1/6, Trẻ thơ không phải dạng vừa đâu

Ai cũng có 1-6 Jesus Childrenmột thời là trẻ thơ, nếu chưa kể tới các em bị mất sớm do bệnh tật, tai nạn, đói khát, bị bỏ rơi, hay thậm chí bị người ta giết ngay trong dạ mẹ. Tạm dằn lòng lại trước thực tế đau buồn này, người lớn có thể nhớ lại tuổi thơ. Tôi cũng nhớ lại, để tìm hiểu xem Thầy Giêsu có ý gì khi nói: Ai muốn vào Nước Trời, phải nên giống trẻ thơ.[1]          

Chẳng ai đơn sơ như trẻ thơ. Khi được hỏi: Bố có nhà không con? Bé nói nhỏ: Bố đang ngủ, nhưng bố dặn là, nếu có ai hỏi thì nói bố vắng nhà… Bố hỏi con: Tại sao cây này bị gãy? Con vui vẻ: Mẹ bảo con không được nói cho ai biết. Đúng là: đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Nước Trời không dành cho kẻ có lòng dạ gian dối.

Trẻ thơ tin tưởng người thân. Em bé nọ trên con tàu bố em lái. Khi sóng to gió lớn, mọi người sợ hãi chèo chống. Bé thản nhiên ngồi chơi. Ngạc nhiên quá, người lớn chạy lại bên em: Này, bé không sợ sao? Dạ không, bố con là thuyền trưởng mà. Bé làm tôi nhớ đến việc Thầy Giêsu ngủ, trong khi các môn đệ hốt hoảng lèo lái con thuyền. Kinh ngạc về sự bình thản của Thầy, các ông gọi: Thầy ơi, chúng ta sắp chết rồi! Sau khi dẹp yên sóng biển, Thầy Giêsu nói: Sao anh em kém tin thế![2] Vâng, nếu thiếu lòng tin, bằng cách nào người ta có thể thấy Nước Trời!

Trẻ thơ biết ai là người quan trọng nhất. Ngày nọ, Mẹ Teresa Calcutta tìm thấy một bé gái bên đường. Mẹ đưa em về nhà trẻ, để em có nơi ở yên ấm, với thức ăn đầy đủ, quần áo sạch sẽ. Mẹ cố gắng làm cho bé vui. Nhưng vài giờ sau, bé bỏ trốn. Mẹ và các sơ không tìm thấy bé. Nhiều ngày sau, Mẹ gặp lại bé bên đường. Mẹ đưa bé về nhà trẻ, với kinh nghiệm, Mẹ nói với sơ phụ trách: Sơ hãy đi sau bé, xem bé muốn đi đâu. Theo chân bé, sơ thấy bé về với mẹ của bé. Bà đang sống trong túp lều rách nát dưới gốc cây ven đường. Nghe sơ kể, Mẹ Teresa vội đến thăm bé. Mẹ Teresa nhận thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt bé, vì em được ở cùng mẹ của em. Mẹ Teresa hỏi bé: Sao con không ở cùng ta? Ở đó có rất nhiều thứ đẹp mà. Bé cười tươi: Con không thể sống thiếu mẹ, vì mẹ thương con.[3] Ôi! Cô bé thật hạnh phúc bên mẹ, thân thương quá! Thật thế, ai lại vào Nước Trời, nếu với họ Nước Trời chẳng có gì quan trọng.

Nước Trời và trẻ thơ dễ bị coi thường. Người lớn cho rằng: trẻ con biết gì mà nói, đúng là đồ con nít… Các môn đệ cũng ngăn cản trẻ thơ, khi các em muốn tới gần Thầy Giêsu.[4] Trẻ em bị coi thường vì các em không biết ăn nói, làm việc như người lớn; không có tiền bạc, uy thế, quyền lực như người lớn. Nhìn rộng hơn trong khía cạnh này, những người thấp cổ bé miệng trong xã hội không khác trẻ thơ là mấy. Ngay cả những người giàu có hay quyền thế, mà lại tốt lành, thì vẫn thường bị coi là “ngốc” là không biết “chớp thời cơ”. Dù giàu hay nghèo, người có tâm hồn trẻ thơ luôn “vững như kiềng ba chân” trong lối sống lương thiện giữa cảnh đời rối ren.

“Nước Trời là trẻ thơ”. Thầy Giêsu nói: ai tiếp đón em nhỏ này vì Thầy là tiếp đón Thầy, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Cha Thầy;[5] mà Nước Trời là nơi Thiên Chúa ngự. Người lớn khó vào Nước Trời vì người lớn không muốn tiếp đón trẻ thơ. Đón tiếp một trẻ thơ thì được gì? Được một con người, mà mất rất nhiều. Có người sinh con khuyết tật, thì dành gần như phần đời còn lại cho con. Có người sinh con “vỡ kế hoạch” thì mất việc làm. Có người sinh con ngoài hôn thú thì mất danh dự… Hay cứ sự thường, nuôi một trẻ thơ đến khôn lớn thì “nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”. Trẻ thơ nhỏ bé thế, sao đón nhận trẻ thơ lại phức tạp vậy? Quả thật, người lớn khó vào Nước Trời, vì người lớn chưa dám đánh đổi mọi sự để được Nước Trời.

Nhiều gia đình đặt nhầm trẻ thơ vào vị trí của người lớn, làm cho các em giống như các ông trời con, như bà chủ nhỏ. Tội nghiệp cho các em và khổ cho gia đình ấy. Làm như thế, người lớn không vào được Nước Trời, mà các em cũng không vào được, vì các em “lớn quá”, vì Nước Trời chỉ có một Ông Trời mà thôi.

Nếu ai đó nhìn vào ánh mắt của một trẻ thơ, mà không còn thấy ánh hồn nhiên trong sáng, mà chỉ thấy cái nhìn xa xăm vô định; thì người ấy sẽ cảm nhận rằng: không thể lý giải được cho các em về người lớn là ai và trách nhiệm của người lớn ở đâu. Nếu người lớn đặt mình trong vị thế trẻ thơ, có lẽ họ đã không dễ dãi với việc phá thai, sống thử, ly dị… Lạy Thầy Giêsu, Thầy bầm dập với đời nhưng lại cứu đời. Xin thương xót chúng con!

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

[1] xem Mc 10,13-16; Mt 18,1-4.

[2] xem Mt 8,23-27.

[3] xem Mẹ Teresa – Trên Cả Tình Yêu, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2007, tr. 117-121.  

[4] xem Lc 18,15-17.

[5] xem Mc 9,33-37.

Kiểm tra tương tự

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Những người thầy thầm lặng

  Bạn thân mến,   Trong tháng 11 này, chúng ta đặc biệt nhớ đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *