Vòng xoáy của đồng tiền & cuộc vật lộn của phận người

 

Bài viết & hình ảnh trong bài:

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Bạn có cảm nhận gì, khi nhìn tấm hình tang thương xuất hiện trên báo chí, trên phương tiện truyền thông trong thời gian qua: một số người ngồi bên tấm chiếu lớn. Trên chiếu là những cái xác được khăn phủ lại. Đó là một vài người thân của họ mới bị giết chết. Nước mắt tuôn tràn, khuôn mặt não nề, lòng người nát tan trong câm nín!

Lý do là gì vậy? Vì tiền, vì việc cãi cọ tranh giành phần thừa kế đất đai và tài sản giữa anh chị em ruột với nhau. Vì bất cứ lý do nào đó một bên đã bất mãn và tức giận, đến nỗi ra tay tàn ác, qua nhà người thân ruột thịt, và giết chết người thân cùng dòng máu.

Ôi vòng xoáy của đồng tiền và cuộc vật lộn bất thành của phận người!

Nhìn tấm hình tang thương đó, là người trẻ bạn sẽ nói gì cho chính bạn?

Nhìn tấm hình tang thương đó, nếu bạn là một bậc cha mẹ trẻ có con đang lớn, bạn sẽ dạy con điều gì về tiền bạc, giá trị tiền bạc và cách sử dụng tiền bạc?

 

Là con người ai cũng biết tiền bạc luôn là con dao hai lưỡi. Một đàng, tiền bạc giúp con người sống dồi dào và phong phú; đàng khác tiền bạc có thể điều khiển con người và gây ra biết bao nhiêu đổ vỡ và khổ đau.

Trong ca dao tục ngữ và trong văn học, người ta nói về tiền bạc như là nền tảng giúp cho con người sống hạnh phúc và sung túc, nhưng cũng nêu lên khía cạnh tiêu cực của tiền bạc: “Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược không xong”. “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu”. Thật vậy, tiền bạc có sự hấp dẫn mạnh mẽ, thế lực tiềm ẩn nhưng rất nguy hiểm, nếu người ta trở nên nô lệ cho đồng tiền.

 

Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã khuyến cáo và kêu gọi thật mạnh mẽ: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Chúa không cấm chúng ta làm ra tiền, Chúa cũng không cấm chúng ta để dành tiền của trong ngân hàng, mà Chúa nhắc nhớ Ki-tô hữu luôn chú ý không được trở nên nô lệ của tiền bạc, không để mình trở thành kẻ làm tôi của thần Mammon.

Tiền bạc và của cải là phương tiện chứ không là ông chủ. Đó là vị trí đúng đắn nhất của nó. Thật buồn cho Ki-tô hữu nào thay đổi vị trí đúng đắn của tiền bạc, nghĩa là đặt tiền bạc của cải vật chất thành trung tâm điểm của cuộc sống, thành ông chủ của chính họ.

 

Lời của Chúa nói như là một chân lý bất di bất dịch. Chúa cũng mời gọi Ki-tô hữu với sự tự do của mình có một quyết định đúng đắn và rõ rệt. Chọn lựa và làm tôi của Thiên Chúa, nghĩa là thuộc trọn vẹn về Thiên Chúa. Không phải rửa tội xong, người Ki-tô hữu tự động làm tôi Thiên Chúa cách trọn vẹn. Để được thuộc về Chúa cách trọn vẹn, người Ki-tô hữu cần phải trung tín với Thiên Chúa trên từng chặng đường Đức Tin, trong mỗi suy tư, trong mỗi lời nói, trong mỗi hành động và trong mỗi công việc nhỏ bé nhất. Triết gia người Đan Mạch Kierkegaard đã nói: “Ki-tô hữu luôn ở trên đường để trở nên Ki-tô hữu trọn vẹn và hoàn hảo”.

 

Như thế, khi đối diện với tiền bạc, người Ki-tô hữu cần chú tâm học biết trong suy nghĩ, nghĩa là không để tiền bạc “xuất hiện thường xuyên và làm chủ suy nghĩ của mình”. Nếu suốt ngày trong đầu chỉ có chữ “tiền” chi phối hoàn toàn cái đầu, thì buồn thay cho phận người đó!

 

Khi đối diện với tiền bạc, người Ki-tô hữu cũng cẩn trọng trong tâm hồn của mình, để tiền bạc không chiếm chỗ thượng phong, chỗ ưu tiên trong trái tim của mình, vì nếu không khéo, thì lòng tham sẽ nổi dậy và rồi từng bước tiền bạc sẽ trở nên một hấp lực lớn, đến nỗi lòng người có thể đui mù suy phục con ma tiền bạc và vật chất. Hơn nữa, người Ki-tô hữu cần ý thức tỉnh táo trước cám dỗ của tiền bạc, cũng như chỗ dựa bảo đảm và vững chắn đầy ảo tưởng hão huyền của tiền bạc hứa hẹn sẽ đưa lại.

Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Lòng tham thì vô đáy. Chúa Giê-su biết rõ tâm trạng và lòng người mềm yếu dễ đi theo khuynh hướng “tham lam”, “gom góp” và “tích trữ”. Tham lam là một trong bảy mối tội đầu. Có nhiều kiểu tham và trong đó nổi bật là kiểu tham lam tiền bạc vật chất. Đi đôi với tham lam là keo kiệt, hà tiện và bủn xỉn. Đó là cách sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân và không bao giờ muốn chia sẻ với người khác. Người tham lam luôn muốn xây dựng cho mình một kho tàng kếch sù, luôn muốn sống trong nhung lụa giàu sang dư giả và an toàn với “kho lẫm” đã được tích trữ.

“Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Đây chính là lời cảnh báo rõ rệt của Chúa Giê-su. Sự bảo đảm cho cuộc sống ai cũng muốn. Nhưng đâu là chỗ để chúng ta có thể dựa vào, để chúng ta có thể tìm sự bảo đảm và an toàn? Kinh nghiệm cuộc đời của nhiều người dư giả mà đời thường gọi là “đại gia” đã cho chúng ta thấy rõ. Họ đâu tìm thấy được sự bảo đảm đích thật cho cuộc sống nơi vật chất và tiền bạc, và tiền bạc cũng chẳng thực sự đưa lại hạnh phúc và bình an trọn hảo cho họ.

Hơn nữa, cuộc đời đã đưa tin biết bao gia đình đại gia không thể giáo dục con cái, những đứa con được kêu là “thiếu gia”. Gia tài kếch sù dư giả kế bên, nhưng nhìn con cái là “thiếu gia” xì ke ma tuý, ăn chơi trác táng không chịu học hành, chẳng màng lo lắng sự nghiệp và bản thân. Một bức tranh thật tương phản trong xã hội: đời sống “đại gia” sung túc và dư giả, nhưng “thiếu gia” trong nhà thì hư đốn. Thử hỏi đó có là hạnh phúc thực cho những người phú hộ thời đại hay không? Coi chừng những người con được gọi là thiếu gia của những đại gia trở thành những kẻ thiếu gia đình.

Hơn nữa, giá trị của con người không nằm ở giá trị của những gì người ấy sở hữu, nhưng ở chỗ người ấy là ai và sống như thế nào. Con người không được đánh giá bằng những gì người ấy có trong tài khoản ngân hàng, nhưng bằng giá trị của trái tim, cuộc sống, các hành vi, các quan hệ với các người thân và với những người đồng loại của mình. Với người Ki-tô hữu, giá trị thật của con người, chính là biết mình được tạo dựng, biết mình là con cái của Thiên Chúa và ý thức tập sống đúng theo tinh thần Chúa dạy.

Thật vậy, ý nghĩa và giá trị cuộc sống không nằm trong việc người ta có nhiều tiền bạc của cải đến nỗi dư giả, mà nằm trong tinh thần sống tốt lành của người con cái tự do của Thiên Chúa, những người con sống theo ánh sáng của Tin Mừng.

 

Đi sâu hơn nữa, Chúa Giê-su còn đưa hình ảnh của một người phú hộ giàu có (đại gia) đã dựa vào tiền bạc, của cải vật chất để sống trong an toàn và nhàn hạ. Luca diễn tả về người này như sau: Rồi ông ta tự bảo: Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,18-19). Theo lẽ thường tình, thì đại gia này làm rất ok và mọi người thấy chắc là sẽ khen ông ta khôn ngoan, biết hưởng thụ ở hiện tại và biết lo xa cho tương lai.

Nhưng truyện đâu có kết thúc ở “cái đầu khôn ngoan” của con người giàu có. Dụ ngôn kể tiếp với lời của chính Chúa nói với “đại gia” tự cho mình là khôn ngoan: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế” (Lc 12,20-21). Trong dụ ngôn, chúng ta thấy tên của đại gia, của người phú hộ không được nhắc đến. Hay ông ta không có tên? Cha Piere Cardon nói rằng: Người giàu không có tên! Thực chất dụ ngôn nói về một người đã mất linh hồn và tên của mình. Trong Tân Ước những người giàu có xấu xa không có tên. Đó hầu như chỉ là biểu tượng; người giàu có gắn bó với của cải vật chất của mình đến nỗi chính mình trở thành một đồ vật; người ấy đã mất nhân cách của mình. Ôi buồn thay, đại gia không tên!

Nhưng dù đại gia không có tên, nhưng Thiên Chúa vẫn tìm đến được nơi ông ta sống và “đòi lại mạng” của ông ta, ngay trong đêm “đại gia” tưởng rằng an toàn thư thái hưởng thụ cuộc đời. Lời Thiên Chúa đưa ra một sứ điệp rất mạnh mẽ và mang tính cảnh báo. Lời Thiên Chúa phán ra ngay giữa các kế hoạch và chương trình của con người đặt ra cho bản thân. Phải chăng con người không có được sức mạnh cuối cùng của cuộc sống? Con người sẽ điên rồ, khi nghĩ rằng cuộc sống của mình được bảo đảm bởi tiền bạc và bởi những gì mình sở hữu?

Lời của Thiên Chúa là chân lý. Nhìn vào cuộc sống thực tế, có biết bao nhiêu người giàu sụ đã phải lìa đời, ngay trong những lúc họ đang đứng trên đỉnh cao của thành công danh vọng. Có những người cả đời vất vả làm ăn chỉ để kiếm tiền, mà quên đi mọi thứ quan trọng khác, và chỉ một đêm khuya thanh vắng, đã phải ra đi mà không để lại một lời trăn trối nào cả.

Ôi vòng xoáy của đồng tiền và cuộc vật lộn bất thành của phận người!

Trong Cựu Ước, Gióp đã diễn tả tâm tình của ông:

“Phải chăng tôi lấy vàng làm bảo đảm
và nói với vàng ròng: ‘Ngươi là chốn an toàn của ta!’
Phải chăng tôi mừng vui vì có nhiều của cải,
vì tài sản do tay tôi làm ra?
Phải chăng tôi thấy ánh mặt trời rực rỡ
và vầng trăng lộng lẫy huy hoàng
mà lặng lẽ để cho lòng bị lôi cuốn
và đưa tay lên miệng mà hôn?
Nếu thế thì đó cũng là tội ác đáng trừng phạt,
vì tôi đã dám chối bỏ Thiên Chúa, Đấng ngự chốn trời cao” (Sách Gióp 31,24-28).

 

Thật là ngốc nghếch và sai lầm và đó cũng là một mối hoạ cho đời người, khi chỉ biết cắm đầu kiếm cho thật nhiều tiền, mà không đưa Thiên Chúa vào trong chương trình sống của mình. Người giàu có quên rằng họ không thể mua được những giá trị đích thật như sự sống, tình yêu, tình bạn, gia đình bằng tiền bạc và của cải. Họ cũng không nghĩ rằng, Thiên Chúa có thể can thiệp vào cuộc đời họ; Thiên Chúa có thể gõ cửa cuộc đời họ bất cứ lúc nào, dù họ có ở trong bất cứ “Hotel năm sao thật an toàn” nào đi nữa. Của cải vật chất tích trữ trong kho thật lớn kia, người giàu có đưa theo được không? Nằm trong nghĩa trang với một ngôi mộ trát vàng và mạ bạc có làm cho người chết được sung sướng không, hay đó chỉ là một kiểu “làm oai” của những người đang sống?

Ôi vòng xoáy của đồng tiền và cuộc vật lộn bất thành của phận người!

 

Thánh Vịnh gia cũng nhắc nhớ những người giàu có ham mê tiền bạc vật chất, với những lời rất thâm thuý về sự hư vô của cuộc đời. Dù giàu hay nghèo, thì đều giống nhau bởi “cái chết”. Nói khác đi, “cái chết” làm cho mọi người đều như nhau, đều giống nhau cả. Dù giàu hay nghèo, dù giỏi hay dốt, dù quyền lực hay hạng tầm thường, tất cả đều phải chết. Thật vậy, dù giàu có và tưởng rằng bám vào tiền bạc sẽ an toàn, thì những người mê thần tiền bạc vẫn phải rời bỏ “chốn” nhà lầu cao sang và chiếc xe hơi bóng loáng đời mới, để “dọn vào” ngôi nhà muôn thuở. Đó là ba tấc đất, vì ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.

Chúng ta đọc lại lời Thánh Vịnh tràn đầy hương vị khôn ngoan sâu sắc, và cả hương vị cảnh báo thật thấm thía dưới đây dành cho những ai “thích tiền” và đui mù thờ “thần tiền bạc”:

“Chúng cậy vào của cải,
lại vênh vang bởi lắm bạc tiền.
Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình
và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa?

Mạng người dù giá cao mấy nữa,
thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.
Nào phàm nhân sống mãi được sao
mà chẳng phải đến ngày tận số?

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.

Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.

Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49,7-13).

 

Thật vậy, dù giàu cỡ mấy và sở hữu biết bao tài sản vật chất, thì cũng phải trở về với tay không. Thánh Phaolô viết trong Thư thứ nhất gửi cho Timôtê: “Cái gì chúng ta đem vào thế giới này? Chẳng có gì. Cái gì chúng ta đem ra khỏi thế giới này? Cũng chẳng có gì!” (1Tm 6,7). Như thế, khoảnh khắc được vào đời và khoảnh khắc phải lìa đời “thắm thiết ôm nhau” trong vòng tay của chữ KHÔNG. Chẳng có kho tàng nào của tiền bạc và vật chất có thể “đưa tang” và “đồng hành” với người có của, với đại gia của cuộc đời bước vào cõi chết cả. Vì thế, thật quan trọng và khẩn thiết, để cập nhật hoá và update lại giá trị cuộc sống và kho tàng đời người.

Chúa Giê-su nói: “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21). Thật vậy, nếu kho tàng của đời người là “tiếng kêu không dứt của những đồng tiền cắc kêu to”, nếu kho tàng của đời người là những “tấm thẻ Vip Credit vàng đỏ đen lẫn lộn”, nếu kho tàng đời người là những hàng số càng dài càng tốt trong tài khoản ngân hàng, thì rồi đến một lúc nào đó mọi sự khác sẽ trở thành thứ yếu. Cha Mẹ ư, Vợ con hả? anh chị em ruột thịt sao? Bạn bè à? Tất cả tương quan với những người ruột thịt và cùng dòng máu, cũng như với những bạn bè tri kỷ đều được đưa vào bàn cân với nhãn hiệu rất kêu “MM – MORE MONEY – Thêm Tiền – TT”. Nếu sống theo kiểu “MM – TT” này, nghĩa là trở thành nô lệ của tiền bạc, thì có thể biết bao đau thương sẽ xảy ra, như trường hợp tấm hình với chiếc chiếu cùng cảnh tang thương đã được diễn tả lúc đầu.

Vì thế, có câu trong dòng đời:

 “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử,

Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi”.

Ôi buồn thay cho phận người với 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ xoanh quanh chữ tiền, đến nỗi chẳng còn tình nghĩa, chẳng còn nhân phẩm, chẳng còn lòng nhân hậu và xót thương.

Ôi vòng xoáy của đồng tiền và cuộc vật lộn bất thành của phận người!

 

Vì thế, khi đối diện với tiền bạc, Chúa Giê-su nhắc nhớ người Ki-tô hữu ý thức biết cách dùng tiền bạc vật chất cho đúng đắn, nghĩa là không chỉ không phí phạm tiền bạc, cũng như không keo kiệt bủn xỉn, mà còn cẩn trọng không để bản thân mình rơi vào cái túi không đáy là lòng tham vô biên giới, lòng tham không hồi kết. Hơn hết, người con cái của Chúa cần phải luôn có tâm hồn quảng đại, suy nghĩ thanh thoát tự do với tiền bạc của cải, cũng như sẵn sàng trong vui mừng, để dùng tiền bạc giúp cho người nghèo, người bất hạnh. “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20).

 

Tích trữ kho tàng trên trời là gì vậy? Câu truyện thi vị dưới đây cho chúng ta một bài học sâu sắc và giúp cho chúng ta trả lời cho câu hỏi trên:

“Truyện kể rằng người kia có 3 người bạn. Hai người trước là bạn rất thân, người thứ ba quen thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử, liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ.

 

Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được.

Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan, nhưng lại không dám vào.

Chỉ có người thứ ba tuy không quen thân với ông, nhưng vẫn tỏ ra trung thành và tốt bụng, vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án mà còn được thưởng nữa.

 

Người bạn thứ nhất là Tiền bạc.

Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm.

Người bạn thứ hai là Gia Đình, Bà Con Bạn Hữu.

Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về.

Người bạn thứ ba là các Việc Lành Phúc Đức.

Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng”.

 

Qua câu truyện trên và qua lời nhắc nhớ của Chúa Giê-su, chúng ta thấy việc tích trữ kho tàng trên trời chính là các Việc Lành Phúc Đức, là các việc bác ái và thương xót, mà Chúa Ki-tô luôn mời gọi người Ki-tô hữu biết ý thức thực thi.

“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21).

Nhưng làm giàu trước mặt Thiên Chúa là gì? Rất cụ thể. Đó là ra khỏi cái vòng tròn quỷ quyệt của tiền bạc và lấy lại thế đứng của mình, đó là người làm chủ tốt lành của tiền bạc, và cuối cùng dùng tiền bạc để giúp người nghèo, để bố thí cho người túng thiếu. Không lỗ đâu, đừng sợ. Lời Chúa Giê-su nói: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12,33).

 

Thánh Phao-lô nhắc lại tâm tình của Chúa Giê-su, trong sự kiện thánh nhân nói với các kỳ mục thuộc giáo đoàn Ê-phê-sô, và được viết trong sách Tông Đồ Công Vụ: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu, bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,33-35).

 

Thánh Phaolô còn viết cho Timôthê: “Những người giàu, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,17-18).

 

Sách Châm Ngôn cũng dạy: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng đáng việc đã làm” (Cn 19,17).

 

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa cũng chính là đời sống kính sợ Thiên Chúa, chọn Chúa là chủ đời mình. Thật vậy, kính sợ Thiên Chúa chính là sự khôn ngoan nhất của đời người.

 

Cyril thành Alexandria nói rằng: “Trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa là để yêu thương các nhân đức thay vì sự giàu sang, cũng như làm giàu trước mặt Thiên Chúa là tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, cả sự sống lẫn ơn cứu độ”.

Còn triết gia Kierkegaard, người Đan Mạch nói rằng: “Không chọn Chúa, bạn sẽ đánh mất tất cả”.

 

Cuối cùng, qua bức tranh tang thương với chiếc chiếu được diễn tả lúc đầu, và qua lời dạy bảo của Chúa Giê-su, chúng ta xin Chúa cho chúng học biết “vật lộn thành công với vòng xoáy của tiền bạc”, cụ thể qua việc chọn Thiên Chúa, chứ không chọn tiền bạc là kho tàng đời mình. Làm tôi Thiên Chúa, chứ không đui mù làm nô lệ cho tiền bạc.

 

Khi Thiên Chúa là kho tàng đời mình, khi Thiên Chúa là chủ đời mình, nghĩa là chúng ta thờ lạy Thiên Chúa trên hết, và hằng tuân giữ các huấn lệnh của Người. Đó là biết sống dựa trên tinh thần nền tảng là tình yêu và thương xót.

 

Để cuối đời, khi trở về với Chúa, các Việc Lành Phúc Đức và các hành động của lòng thương xót sẽ là “người bào chữa” tích cực và tuyệt vời nhất của chúng ta. Thật vậy, như các vị thánh hiền đã nói: “Thiên Chúa xét xử chúng ta dựa trên lòng thương xót của chúng ta dành cho nhau”.

 

 

Lạy Chúa, xin cho Lời Chúa là ánh sáng sưởi ấm và chiếu soi đường đời chúng con,

Xin cho mỗi người chúng con không đui mù chọn tiền bạc là kho tàng của đời mình,

Xin giúp chúng con luôn ý thức chọn Chúa, Đấng Tạo Dựng, Đấng yêu thương, là kho tàng lớn nhất và quan trọng nhất, là Người Chủ trên hết trong cuộc sống trên dương thế này của chúng con.

Và xin giúp chúng con khôn ngoan “bán tài sản của mình đi mà bố thí”. Như thế chúng con “sắm được những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời” do chính Chúa thương ban. Amen.

 

 

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Lời tuyên xưng tự đáy lòng – Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B

Chưa bao giờ Thầy Giêsu cảm thấy vui mừng và tự hào như giây phút …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *