6. SỨ VỤ NHẬT BẢN
Ngày 15.4.1549, cùng với hai bạn đồng hành là cha Cosma de Torres và tu huynh Juan Fernandez, và ba thanh niên Nhật Bản, thánh Phanxicô Xavier xuống tàu đi Nhật Bản. Đến Malacca, ngày 20, ngài viết thư cho cha Juan de Berra và ba anh em nữa ở Maluku, báo tin ngài đang đi Nhật Bản và giao cho họ một số công tác. Đồng thời, ngài viết hai thư gửi vua João III, xin ban đặc ân cho trấn thủ Malacca là Pedro da Silva và người đưa thư. Cũng từ Malacca, ngài viết các huấn thị tỉ mỉ cho cha Paolo, cha Antonio Gomes và Baltasar Gago ở Goa, và viết cho anh em Dòng Tên ở Châu Âu những gì ba thanh niên Nhật Bản kể cho ngài về xứ sở và đồng bào họ. Trong một thư gửi cha Rodrigues, ngài nhấn mạnh là cần có một viện trưởng mới cho học viện Thánh Phaolô ở Goa. Ngài cũng xin hai cha Paolo và cha Antonio Gomes xúc tiến việc hôn nhân của Cristovão Carvalho, và một huấn thị cho tập sinh Juan Bravo mà ngài đã nhận vào Dòng Tên tại Malacca.
Ngày 24.6.1549, ngài tiếp tục hành trình từ Malacca đi Nhật Bản. Ngài đến Kagoshima ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Lên Trời. Đầu tháng 11, con tàu đã đưa ngài đến Nhật Bản quay trở về Malacca, nên ngài gửi được một số thư từ quan trọng. Trước hết là bức thư dài nhất của ngài, chừng mười ngàn từ, gửi anh em Dòng Tên ở Goa, tường thuật tì mỉ chuyến đi đến Nhật Bản và những cảm nghĩ đầu tiên về Nhật Bản. Rồi đến lệnh gọi các cha Berze, Gago và Carvalho đến Nhật Bản, các thư gửi cha Paolo, và cha Antonio Gomes. Trong một thư khác gửi Pedro da Silva, trấn thủ Malacca, ngài cám ơn ông đã giúp đỡ ngài trước đây, và khuyên ông mở một thương điếm Bồ Đào Nha tại Sakai, hải cảng chính của Nhật Bản lúc ấy.
Ngài tưởng có thể gặp Nhật Hoàng để xin phép truyền giáo trong cả nước, nhưng sau khi trải qua một hành trình hết sức gian khổ và nguy hiểm đến kinh đô Myako, ngài khám phá ra là lúc ấy Nhật Hoàng chỉ có hư vị. Từ đó, ngài tiếp xúc trực tiếp với từng vị quan cai trị địa phương, quen gọi là các daimyo. Trước hết, ngài dừng chân tại Yamaguchi, sau đó đáp lời mời của daimyo ở Bungo, ngài đã đến đó và thành lập cộng đoàn tín hữu thứ ba tại Nhật Bản, sau hai cộng đoàn ở Kagoshima và Yamaguchi.
Khoảng giữa tháng 11 năm 1551, nhân có tàu về Ấn Độ, ngài trở lại Goa để xếp đặt công việc rồi dự tính đi Trung Hoa. Đến Singapore, ngài báo tin cho cha Francisco Perez ở Malacca và xin giữ chỗ cho ngài trên tàu về Ấn Độ.
7. GIÁM TỈNH DÒNG TÊN ẤN ĐỘ
Tại Malacca, thánh Phanxicô Xavier nhận được một số thư ở Ấn Độ và Châu Âu gửi đến, đặc biệt thư của thánh I-nhã bổ nhiệm ngài làm giám tỉnh Dòng Tên Ấn Độ. Đây là tỉnh đầu tiên của Dòng Tên ngoài Châu Âu, và có lẽ là tỉnh rộng nhất thế giới: toàn bộ phía đông mũi Hảo Vọng, chỉ trừ Êtiôpi. Đến Cochin, có chuyến tàu, ngài viết bốn thư gửi về Châu Âu. Trong thư gửi anh em Dòng Tên, ngài kể đầy đủ về công việc ở Nhật Bản và cảm tưởng của ngài về đất nước và con người ở đó. Trong thư gửi thánh I-nhã, ngài tường trình về hoạt động ở Yamaguchi, xin một người thích hợp để làm viện trưởng Học viện Thánh Phaolô ở Goa, xin thêm các linh mục để phái đến các ‘đại học’, tức là các tu viện Phật giáo, ở Nhật Bản, nói sơ qua về nước Trung Hoa và người Trung Hoa. Trong thư gửi cha Rodrigues, ngài nói về ‘đại học Bandu’ và hi vọng sẽ gặp lại nhau tại Trung Hoa. Trong thư gửi vua Bồ Đào Nha, ngài xin nhà vua ban thưởng cho 24 người có công.
Sau đó, ngài hướng về Ấn Độ. Trong thời gian ngài đi vắng, cha Antonio Gomes đã gây nhiều xáo trộn, đặc biệt tại Học viện Thánh Phaolô ở Goa. Thánh Phanxicô Xavier muốn coi học viện ấy như một chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ cho Ấn Độ. Trái lại, cha Antonio Gomes đuổi hết học sinh bản xứ, nhận con cái người Bồ Đào Nha vào thay thế, quyết biến học viện ấy thành giống học viện Coimbra ở Bồ Đào Nha. Phải sắp xếp ổn định nội bộ trước, rồi mới đi Trung Hoa được.
Morais trẻ và Francisco Gonzalves đã bỏ nhiệm sở tại Maluku mà về Cochin. Thánh Phanxicô Xavier gửi hai người mang thư về Goa trao cho cha Paolo: ngài ra lệnh cho cha Paolo khai trừ cả hai khỏi Dòng Tên. Giữa tháng 2, ngài đến Goa. Ngài bổ nhiệm cha Melchior Nunes Barreto làm trưởng ở Bassein, rồi sau đó gửi hai huấn thị về bổn phận thuộc chức vụ ấy. Ngài quở trách Gonzales Rodrigues ở Hormuz vì bất hòa với các linh mục giáo phận tại địa phương. Ngài phái Anrê de Carvlho về Châu Âu đem theo một lá thư giới thiệu với cha Rodrigues. Quyết định quan trọng nhất trong dịp này là bổ nhiệm cha Gaspar Berze làm viện trưởng Học viện Thánh Phaolô ở Goa thay cha Antonio Gomes được gửi đến làm nhiệm vụ giảng thuyết ở Diu. Ngài sắp đi Trung Hoa, nên dự liệu nếu cha Berze qua đời, cha Morais lớn sẽ thay; và nếu cha này qua đời, cha Melchior Nunes Barreto sẽ thay.
Ổn định tình hình nội bộ xong, thánh Phanxicô Xavier chuẩn bị cho chuyến đi Trung Hoa. Lúc ấy Trung Hoa áp dụng chính sách ‘bế quan tỏa cảng’: người nước ngoài phải có phép riêng của Hoàng Đế mới được đặt chân vào. Ngài nghĩ ra một kế: đề nghị cho một người bạn ngài, ông Diogo Pereira, một thương gia giàu có, làm đại sứ của Bồ Đào Nha đến triều đình Bắc Kinh; ngài sẽ đi theo như một thành viên trong đoàn, thế là ngài đường đường chính chính vào được Trung Hoa. Ngài gửi André Fernandes dẫn hai thanh niên Nhật Bản đi Châu Âu thông báo cho cha Rodrigues ở Bồ Đào Nha biết các nhu cầu của xứ truyền giáo. Ngài viết thư cho vua João III trình bày kế hoạch vào Trung Hoa và cho thánh I-nhã biết ngài sắp xếp lại nhân sự trong tỉnh dòng Ấn Độ (Tài liệu 110). Để bảo đảm sự ổn định về tài chính cho Học viện Thánh Phaolô, ngài bổ nhiệm một giáo dân, ông Manuel Alvares Baưadas làm đặc ủy. Rồi ngài ra lệnh cho cha Berze khai trừ cha Antonio Gomes khỏi Dòng Tên sau khi tàu nhổ neo đi Bồ Đào Nha, quở trách cha Cipriano vì tự phụ, và soạn năm huấn thị hướng dẫn cha Berze thi hành chức vụ
8. ĐI TRUNG HOA
Ngày 17.4.1552. thánh Phanxicô Xavier xuống tàu rời Goa. Đây là chuyến đi không trở lại, chuyến đi đưa ngài đến vinh quang thiên đàng như ngài hằng mong ước, nhưng ngài cũng không ngờ. Cùng đi với ngài có bôn Giêsu hữu là Baltasar Gago, Pedro Alcazova, Alvaro Ferreira và Duarte da Silva. Ngoài ra, còn một thanh niên tân tòng người Trung Hoa ngài đem theo để làm thông dịch viên.
Khi tàu ghé Cochin, ngài viết thư cho cha Berze về các nhu cầu ở Cochin cũng như ở Quilon và ở Bờ Biển Parava. Ngài cũng để lại một huấn thị cho cha Antonio de Heredia, trưởng anh em ở Cochin.
Cuối tháng 5, tàu ghé lại cảng Malacca, nơi ngài dự định sẽ sang tàu của ông đại sứ Diogo Pereừa đi Trung Hoa. Ngày 6 tháng 6, ngài chỉ giữ lại mình Alvaro Ferrera làm bạn đồng hành, còn ba Giêsu hữu kia được gửi đi Nhật Bản. Giữa tháng 6, ông Diogo Pereira đến Malacca đem theo nhiều tặng phẩm cho Hoàng Đế Trung Hoa. Điều không ai ngờ lại thực sự xảy ra: viên trấn thủ trên biển là Alvaro de Ataide cấm tàu của ông Diogo Pereira rời bến. Thánh Phanxicô Xavier tìm hết cách thuyết phục viên trấn thủ, kể cả đe dọa ra vạ tuyệt thông, nhưng cuối cùng ngài phải ra vạ tuyệt thông (là phái viên Tòa Thánh, ngài có quyền phạt ai ngăn cản hoạt động của ngài), nhưng viên trấn thủ cho tàu đi mà không cho ông Diogo Pereira đi: thế là chuyến đi không thực hiện được như đã dự tính! Đang khi chờ đợi tàu nhổ neo, ngài viết hai lá thư cho cha Berze ở Goa, một để xin cha ấy thu xếp việc kết hôn của một người bạn, và một để nhờ cha ấy trả số tiền ngài đã mượn của ông Pedro da Silva.
Con tàu Santa Cruz (Thánh Giá) của ông Diogo Pereira đưa thánh Phanxicô Xavier cùng với người bạn đồng hành trẻ và một tân tòng Trung Hoa rời Malacca vào giữa tháng 7. Lúc qua eo biển Singapore, ngài viết thêm năm lá thư nữa. Trong thư thứ nhất, gửi cha Berze, ngài báo tin chuyến đi Trung Hoa của ông Diogo Pereira không thực hiện được vì bị trấn thủ Alvaro de Ataide ngăn cản. Vì thế cha Berze phải xin Đức Giám Mục cho cha đại diện ở Malacca công khai tuyên bố vạ tuyệt thông cho mọi người biết. Trong thứ thứ nhì, gửi cha Beira, ngài nói cha này trở về nhiệm sở tại Maluku. Trong thư thứ ba, gửi cha Berze, ngài xin cha này giúp Gioan, người Nhật Bản, ở lại Goa để sau này theo làm thông dịch viên cho nhóm thừa sai sẽ đến năm 1553. Trong thư thứ tư, gửi Gioan người Nhật Bản, ngài báo tin đã nhờ các cha Berze, Perez và de Heredia giúp. Trong thư thứ năm, ngài tạm biệt ông bạn Diogo Pereira và cám ơn ông đã quảng đại giúp ngài.
Khoảng cuối tháng 8, chiếc Santa Cruz đến đảo Thượng Xuyên ngoài khơi tỉnh Quảng Đông của Trung Hoa. Đây là một chợ trời người Bồ Đào Nha thường đến trao đổi hàng hoá lậu với các nhà buôn Trung Hoa. Nếu hải quân Trung Hoa đến, cấc tàu buôn có thể chạy được. Tổng đốc tỉnh Quảng Đông biết vậy, nhưng nhắm mắt làm ngơ. Vì Hoàng Đế Trung Hoa nghiêm cấm người nước ngoài vào đất liền, nên thánh Phanxicô Xavier tìm ai đưa lén ngài vào. Một nhà buôn Trung Hoa thoả thuận làm việc ấy với giá 1200 kg hạt tiêu. Trong khi chờ đợi, ngài gửi bốn lá thư theo tàu về Malacca. Trong hai thư gửi cha Perez, ngài ra lệnh cho cha này bỏ Malacca đi Cochin, vì dưới quyền trấn thủ Alvaro de Ataide, khó hi vọng thâu lượm được hoa trái thiêng liêng; ngài cũng kể về hành trình đến Thượng Xuyên và công việc của ngài ở đó. Trong thư gửi ông Diogo Pereira, ngài cũng viết tương tự như trên. Trong thư gửi cha Berze, ngài thông báo quyết định giải tán nhóm anh em Dòng Tên ở Malacca, và hi vọng ngài sẽ vào được Trung Hoa.
Khoảng giữa tháng 11, Manuel de Chaves, một người Bồ Đào Nha vừa trốn thoát nhà tù ở Quảng Đông, từ Thượng Xuyên đi Malacca. Thánh Phanxicô Xavier nhờ chuyển bốn lá thư cuối cùng của ngài. Trong thư gửi cha Perez, ngài nhắc lại là cha ấy phải rời khỏi Malacca. Trong thư nữa cũng gửi cha Perez, ngài cho biết đã khai trừ Alvaro Ferreira khỏi Dòng Tên: người tu sĩ trẻ và bạn đồng hành duy nhất của thánh Phanxicô Xavier quyết định bỏ ngài vì sợ. Trong thư gửi ông Diogo Pereira, ngài bày tỏ hi vọng năm sau gặp lại ông ấy ở Trung Hoa hoặc ở trên trời. Trong lá thư cuối cùng, gửi hai cha Berze và Perez, ngài vẫn bày tỏ hi vọng sẽ vào được Trung Hoa.
9. QUA ĐỜI VÀ AN TÁNG
Lẽ ra người nhà buôn Trung Hoa phải đến Thượng Xuyên đón ngài để đưa tới Quảng Đông ngày 19.11.1552, nhưng mấy ngày sau vẫn chưa thấy tăm hơi người ấy đâu. Có lẽ vừa kiệt sức vừa chán nản, mà thời tiết gió lạnh, trong khi chỗ ở của ngài chỉ là một chòi lá, nên ngài ngã bệnh. Lúc ấy hầu hết các tàu buôn Bồ Đào Nha đã rời Thượng Xuyên, chỉ còn lại hai chiếc, mà một chính là chiếc Santa Cruz của ông Diogo Pereira. Bên cạnh ngài chỉ còn một người duy nhất là anh Antôn, tân tòng người Trung Hoa. Ngài được anh đưa xuống tàu Santa Cruz, nhưng vì tàu lắc lư khiến ngài bệnh nặng hơn. nên anh lại đưa ngài về chòi trên đảo. Bệnh tình của ngài càng lúc càng nặng hơn. Rạng sáng ngày 3 tháng 12, anh Antôn hiểu là giờ cuối cùng của ngài đã điểm. Anh đặt vào tay ngài một cây nến sáng, và như sau này anh kể lại: “ngài kêu tên Chúa Giêsu, rồi linh hồn ngài về với Tạo Hoá và Đức Chúa của ngài rất bình an và êm ái.” Lời cuối cùng của ngài là: “Lạy Chúa, con đặt hi vọng nơi Chúa, con sẽ không phải xấu hổ muôn đời” (Tv 71,1).
Được một số người Bồ Đào Nha ở tàu giúp đỡ, anh Antôn mai táng ngài. Ngài được anh cho mặc phẩm phục như khi dâng thánh lễ, đặt trong quan tài gỗ và chôn trên đảo. Giữa tháng 2 năm 1553, chiếc Santa Cruz đã buôn bán xong và quay về Malacca. Anh Antôn áy náy khi nghĩ đến việc bỏ thánh Phanxicô Xavier lại trên đảo. Viên thuyền trưởng chiếc Santa Cruz cho đào mộ ngài lên để chuyển xác về Ấn Độ. Mọi người đều ngạc nhiên là khi chôn ngài, người ta đã đổ khá nhiều vôi xuống huyệt, dầu vậy hơn hai tháng sau, xác ngài vẫn tươi nguyên. Người ta đặt ngài trong quan tài mới, đưa xuống tàu, và về đến Malacca ngày 22.3.1553. Dân chúng Malacca tổ chức một cuộc rước xác ngài long trọng vào nhà thờ Đức Mẹ Trên Núi. Sau đó, ngài được đưa về Goa, chôn gần bàn thờ chính của Học viện Thánh Phaolô.
4. ĐƯỢC TÔN VINH
Lúc sinh thời, thánh Phanxicô Xavier đã được nhiều người tôn kính như vị thánh. Đôi khi người ta gọi ngài là cha thánh. Việc xác ngài được giữ tươi nguyên càng làm cho người ta xác tín hơn ngài là một vị thánh. Trong số những người đầu tiên xin phong chân phúc cho ngài có vua João III nước Bồ Đào Nha. Năm 1556, nhà vua ra lệnh cho Tổng Trấn Ấn Độ thu thập chứng từ về đời sống và nhân đức của ngài. Ngày 25.10.1619, ngài được Đức Thánh Cha Phaolô V tôn phong chân phúc. Ngày 12.3.1622, ngài được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV tuyên thánh cùng với thánh I-nhã, thánh Têrêxa Avila, thánh Philipphê Nêri, và thánh Isidore Nông Dân. Năm 1748, ngài được tôn phong là Thánh Bảo Trợ của Phương Đông. Năm 1904, ngài được tôn phong là Thánh Bảo Trợ Công Cuộc Truyền Bá Đức Tin. Cuối cùng, năm 1927, cùng với thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, ngài được tôn phong là Thánh Bảo Trợ Các Xứ Truyền Giáo.