về hậu quả của những việc mình làm. Nhưng đến khi ta tận mắt nhìn thấy hoàn cảnh sống và chạm đến trái tim rướm máu của nạn nhân đáng thương ấy, ta sẽ cảm thấy ghê tởm và nguyền rủa bản thân vì sự độc ác của mình.
Từ dạo đó, vết thương trong lòng tôi ngày càng trở nên nghiêm trọng đến độ tôi hoàn toàn thu mình lại, ít nói ít cười hơn. Tôi chỉ còn biết hy vọng, hy vọng và hy vọng rằng bà Tám sẽ sớm nguôi ngoai nỗi buồn; rằng một ngày nào đó, tôi sẽ thú tội với bà và được nghe lời tha thứ từ chính miệng bà nói ra; chỉ khi ấy vết thương của lòng tôi mới được chữa lành và lương tâm tôi mới được thanh thản.
Vết thương ấy cứ thế rỉ máu và gây nhức nhối cho tôi suốt 7 năm ròng sau đó. May mắn thay, chính niềm hy vọng đã cho tôi gặp gỡ được niềm hy vọng của mình. Trong một lần về quê thăm bố mẹ, tôi đã đến thăm bà Tám. Lúc này bà đang đau bệnh nặng, nằm liệt giường. Tôi đã thú tội với bà trong tiếng khóc nức nở. Bà Tám cũng nghẹn ngào tha thứ cho tôi với một tấm lòng đầy quảng đại, ấm áp, yêu thương và chân thành.
Tôi tự hỏi, nếu như tôi không nuôi dưỡng niềm hy vọng ngay từ đầu, thì liệu rằng tôi có đủ can đảm để đối diện và nói lời xin lỗi bà Tám như thế không? Như vậy, niềm hy vọng thật là một liều thuốc tốt nhất đã mang đến cho tôi sự chữa lành vết thương trong quá khứ của mình. Một vết thương không thể nói ra và chẳng một ai khác có thể cứu chữa. Tôi tự nhủ: Ai khước từ hy vọng là khước từ sự giúp đỡ từ chính bản thân mình.
Nghe đến đây, Minh gật gù tỏ ra tâm đắc lắm. Nhưng có vẻ như Khang thì vẫn thấy hậm hực. Khang nói: Thế viên thuốc hy vọng của ông thì có ích gì trong tình hình hiện tại. Covid-19 còn chưa có vắc-xin đại trà chứ nói gì đến thuốc chữa trị.
– Ông không cô đơn trong cuộc chiến khốc kiệt này, Hải nói. Chúng ta vẫn còn có thể hy vọng! Thực ra Covid-19 chỉ có thể xô ngã những kẻ kiêu căng và tự phụ chứ nó không thể xô ngã được những người khiêm nhường. Vì những người khiêm nhường thì đã nằm sát dưới mặt đất rồi, ai còn có thể làm họ ngã được chứ. Nhưng hy vọng chỉ trở nên hữu hiệu khi người ta thực sự tin rằng những gì họ làm có thể tạo ra sự khác biệt, rằng hành động của họ có thể mang lại một tương lai khác với hiện tại, rằng hy vọng sẽ luôn kéo chúng ta về phía trước ngay cả khi đôi chân đã rã rời.
Không những thế, nếu vận may đem đến cho ta sức mạnh và động lực thì những điều không may mắn lại đem đến cho ta những bài học quý giá. Ở đây là bài học về sự khiêm nhường, về tình liên đới và cái nhìn hướng thượng. Covid-19 như một phép thử – nơi đó, tâm can và lòng trí mỗi người sẽ lộ ra. Nhưng sau tất cả, chỉ người nào có niềm hy vọng mới nhận ra những bài học đó. Họ không kêu ca, không phản kháng, nhưng đón nhận bản thân và thực tại cuộc sống như nó là: rằng họ không mong muốn mọi sự cứ phải xảy ra theo ý muốn của họ, nhưng là mong muốn mọi sự cứ xảy ra như nó phải xảy ra.
Nói đến đây, Hải bỗng rưng rưng nước mắt như vừa nhận được sự đụng chạm của thần linh vào trái tim mình, khiến nó bỗng thổn thức và xúc động đến lạ. Anh nói tiếp:
– Niềm hy vọng còn cho ta cảm nếm trước niềm hoan lạc của tương lai. Không chỉ là tương lai của đời sống hữu hạn này nhưng là tương lai của một đời sống vĩnh cửu. Anh chép miệng, khẽ lắc đầu: Một tâm hồn không khao khát và không hy vọng vào lời hứa hẹn vĩnh cửu là một tâm hồn non kém nhất. Và niềm hy vọng vào lời hứa vĩnh cửu ấy chỉ có thể được đặt để nơi một Đấng vĩnh cửu là Thiên Chúa mà thôi.
Hải vừa dứt lời thì tiếng chuông Nhà Thờ cất tiếng báo hiệu giờ Lễ Giáng Sinh sắp bắt đầu. Cả nhóm chậm rãi đứng dậy. Ai nấy đều nhìn Hải bằng ánh mắt cảm mến và trân trọng vì những lời tâm sự thật sâu sắc và xúc động của anh. Càng đến gần Nhà Thờ, hay nói đúng hơn, càng đến gần khoảnh khắc Con Thiên Chúa giáng sinh, họ càng thấm thía về ý nghĩa và giá trị của những thời khắc thiêng liêng trong Mùa Vọng của cuộc đời mình. Những vết thương trong quá khứ như được chữa lành! Những gian truân của hiện tại lại trở thành niềm vui và tương lai như tiếng chuông vang rền làm trái tim họ bỗng trở nên rộn ràng khôn tả!
Hv. Văn Tài, S.J.