Trước khi bắt đầu tĩnh tâm, bạn hãy ngừng lại trong giây lát và gạt qua một bên mọi nỗi bận tâm lo lắng. Bạn hãy hít thở thật sâu và ý thức rằng Thiên Chúa, Đấng mang lại niềm vui, đang ở với bạn.
Lời Chúa (1V 19,12-13)
Sau động đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?”
Suy niệm
Thiên Chúa xuất hiện trong tiếng thì thầm. Dù không thấy Đức Chúa ở trong gió bão, trong động đất hay trong lửa, nhưng tiên tri Ê-li-a đã nhận ra và đáp lời Đức Chúa khi Ngài cất lời trong tiếng gió hiu hiu. Những lời thì thầm có một sức mạnh to lớn trong tương quan giữa người với người. Gần gũi Thiên Chúa để có thể lắng nghe được lời thì thầm của Ngài quả là không dễ, nhất là giữa những bận mải của cuộc sống đời thường. Cầu nguyện sẽ mang lại cho ta một cơ hội tốt để thưa chuyện với Chúa, và để lắng nghe những lời thì thầm của Ngài.
Câu hỏi phản tỉnh
Tôi có cảm thấy thoải mái với sự thinh lặng?
Những âm thanh nào trong cuộc sống đang ngăn cản tôi lắng nghe những lời thì thầm của Chúa? Tiếng động nào trong tâm trí đang gây trở ngại cho tôi?
Lời nguyện
(Hãy lắng nghe những lời thì thầm của Chúa. Hãy thưa chuyện với Chúa bằng lời nguyện dưới đây hoặc bằng lời nguyện của bạn)
Lạy Chúa, con đang lắng nghe.
Quang Khanh, S.J.
(Nguồn: www.loyolapress.com)