[Khóa huấn luyện truyền thông] 50 giờ với JesCom

17 giờ chiều thứ 6 hai chị em dắt xe ra khỏi nhà dòng. 20h ngày Chúa Nhật, bánh xe chạm cổng dấu hiệu của sự bình an cho một chuyến đi không dài nhưng tràn đầy ý nghĩa. Sau một vòng dạo chào hỏi Quý Bề trên và chị em trong nhà, câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất là: “sao chị?” Hai từ “sao chị” nhắc tôi nhớ lại tất cả từng giây phút cùng với Jescon tại Tập viện Phaolô. 50 tiếng cơ mà! Làm sao mà kể hết! Nhưng tôi túm lại một câu trả lời cho mọi câu hỏi: vui – mệt – hay và ý nghĩa! Nay xin chia sẻ lại với bạn về 4 cụm từ trên.

Vẫn chưa quên được cái cảm xúc đầu tiên khi đặt chân tới cổng Tập viện Phaolô, khi bắt gặp một gương mặt tươi tắn đứng ngay cổng để chặn vòng bánh xe khỏi đi dư một thêm một bước. Cái cảm xúc thật lạ lẫm nhưng cũng thật thân quen. Lạ vì tôi đặt chân tới một nơi tôi chưa từng tới, lạ vì tôi nghĩ sẽ gặp những con người có lẽ chưa bao giờ gặp gỡ. Nhưng có một cảm xúc thân quen lấn át cái lạ lẫm trong tôi. Thân quen vì chính người đứng đón cổng cũng một phong cách chân chất như tôi: quần đen, áo sơ mi, tóc đuôi gà! Cái thân quen che lấp cái lạ lẫm dẫn tôi bước sâu vào trong điểm hẹn với một cảm giác thật an toàn. Sau khi cất xe, nhận phòng, ổn định chỗ nghỉ ngơi cho hai ngày sắp tới, chị em tay trong tay đi dạo một vòng để thăm quan tu viện và cũng để gặp mặt những người bạn sẽ trở thành quen với nụ cười thân thiện trên môi. Quả thật, không cần phải sau hai ngày mà chỉ sau giờ gặp gỡ đầu tiên, tôi đã cảm nhận một sự thân thiện, dễ gần và niềm vui tràn ngập phòng học. Tôi tự hỏi điều gì đã giúp chúng tôi cởi mở với nhau và dễ dàng trao ban niềm vui như vậy? Phải chăng vì chúng tôi có cùng đam mê? Phải chăng vì sức sống căng tràn của tuổi trẻ, cái tuổi sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng xông pha và chia sẻ? Ngẫm lại thì những cái “phải chăng” đó hoàn toàn đúng nhưng còn một lý do nữa đó chính là Tình Yêu vô hình liên kết chúng tôi. Tình Yêu có thể được nhận ra, có thể không được nhận ra nhưng vẫn có và đang nối kết từng người chúng tôi lại thành một khối với cái tên như thương hiệu của mình trong hai ngày này: “Jescom”.

 

50 giờ với Jescom quả là thời gian lao nhọc liệt lào với mỗi người chúng tôi. Tôi đã xác định điều này khi đọc chương trình được gửi trước trong email. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế thì ngoài sức tôi tưởng tượng. Cho tới giờ này tôi cũng không hiểu tại sao chúng tôi có thể làm việc tối đa như vậy. Cô em đi cùng tôi thỏ thẻ: chị ạ hai ngày em ngủ không biết có được 10 tiếng không? Nếu đủ 10 tiếng thì cũng thiếu tới 6 tiếng so với tiêu chuẩn bình thường của chúng tôi. Nhưng quả thực là không đủ bạn ạ! Ngày đầu tiên, chương trình kết thúc trước khi sang ngày mới nhưng có lẽ phải qua ngày mới mắt tôi mới chịu nhắm vì những ý tưởng mới được tiếp thu cứ nhảy múa trong đầu tôi. Tôi hiểu được điều cô em tôi chia sẻ. Ngày thứ hai giờ nghỉ chưa chắc cũng đủ để cho hai mí mắt chạm nhau. Buổi chiều, tất cả các nhóm đều tất bật không ngại khó, không ngại khổ, lăn lộn trên trường quay với bài tập dựng và quay phim “40s” đầu tiên của nhóm. Cái gay cấn tăng lên theo thời gian. Đêm thứ hai, tôi dám chắc tất cả các thành viên của khóa học này không ai lên giường trước khi sang ngày mới. Bởi lẽ, chúng tôi nhận được một nhiệm vụ cao cả hơn: một thước phim về “Covid và Tết” với thời lượng 3 phút để có thể truyền đạt một thông điệp mang tính Kitô giáo. Lao nhọc là vậy nhưng hiện lên trên từng khuôn mặt là niềm vui hớn hở vì được làm việc cùng nhau, được chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và được học thêm nhiều điều mới lạ. Tinh thần hăng say làm cho mọi người quên hết mọi nhọc nhằn để cùng nhau chu toàn nhiệm vụ được trao. Cái hăng say khiến cho nhiều người chẳng còn để ý tới những giọt mồ hôi đang lăn tròn trên gò má để cho ánh nắng dịu dàng của những ngày cuối năm ròm ngó làm cho giọt mồ hôi ấy trở nên lung linh đẹp lạ thường. Kinh nghiệm này cho tôi cảm nhận điều vô cùng quý giá trong cuộc sống này. Mỗi chúng ta cố gắng trau dồi, làm việc không chỉ để cho bản thân nhưng làm cho, cùng và với tha nhân. Quả vậy, những cố gắng của chúng tôi cũng chỉ là vô ích nếu chúng tôi cố gắng một mình. Những mệt mỏi của chúng tôi cũng chỉ là hành xác và tẻ nhạt nếu không có những người bạn đồng hành cùng trao cho nhau một nụ cười động viên, không có những người hướng dẫn trao cho chúng tôi những ánh mắt cảm thông và cả những lời khích lệ.

Vui có, mệt có nhưng hay và thật ý nghĩa. Tôi nói hay bởi lẽ gì bạn biết không? Bởi lẽ tôi đã vượt qua được nỗi ám ảnh sợ máy chụp hình, bởi lẽ tôi được trải qua hết những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi đã có nhiều giờ để khám phá máy ảnh: cách mở máy, cách điều chỉnh máy, cách để chụp những tấm hình đẹp, cách làm và quay phim. Tôi học được cách bố cục một bức hình, cách tìm góc, các tư thế và động tác quay. Tất cả những cái mới lạ đó như nền tảng cho tôi khám phá. Quả thực, từ giây phút chia tay Jescom tôi không ngừng quan sát và phân tích cách thích thú và say mê những bức hình mình thấy, những thước phim mình đang thưởng thức. Tôi cảm nhận khóa học ý nghĩa ngay từ giây phút đầu tiên khi được gặp gỡ thật nhiều khuôn mặt mới nhưng lại trào tràn nét thân thiện và dễ gần. Ý nghĩa đến với tôi ngay sau chia sẻ đầu tiên của thầy hướng dẫn về cụm từ truyền thông. Xin bật mí với các bạn, tôi rất hứng khởi khi “chộp” được cái ý tưởng thật mới lạ này. Tôi vẫn thường nghĩ truyền thông là chuyển tin đến cho người khác. Nhưng nó đâu phải như thế! Chỉ cần nghĩ sâu xa một chút thôi thì cụm từ “truyền thông” này thật ý nghĩa! Truyền thông là chuyển thông tin: một định nghĩa chính xác nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, thông tin chính là một cách thức khác chứa đựng “LỜI”. LỜI chính là Tình Yêu, là Sự Sống và là Chân Lý. Vậy thì, làm truyền thông chính là chuyển trao cho người khác “LỜI”, nói cách khác mang đến cho người khác CHÂN LÝ, TÌNH YÊU và SỰ SỐNG! Ý nghĩa với tôi khi tôi cảm nhận được bổn phận của mình là phải truyền thông cho người khác không đơn giản là thông tin nhưng là thông tin mang lại sự sống như Lời Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào”. Thi hành sứ mạng truyền thông cũng là tiếp nối sứ mạng của Thầy Giêsu là giúp cho người ta được sống và sống dồi dào.

 

Tạ ơn Chúa đã quy tụ gần 30 anh chị em trong khóa học này. Tạ ơn Chúa đã cho mỗi người học được những bài học và cảm nghiệm rất riêng. Cám ơn Thầy Thiên Kính, người đã tận tình hướng dẫn anh chị em tham dự khóa thứ 34 này. Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng đã thắp lên trong lòng anh chị em chúng con một ngọn lửa thao thức với truyền thông, cũng xây tròn những ước mơ của từng người để mỗi ngày với khả năng của mình chúng con mang sự sống đến cho anh chị em qua những phương tiện truyền thông chúng con sử dụng mỗi ngày.

Hương Thảo Nguyên MTGTL – nhóm Anh Cu Tí

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *