CHUYỆN TÌNH CỜ GIỮA ĐỒNG LÚA CHÍN

lua(Viết tặng các bạn Yao-phu sau một mùa gặt)

Giuse BCD

Vào một buổi trưa, bầu trời trong xanh, con đường đầy nắng, chạy xe đi ngang cánh đồng lúa chín đang vào mùa gặt, loay hoay ngang dọc tìm chỗ nghỉ chân giữa cái nắng gay gắt, tôi bắt gặp một người đàn ông da vàng cháy nắng đang khom lưng đi hái lúa vàng. Tôi dừng xe lại, giả bộ hỏi đường, bắt chuyện làm quen với người đàn ông ấy.

Tôi hỏi ông: “Sao chỉ có một mình bác làm ruộng? Người thân và bạn bè bác đâu cả rồi? Không ai giúp bác một tay sao?”

Bác nông dân trả lời: “Ồ, chào anh. Người thân và bạn bè tôi nhiều lắm, nhưng họ đều bận cả. Hơn nữa, tôi có cảm tưởng họ không thích làm công việc này. Vì thế, họ có nhiều lý do để từ chối giúp tôi. Có người nói rằng họ đang lo xây cất Nhà Thờ, Nhà Nguyện, bận rộn lắm! Có người nói rằng họ bận đi dâng lễ, quyên tiền làm việc này việc nọ. Có người nói rằng họ đang lo chăm sóc các em bé ở nhà trẻ, các em học sinh nội trú, và đang tìm cách mở thêm nhà trẻ để phục vụ người nghèo. Ôi, họ có nhiều việc, nhiều lý do chính đáng lắm!”

Nghe ông nói về một trong những người bạn đang bạn đi dâng lễ, tôi ngạc nhiên, bèn hỏi: “Thế bác là Linh mục hả?”

Bác nông dân vừa cười vừa trả lời: “Linh mục ư? Tất cả người Công giáo đều là Linh mục, đều có thể là mục tử. Giả như tôi là một Linh mục, tôi vẫn muốn làm việc như một nông dân, như một giáo dân mà thôi.”

Ừ nhỉ. Tôi nhớ mang máng kể từ Công đồng Vatican II, Giáo hội dạy rằng mỗi người Công giáo đều chia sẻ chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Giêsu. Thật xấu hổ trước trình độ hiểu biết Giáo lý của bác nông dân, tôi đành hỏi bác câu khác: “Con xin lỗi. Con muốn biết bác có quý danh là gì để tiện xưng hô ạ!”

“Anh cứ gọi tôi là bác nông phu, vì tôi thích làm việc ở cánh đồng. Tôi là người Công giáo và hay đi loan báo Tin Mừng với các Yao-phu, nên anh gọi tôi là bác ‘Yao-phu’ cũng được”, bác trả lời với giọng điệu đầy chất ‘nông phu’, nhưng lộ rõ sự hiếu khách và thân tình.

Sau đó, bác mời tôi uống nước cho đỡ khát. Vừa uống nước vừa khuẩy khuẩy chiếc nón lá trên tay, bác Yao-phu hỏi chuyện của tôi. “Con là người Công giáo hả?”, bác hỏi.

“Dạ, con là người Công giáo. Con cũng thích đi loan báo Tin Mừng lắm, nhưng chẳng biết phải đi thế nào, phải bắt đầu công việc ra sao. Bác kể cho con nghe kinh nghiệm của bác đi!”, tôi năn nỉ.

Bác Yao-phu trầm ngâm, rồi từ tốn đáp: “Chuyện loan báo Tin Mừng thì nhiều lắm. Chẳng biết bắt đầu từ đâu! Nhưng bác nhớ tới đâu thì kể tới đó, và kể vắn gọn nhất, vì bác còn phải làm việc cho xong, tối nay còn đi với các Yao-phu tới gặp một số bà con ở một làng chưa biết Chúa.”

Chuyện bác kể thế này:

“Lúc đầu, bác cũng giống con thôi. Chúng ta đều là người, đều là con cái Cha trên trời, đều có những dự phóng cho riêng mình. Bỗng một ngày, tiếng Chúa Cha mời gọi vang vọng trong tâm hồn bác khi chứng kiến cảnh con người sống lầm lạc, bê tha, như bầy chiên không người chăn dắt. Bác tự hỏi ‘tôi phải làm gì để giúp họ, để đưa họ về với Chúa Cha, để họ nhận ra chân lý và sự thật, để họ được giải thoát khỏi thế giới của bóng tối, v.v.? Nếu tôi sợ hãi, lười biếng làm việc trên cánh đồng của Chúa thì ai sẽ làm việc đó giúp Chúa?’ Thế rồi, một ngày nọ, tâm hồn bác rạo rực và muốn tìm một nơi yên tĩnh để cầu nguyện. Bác tin là Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy bác đi cầu nguyện để tìm kiếm thánh ý Chúa Cha muốn bác làm gì, muốn dạy bác ra sao. Và bác đã đi cầu nguyện nhiều ngày. Sau những ngày cầu nguyện đó, bác bắt đầu làm việc như một Yao-phu, rong ruổi khắp các làng mạc. Công việc đầu tiên là bác đi tìm kiếm những người có cùng lý tưởng, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau lên đường. Sau khi có được những người bạn ấy, các bác lên đường loan báo Tin Mừng. Hễ ở đâu bác nghe nói bà con chưa biết Chúa là bác và các bạn Yao-phu khác lập tức tới gặp bà con để kết bạn. Cháu hãy nhớ rằng “kết bạn” là bước đầu tiên trong việc loan báo Tin Mừng. Bởi vì có những buôn làng thuộc bộ tộc khác với bộ tộc của bác, ngôn ngữ cũng khác, văn hóa cũng có một chút khác biệt, dù họ và bác cùng sống trên một lãnh thổ Việt Nam. Tình bạn thân thiết sẽ giúp chúng ta vượt qua những giới hạn về văn hóa và ngôn ngữ. Có một thứ ngôn ngữ chung mà bất cứ người dân thuộc bất kỳ bộ tộc nào đều có thể hiểu được, đó là ngôn ngữ Tình Yêu. Một hành động, một cử chỉ, một lời nói… xuất phát từ một tình yêu chân thành chính là một thứ ngôn ngữ chung cho cả nhân loại. Nói như thế chứ không phải thế! Bởi vì tình yêu của chúng ta cũng rất hạn chế. Tình yêu ấy không thể là một tình yêu tinh ròng, nếu không trải qua nhiều năm tháng được tinh luyện trong cầu nguyện, học hỏi và noi gương tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho nhân loại và cho từng con người cách cá vị.

Trong quá trình kết bạn với những người muốn được nghe biết Tin Mừng, những người bạn Yao-phu và bản thân bác cũng đồng thời tìm hiểu gia cảnh của họ. Họ có ruộng vườn, nương rẫy thế nào? Họ có đủ ăn đủ mặc không? Họ đang khỏe hay đang đau bệnh? Nhà của họ có dột nát không, có đủ ấm để ngủ đông không? Họ có mấy người con? Con cái họ có được ăn học không, có ai không biết chữ, có ai không có tiền đóng học phí không? Vân vân và vân vân. Dẫu biết rằng loan báo Tin Mừng là đem Lời Chúa đến với bà con; nhưng nếu nhận ra tình yêu và sự quan tâm của chúng ta dành cho bà con, họ sẽ dễ dàng hiểu Lời Chúa và hạnh phúc đón nhận Tin Mừng Cứu Độ hơn. Lời Chúa là một thực tại, là Lời sự sống, là Lời sống động, là Lời đem lại cho bà con một sức sống mới cả thể xác lẫn linh hồn. Vì thế, đôi khi các bác giúp họ sửa nhà, cùng họ làm ruộng làm rẫy, đưa họ đi gặp bác sĩ hoặc tới bệnh viện để chữa bệnh, quyên tiền giúp con cái họ đóng học phí để tiếp tục đến trường, v.v.. Những công việc bé nhỏ này, nếu được thực hiện với một tình yêu chân thành, sẽ đem lại giá trị loan báo Tin Mừng thật lớn lao.

Cháu biết không, đã có những nơi, khi một người trong làng được cứu chữa khỏi bệnh, cả làng đã trở về với Chúa. Họ nói rằng ‘Chúng tôi chưa thấy ai quan tâm và yêu thương chúng tôi như các ông. Chúng tôi muốn đi theo vị Thần của các ông!’ Thế là, Tin Mừng đã đến với họ.

Trên đường đi loan báo Tin Mừng, có nhiều người lúc đầu rất hồ hởi. Họ biết họ tới vùng đất này là để Loan Báo Tin Mừng. Nói cách khác, Loan Báo Tin Mừng là công việc chính của họ, là sứ mạng của họ, là ơn gọi của họ, là lẽ sống của họ. Thế nhưng, cháu cũng nên biết không phải ai cũng có khả năng rong ruổi khắp nơi, kết bạn với người mới gặp, thấu hiểu nỗi khát khao và nhu cầu đích thực của người nghèo khổ, của người chưa biết Chúa. Cánh đồng thì rộng mênh mông và lúa chín vàng, nhưng có nhiều người không biết cách gặt lúa. Cánh đồng rộng mênh mông, đường đi trơn trượt vào mùa mưa, bụi mù đỏ chói vào mùa nắng, có những nơi phải bỏ xe lại mà đi bộ, có những nơi bị ngăn cấm, bị theo dõi, bị hù dọa. Tất cả như những rào cản làm sờn lòng nản chí nhiều người bạn của bác. Vì thế, họ tìm những công việc khác để làm tại chỗ như một hình thức biện minh cho việc loan báo Tin Mừng. Có những người nói rằng họ vẫn đi vào các làng mạc để loan báo Tin Mừng, nhưng hai tuần hoặc một tháng mới đi một lần, như thế họ có thật sự là Yao-phu của Chúa không? Bà con đói khát Lời Chúa, đau bệnh và đói rách, hai tuần hoặc một tháng mới gặp bà con một lần, liệu chúng ta có đáp ứng được nhu cầu cấp bách cho bà con không? Có những người từ chối giúp đỡ đưa bà con đau bệnh đi bệnh viện, vì họ bận rộn việc này việc kia, liệu họ có là mục tử luôn nghe được tiếng nói của chiên, giúp chiên được sống và sống dồi dào không?

Có một lần, một gia đình dân tộc nọ tới gặp bác để xin giúp người nhà của họ đang đau nặng nằm trong bệnh viện. Bác hỏi họ: ‘Ông bà đã tới gặp Cha Xứ để xin ngài giúp chưa?’. Họ trả lời: “Chúng tôi đi gặp Cha Xứ rồi. Ngài nói ‘lo gì, con ông bà đã có bảo hiểm lo rồi!'”. Thế là bác tới bệnh viện để gặp bệnh nhân. Các y bác sĩ bảo bác phải tìm cách giúp họ chuyển đi tuyến trên, nếu không bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Bác đã đồng ý giúp họ. Dẫu biết rằng khi đồng ý giúp người đau bệnh sống trong cảnh bơ vơ không chỗ tựa nương và không tiền chữa trị, bác sẽ gánh lấy mọi trách nhiệm. Đầu tiên là tìm tiền, tìm người giúp đỡ và chăm sóc khi nằm viện ở tuyến trên, vì bà con dân tộc thiểu số ít khi đi xa và không giỏi tiếng Kinh, nên bà con gặp nhiều thách đố. Có khi một ca bệnh, bác phải duy trì liên lạc với bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và những người giúp đỡ trong việc chăm sóc điều trị… khoảng ba tháng. Sau này, bác mới hiểu tại sao nhiều người bạn của bác ngại nhận giúp đỡ những người đau bệnh và phải chuyển viện, vì họ sẽ hao tốn rất nhiều thời giờ, phải gánh vác và chu toàn trách nhiệm nữa. Kể cho cháu nghe tới đây, bác cảm thấy thấm thía câu nói của nhiều người về ‘thăng tiến công bình và bảo vệ đức tin’. Người ta có thể thốt ra từ môi miệng cách mạnh dạn về ‘thăng tiến công bình và bảo vệ đức tin , thế nhưng, thực hiện lời nói ấy không dễ chút nào, có khi phải trả giá khá đắt, vì nó đụng chạm tới lợi ích và địa vị của người cầm quyền tại địa phương.”

Nghe tới đây, tôi đành ngắt lời bác và hỏi: “Bác đi loan báo Tin Mừng, là đi trao Lời Chúa cho mọi người, là giúp người chưa nhận biết Chúa được lãnh nhận Phép Rửa, nhưng bác còn giúp đỡ các bệnh nhân, người đói rách, kẻ không nhà… Liệu công việc loan báo Tin Mừng của bác có bị ảnh hưởng?”

Bác trả lời tôi rằng: “Tin Mừng là gì? Tin Mừng là Lời Chúa, là một thực tại sống động, là Lời đem lại sự sống viên mãn, sống xứng với phẩm giá của một con người được Thiên Chúa tạo dựng nên, là Lời đem lại sự bình an và niềm vui, v.v.. Như thế, trên đường loan báo Tin Mừng, nói những Lời ấy cho bà con nghe, nhưng nếu bác không biết dừng xe và xuống xe để giúp đỡ người hoạn nạn và đang gặp cảnh khốn cùng, thì những Lời bác loan báo đó có còn giá trị không? Giúp người và cứu người bằng một tình yêu chân thành là những lời loan báo Tin Mừng mạnh mẽ nhất và có giá trị Tin Mừng nhất đó, cháu ạ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của bác khi đi tới những vùng đất mới và gặp những con người mới, tâm trí bác luôn rạo rực duy nhất một ước nguyện là loan báo Tin Mừng cho bà con, giúp bà con nhận biết Chúa, giúp bà con được trở thành con cái Chúa trong Hội Thánh Công Giáo. Vì thế, dù chưa kịp nói Lời Chúa cho bà con nghe, nhưng qua sự thương cảm, thấu hiểu hoàn cảnh sống và văn hóa của bà con, và qua những hành động giúp đỡ bà con với một tình yêu và lòng khát khao giúp bà con nhận biết Chúa, bác cảm nhận đó là hành vi loan báo Tin Mừng. Nói chung, kết bạn và thông truyền Lời Hằng Sống cho bà con nghe là hai điều cần làm trước tiên và quan trọng nhất trong việc loan báo Tin Mừng. Việc trợ giúp bà con về vật chất sẽ đến sau, mặc dù cũng rất cần thiết. Thực thế, hằng ngày đời sống vật chất của bà con thiếu thốn và bất ổn là chuyện bình thường. Bà con đói khổ và bệnh tật quanh năm, nên nếu nhận được vài chục ký gạo hay thuốc men và quần áo cũ thì cũng chỉ giúp bà con vượt qua cái đói cái bệnh một thời gian ngắn chứ đâu có giúp bà con sống no ấm và khỏe mạnh suốt đời. Vì lẽ đó, bác nhận ra rằng cái bà con cần nhất trong cuộc sống hằng ngày, bên cạnh sự nghèo khổ là bản chất của bà con, đó chính là Lời Chúa. Bà con cần chúng ta cho ăn Lời Chúa, vì bà con đang đói Lời Chúa, thiếu Lời Chúa. Chúa Giêsu nói với Satan: ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh‘ (Lc 4:4), rồi Người dạy các môn đệ cầu nguyện rằng: ‘Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày‘ (Mt 6:11). Lương thực Chúa Giêsu muốn chúng ta cầu xin với Chúa Cha không phải chỉ là cơm gạo, nhưng còn là Lời Chúa vì Lời Chúa cũng là lương thực và còn là lương thực thường tồn. Hằng ngày chúng ta ăn cơm uống nước thôi thì chưa đủ. Chúng ta còn cần đến lương thực Lời Chúa nữa. Ăn cơm gạo, ăn Lời Chúa và ăn Mình Máu Thánh Chúa mới là thứ lương thực chúng ta cần mỗi ngày.”

Tôi hỏi tiếp: “Hằng ngày hằng tuần bác đi nhiều nơi và giúp nhiều người. Vậy, bác và các bạn lấy tiền ở đâu để làm việc này?”

Bác đáp rằng: “Đi loan báo Tin Mừng là đang làm công việc của Chúa, công việc dang dở của Người. Vì thế, chính Chúa sẽ an bài mọi sự, cháu ạ. Cứ làm đi, tiền sẽ đến. Kinh nghiệm của bác về chuyện cơm – áo – gạo – tiền để giúp đỡ người nghèo là một sự tín thác vào Chúa và tình yêu dành cho Chúa cũng như cho những người bạn đích thực của Chúa. Có khi bác nhận lời đưa người nghèo đi khám chữa bệnh, nhưng chẳng có tiền trong túi. Thế rồi, Chúa gửi tiền tới cho bác qua sự giúp đỡ quảng đại của người khác. Có khi người ta tự động mua quần áo hoặc chuyển quần áo cũ để nhờ bác chuyển lại cho người nghèo. Có khi bác nhận được cả tấn gạo của một người nhờ chuyển tới cho các bạn của Chúa. Có khi những người bạn Yao-phu và bác tĩnh tâm nhưng đồ ăn thức uống được nhiều người mang tới, trợ giúp. Có nơi có nhiều người mới biết Chúa, mới được lãnh Phép Rửa, nhưng cũng làm được một căn phòng nhỏ để bà con đến cầu nguyện. Rõ ràng đây là công việc của Chúa. Bác và anh em Yao-phu chỉ cộng tác một phần nhỏ với Người mà thôi. Đối với bác, điều kiện đầu tiên để can đảm và hăng hái đi loan báo Tin Mừng không phải là cơm – áo – gạo – tiền – phương tiện đi lại, nhưng là tinh thần cầu nguyện với một tình yêu tín thác – tình yêu dành cho Chúa và tình yêu dành cho người nghèo, người chưa nghe biết Tin Mừng, người bạn đích thực của Chúa. Bởi thế, các bạn Yao-phu của bác đều cố gắng duy trì đời sống cầu nguyện để ngọn lửa tình yêu Chúa không bị dập tắt; nếu ngọn lửa ấy đang dần lịm tắt, thì nhờ cầu nguyện, ơn sủng Chúa sẽ làm ngọn lửa ấy bừng cháy trở lại. Cầu nguyện sẽ giúp người loan báo Tin Mừng được no đầy Lời Chúa trong tâm hồn, để kinh nghiệm Chúa Giêsu cách sống động, và khi gặp gỡ bà con, chúng ta có Lời Chúa để trao lại cho bà con, có Thánh Thần để chia sẻ với bà con, có Chúa Giêsu để trao ban cho bà con như hình ảnh Mẹ Maria đi thăm viếng người chị họ là bà Êlidabét, Mẹ không mang theo hành lý nặng nề, nhưng Mẹ mang Chúa Giêsu trong lòng Mẹ và đã trao ban Chúa Giêsu và Thánh Thần cho cả gia đình người chị của mình.”

Nghe bác kể bằng cả con tim đầy ắp những kinh nghiệm sống động, tôi bị cuốn hút và quên mất nắng chiều đang phai nhạt và khuất dần sau rặng núi xa. Tôi vội xin lỗi bác vì đã làm mất nửa ngày làm việc của bác và ước mong được nghe bác kể tiếp những câu chuyện thú vị trên đường loan báo Tin Mừng. Sau cái bắt tay ấm áp tình đồng đạo, bác và tôi mỗi người một ngả. Tôi lên xe và thong thả trở về nhà. Trên đường về, tâm trí tôi như đang gợi nhớ lại một hình ảnh rất dễ thương khác về bác nông dân này. Cuối cùng, tôi nhận ra bác nông dân rất giống hình ảnh “Người Samarianô Tốt Lành” trong Tin Mừng Luca 10:25-37.

Trước hết, người Samarianô trong Tin Mừng Luca khác dân tộc với người bị nạn. Ông là người Samaria, người bị nạn rất có thể là người Do Thái vì đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Khi thấy người bị nạn, người Samarianô đã “chạnh lòng thương” (c.33) và tìm cách cứu hộ. Người Samarianô đã bỏ qua sự khác biệt về dân tộc tính, đặt việc cứu người lên trên mọi việc khác, dù là ông đang bận đi làm ruộng, làm rẫy, đi dự tiệc cưới hay đi dâng lễ hoặc đi làm Nguyện Đường… Người Samarianô cứu người, giúp người bằng một tình yêu chân thành. Gặp người bị nạn, “ông ta lại gần” (c.34). Nếu người Samarianô là một tư tế hay một Lêvi của một tôn giáo trong dân tộc Samaria mà không dừng xe và xuống xe khi đang trên đi loan báo Tin Mừng thì liệu ông có thể lại gần nạn nhân được không? Sau đó, ông ta “lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương của nạn nhân”. Một hành động cứu người xuất phát từ một tình yêu chân thật. Ông ta “đưa nạn nhân vào quán trọ”, ” trao cho chủ quán hai quan tiền” (một số tiền lớn thời bấy giờ) và “ông hẹn ngày quay trở lại để tính toán sổ sách cho chủ quán” (c.35). Đây là những hành động của một tình yêu luôn đi kèm với trách nhiệm.

Rõ ràng, hình ảnh người Samarianô tốt lành và bác Yao-phu kia chẳng khác nhau bao nhiêu. Bác là người đi loan báo Tin Mừng cho các dân tộc khác. Bác cũng biết dừng xe và xuống xe để tiếp cận người cùng khổ, hoạn nạn, đau bệnh… với một tình yêu quảng đại và tinh thần trách nhiệm lớn lao. Thật thế, một hành động bác ái, nếu chứa đựng một biển trời yêu thương (“chạnh lòng thương” với người đau khổ, bệnh tật, bị hoạn nạn, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội…), sẽ có giá trị loan báo Tin Mừng lớn lao!

Giáo hội trong thế giới ngày nay cũng đang rất cần có những người Yao-phu như bác nông dân kia, như “Người Samarianô Tốt Lành” mới, như những Giêsu mới… hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng vì cánh đồng đã vào mùa gặt và lúa đã chín vàng, vì Lời Chúa hối thúc mọi người lên đường – “Anh em hãy ra đi…. Đừng chào hỏi ai dọc đường!” (Lc 10:3-4) – việc gặt lúa rất cấp bách, không có giờ để trì hoãn hoặc nghỉ ngơi, thăm viếng bà con họ hàng và bè bạn xa gần. Có như thế, cánh đồng chín vàng kia sẽ thu hoạch được đầy ắp lúa tốt; bằng không, lúa vàng sẽ rơi rụng, hư mất, hoặc bị kẻ xấu lấy trộm, gặp tổn thất nặng nề.

Xuân Ất Mùi – 2015

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 4: Hãy là một mục tử

Thực tại bị biến thành trừu tượng. Những cách tiếp cận uyên bác nhưng lại …

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 3: Phương thuốc giải độc

Khi đến lúc phải tìm kiếm một phương thuốc và sự giúp đỡ để chống …

Một bình luận

  1. Xin Cảm ơn Ad. Nhưng sao khó quá!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *