Người công chính lắng nghe tiếng Chúa qua giấc mơ

Theo cách hiểu thông thường, đời thực và giấc mơ là hai thực tại hoàn toàn khác biệt, nếu không muốn nói là đối chọi nhau giữa cái ý thức và vô thức. Thế mà, theo Kinh Thánh, giấc mơ thường được mô tả như dụng cụ mặc khải Ý muốn của Chúa. Cụ thể, trong trường hợp của thánh Giuse, thánh nhân đã thực hiện hoàn toàn theo những chỉ dẫn trong mơ. Ở đây, chúng ta muốn dừng lại ở thái độ lắng nghe của người được mệnh danh là công chính này. Có một trạng thái lắng nghe trong thế giới giấc mơ của thánh Giuse mà chúng ta hiểu rằng chúng được diễn ra trong tiềm thức?

Để hiểu rõ hơn thái độ và cấp độ sâu xa của việc lắng nghe nơi thánh Giuse, chúng ta cần lược qua những cách thế Thiên Chúa thường mặc khải ý muốn của Ngài. Và từ việc mau mắn thực hành mệnh lệnh của Ngài mà chúng ta khả dĩ suy ra việc lắng nghe cách tích cực và chủ động nơi thánh nhân.

Những cách thế Thiên Chúa mặc khải ý muốn của Ngài

Các nhà chú giải đã chỉ ra 3 cách thế:

Qua một vị nào đó: chẳng hạn như qua các thiên thần, Thiên Chúa tỏ lộ ý muốn của Ngài hầu đương sự biết rõ kế hoạch của Thiên Chúa, chắc hẳn, điều này đem lại thiện ích cách nào đó cho bản thân và cho cả một tập thể rộng lớn trong tiến trình lịch sử cứu độ. Điều này, chúng ta dễ nhận ra từ trình thuật biến cố thiên thần truyền tin cho Đức Maria (x. 1, 26-38).

Qua trí năng của con người: Thiên Chúa cũng có thể tỏ lộ ý muốn của mình qua trí năng và sự nhận thức của con người. Khi ấy, người tiếp nhận sẽ thấy toàn diện thực tại bằng trí năng thông suốt vượt khỏi tầm nhận thức thông thường của con người. Ví dụ trường hợp của viên đại đội trưởng, ông đã được Thiên Chúa cho thấy một điều kỳ diệu nào đó qua cái chết của Đức Giêsu trên thập giá và thốt lên: “ Người này quả thật là công chính !”( Lc 23,47). Hay trường hợp kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Biển Đức khi đang cầu nguyện, ngài đã được Thiên Chúa cho thấy toàn thể vũ trụ trong một tia sáng đi qua mà ngài gọi là ánh linh quang. Qua đó, chúng ta cũng có thể hiểu biết và giải thích cụ thể phần lớn những thị kiến nơi các thánh.

Qua giấc mơ hay việc báo mộng: đây cũng là cách thế thông thường mà Thiên Chúa dùng để bày tỏ ý muốn của Ngài tùy tình trạng linh hồn. Trong Kinh Thánh có nhiều đoạn nói về cách thức này, xin đơn cử trường hợp của ba vị đạo sĩ phương Đông đến Belem để thờ lạy Hài Nhi và sau đó, Kinh Thánh nói: các ông được báo mộng là đi lối khác mà về xứ mình (x.Mt 2,1-12). Hoặc những tường thuật thiên sứ báo mộng cho thánh Giuse: khởi đi từ sau biến cố truyền tin, đến việc trốn sang Ai Cập, rồi lui về miền Nazareth.

Từ những đoạn Kinh Thánh này và trong việc đối chiếu với các cách thức Thiên Chúa mặc khải, chúng ta cần giải thích về những giấc mơ của thánh Giuse theo một nghĩa khác hơn là bám vào sự kiện thánh nhân đang ngủ và thiên thần báo tin cho ông. Từ đó, việc lắng nghe của ông cũng được hiểu theo lối “loại suy” vì những điều này hoàn toàn không được nói đến trong sách Phúc Âm. Nói cách khác, việc thánh nhân được thiên thần báo mộng không thể hiểu như ngài đón nhận sứ điệp trong mơ và nếu có, thì giấc mơ ấy cũng không thể hiểu theo nghĩa thông thường vì có sự can thiệp của Siêu nhiên. Điều chúng ta cần lưu ý rằng thái độ của thánh nhân trong việc lắng nghe và đón nhận sứ điệp từ Chúa như thế nào.

Lắng nghe trong mơ ?

Xét theo lẽ tự nhiên, người ta chỉ lắng nghe khi có sự tác động của âm thanh vật lý. Điều này thật dễ hiểu khi chúng ta có một đôi tai không bị khuyết tật, từ đó, chúng ta có thể nghe những âm thanh cụ thể như âm nhạc, tiếng nói…mang đến cho người tiếp nhận một thông điệp nào đó trong cuộc sống. Ở cấp độ cao hơn, theo thánh phụ Biển Đức, các đan sĩ có thể lắng tai lòng mà đón nhận những lời hằng sống đến từ Thiên Chúa. Với “đôi tai” này, các môn sinh vượt qua mọi âm thanh vật lý tự nhiên mà lắng nghe tiếng lòng thổn thức. Nhưng trong trường hợp của thánh Giuse, giấc mơ thuộc thế giới vô thức dường như không thể có một sự liên hệ nào khả dĩ giải thích việc lắng nghe cách ý thức của thánh nhân. Điều này cần được soi sáng trong ngành Phân tâm học mà Freud là người tiên phong, đồng thời, ông đã có công lớn trong việc khám phá về giấc mơ. Ở đây, chúng ta chỉ nhắm vào việc giải thích tiến trình lắng nghe từ ý thức đời thường đi vào vô thức của giấc mơ.

Freud đã khẳng định rằng mọi sự đều có lý hữu của nó. Điều này được áp dụng cụ thể và thiết thực trong việc giải thích giấc mơ. Nghĩa là những gì chúng ta gặp thấy trong giấc mơ luôn có nguồn gốc từ chính trong đời sống ý thức của mỗi người. Có điều là phần lớn chúng mang một hình thức khác từ những hình ảnh biểu tượng mà vì thiếu hiểu biết người ta thường bỏ qua. Như thế, những gì chúng ta càng suy đi nghĩ lại, dằn vặt hay trăn trở trong ngày sẽ càng là chất liệu trong các giấc mơ của những ngày sau đó và gần nhất. Điều này phần nào giải thích cho những giấc mơ của thánh Giuse, chúng đã tái hiện cách rõ ràng và có câu trả lời cụ thể cho những vấn đề chưa được giải thích trong ngày sống của thánh nhân. Mặc dù, trong trường hợp này lại được “hậu thuẫn” bởi ý muốn của Thiên Chúa qua lời sứ thần thì càng được thánh nhân mau mắn thi hành. Ở đây, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc lắng nghe của thánh nhân. Thật vậy, nếu không có một thái độ lắng nghe cách tích cực và trong tâm thế sẵn sàng, đồng thời, nếu không có một lòng kính sợ Chúa thì giấc mơ chỉ mang lại sự hoang mang hơn là được người công chính thi hành ý Chúa với một tâm hồn bình an.

Cũng trong cách hiểu đời sống thực là nguyên nhân dẫn đến những chuỗi giấc mơ trong tiềm thức, chúng ta có thể giải thích về thái độ lắng nghe một cách chủ động của thánh nhân đối với ý muốn Thiên Chúa ngay trong đời sống hằng ngày, rằng: đã mau mắn thực hiện sau khi được sứ thần báo mộng. Vì nơi một người luôn có thái độ hoài nghi, giấc mơ sẽ là một cách thoái thác, thiếu trách nhiệm. Giả thiết rằng nếu trong ngày sống họ không chú tâm đủ vào vấn đề nào đó thì khi giấc mơ kết thúc, nó cũng chẳng mang lại ý nghĩa gì cho đương sự, nói cách khác, giấc mơ không có liên hệ gì với đời sống thực. Và chắc chắn, họ sẽ không thực hiện điều giấc mơ chỉ vẽ. Khi đối chiếu với thái độ của người hoài nghi, chúng ta muốn làm nổi bật thái độ lắng nghe cách tích cực của thánh Giuse, vì không có bằng chứng nào trong Kinh Thánh cho thấy rằng thánh nhân đã lắng nghe trong mơ nhưng Phúc Âm nói rõ: sau khi thức giấc ngài mau mắn thi hành cả ngay vào ban đêm như trường hợp ngài dẫn Mẹ Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập (x. Mt 2, 13-18). Một lưu ý nhỏ ở đây, nếu Kinh Thánh ngụ ý ban đêm là thời gian thuận tiện cho ma quỷ lộng hành thì một con người xứng danh là công chính tìm mọi cách để chu toàn ý Chúa.

Chúng ta cũng có thể giả thiết rằng thánh Giuse đã chẳng chăm chú lắng nghe và nhận ra ý muốn của Chúa trong ngày sống, để rồi, khi ngủ, ngài nhận được một điềm báo mộng nhưng cũng chẳng thiết tha gì và xem đó như không có liên hệ gì đến bản thân và kết quả là ngài bỏ qua một cơ hội thực hiện điều Chúa muốn. Trái lại, thực tế khác hẳn, nếu xét từ qui tắc mà Chúa Giêsu đã đề ra: xem quả, biết cây thì chúng ta có thể nhận ra rằng cái “quả” ấy chính là việc thánh nhân đã hoàn toàn thực thi những chỉ dẫn của thiên sứ và sau những hành động anh hùng ấy, ngài được Kinh Thánh giới thiệu là người công chính. Từ đó, chúng ta có đủ chứng lý để khẳng định rằng thánh nhân đã lắng nghe với tất cả sự tuân phục, và với một động lực tinh tuyền là luôn làm điều đẹp lòng Chúa. Tắt một lời, chỉ có cây biết lắng nghe thực sự mới cho sinh quả là cuộc đời công chính.

Sau khi đã giải thích đa chiều và phân tích từng tình huống xảy ra, chúng ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm rằng thánh Giuse đã lắng nghe tích cực và thi hành mau mắn những chỉ dẫn của sứ thần như mệnh lệnh đến từ Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đi bước nữa để khám phá thái độ lắng nghe của thánh nhân, từ đó, liên hệ với việc lắng nghe của mỗi đan sĩ mà thánh Biển Đức đã không ngừng mời gọi các môn sinh sống mỗi ngày. 

Lắng nghe với tâm thế sẵn sàng

Như chúng ta đã biết con người thời đại, đặc biệt là giới trẻ ngay nay thường phải đối diện với “ngã ba đường”, nghĩa là phải chọn lựa phong cách sống giữa biết bao trào lưu. Sự giằng co ấy càng thêm rối rắm khi xã hội bày ra những khẩu hiệu trên phương tiện truyền thông hay những sách “kỹ năng sống” chỉ nhắm đến thành công và kiếm được nhiều tiền. Điều này đã làm mờ dần những giá trị tinh thần truyền thống như: gia đình, tình bạn, tôn giáo…Họ tìm khẳng định bản thân trên thương trường và đấu trường, sẵn sàng đổ mồ hôi và cả máu nữa để có được một chút lợi nhuận do sự khôn khéo kiểu văn hóa thực dụng cổ xúy. Đã đến lúc, chúng ta cần đặt lại giá trị của tự do trong đời sống con người, cách riêng với tư cách là Kitô hữu.

Có thể nói, các thao thức của con người nói chung và giới trẻ nói riêng thật đáng trân trọng nhưng không phải mọi người đều đạt đến cùng của năng lực tự do Chúa ban. Như bao người khác, thánh Giuse cũng có những dự phóng riêng mà bản thân nghĩ rằng tốt đẹp, song một khi được soi chiếu dưới ánh sáng của đức tin, thánh nhân hiểu rằng tự do đích thực là thuận theo ý Chúa, vì Ngài ban cho con người tự do và với quyền năng vô hạn, Ngài biết điều gì tốt nhất cho con người. Trong lúc suy nghĩ, cầu nguyện trong đêm tối, Thiên Chúa đã mặc khải ý muốn của Ngài qua giấc mơ. Nhờ đó, qua thánh Giuse, Thánh Gia được bảo toàn và ơn cứu độ được thực hiện trọn vẹn trong Chúa Giêsu. Có thể chúng ta sẽ không nhận được ý Chúa qua giấc mơ nhưng như đã nói ở trên về những cách thức Ngài làm việc nơi các linh hồn, nghĩa là qua một biến cố như cú ngã của thánh Phaolô trên đường Đa mát hay qua tha nhân như cuộc hoán cải của thánh Augustinô khi được thánh Giám mục Ambrosio cảnh tỉnh hoặc qua sự soi sáng bề trong chẳng hạn như gương của chân phước Carlo Acutis, vị phúc nhân trẻ tuổi đã nhận ra sứ vụ của mình trong việc loan báo Tin Mừng qua phương tiện truyền thông…và còn bao nhiêu cách thức khác nữa. Điều quan trọng không phải là mặc khải của Thiên Chúa nhưng là con người có biết dùng tự do để nhận ra đâu là dấu chỉ thời đại mà Thiên Chúa muốn mỗi người sống tròn đầy với tư cách là Kitô hữu. Trước hết và trên hết, là con người luôn ý thức rằng Thiên Chúa toàn năng có một kế hoạch cho mỗi người, không chỉ vì hạnh phúc cá nhân nhưng còn mang lại tầm ảnh hưởng cho nhân loại. Như thế, chỉ có một con tim luôn biết lắng nghe với tất cả tình yêu mới khả dĩ bước đi trên con đường nên thánh. 

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *