Triết gia người Pháp G. Marcel đã nói: “Con người là hữu thế tôn giáo” (Homo religiosus). Có thể nói, tôn giáo có mặt từ khi con người xuất hiện. Với mục đích cao cả của mọi tôn giáo, là giúp con người đạt tới cứu cánh cuối cùng. Vì thế có quan điểm cho rằng: “Đã là đạo thì đạo nào cũng tốt”. Đứng dưới góc nhìn của một người Công giáo, tạm gọi là người có đạo, dưới đây tôi xin trình bày một vài quan điểm cá nhân về ý kiến trên.
Tôn giáo là hệ thống lý thuyết dạy những điều phải tin và sống, là cộng đồng những người cùng chung một tín ngưỡng, có tổ chức, hệ thống giáo lý để giáo huấn các tín đồ, những quy định về những thực hành nghi thức tế tự. Đối với người Công giáo: Tôn giáo thể hiện lòng con người khao khát Thiên Chúa và luôn mong mỏi tìm kiếm Ngài, hoặc ít là những giá trị: “Chân – Thiện – Mỹ”. Lòng khao khát đó đã được chính Thiên Chúa đặt vào lòng con người để họ luôn tìm về nguồn hạnh phúc đích thực của mình.
Như vậy, với khái niệm cơ bản về tôn giáo, chúng ta thấy rằng mục đích cao cả ban đầu của các tôn giáo là giúp người ta thăng tiến về mặt đạo đức, ý thức mình là tạo vật yếu hèn, hướng con người tới một giá trị cao cả về mặt nhân linh (tôn giáo mà chúng ta đang bàn đây là những tôn giáo chính thống đã được công nhận).
Mỗi tôn giáo đều có một vị sáng lập, một nền giáo lý và cách thực hành đạo, những triết lý nhân sinh riêng để hướng dẫn người ta. Chính trong cái khác đó làm nên tôn giáo. Nhưng chung quy lại mục đích cao cả vẫn là hướng con người tới điều thiện hảo. Như Đức Giêsu trong Kitô dạy rằng: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta trước đã”, hay với Nho giáo, Khổng Tử dạy rằng: “Những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, với Phật giáo, Đức Phật dạy rằng: “Trả thù không thể hóa giải hận thù, chỉ có khoan dung mới có thể hóa giải hận thù, đây là chân lý vĩnh hằng”…Đó là cái tốt của tôn giáo. Và tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.
Rõ ràng là tôn giáo đã đi sâu vào đời sống con người từ khi nào không ai hay, và biết bao nhiêu lợi ích đến từ tôn giáo cho cuộc sống nhân sinh này. Tôi thiết tưởng nếu một ngày trên thế giới này tất cả các tôn giáo đều biến mất, và con người sống dưới chủ nghĩa vô thần thì hậu quả thế nào, chắc chúng ta chẳng tưởng tượng ra nổi. Tôn giáo giống như một quả cân đối trọng của con người, nếu chúng cất quả cân tôn giáo ra khỏi bàn cân thì bàn cân bên kia sẽ rơi xuống tận đáy vực sâu của tội lỗi. Có người nói tôn giáo như tiếng nói của lương tâm, lương tâm mà mất đi, kẻ đó chẳng khác nào một con vật biết nói. Chính vì thế kẻ khinh thường tôn giáo thường đi ngược lại với tiếng lương tâm, sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện để đạt được điểu mình mong muốn. Họ không có quả cân đối trọng là tôn giáo giữ họ trong bàn cân quân bình.
Nói về sự đóng góp của tôn giáo cho xã hội và người dân. Ngày nay, có rất nhiều tổ chức tôn giáo tham gia vào các nhóm từ thiện xã hội. Nghe ở đâu có người khốn khó, bệnh tật là họ tìm đến giúp đỡ, nghe ở đâu có thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh là họ tổ chức quyên góp từ thiện nhằm có ngân quỹ để trợ giúp những người bất hạnh. Các chương trình từ thiện hằng ngày, hàng tuần được lập ra như: Bát cháo tình thương, be chai vì người nghèo, đông ấm cho em, tổ chức từ thiện Caritas và nhiều tổ chức từ thiện khác đã và đang góp phần cho thế giới mỗi ngày tốt đẹp hơn.
Chính các tổ chức tôn giáo cũng đang tham gia một cách tích cực và hiệu quả trong công tác xây dựng và phát triển con người và kinh tế xã hội trên thế giới. Các trường học do tôn giáo được lập nên vì con người rất nhiều, các bệnh viện từ thiện tôn giáo giá rẻ và phục vụ tận tình cũng được xây dựng rất nhiều để trợ giúp những người yếu thế trong xã hội đầy vụ lợi này.
Chỉ ít điều thế thôi, nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra rằng sự đóng góp to lớn của tôn giáo cho xã hội này là như thế nào. Ai dám nói tôi không cần tôn giáo đó là kẻ nói dối, vì tất cả mỗi người trên thế giới này đều được hưởng lợi từ tôn giáo mỗi ngày.Tôn giáo tốt đẹp là thế nhưng có những kẻ lợi dụng tôn giáo để trục lợi cho mình, lợi dụng lòng tin của người khác vào sự cao cả của tôn giáo để làm đầy túi tiền của mình, hay cũng có kẻ cực đoan, mang trong mình một niềm tin mù quảng phá hủy đi cái cao cả, cái đẹp đẽ của tôn giáo, chẳng khác nào làm vấy mực lên chiếc áo trắng tinh tuyền. Vì thế chẳng phải ngại ngùng gì khi nói: “Đã là đạo thì đạo nào cũng tốt”.
Nhưng không dừng lại ở đây, theo tôi sẽ có những sự khác biệt rõ ràng để nhận ra “đạo” nào giúp người ta tới nơi vĩnh hằng đúng nghĩa nhất, sẽ không có một sự đồng quy tôn giáo nào cũng như nhau, sẽ có một tôn giáo đạt tới sự “Chân – Thiện – Mỹ” đích thật còn các tôn giáo khác giống như các vệ tinh quay xung quanh nó, và được hưởng nhờ ánh sáng thật đó mà thôi.
Có thể ví các tôn giáo giống như những con đường để dẫn người ta về nhà mình. Có con đường thẳng tắp, đẹp đẽ, nhanh nhất, rộng nhất và an toàn nhất dẫn ta về nhà, đó là con đường chính lộ. Cũng có những con đường khác nhưng nó sẽ là con đường quanh co, khúc khuỷu, gồ ghề, ổ gà, ổ voi dẫn ta tới nhà nhưng đầy chông gai vất vả và mất rất nhiều thời gian, đôi khi còn lạc đường.
Tôi không phải là một nhà phê bình tôn giáo, hay bào chữa cho đạo mình là nhất như thế là một người thủ cựu. Thế nhưng nhờ chính cuộc sống và những điều tôi học được nơi tôn giáo của mình đem đối chiếu với các tôn giáo bạn, tôi nhận thấy rằng: Chưa một Đấng sáng lập tôn giáo nào dám nhận mình “Thầy là đường là sự thật và là sự sống” như Chúa Giêsu, những vị đó cũng chỉ nhận ra được sự khôn ngoan, nhưng chính họ lại không phải Đấng khôn ngoan. Cái trổi vượt nơi những người theo đạo Công giáo chính là nhìn nhận Đức Giêsu là Chúa, Đấng đã giáng trần và chịu chết trên cây thập giá vì nhân loại để nhân loại được sống. Người Công giáo tin vào Đức Giêsu giống như người lữ hành đang đi trên con đường chính lộ, họ không phải vất vả tìm đường như những người theo tôn giáo khác, cứ thể mà đi nếu họ có một niềm tin son sắt.
Dưới góc nhìn của một người Công giáo, tôi nhìn nhận rằng tôn giáo là tốt đẹp, vì mục đích cao cả của đạo nhằm để giúp con người hướng thiện. Với tinh thần tự do tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người, bất cứ ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một tôn giáo để tin theo. Nhưng như đã nói ở trên hãy chọn cho mình con đường nhanh nhất, thẳng nhất, chính lộ nhất để tin theo và bạn sẽ chẳng phải hối hận khi từ giã cuộc đời mình.
Phạm Nhật
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net. Bài viết phản ảnh quan điểm của tác giả, không phải của Dòng Tên)
cảm ơn cha/Thầy. Xin chúa ban bình an.
Êpheso 2:8 (Tân ước)
“Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa;
cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.”
Chúng ta ai cũng là người tội lỗi, mà tội lỗi thì dẫn đến cái chết (Roma 2:8) vì vậy chúng ta cần sự cứu rỗi từ Chúa Jesus – người đã chết thay cho tội lỗi con người để ai tin vào ngài thì được cứu (Gioan 1:12, 3:16, Roma 10:9,…)
Đạo nào cũng tốt, nhưng con thấy điều quan trọng hơn cần đặt ra là đạo nào mang đến sự cứu rỗi?
xin thưa chỉ có Chúa Jesus mới chết thay cho tội của chúng ta mà thôi còn những vị trong bài viết chỉ dừng lại ở việc dạy dỗ sự khôn ngoan mà thôi (mặc dù những điều đó đã được viết từ rất lâu trong Kinh Thánh, đặc biệt trong các cuốn của Solomon: Châm Ngôn (Proverbs), Giảng Viên (Ecclesiaste), Diễm Ca (Song of Solomon)
Nếu mục đích của một người là sống tốt đạo đẹp đời thì tôn giáo nào đưa con người đến Chân Thiện Mỹ thì cũng đáng trân trọng. Nhưng nếu mục đích của xin người là hướng đến đời sau thì mỗi tôn giáo đều có những cứu cánh khác nhau. Ngay cả 3 tôn giáo bắt nguồn từ Mặc Khải (đạo Do Thái, Kitô, và Islam) cũng hiểu về ơn cứu độ và cuộc sống vĩnh cửu rất khác nhau. Cho nên về mặt tôn giáo học, khó có thể nói là các tôn giáo đều có chung một mục đích tối hậu.