Xin lỗi tình yêu

Sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, trong đó, cái tôi là trung tâm, thì dường như lời xin lỗi chỉ dành cho những người yếu thế và mất tự tin vào cuộc sống. Con người cảm thấy một sự xúc phạm nặng nề khi nói lời xin lỗi, và nếu có sự cố gì xảy ra, cũng là do hoàn cảnh, thời thế…chứ không phải do tôi. Rốt cuộc trách nhiệm qui về cho tập thể hay tổ chức nào đó. Và cứ thế, lời xin lỗi mất đi đất sống trong một xã hội đề cao cái tôi. Thế nhưng, trong tình yêu, nơi “cái tôi” phải nhỏ đi để cho “cái ta” được lớn lên, lời xin lỗi có được một chỗ đứng nào chăng ?

Chúng ta biết rằng lời xin lỗi là thành phần giúp xây dựng con người nhân bản. Chỉ có những người nhận phần trách nhiệm về những lỗi phạm của mình mới thực sự trưởng thành hầu xây dựng một mái ấm gia đình, nơi tình yêu ngự trị. Quả thật, lúc vui vẻ hay hạnh phúc chào đón, nói lời xin lỗi thật trở nên dễ dàng, nhưng trong lúc khó khăn hay vất vả, họ thường đổ lỗi cho nhau, khi ấy tình yêu trở nên lạc điệu. Có lẽ, lời xin lỗi cần được thay thế bằng một thái độ nhún nhường. Một trong hai người cần rút lui khỏi cuộc tranh luận, như thế cơm sôi nhỏ lửa không sợ tình yêu bị cháy. Rút lui như thế không phải là chạy trốn thực tại, song là níu kéo một cuộc tình lớn hơn.

Cũng có khi miệng nói lời xin lỗi nhưng lòng thì không, thoạt tiên nó có thể tạo cho người nghe một cảm giác dễ chịu trong nhất thời, song từ trái tim không đến được trái tim, có một rào cản vô hình ngăn cách họ; điều này, một người có chút nhạy bén trong tình yêu cũng có thể nhận ra thái độ thiếu chân thành nơi người kia. Khi ấy, cả hai cùng tự vệ cho đến khi nào một bên chấp nhận mở lòng ra. Tình yêu sẽ nhen nhúm khi có một tâm hồn thiện chí sưởi ấm tim nhau bằng một thái độ chân thành. Tình yêu sẽ cảm thấy bị tổn thương khi một ai đó sống thiếu chân thành. Thái độ chân thành không chỉ là thành phần của đức tính nhân bản mà còn là chất xúc tác trong tình yêu.

Nếu có người làm tổn thương tình yêu do nói lời xin lỗi thiếu chân thành thì cũng có người không những trong lòng mà còn ngoài miệng muốn nói lời xin lỗi. Khi ấy, thay vì người kia nổi giận đùng đùng vì cuộc tranh luận gay gắt, lời xin lỗi sẽ giúp hòa hoãn cơn tam bành đang chực chờ bùng phát. Như thế, lời xin lỗi không những tạo cảm giác dễ chịu cho một nửa kia mà còn giúp xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương và tái kích hoạt tính năng động trong tình yêu nữa !

Lời xin lỗi có một sức công phá rất lớn đến nỗi đối tượng kia phải mở lòng để đón nhận tình yêu. Đôi khi, chấp nhận “thua cuộc”, nói lời xin lỗi để được tình yêu. Thật ra, trong tình yêu không có kẻ thua người thắng, chỉ có cái tôi mới tìm sự thắng thua; còn cái ta thì tìm sự vun đắp cho tình yêu đôi lứa. Có “thua cuộc” trong tình yêu cũng là cách để cho cái tôi “chết đi” và cái ta lớn mãi.

Cũng vậy, trong tình yêu, người ta không còn khái niệm: đúng – sai nữa ! Hai người yêu nhau không còn dùng lý luận hay lý sự để bắt chẹt nhau, vì như triết gia Pascal đã nói: Con tim có lý lẽ riêng của nó. Thật ra, trong hoạch định kế hoạch chung của hai người hay những qui ước chung trong đời sống, hai người cũng cần dựa theo một chuẩn mực nào đó nhưng cũng chỉ để hai bên tôn trọng nhau trong tình yêu chân thành. Bởi vậy, trong tình yêu, mọi chân lý lại trở nên bình thường hóa và tương đối hóa nhường chỗ cho hai tâm hồn nên duyên.

Chuyện kể rằng hai vợ chồng đang tranh luận mỗi ngày một gây cấn, dẫn đến cuộc chiến leo thang, tivi đã to, hai người cãi to hơn. Cuối cùng, người vợ bỏ đi vào trong bếp để lại chồng một mình với chiếc tivi. Một lát sau, vợ mang ra một miếng bánh nướng đặt trước mặt chồng và nói: cho em xin lỗi nhé ! Rồi bỏ vào phòng. Người chồng nghĩ ngợi hồi lâu, quyết định đi vào phòng  mang thêm con dao dùng để cắt bánh; chàng cắt làm đôi đưa cho vợ một nửa và nói: cũng cho anh xin lỗi nhé ! Cả hai cùng ăn bánh và cười lớn tiếng.

Thế ra, ai đúng – ai sai, ai thắng – ai thua ? Phải chăng “tại anh, tại ả tại cả đôi đàng” ? Chúng ta không biết, nhưng chắc chắn tình yêu hai người được lớn lên và trưởng thành.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *