Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh

[youtube]https://www.youtube.com/watch?v=QiVn4Uqldqw[/youtube]

Anh chị em thân mến,

Chỉ ít phút nữa thôi tôi sẽ vui mừng mở Cửa Thánh Lòng Thương xót. Chúng ta thực hiện cử chỉ này, như tôi đã làm tại Bangui, thật đơn sơ nhưng mang tính biểu trưng mạnh mẽ, dưới ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta vừa lắng nghe. Lời ấy nhấn mạnh vị trí ưu việt của ân sủng. Thật vậy, điều lặp lại nhiều lần trong những bài đọc hôm nay, quy về hình ảnh Thiên Thần Gariel đến chào một thiếu nữ trẻ, đang ngạc nhiên và lo sợ, và chỉ ra mầu nhiệm bao trùm lấy Mẹ: “Mừng vui lên, Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28).

Trên hết, Đức Trinh Nữ Maria được mời gọi để vui mừng vì biết bao nhiêu điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Ân sủng của Thiên Chúa bao bọc Mẹ, làm cho Mẹ trở nên xứng đáng là Mẹ của Đức Ki-tô. Khi Thiên Thần Gariel vào nhà Mẹ, mầu nhiệm ấy trở nên sâu sắc hơn, vượt lên mọi khả năng của lý trí, trở nên động cơ của niềm vui, của đức tin và của sự buông mình của Mẹ vào lời được mạc khải. Sự tròn đầy của ân sủng có thể biến đổi con tim, và khiến con tim ấy có khả năng làm những điều vĩ đại để biến đổi lịch sử nhân loại.

Thánh Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội diễn tả sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa. Ngài không chỉ là Đấng tha thứ tội lỗi, mà nơi Mẹ, Ngài còn ngăn ngừa tội nguyên tổ mà mỗi người mang nơi mình khi bước vào thế giới này. Tình yêu Thiên Chúa luôn đi bước trước, có tính dự phóng và cứu độ. Khởi đầu lịch sử của tội nơi vườn Eđen đã thay đổi kế hoạch tình yêu cứu độ. Chúng ta kinh nghiệm thấy lời của Sách Sáng Thế ngang qua những kinh nghiệm sống mỗi ngày. Luôn luôn có cám dỗ bất tuân phục, một cám dỗ diễn tả ước muốn dự phóng đời sống chúng ta độc lập với ý muốn của Thiên Chúa. Và sự thù nghịch này tiếp tục lôi kéo con người đi ngược lại với kế hoạch của Thiên Chúa. Thế nhưng, lịch sử cứu độ chỉ có thể được hiểu dưới ánh sáng của tình yêu tha thứ. Chỉ khi nào tội được đặt dưới ánh sáng này chúng ta mới có thể hiểu được. Nếu chúng ta giam hãm mình trong tội, chúng ta trở nên một tạo vật tồi tệ nhất trong các loài thụ tạo, trong khi lời hứa về sự vinh thắng của Đức Ki-tô ôm trọn mọi sự nơi lòng thương xót của Cha. Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe hôm nay cho thấy rõ không chút nghi ngờ về điều này. Đức Mẹ Vô Nhiêm Nguyên Tội ở trước chúng ta là một bằng chứng tuyệt vời về lời hứa và sự trọn hảo của lời hứa ấy.

Năm Thánh ngoại thường này cũng là món quà của ân sủng. Bước vào cánh cửa này nghĩa là khám phá sự sâu sắc của lòng thương xót của Chúa Cha vốn đón nhận hết thảy mọi người và gặp gỡ từng người cách cá vị. Chính Thiên Chúa là Đấng luôn đi tìm chúng ta. Và cũng chính Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Trong Năm này chúng ta sẽ không ngừng lớn lên về sự xác tín vào lòng thương xót. Quả là một sự hiểu lầm tai hại về Thiên Chúa và ân sủng của Ngài khi chúng ta luôn nói về sự trừng phạt từ việc Thiên Chúa phán xét tội lỗi, mà trước đó không nói đến sự tha thứ nhờ vào lòng thương xót của Ngài (xem thánh Agustino, Trong Bàn Về Tiền Định của Các Thánh, De praedestinatione sanctorum 12, 24). Vâng, quả đúng như vậy. Chúng ta phải đặt lòng thương xót trước sự phán xét, và trong mọi hoàn cảnh, sự phán xét của Thiên Chúa luôn dưới ánh sáng của lòng thương xót. Như thế, ngang qua Cửa Thánh, chúng ta cảm thấy mình được dự phần vào mầu nhiệm của tình yêu, của sự dịu dàng. Chúng ta phải từ bỏ mọi hình thức của sợ hãi và nhát đảm bởi vì điều này không thích hợp với những ai được yêu mến. Đúng hơn, chúng ta hãy sống niềm vui của cuộc gặp gỡ với ân sủng vốn có khả năng biến đổi mọi sự.

Hôm nay, tại Roma này và tại tất cả mọi giáo phận trên thế giới, khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta cũng muốn nhớ đến một cửa khác mà cách đây 50 năm các Nghị phụ của Công đồng Vaticano II đã mở ra với thế giới. Việc kỷ niệm này không chỉ là nhớ lại di sản tài liệu quý giá vốn làm chứng cho một sự lớn mạnh về đức tin cho đến thời đại chúng ta. Tuy nhiên, trên hết, Công Đồng là một cuộc gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ đích thực giữa Giáo Hội và con người của thời đại chúng ta. Một cuộc gặp gỡ được đánh dấu bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thúc đẩy Giáo Hội đi ra khỏi sự khô cứng mà đã nhiều năm Giáo Hội khép lại nơi chính mình, để tiếp tục dấn bước bằng sự hăng say trên bước đường sứ mạng. Nó là một sự khởi đầu lại trên hành trình ra đi gặp gỡ mọi người nơi họ sống: nơi thành thị, nơi nhà họ và nơi họ đang làm việc… bất cứ nơi nào có con người hiện diện, nơi đó Giáo Hội được mời gọi đến để mang niềm vui Tin Mừng, mang lòng thương xót và mang sự tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, sau những thập niên này, chúng ta lấy lại một sự thôi thúc vì sứ mạng với cùng một sức mạnh và sự nhiệt thành ấy. Năm Thánh thách đố chúng ta về sự mở ra này, Năm Thánh đòi buộc chúng ta không được phép bỏ qua tinh thần đã được gợi nên của Vaticano II, đó là tinh thần của người Samari nhân hậu, như chân phước Phaolô VI đã diễn tả trong buổi kết thúc Công đồng. Ước gì việc bước qua Cửa Thánh hôm nay giúp chúng ta dấn thân thực thi lòng thương xót của chúng ta như người Samari nhân hậu.

Dịch bởi: Minh Triệu, SJ

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Gia đình trong Năm Thánh 2025 | Suy tư Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất

    Thánh sử Luca hôm nay (Lc 2,41-52) kể lại một sự kiện đặc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *