Chủ đề: Phép Lạ Hóa Bánh Ra Nhiều – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm

 

PHÉP LẠ HÓA BÁNH RA NHIỀU

 

Tin Mừng: Ga 6,1-15

 

1Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia biển hồ Galilê, cũng gọi là hồ Tibêria. 2Có đông dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau yếu. 3Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4Lúc đó sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái.

 

5Ngước mắt lên, Người nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình, Người hỏi ông Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” 6Người nói thế để thử ông, chứ Người biết mình phải làm gì rồi. 7Ông Philipphê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8Một trong các môn đệ là ông Anrê, anh của ông Phêrô, thưa với Người: “9Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” 10Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta nằm ngả xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta nằm ngả xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn người. 11Vậy Đức Giêsu cầm bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. 12Khi họ đã no nê  rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em hãy thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy mười hai thúng. 14Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” 15Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

 

Kinh dọn lòng:

 

Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ qui về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn như Đức Giêsu.

 

Lịch Sử:

 

Sau khi hoạt động ở Giêrusalem, Đức Giêsu trở về Galilê vào dịp lễ Vượt Qua và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống đám đông dân chúng.

 

Khung cảnh:

 

Các môn đệ qui tụ dân như những đàn chiên thành từng nhóm trên đồng cỏ và Chúa Giêsu làm phép lạ cho năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ ra nhiều để nuôi họ trong hoang địa.

 

Ơn Xin:

 

Xin ơn được hiểu biết Đức Giêsu thâm sâu hơn, Đấng đã làm người vì tôi và nuôi sống tôi bằng chính mình Ngài để tôi yêu mến Ngài hơn và theo bước Ngài hơn.

 

Điểm chiêm niệm:

 

Một điểm lạ lùng là cả 4 Tin Mừng đều tường thuật về phép lạ hóa bánh ra nhiều này và phép lạ đi trên biển, nhưng với kinh nghiệm thiêng liêng khác nhau. Đối với các Ngài và đặc biệt Gioan, trong  phép lạ hóa bánh ra nhiều, cho thấy Đức Giêsu là Vị Mục Tử của Thiên Chúa và qui hướng chúng ta về Bí tích Thánh Thể, nơi Ngài nuôi sống chúng ta bằng chính thịt và máu Ngài, vì sau hai phép lạ này, thánh Gioan khai triển diễn từ về Bánh Hằng Sống. Tôi xin chia sẻ với anh chị em về ý nghĩa của năm chiếc bánh và hai con cá theo cách tôi hiểu được. Con số năm và con số hai làm nên con số hoàn hảo, tức con số bảy. Thế nhưng có ý nghĩa khác nhau ở năm chiếc bánh và hai con cá.

 

1/ Năm chiếc bánh

 

Đây là kinh nghiệm chung về ơn cứu độ phổ quát của tất cả bốn tác giả Tin Mừng. Khi trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi năm ngàn người đàn ông trong sa mạc, mà còn dư tới mười hai thúng đầy, các tác giả đều muốn chia sẻ cho chúng ta về sự dư đầy của ơn huệ thời thiên sai, ở đó Chúa Giêsu lấy thịt máu Ngài nuôi sống chúng ta, khi giải thoát chúng ta khỏi cái chết vì tội lỗi.

 

Quả vậy, hậu quả tội lỗi mà con người đã phạm gây nên sự phân rẽ và dẫn đến sự chết. Phân rẽ không chỉ ở nơi mỗi cá nhân với 4 chiều kích: con người với Thiên Chúa – với chính mình – với tha nhân – và với thiên nhiên (St 3,1-24), mà còn nơi toàn thể loài người ở khắp bốn phương trời.

 

Phép lạ hóa bánh ra nhiều hướng chúng ta về Bí Tích Thánh Thể, mà tự nơi Bí Tích này, Đức Giêsu thiết lập để hiện tại hóa cuộc hiến tế của Ngài trên đồi calvê, cho con người được lãnh nhận và sống ơn hòa giải. Con người được hòa giải khi mỗi người và mọi người không còn bị phân rẽ, nhưng hiệp nhất lại nhờ cái chết của Ngài. Và con người sống ơn hòa giải khi mỗi người và mọi người dám mặc lấy cuộc hiến tế của Đức Giêsu, để trở nên bánh nuôi sống người khác, khi ăn Bánh Hằng Sống là chính Ngài: lãnh nhận Bánh Ngài ban để trở nên bánh nuôi sống nhau.

 

2/ Hai con cá

 

Đây là kinh nghiệm cá vị về ơn làm môn đệ của Đức Giêsu và làm con Thiên Chúa theo hai viễn tượng khác nhau của Tin Mừng Nhất Lãm và của Tin Mừng Gioan:

 

– Trước hết, theo Tin Mừng Nhất Lãm, các tác giả sử dụng hạn từ “ikhthus” khi nói về hai con cá. Tự nó, từ ngữ Hy lạp “ikhthus” nghĩa là con cá, có 4 ký tự viết tắt nhằm diễn tả tất cả những tước hiệu nói về Chúa Giêsu: “I” có nghĩa là “Đức Giêsu” – “KH” nghĩa là “Đấng Kitô” – “TH” nghĩa là “của Thiên Chúa” – “U” nghĩa là “Con” – “S” nghĩa là “Đấng Cứu Độ”. Vậy từ ngữ “Ikhthus” diễn tả những tước hiệu về Chúa Giêsu như sau: “Đức Giêsu (là) Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (và là) Đấng Cứu Độ ”.

 

Hai con cá ở đây chỉ về ơn làm môn đệ của Chúa Giêsu (là con cá với Con Cá) có tính cá vị, khi họ mặc lấy lối sống của Ngài và trở nên “bí tích” về Ngài đến nỗi Ngài nói: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng Đã Sai Thầy” (Mt 10,40).

 

– Sau nữa, theo Tin Mừng Gioan: tác giả Tin Mừng thứ tư không sử dụng hạn từ “ikhthus” mà là hạn từ “opsarion”, nghĩa là “cá con, cá nhỏ”. Hạn từ này chỉ được sử dụng một lần duy nhất trong sách Tôbia: “Khi bàn tiệc và đầy dẫy cá nhỏ (nhiều bản dịch: nhiều món ăn) đã được dọn lên” (Tb 2,2). Hạn từ gợi nhớ truyện tích ông Tôbia ở nơi lưu đầy, vốn là người công chính, liêm khiết và bác ái (chôn cất kẻ chết), nhưng gặp những phản kháng, khinh chê và khốn khổ (mù lòa vì phân chim sẻ) đến nỗi ông khao khát được chết. Tuy nhiên, sau này nhờ Raphael giúp đỡ qua người con, ông đã được chữa lành và phục hồi sự giầu sang. Vậy sứ điệp cho thấy rằng người công chính gặp đau khổ khinh chê, nhưng rồi Thiên Chúa sẽ thưởng công.

 

Thánh Gioan sử dụng hạn từ hai con “cá con” để nói về ơn gọi làm môn đệ có tính cá vị với Chúa Giêsu (cá con với Cá Con), vì họ được chia sẻ cùng một số phận với Ngài: sống công chính bị khinh chê, đau khổ và bị giết chết; nhưng rồi sẽ được phục sinh vinh quang nhờ quyền năng Thiên Chúa.

 

Gợi ý tâm sự với Chúa Giêsu

 

     – Về ơn cứu độ Chúa thực thi cho tôi mỗi khi tôi rước Chúa: trở nên bánh cho tha nhân đến đâu?

 

     – Về ơn làm môn đệ: đã sống như một “Kitô khác” tới đâu”? Và đã chia sẻ số phận với Ngài thế nào?

 

Cho vinh danh Chúa hơn.

 

Lm. Giuse Lê Quang Chủng, SJ.

Kiểm tra tương tự

Không phải hư mất (Thứ Ba Tuần 2 Mùa Vọng)

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. 12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các …

« Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói » (Ngày 18 tháng 10 năm 2021 – Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng)

  « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói » …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *