40 năm một cố gắng hội nhập văn hóa

Hoành Sơn, S.J.

Xưa kia, rất nhiều anh em chủng sinh Bùi Chu chúng tôi đã ngưỡng mộ tinh thần thích nghi (văn hóa) của các nhóm Matteo Ricci bên Tầu và Di Nobili bên Ấn. Riêng tôi thì quyết chí đi theo dấu chân của họ, và bắt đầu ngốn ngấu các sách viết về Triết lý đông phương. Để rồi sau khi vô Dòng Tên, tôi thiết tha xin và được chấp thuận đi chuyên ngành Triết Ấn.

Về nước năm 1968, tôi dạy đại học ngay (Đại học văn khoa Sàigòn, Đại học văn khoa Huế, Giáo hoàng học viện Piô X), và nhờ những tiếp xúc với giới nghiên cứu, tôi mau chóng  thành lập Phong trào Hưng Giáo Văn Đông (Chấn hưng Tôn giáo và Văn hóa Đông phương [1]). Phong trào quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, truy tầm và suy tư về văn hóa đông phương, và đó là các bậc đàn anh của tôi, như các cụ Nghiêm Toản, Nhất Thanh, Đỗ Bằng Đoàn, Giản Chi, Trần Tiển Hy, Kim Định, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Bá Lăng, Trần Văn Quế,v.v. Bắt đầu, chúng tôi tổ chức các buổi thuyết trình (báo cáo khoa học) tại trường Quốc gia âm nhạc. Tiếp đó mở nhà xuất bản và cho ra mắt tạp chí Phương Đông năm 1971.

Để có nhân sự hoạt động, đồng thời vun trồng lý tưỏng HNVH cho giới trẻ, phong trào đã thành lập ba nhóm sinh viên. Trước tiên, đó là nhóm Triết Đông quy tụ những sinh viên Triết Đông yêu ngành. Rồi nhóm Thiện Chí gồm mấy chục sinh viên Trường Luật, họ thành khối trước rồi mới xin gia nhập Phong trào. Trong số họ có người sau này sẽ là luật sư Nguyễn Văn Phương và luật sư Phạm Ích Ánh (anh Phạm Ích Ánh nay chuyển ngành thành bác sỹ vật lý trị liệu và đang làm việc bên Mỹ). Sau khi gia nhập, nhóm Thiện Chí được trao nhiệm vụ tổ chức các buổi giao lưu Chúa nhật do tiến sĩ Phạm Hữu Lai hướng dẫn : nhóm thường mời các học giả hay nhà văn đến nói chuyện và trao đổi với giới sinh viên. Nhóm thứ ba lấy tên là Gia Đinh Nhập Thể gồm những sinh viên Công giáo, được thành lập năm 1970 với trọng trách tổ chức các buổi thuyết trình tại trường Quốc gia âm nhạc, cũng như tổ chức các thánh lễ dân tộc ngày Chúa nhật, gọi là Thánh lễ Nhập thể.

Thật ra, Gia đình Nhập thể xuất thân từ hai lớp Triết giáo (Triết lý đối chiếu về tôn giáo, giảng dạy trong tinh thần Đối thoại tôn giáo) và Thời Việt (Thời đại và Việt Nam : Văn hóa Việt nam với hướng đi thời đại) do tôi mở ở Đắc lộ. Hiện nay chúng tôi vẫn còn gặp nhau để học tập về Đạo đứng trước những vấn đề thời đại và văn hóa. Thuộc lớp thành viên đầu tiên, ở trong nước nay còn có những anh chị rất trung kiên, như cô Đỗ Thị Phương, luật sư Đỗ Như Thư, luật sư Nguyễn Văn Phương.  Ngoài nước nhưng vẫn liên hệ mật thiết với nhóm và trung thành với hướng đi của nhóm, có bác sỹ Trần Việt Cường (suốt đời hoạt động tông đồ, xưa là thủ khoa Y khoa Việt Nam, nay đứng đầu giải phẫu cho một bệnh viện ở Los Angeles), gia đình anh chị Nguyễn Văn Luận, bác sĩ Phạm Ích Anh,v.v.

*

Thánh lễ dân tộc được chúng tôi gọi là Thánh lễ Nhập thể theo ý nghĩa : đặt nền tảng cho công cuộc HNVH trên mầu nhiệm Nhập thể : TC thành người khi mang lấy tất cả những gì thuộc con người Do thái vào thời ấy, chứ không phải con người tổng quát, chung chung.  Thánh lễ được thử nghiệm không chính thức từ 1974. Được hoàn thiện vào đầu năm 1976, nó được in ra và đệ trình Đức Tổng giám mục Saigon Nguyễn Văn Bình. Sau khi trao cho Ủy ban dịch thuật các giờ kinh phụng vụ duyệt xét kỹ lưỡng, Đức Cha cho phép chúng tôi chính thức thử nghiệm. Và thế là từ đấy, thánh lễ Nhập thể được cử hành trong nhà nguyện phụ của Trung tâm Đắc lộ, có ca đoàn do nhạc sỹ Hùng Lân huấn luyện. Đôi khi do lời mời, thánh lễ cũng được làm tại một nhà thờ xứ đạo hay trong một dòng tu.

Thực ra, trước chúng tôi, cũng đã có hai mô hình thánh lễ dân tộc được chính thức thử nghiệm, nhưng chỉ thử một lần rồi thôi (chứ không cả mấy trăm lần như của chúng tôi) : (1) Thánh lễ đại trào (chỉ thử, chứ không làm thật) do đan viện Thiên An tổ chức năm 1964 tại Huế, áp dụng tế Nam giao hoành tráng và cầu kỳ đến tận chi tiết, nhưng hình như chỉ dừng ở hình thức “phụ gia”, chứ không động đến cấu trúc Thánh lễ Rôma; (2) Thánh lễ dân tộc do một số dòng tu tổ chức (làm lễ thật) năm 1974 ở nhà thờ Tân Chí Linh Saigon, có đưa một bản văn thuộc tôn giáo khác vô làm bài đọc 1.

Cả hai thánh lễ nói trên, dù chỉ thử nghiệm một lần thôi, cũng bị những người bảo thủ chống đối, nhất là thánh lễ Thiên An. Còn thánh lễ Nhập thể, thì một lần kia nhân chuyến viếng thăm Đắc lộ, Đức Cha Nguyễn Văn Bình đã cho biết :-“Vì ông này mà tôi bị chỉ trích quá trời!” Quả thật, không thể canh tân mà không gặp những chống đối. Nên nếu sợ chống đối thì chẳng làm được chi hết. Công đồng Vatican II, rồi Thượng Hội đồng Giám mục Á châu đã mở đường cho chúng ta. Tại THĐ. 1998, nhiều Đức Cha VN đã hợp giọng với thế giới đòi quyền hội nhập, thế mà khi trở về nước, các ngài chỉ có thể tổ chức vài ba cuộc tọa đàm Huế và Saigon nhằm gây ý thức, nhưng từ ý thức mà chuyển thành hành động thì đã không dám làm gì cả.

Thật ra, đâu chỉ có chống đối. Người ủng hộ cũng không thiếu đâu, có điều họ không làm  ầm ỹ như nhóm chống đối nên không ai để ý, thế thôi. Vâng, họ chỉ bày tỏ sự thuận tình bằng những lời khuyến khích riêng tư hay bằng hành động là đến dự. Quả thế, thánh lễ Nhập thể của chúng tôi mỗi lần có mấy trăm người dự lễ, họ thường là những “khách hàng” trung thành. Theo chúng tôi biết, trong số ấy có rất nhiều người mới theo đạo hay rồi sẽ theo đạo, họ đã quen với tế gia tiên rồi, nên cảm thấy lễ Nhập thể gần gũi với họ hơn.

*

Thánh lễ Nhập thể tôn trọng những gì là cơ bản ở thánh lễ Rôma, nhưng những chỉnh sửa đi vào cấu trúc của lễ Rôma nhiều hơn các thánh lễ dân tộc trước đó. Chúng tôi cũng có bài đọc 1 rút từ các bản văn phương đông (như bên Ấn Độ đã quen làm từ lâu trước), nhưng không phải bất cứ loại văn bản nào. Vì chúng tôi có một quan điểm thần học để dựa vô khi làm những chọn lựa như thế. Quan điểm thần học này, chúng tôi đã trình bày trong ns. CGvDT 83, tr. 31tt.: Kinh thư Phương Đông trong Phụng vụ Lời Chúa. Tóm lại, chỉ có kinh thư ngàn đời cổ kính của mấy đạo lớn như Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo…mới xứng đáng tiếp nhận hơi thở Chúa Thánh Thần để Ngài giúp các dân tộc hướng về Tân Ước và đạt cứu độ “cách nào đó”. Mà cũng không phải mọi bản văn kinh thư ấy, vì “truyền hứng” (inspiration) ngoài CƯ, nhất là TƯ, không có bảo đảm hoàn toàn và toàn phần. Bởi thế, chúng tôi chỉ chọn lấy những gì phù hợp với niềm tin KTG và hướng đi của Tin mừng thôi. Vâng, vì đây là “Kinh thư Phương Đông dọn đường cho Tin mừng” mà chúng tôi đọc trước TƯ và có khi trước CƯ.

Sau phần Bài đọc, thánh lễ bước vào kinh Tiền tụng mà chúng tôi cấu trúc lại theo đúng trình tự Văn chúc Việt nam, như :

-Hôm nay, (Canh thìn) niên tháng hai, ngày  lễ (Nhập thể, tức Truyền tin)

Tại đây, thánh đường (Vô nhiễm thuộc giáo phận Xuân lộc),

Chúng con, tín hữu thuộc giáo xư, đồng hướng về Trời trong sự cung chiêm ngây ngất, dâng lên Cha lòng tôn sùng hiếu thuận, dâng lên Con sự trìu mến tri ân,v.v.

Sau Văn chúc là Kinh nguyện Thánh Thể mà chúng tôi gọi là Văn tế. Văn tế của thánh lễ Nhập thể lấy lại hoàn toàn bản văn Kinh nguyện Thánh Thể IV rất hay, soạn đúng theo cấu trúc của Musterion hay Huyền lễ[2] . Chúng tôi chỉ thêm vô, trước lời nguyện cho ông bà, tiên tổ, một lời nguyện khác mang ý nghĩa HNVH-ĐTTG sau đây:

-Xin Chúa chỉ đường cho đồng bào chúng con trong mọi tôn giáo / Xin Chúa Kytô-hóa những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc chúng con /

Thêm vào đấy, để đề cao Giáo hội dưới khía cạnh Giáo hội cơ sở (bao gồm hết thảy những người chịu Phép rửa), ngoài đối đáp chủ tế-cộng đồng Dân Chúa, chúng tôi thêm đối đáp hai bè nam-nữ khá nhiều, theo cách làm quen thuộc của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, như trong hát trống quân và hát quan họ. [3]

*

Viết theo nhã ý Tòa báo muốn chúng tôi trình bày hành trình 40 năm HNVH và 34 năm Thánh lễ Nhập thể, chúng tôi sung sướng được chia sẻ với độc giả thân yêu của tạp chí những ưu tư và khát vọng của chúng tôi, -cũng là của những ai yêu mến Giáo hội và Dân tộc như chúng tôi- là đưa hết những tập truyền thiêng liêng và đạo đức của tổ tiên làm phẩm vật Tiến lễ dâng lên trước bàn thờ Chúa. Chúng ta đã trì hoãn quá lâu, không thể chờ thêm nữa. Mong rằng nhiều nhóm khác sẽ mạnh dạn đứng lên tiếp nối công việc của Thiên An, của nhóm Tân Chí Linh và của nhóm GĐNT bé nhỏ là chúng tôi, kỳ cho thành công mới dừng lại. Thành công, nghĩa là khi HNVH đã trở thành một trào lưu lớn rộng, cũng như được hiện thể ở những thay đổi được công nhận chính thức, được lệnh áp dụng khắp nơi, chứ không còn trong giai đoạn “cho phép thử nghiệm” nữa.

15/8/08


[1] Chấn hưng tinh thần tôn giáo nói chung và Chấn hưng văn hóa đông phương.

[2] Xx. Thánh lễ Nhập thể, ns CGvDT 82 (th.10/ 2001), tr.43-44.

[3] Tp. đã dẫn, tr.42tt.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *