Viết cho người ngoại đạo

Phêrô Vũ Tiến Nhật

 

Tôi có người đồng nghiệp từ Đông Đức đến. Ông ta sinh sống và lớn lên trong một văn hoá cộng sản vô thần. Khi vợ ông ta bị bệnh ung thư nặng, thì ông kể cho tôi nghe là hai vợ chồng ông trong thời gian đó cầu nguyện rất nhiều. Ông ấy cầu xin cho vợ ông ấy gặp thầy gặp thuốc mau chóng lành bịnh. Ông bà ấy cầu xin với tất cả những vị thần thánh và Chúa mà ông bà đã nghe qua. Ông bà ấy cầu xin Mohammed, cầu xin Buddha và cũng cầu xin Chúa Jesus, vv.

Qua cuộc trò chuyện với ông. Tôi đã cho ông ấy biết tôi là người công giáo và ông ấy nói với tôi rằng: “Tôi rất ganh tỵ với anh, tại vì anh rất may mắn có một Thiên Chúa để thờ phượng, cầu nguyện và tâm sự khi gặp khó khăn trong đời sống.”

 

Nghe được những lời này của một người ngoại đạo, tôi rất cảm động và thấy mình hạnh phúc được uống nước hằng sống trong giếng Gia-cóp tại Sa-ma-ri mà lâu nay không biết. Tôi chợt nhớ đến câu Phúc Âm của Đặc ân các môn đệ (Luca 10,23-24) 23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

 

Đây là động lực để tôi viết lên những lời chia sẻ cho những người không được may mắn như tôi. Tôi  đã nhận ra là không phải ai là người thân cận của tôi, nhưng tôi là người thân cận của ai?

 

Lạy Chúa, xin Chúa cho con tâm tình giới thiệu về Chúa cho những người không được may mắn được là người Công Giáo như con. Cho con biết “… yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn, và yêu mến người thân cận của con như chính mình.” (Lc 10,27)

 

Dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

 

Qua dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành, con nhận ra chính Chúa Giêsu đã mặc áo của người ngoại đạo Sa-ma-ri để kể lại câu chuyện cúi xuống cứu người bị nạn, và cũng chính Chúa là nạn nhân bị cướp, để nâng cao tinh thần phẩm giá của những người ngoại đạo.

 

Dụ ngôn kể lại ba nhân vật chính. Nhân vật thứ nhất là tư tế, người thứ hai là thầy Lê-vi, và người thứ ba là người Sa-ma-ri. Hai người trước đã tránh sang bên kia mà đi, họ là những người đại diện cho những người có địa vị trong xã hội Do-thái và tôn giáo, lẽ ra họ phải là những người phải thi hành luật bác ái và lòng thương xót, nhưng họ lại tránh né mà chẳng làm điều gì cho người nạn nhân.

 

Người Sa-ma-ri là dân ngoại và dân Do-thái pha trộn, họ thờ phượng nhiều thần tượng khác nhau và cả Thiên Chúa họ cũng thờ. Người Do-thái coi thường khinh bỉ người Sa-ma-ri và coi họ là những người ô uế tội lỗi. Mặc dù người Sa-ma-ri trong dụ ngôn này có nhiều lý do hơn thầy tư tế và Lê-vi để có thể bỏ qua mà đi, nhưng tình yêu, lương tâm và lòng thương xót của anh thì không cho phép con tim của anh làm như thế. Anh đã băng bó vết thương cho người bị nạn, nhường chỗ của mình đặt người bị nạn lên lừa, đưa đến quán trọ, và trả tiền cho chủ quán. Anh nhận ra rằng đó là người cùng một phẩm giá, cần được bảo vệ và yêu thương bằng bất cứ giá nào. Hành động của anh vượt qua cái tôi, vượt qua chủng tộc, vượt qua màu da, địa vị và giai cấp.

 

Khi sống trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa, thì không còn phân biệt và đặt ra ai là người thân cận hay ai là người mà tôi phải yêu thương. Vì khi yêu thương người cần được giúp đỡ là họ yêu chính Thiên Chúa nơi anh em mình, và khi yêu thương anh em mình cũng là yêu chính bản thân mình. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Bất cứ điều gì Chúa dạy chúng ta, Ngài đều làm gương. Ngài bảo chúng ta phải hạ mình thì Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đồ. Ngài bảo chúng ta tha thứ thì Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết hại Ngài.

 

Chính anh và tôi đã có lúc từng sống trong vòng lẩn quẩn của tội lỗi thiếu bác ái như các thầy Lê-vi. Chính anh và tôi đã phải chịu sự khinh chê sỉ nhục của của những người chung quanh. Chính anh và tôi một ngày nào đó cũng phải đương đầu với những cơn bịnh không lối thoát. Khi chúng ta chỉ còn lại chính mình cô đơn trong bãi sa mạc nóng nực đầy áp lực của cuộc đời thì Chúa sẽ xuất hiện và đem Nước Hằng Sống đến cho chúng ta từ nơi Ngài. Chính khi chúng ta đang mệt mỏi tuyệt vọng nhất thì Ngài đến bên cạnh chăm sóc cho chúng ta. Khi chúng ta uống nước đó rồi, chúng ta lại tiếp tục truyền nước đó đi khắp nơi cho những người chung quanh đang khát như chúng ta từng khát, những người đang cô đơn bị  nạn. Chúa muốn chúng ta ra đi và nói về Ngài cho những linh hồn ngoại đạo đang khao khát tìm Ngài. Như Chúa Giê-su bảo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

 

Lạy Chúa cho con can đảm làm môn đệ yêu quý của Chúa, để con dám sống và làm chứng về Chúa cho tất cả những người chưa được biết Chúa. Amen.

Kiểm tra tương tự

Dọn đường cho Chúa

  Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta …

Thánh Lucia – Ánh sáng dẫn lối cho Mùa Vọng

  Ngày 13 tháng 12 là ngày kính thánh Lucia, một trinh nữ tử đạo. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *