Chúa Đau Cùng Con trong đại dịch COVID-19

Phỏng vấn Sơ Maria Antôn Quỳnh Trần Kim Thoại, Dòng Con Đức Mẹ Bình Thủy Cần Thơ. Hiện đang tu học tại học viện Đời Sống Thánh Hiến Á Châu, Philippines. Chuyên ngành Đời Sống Thánh Hiến.

  1. Cách đây mấy tháng, sơ đã sáng tác một bài về Covid-19 rất hay: Chúa Đau Cùng Con. Đâu là nguồn gợi hứng cho sơ sáng tác bài này?

Chỉ một từ thôi: ĐAU!

Khi cơn đại dịch không còn là cơn ác mộng nữa, mà là một thực tế chứa đầy chết chóc, hoang mang, lo lắng và sợ hãi đang tiếp diễn. Thực tế này buộc mỗi người, mỗi quốc gia phải đối mặt hằng ngày với những con số thống kê người chết và lây nhiễm cứ gia tăng. Riêng con, khi sống và suy ngẫm về những gì đang xảy ra, con nói với Chúa: “Chúa ơi, đau quá! Buồn quá!” Thì khi thốt lên những lời đó, con nhận được một sự an ủi tức thời và một cảm giác rất gần gũi về sự hiện diện của Chúa. Con bắt đầu ghi lại những dòng cảm xúc đang đầy ấp trong lòng mình, và ca khúc được viết trong buổi trưa hôm đó, như một trang nhật ký mùa Covid.

  1. Vâng, hiện giờ tình hình dịch bệnh tại Philippines như thế nào?

Con đang sống và học tập tại thành phố Quezon. Đây là thành phố có số ca nhiễm bệnh cao nhất Philippines. Và theo thống kê của bộ y tế quốc gia ở Philippines ngày 11/8/2020 vừa qua, tổng số ca nhiễm là 139538. Số ca dương tính là 68, 794. Số ca hồi phục là 68 432. Hơn 2312 ca tử vong và 2987 ca mới. Và Philippines là nước đứng đầu các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại thời điểm này. Cuộc sống của người nghèo, người vô gia cư giờ lại càng khốn khổ gấp bội phần.

  1. Sơ viết trong ca khúc trên: “Chúa đau nỗi đau của con, Chúa buồn nỗi buồn của con!” Sơ có thể giải thích thêm?

Chắc hẳn trong thời gian dịch bệnh bùng phát, không ít lần con và thầy được đối diện với những câu hỏi: Tại sao Chúa im lặng? Tại sao Chúa lại để cho sự dữ và điều xấu xảy ra cho con người? Chúa ở đâu khi con người gặp đau khổ, hoang mang và sợ hãi?

Có người còn cho rằng cơn đại dịch lần này là sự trừng phạt của Chúa dành cho con người tội lỗi! Con đem tất cả những ưu tư, thắc mắc và trách hờn đó kể cho Chúa nghe, và nhìn lên Thánh Giá… Ngắm nhìn Thánh Giá và con tìm được câu trả lời cho chính mình: “Chúa đau nỗi đau của con, Chúa buồn nỗi buồn của con. Ngài vẫn bên con mà, lo lắng làm con không nhận ra…”

Con tin Thiên Chúa mà con tôn thờ và yêu mến không phải là một Thiên Chúa dửng dưng, xa lạ với những buồn vui của con người. Con tin Ngài đang cùng chung chia với phận người trong cơn đại dịch này. Ngài đang cùng đau nỗi đau, và buồn nỗi buồn với con…Tình yêu Chúa dành cho con người không hứa hẹn là không có đau khổ, thập giá, mà là khi gặp đau khổ, khó khăn trong cuộc sống, có Chúa cùng vượt qua. Và con muốn chia sẻ kinh nghiệm này với mọi người.

  1. Cuộc đời thật mong manh, nhất là đối với những ai đang nhiễm virus. Sơ trải nghiệm về Thiên Chúa như thế nào trong khi thấy mỗi ngày trên thế giới có rất nhiều người chết?

Sự sống và cuộc đời đúng thật quá mong manh, nhưng lại rất quý giá. Đó là món quà đầu tiên Chúa ban tặng cho con người. Thiên Chúa đã quá ưu ái loài thọ tạo mong manh là con người chúng ta, khi Người cho chúng ta tự do làm chủ cuộc sống mình. Vậy nên, chúng ta cần phải biết trân quý và sống thật hạnh phúc cuộc đời mình bằng những giá trị Tin Mừng: yêu thương, bác ái, và phục vụ…

  1. Sơ viết: “Sống chậm để nghe”…Không biết thời gian đại dịch, đâu là điều tốt mà Thiên Chúa đang dành cho con người.

Thời gian đại dịch “buộc” ta phải sống chậm lại. Nghe có vẻ thụ động nhưng thật ra, nếu nghĩ theo hướng tích cực, đó cũng là dịp chúng ta có thời gian để cân bằng mọi việc, từ trong ra ngoài.

Sống chậm để nghe, để nhìn về những giá trị mà mình đang theo đuổi, dù là trong công việc hay những mối tương quan, theo con là một cơ hội để tái khám phá và làm mới chính mình. Sống chậm để nhận ra: những được mất trong cuộc đời có làm ta hạnh phúc khi nghĩ về, hay nuối tiếc thấy mình bỏ lỡ quá nhiều dịp để yêu thương, do tất bậc với những toan tính cho cuộc sống,… Chúa không tạo ra đại dịch để buộc ta sống chậm lại, nhưng Chúa đang mời gọi ta đối diện với những gì đang xảy ra bằng một thái độ khôn ngoan của con cái Chúa: đó là sử dụng thời gian, sự sống Chúa ban để xây dựng những giá trị cho cuộc sống mình trong sự tín thác vào Chúa.

  1. Từ nước ngoài nhìn về Việt Nam với dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát, sơ có thể làm gì để đồng hành với Việt Nam?

Ngoài việc theo dõi và cập nhật tin tức, khuyên nhủ và nhắc nhở người thân, bạn bè giữ gìn sức khỏe, con luôn hiệp thông cầu nguyện và hướng về quê nhà. Nơi đó là gia đình, hội dòng, và đồng bào mình.

  1. Với sơ, kinh nghiệm nương náu vào Thiên Chúa giúp ích như thế nào trong đại dịch lần này?

Nương náu vào Chúa, con người không mất gì, chỉ có được: được bình an, được an ủi, được thêm sức và được che chở. Và điều quan trọng nữa, trong mùa dịch này, con người nhận ra những giới hạn của mình và biết khiêm tốn chấp tay cầu Chúa ban ơn trợ giúp, và đồng hành. Dù những ngôi nhà nguyện đã trở nên thưa người vì giãn cách xã hội, nhưng con tin, trong cái ôm của Chúa, sẽ không có ai phải cô độc vượt qua cơn đại dịch một mình.

Thực hiện: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Bài hát do sơ sáng tác:

 

Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.

 

Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google

 

YouTube Terms of Services

 

 

Kiểm tra tương tự

Các Thánh – Họ là ai?

Trong hành trình cuộc sống, chúng ta gặp không ít các hạng người khác nhau. …

Trả lại Halloween cho trẻ em

Hãy trả lại Halloween cho bọn trẻ và giữ ngày này khỏi nỗi sợ hãi …

Một bình luận

  1. xin yêu cầu: giáo dân được tự do bày tỏ chính kiến.
    Chúa…ĐAU…cùng con trong đại dịch khủng khiếp!
    Theo tôi,Chúa không phải là đồng loài thụ tạo là loài người chúng ta. nên Chúa không cùng đau,cùng thân phận như chúng ta được.
    xin nêu một dụ ngôn…tạm…hợp như suy nghĩ của tôi:
    đứa con của mình mới…3…tuổi,nó chơi dao bị đứt tay;phận làm cha mẹ là mình phải cấp tốc cứu chữa ngay !
    chứ không thể cứ …đứng…nhìn..và khóc cùng con,cùng con đau!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *