“31 Ngày Với Thánh I-nhã” – Ngày 5: Ba Lý Do Khiến Bạn Khó Tĩnh Lặng

 

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình lại sợ sự tĩnh lặng, ngay cả khi thực hành đời sống thiêng liêng không? Ba rào cản chính ngăn chúng ta tìm đến sự yên tĩnh: cảm giác tội lỗi khi không “năng suất” trong xã hội bận rộn; thói quen tìm kiếm sự phân tâm, kể cả trong các hoạt động thiêng liêng, nhằm tránh đối mặt với sự thật nội tâm; và sự khó chịu với cảm giác cô đơn, vốn bị khuếch đại bởi sự phụ thuộc vào các thiết bị điện tử. Những yếu tố này khiến việc tìm kiếm sự tĩnh lặng trở thành một thách thức lớn trong cuộc sống hiện đại. Với Thánh I-nhã, việc nhận diện, gọi tên các điều gây cản trở cho đời sống thiêng liêng là một trong những điều quan trọng để chúng ta, nhờ ân sủng của Chúa và nỗ lực của bản thân, vượt qua những “rào cản” của đời sống thiêng liêng.

1. Mặc cảm tội lỗi mỗi khi thấy mình không đạt “năng suất”

Sự tĩnh lặng, dù là để nghỉ ngơi hay cầu nguyện, vẫn dễ khiến người ta cảm thấy như thể đang lãng phí thời gian, nhất là trong một thế giới tôn thờ tiền bạc, ưa chuộng sự cạnh tranh, năng suất, bận rộn và tự mãn như hiện nay. Bởi họ nghĩ rằng, nếu có người cứ ngồi vu vơ trong nửa giờ, mà không có bất kỳ một ghi chú nào về những ý nghĩ xuất hiện trong đầu, tức là kẻ đó đã lãng phí nửa giờ đó. Nhà văn phải luôn ghi chép và suy tư, nhà điều hành thì phải luôn hoạch định chiến lược. Quả thế, không có khái niệm “nghỉ ngơi” trong một nền văn hoá như vậy! Khi bị kẹt xe, chúng ta sẽ cảm thấy bất an nếu như trong khi chờ đợi mà lại không có gì để làm như: kiểm tra tin tức, trả lời cuộc gọi, đọc email, tải nhạc, tải phim…

 

Cũng vậy, khi lên chương trình cho một ngày tĩnh tâm, chúng ta thường có xu hướng lấp đầy ngày hôm đó bằng việc đọc sách, thử những bài tập thiêng liêng, hay viết nhật ký. Vậy đấy! Ngay cả trong tĩnh tâm, chúng ta vẫn luôn đấu tranh để thực sự tĩnh lặng và thực sự không làm gì. 

2. Ưa thích sự phân tâm kể cả trong những lúc thao luyện tâm hồn 

Tôi đã từng nói với các nhà văn tại nhiều hội nghị: “Thiết nghĩ chúng ta nên trì hoãn việc viết lách lại, vì trong sâu thẳm chúng ta hiểu rõ rằng một nhà văn thực sự sẽ đòi hỏi điều gì.” Đó là khi tâm hồn có đủ không gian, thời gian và một tâm trí tĩnh lặng để nói với ta sự thật, dù sự thật đó không hề dễ chịu. Nếu tôi giữ thinh lặng và không làm gì trong cả một buổi chiều, điều bật lên trong tâm trí có thể không phải là một hiểu biết mới về một đoạn Phúc Âm, mà là nỗi lo về cuộc sống hôn nhân của mình, hay là sự oán giận đối với một người bạn nào đó. Tâm hồn tôi – dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần – sẽ chỉ cho tôi thấy những vấn đề tôi cần phải đối diện ngay hôm nay. Theo bản năng, chúng ta hiểu rằng tĩnh lặng và tịnh tâm để thao luyện tâm hồn là một việc gian khổ; do đó, điều dễ dàng hơn nhiều chính là khiến cho mình phân tâm và bận rộn, kể cả bận rộn trong đời sống thiêng liêng.

3. Cảm giác khó chịu khi thấy mình cô đơn 

Ngày nay, chúng ta có đầy đủ phương tiện giúp chúng ta giữ liên lạc, chia sẻ thông tin, và kết nối với nhiều người ở mọi nơi. Chính những thiết bị này khiến chúng ta cảm thấy không bao giờ phải cô đơn, vì chỉ cần một bài đăng Facebook thì chúng ta đã kết nối được với hàng trăm người bạn khác. Ngay cả khi không ai phản hồi hay comment cho dòng trạng thái tôi vừa đăng, tôi vẫn cảm thấy mình được kết nối với thế giới, đơn giản là tôi đã soạn và đăng lên “bảng tin toàn cầu” ấy. Đúng vậy, các thiết bị đã dần trở thành người bạn đồng hành thân thiết của chúng ta. Gần đây, tôi đọc một bài viết khá dài cho rằng trẻ em ngày nay không còn học được cách ở một mình, hay học cách để buồn chán (điều cần thiết để kích thích sáng tạo và khả năng tự chủ- ND), vì chúng thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử. Hiện nay, không hiếm gặp những đứa trẻ không biết cách ở một mình, hoặc không biết sáng tạo ra trò giải trí chỉ từ chút thời gian và một khoảng không gian nhỏ của chúng. 

 

Đối với người lớn – nhất là những người khoảng trên 45 tuổi – có thể không quá nghiện không gian mạng, nhưng vẫn có nhiều người không biết cách tồn tại nếu không có điện thoại, không có tivi, radio và máy tính. Tôi cần có âm thanh trong phòng. Tôi cần có ai đó, dù chỉ là một chương trình Tivi phát đi phát lại mà tôi hầu như chẳng thèm nghe. Tôi đã quen với tiếng ồn. Sự im lặng khiến tôi lo lắng. Nó báo hiệu rằng tôi đang ở một mình, và trong sự tĩnh mịch đó tôi sẽ phải đối mặt với điều gì nếu người bạn đồng hành duy nhất của tôi là chính mình?   

 

Do vậy, trước khi chúng ta bước vào hành trình thao luyện tâm hồn vốn đòi hỏi sự cô tịch và tĩnh lặng, chúng ta cần phải đối mặt và vật lộn với muôn vàn sự kình chống ấy trong thói quen sống của mình để đạt cho được một sự tĩnh lặng cần thiết cho chúng ta.

 

Bạn thường làm gì để tĩnh lặng? 

Những lúc bạn cảm thấy mình cần sự tĩnh lặng nhất? 

Bạn đã vượt qua những kình chống đối với sự tĩnh lặng của bạn như thế nào?

 

Nguồn: www.ignatianspirituality.com

Tác giả: Vinita Hampton Wright

Chuyển ngữ: Châu Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Gặp Chúa Giêsu Trên Giường Bệnh Ẩm Mùi…

GẶP CHÚA GIÊSU TRÊN GIƯỜNG BỆNH ẨM MÙI…   Những ngày này, cơ thể tôi …

“31 Ngày Với Thánh I-nhã” – Ngày 21: Lời Cảnh Tỉnh Về Phân Định Thiêng Liêng

“Khát Khao Như Nhím Ngủ Đông: Lời Cảnh Tỉnh Về Phân Định Thiêng Liêng Bài …