Chẳng là gì cả

Anh bạn cùng nhà tâm sự rằng nhiều khi nghĩ cũng buồn, mấy người bên đạo Công giáo còn biết mình là thầy tu, hiểu ra chút ý nghĩa nào đó về con đường mình đang đi, còn mấy người ngoài Công giáo thì chịu. Anh kể có lần mấy đứa bạn cũ hỏi anh đang làm gì, anh trả lời là đang học. Nghe vậy họ phản ứng lạ lắm, ai đời thanh niên hơn ba chục tuổi đầu rồi mà còn phải đi học, không có công danh sự nghiệp gì ổn định, lại sống lang thang khắp nơi. Họ không hiểu về đời tu nên không kính trọng mình như những người trong đạo. Họ coi mình chẳng là gì cả. Tôi chia sẻ với anh rằng mình phải cám ơn những người như vậy mới đúng, bởi vì nhờ họ mà chúng ta được nhắc nhở một sự thật rất quan trọng về mình: chúng ta chẳng là gì cả!

Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu Dòng Tên từ giai đoạn ứng sinh. Ứng sinh là những bạn đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học, sống chung với nhau trong cộng đoàn, được dạy dỗ và hướng dẫn làm quen với đời tu. Do vậy xét về mức độ trưởng thành nhân bản thì chúng tôi chẳng khác gì với các bạn sinh viên bên ngoài là mấy. Thường thì ít ai trong chúng tôi tự nhận mình là “thầy” trong giai đoạn này. Tất nhiên có nhiều bà con giáo dân với lòng sốt mến và kính trọng vẫn gọi chúng tôi là thầy, nhưng có vẻ như danh xưng đó không hợp với chúng tôi lắm, hoặc ít ra là không hợp với tôi. Những người thân quen hơn với nhà ứng sinh thì gọi chúng tôi là “chú”. Tôi thích cách gọi này hơn, vì nó liên tưởng đến các chú tiểu ở chùa trong giai đoạn đầu tu tập.

Đời tu chính thức trong Dòng Tên được tính từ ngày bước vào nhà Tập. Do đó tuổi dòng được xác định từ cột mốc này. Bắt đầu từ giai đoạn này chúng tôi có thể được gọi là thầy một cách danh chính ngôn thuận, bởi vì chúng tôi đã thực sự sống đời tu. Nhà tập là giai đoạn có thể nói là cách ly với xã hội bên ngoài để chúng tôi có điều kiện trau dồi đời sống thiêng liêng, học hỏi và tìm hiểu thêm về Dòng, đồng thời qua đó cũng biết hơn về chính bản thân mình. Chính vì sống trong một điều kiện đặc biệt như thế nên trong 2 năm nhà Tập chúng tôi chẳng mấy quan tâm đến việc mình đã được gọi là thầy. Sự thật là khi chúng tôi sống chung với nhau chẳng có ai gọi người khác là thầy cả, chỉ xưng hô anh em với nhau thôi, riết mãi danh xưng “thầy” kia trở nên không cần thiết.

Xong 2 năm nhà Tập chúng tôi khấn lần đầu, sau đó là bắt đầu giai đoạn ở Học viện. Rất khác với nhà Tập, đời sống ở Học viện mở ra nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Giai đoạn này chúng tôi tiếp xúc và làm việc với nhiều người hơn. Tất nhiên người ta gọi chúng tôi là thầy. Có lần tôi tự hỏi không biết mình là thầy của người khác theo nghĩa nào. Nếu giúp giảng dạy giáo lý thì tôi chỉ là giáo lý viên thôi, sao lại là thầy được. Còn nếu hiểu theo nghĩa là thầy dạy hay người hướng dẫn đức tin thì chính giáo dân là thầy của tôi mới đúng chứ. Một cụ già chân yếu không còn đi được nên phải nhờ đến chút sức lực còn lại từ đôi tay để chèo con thuyền ba lá men theo các con rạch đến nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật; cụ là thầy của tôi về lòng mến Chúa. Những đứa trẻ ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ thầy cô là thầy tôi về tấm lòng đơn sơ phó thác. Những cặp vợ chồng vượt qua nhiều trắc trở trong hôn nhân để sống trọn vẹn lời cam kết với nhau chính là thầy của tôi về tình chung thủy. Thầy của tôi về đức hy sinh chịu đựng chính là những người cha người mẹ chấp nhận sống kham khổ để lo cho tương lai con cái. Những tấm lòng quảng đại giúp đỡ người nghèo khổ khó khăn là thầy của tôi về tình yêu thương san sẻ. Tóm lại, tôi thấy người ta là thầy của mình chứ không phải ngược lại.

Giáo dân ở Việt Nam nói chung rất kính trọng giới tu sĩ. Thật lòng là tôi thấy ái ngại vì có những người đáng tuổi ông bà lại khúm núm trước mình. Tôi thực sự không đáng được như vậy. Trong nhà Tập Dòng Tên có một giai đoạn anh em chúng tôi phải tự ra ngoài làm việc kiếm sống như người ta. Lý tưởng là chúng tôi không nên để lộ thân phận của mình để tránh những chiếu cố không cần thiết. Có người trong chúng tôi làm công việc lau dọn ở một bệnh viện, sau tan ca thường nán lại trò chuyện với các bệnh nhân, cắt móng tay móng chân cho những cụ già. Công việc đó vẫn diễn ra điều đặn cho đến một hôm không biết ai xì xào mà người ta biết được chúng tôi là thầy. Chúng tôi vừa lôi cái kìm bấm móng tay ra là các cụ đã chắp tay lạy: “Con lạy thầy, con xin lỗi thầy, con không biết. Con mà để thầy làm vậy nữa là con mắc tội chết.” Giáo dân họ đơn sơ vậy đó, cứ nghĩ thầy là Chúa của họ. Một nhóm khác trong chúng tôi làm phụ hồ xây dựng công trình là ngôi nhà thờ ở một giáo xứ nọ. Ban đầu giáo dân chỉ ngạc nhiên vì có một nhóm thanh niên làm việc chăm chỉ, nét mặt luôn tươi cười, lại chẳng bao giờ nghe tiếng chửi tục như những người thợ khác. Sau này vì biết chúng tôi là thầy tu nên khi thì họ cho miếng thịt, khi thì biếu đòn chả, có khi còn cho nguyên nồi cá kho sẵn, ăn xong rửa nồi trả lại. Chung quy cũng bởi chúng tôi được mang danh là thầy.

Người ta thường nói “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng không hẳn hoàn toàn là như thế. Sự thật là chiếc áo đã làm nên “thầy”, tức bất cứ người nam nào bước vào nhà tu dù ở giai đoạn nào đi nữa cũng đều được gọi là thầy, còn thầy đó có thực sự “tu” hay không thì lại là chuyện khác. Ngày nay các dòng tu rất đa dạng về thành phần và lĩnh vực hoạt động, dòng trong nước cũng có, dòng từ nước ngoài vào Việt Nam cũng có. Bởi vậy mà ngày càng có nhiều “thầy” hơn. Đó là chưa kể tuổi đời của các thầy rất trẻ, vì có những dòng nhận ứng viên tốt nghiệp phổ thông trung học. Nói vậy để hiểu rằng được gọi là “thầy” không phải là điều gì đó ghê gớm lắm. Nếu các thầy tự biết mình để trau dồi học hỏi cho xứng đáng là thầy thì quá tốt. Tôi có dịp sống chung với một cha lớn tuổi, dù ở trong nhà nhưng cha luôn gọi tôi là thầy. Cha giải thích là không phải vì cha câu nệ hình thức, nhưng là vì cha muốn đề cao tính chính danh. Khi người khác gọi mình là thầy thì mình cũng phải ý thức sống sao cho ra thầy. Tuy nhiên, không ít các gia đình hay chính đương sự coi đời tu như một vị trí danh vọng, dựa vào chữ “thầy” người ta gọi mình để tự hào tự đắc, hay tệ hơn nữa là luôn coi mình là thầy thiên hạ. Như thế thật đáng buồn.

Thật diễm phúc cho những ai dù được gọi là thầy mà ý thức mình chẳng là gì cả trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Thầy đó sẽ khiêm tốn đón nhận lời sửa dạy, được nhắc nhở, được học hỏi để ngày càng trở nên giống với vị Thầy Giêsu hơn. Không liên quan nhiều lắm nhưng có lần tôi chứng kiến ông bà cố của một linh mục gọi con mình là “cha” ngọt xớt, nghe cứ trái tai làm sao ấy. Tôi thấy mình may mắn khi những người quen tôi không đề cao quá mức danh xưng “thầy” của tôi. Có người anh trong họ hàng thấy tôi làm điều gì đó sai liền nhắn tin nhắc nhở ngay. Có người giáo dân tôi quen cũng thẳng thắn góp ý rằng thầy không nên làm thế này hay thế kia. Tôi cám ơn họ vì đã nhìn ra được sự yếu đuối của tôi. Tôi càng phải cám ơn họ nhiều hơn nữa vì đã mong muốn và mạnh dạn sửa dạy tôi.

Để kết thúc, tôi xin kể câu chuyện truyền miệng về Đức Giáo hoàng Phanxicô trong chuyến thăm gần đây của Ngài tới một nước nhỏ. Trước buổi gặp gỡ chung với tất cả mọi người ở quảng trường, một cha trong ban tổ chức đã chia sẻ riêng với Đức Giáo hoàng: “Ngài coi, nhiều người đến đây từ nơi rất xa. Họ phải đem theo cơm gạo, đi bộ đường rừng cả ngày lẫn đêm để hôm nay được thấy mặt ngài.” Đức Giáo hoàng trả lời: “Vâng, họ đến đây để được gặp đấng kế vị thánh Phêrô. Tôi thấy mình thật xấu hổ. Tôi chẳng là gì cả!”

Lạy Chúa, con chẳng là gì cả, để Chúa là tất cả của con. Amen.

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *