Viết cho “nữ thần than thở”

Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:

 Tông Huấn “Chúa Kitô sống” số 141-143

Nữ thần thân mến,

Chắc không ai lại không quen biết nữ thần. Ai cũng có lần than thở, trách móc và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trước những khó khăn của cuộc đời, thần âm thầm khiến người ta gào lên trong vô vọng. Họ thích than thở hơn là hy vọng tìm ra một hướng giải quyết khả thi. Bởi đó, biết bao người thất bại. Họ chẳng thể đứng lên để làm lại từ đầu. Họ ngồi đó ủ dột và than trời trách đất.

Tôi cũng có nhiều lần được nữ thần than thở viếng thăm. Đó là những lần tôi càm ràm về cuộc sống. Biết bao câu hỏi “tại sao?” tôi muốn gào lên. Tôi thích đổ lỗi cho hoàn cảnh hơn là dám chấp nhận bản thân. Lúc ấy, tôi tưởng “nữ thần than thở”[1] có thể giúp tôi xua tan mọi phiền muộn. Tôi đã lầm, lầm to! Thần than thở chưa bao giờ cho người ta niềm vui và hy vọng. Ngược lại, khi người ta trò chuyện với thần than thở, cuộc sống họ thường sầu não và thất vọng ê chề.

Tuổi trẻ là đối tượng thần than thở hay viếng thăm nhất. Tôi nghĩ thế, vì tôi thường thấy người trẻ hay than thở. Có người bị đặt cho biệt danh là “người sinh ở Quảng Ninh” (vì nơi đó có nhiều mỏ than!). Tuổi trẻ là thời gian dám ước mơ, dấn thân vào những chân trời mới, kế hoạch mới và mạnh mẽ lựa chọn hướng đi cho cuộc đời. Nhiều bạn trẻ đã thất bại và ngồi đó than khóc cho số phận hẩm hiu của mình. Thần đã tài tình quyến rũ được người trẻ làm như thế. Đáng lẽ, đó là những bài học thú vị, vì tuổi trẻ là thời gian dám trải nghiệm thất bại; đằng này, họ than trách đến nỗi quên mất mình phải làm gì!

Thần biết đấy, chẳng ai chịu nổi người suốt ngày than vãn cuộc đời. Đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác là trốn tránh trách nhiệm. Khổ nỗi gặp thần để than thở thì dễ hơn là nhìn vào thực tại thất bại đắng lòng. Dẫu biết thần là tà thần, là thần xấu xa, nhưng thần cũng có nhiều tài khiến không ít người ta xa vào. Thần là “liều thuốc an thần” cho những ai nhẹ dạ mà uống thử. Chúng tôi thừa biết, nếu đi theo thần, nếu than hoài sẽ bị lạc đường. Mọi thứ sẽ khựng lại và trì trệ. Thật không tốt khi vì thần than thở mà bỏ cuộc!

Người ta nói, thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm, thì hãy đứng dậy để thắp lên một ngọn nến. Đó là thứ ánh sáng xua tan bóng tối của than thở. Thần hay đưa người ta vào ngõ cụt. Thần thích chơi với những người yếu nhược. Ngược lại, trước những ai mạnh mẽ, can đảm và hoài bão là thần chào thua. Bởi những người ấy đủ tỉnh táo để nhận ra chiêu trò của thần:

– Than thở khiến người ta mất nhiều thời gian. Cuộc đời cứ dài lê thê đối với người tiêu cực.

– Than thở sẽ sinh ra nhiều vấn đề tâm lý tiêu cực, giết chết sự sáng tạo và động lực tốt lành.

– Than thở khiến người ta mất định hướng và bỏ lỡ biết bao điều tốt đẹp.

– Than thở tưởng người ta thương; nhưng ngược lại, chẳng ai có thể giúp người cứ than thở mà chẳng chịu hành động.

Danh sách trên đây có thể được liệt kê dài vô tận. Bởi thế, đã đến lúc người ta phải vạch mặt, chỉ tên nữ thần than thở. Một khi nghỉ chơi với thần, tâm hồn con người mới thanh thản, nhẹ nhàng và quẳng gánh lo đi mà vui sống. Tội chi mà ngồi đó than hoài, được chi? Hãy chấp nhận thực tế, lên đường và bắt đầu và lại bắt đầu.

Là người Công giáo, dĩ nhiên, Thiên Chúa không muốn người ta theo thần than thở. Thiên Chúa mời gọi người ta lên thuyền, ra khơi để bắt cá. Đức Giêsu mời gọi chúng ta lên Giêrusalem để chịu thương, chịu khó và cùng chịu chết với Ngài. Có như thế, chúng ta mới được phục sinh với Ngài. Thực vậy, một khi đi theo Giêsu, nghĩa là để lại đằng sau mọi thứ, chia tay với nữ thần than thở, và lên đường. Chúa muốn người ta thay đổi quan niệm sống: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”(Mc 6,50). Trong ý nghĩa này, có lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ với người trẻ: “Đừng tính toán quá nhiều theo kiểu nhân loại, cũng đừng lo lắng thái quá về những gì đe doạ sự an toàn của chúng ta. Hãy ra khơi, hãy ra khỏi chính mình”. (Tông huấn Đức Kitô sống, số 141). 

Ước gì nữ thần than thở không đánh gục được người trẻ. Đơn giản, tuổi trẻ có hoài bão, có năng lực và nhiệt huyết để chấp nhận thực tế. Giả như có ai từng lâm vào cảnh than trời, trách đất và thương thân, trách phận, hãy bừng giấc, vì điều ấy sẽ tổn hại đến tương lai người trẻ. Hãy cảnh giác vì nữ thần than thở hay đến vào lúc người ta thất bại, chán chường. Ngay cả khi thất bại, Giáo Hội nhắc người trẻ: “Hãy gây tiếng ồn ào! Hãy xua tan những nỗi lo sợ làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy cho mình những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở cửa lồng và hãy bay đi! Làm ơn đừng về hưu non.” (Tông huấn Đức Kitô sống, số 143).

Chia tay thần than thở, chúng tôi muốn thiết tha cầu nguyện với Thiên Chúa:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con chưa bao giờ thấy Chúa than thân, trách phận. Chúa chỉ tâm sự với Chúa Cha trong mối tình con thảo. Mọi sự đều theo ý Cha, chứ không theo ý ngài. Xin giúp chúng con thoát ra tình cảnh thở than hoài. Chúng con tin rằng hạnh phúc chỉ có được khi chúng con dám lên đường kiến tạo cuộc sống. Nhờ ơn Chúa, chúng con hy vọng luôn có nhiều niềm vui trong tâm hồn. Được như thế, thần than thở sẽ không có “đất sống” trong tâm hồn người trẻ chúng con. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Đây là từ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô dùng trong Tông Huấn Chúa Kitô sống: “Chúng ta hãy để các điều ấy lại cho những kẻ thờ ‘nữ thần than thở’!…. Đó là một tà thần: nó khiến chúng ta đi lạc đường. Khi mọi sự dường như khựng lại và trì trệ, khi các vấn đề cá nhân làm phiền chúng ta, và không thể tìm ra câu trả lời đúng cho những khó khăn của xã hội, thật không tốt khi bỏ cuộc.” (số 141)

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *